Bị bệnh gút không nên ăn rau gì? Có nên ăn rau ngót, muống, mồng tơi không?

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì chế độ ăn cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh gout. Những người bệnh gout thường được khuyên nên bổ sung nhiều rau và hoa quả. Vậy bệnh gút không nên ăn rau gì và bệnh gút nên ăn rau gì?

1. Bệnh gút là gì?

Gút là một loại viêm khớp gây đau, viêm, sưng đột ngột ở khớp. Bệnh xảy ra khi có sự dư thừa hàm lượng acid uric trong máu. Khi nồng độ của acid uric tăng cao, các tinh thể acid uric sẽ lắng đọng lại tại các khớp gây ra tình trạng viêm, sưng và đau dữ dội.

Phần lớn những người mắc bệnh gút là do cơ thể đã không thể loại bỏ acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả. Nguyên nhân bị dư thừa hàm lượng acid có thể là do yếu tố di truyền hoặc do chế độ ăn uống.

2. Tác động của thực phẩm đến bệnh gút

Một số loại thực phẩm giàu thành phần purin, là nguyên nhân dẫn đến sự tăng nồng độ của acid uric trong máu gây ra các cơn gút. Đối với người khỏe mạnh thì những thực phẩm có chứa nhiều purin không có phản ứng gây hại cho cơ thể. Tuy nhiên đối với những người bị bệnh gút, do khả năng loại bỏ acid uric dư thừa ra khỏi cơ thể không còn hiệu quả nên việc tiêu thụ quá nhiều purin sẽ làm tích trữ acid uric gây ra gút.

Vì vậy, khi đề cập đến việc phòng ngừa các cơn gút xảy ra thì việc hạn chế sử dụng những loại thực phẩm chứa nhiều purin là điều đầu tiên cần phải thực hiện.

Những thực phẩm có chứa nhiều thành phần purin có thể kể đến như: thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản, rượu bia và một số loại rau. Gần đây đã có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau có hàm lượng purin cao không làm tăng lên các nguy cơ dẫn đến mắc bệnh gút, ví dụ như thực phẩm có hàm lượng purin cao có nguồn gốc từ động vật, ít có khả năng kích hoạt các cơn gút, tuy nhiên người bệnh cũng cần hạn chế sử dụng các loại rau này để tránh làm tăng lượng acid uric trong máu không mong muốn.

3. Bệnh gút nên ăn rau gì?

Hầu hết các loại rau đều chứa rất thấp hàm lượng purin nhưng rất giàu chất xơ, Vitamin A, C và khoáng chất canxi, sắt,...Việc cung cấp đầy đủ rau trong chế độ ăn giúp người bệnh có một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng hơn, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình điều trị.

4. Bệnh gút kiêng ăn rau gì?

Như đã đề cập ở trên, người bệnh gút cần hạn chế dùng những loại rau có chứa hàm lượng purin cao, mặc dù ít có khả năng kích hoạt các cơn gút nhưng không loại trừ khả năng có thể gây tăng lượng acid uric trong máu. Các loại thực phẩm đó bao gồm: Nấm, đậu Hà lan, rau bina, dọc mùng, giá đỗ, măng tây...

5. Bệnh gút ăn rau muống được không?

Không nên ăn nhiều rau muống ở những bệnh nhân bị đau nhức khớp, bệnh gút, huyết áp cao, viêm nhiễm đường tiết niệu thận do sỏi, cả những bệnh nhân đang có vết thương ngoài da, bởi vì rau muống kích thích sự tăng sinh tế bào gây ra tình trạng sẹo lồi. Ngoài ra, rau muống còn có một loại ký sinh trùng là sán lá ruột có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi ăn sống hoặc không được chế biến kỹ.

6. Bệnh gút ăn rau mồng tơi được không?

Mồng tơi vốn có tính mát và thanh nhiệt, nên vào mùa hè đây là loại rau được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, theo Đông y, những người bị tiêu chảy hoặc bị sỏi thận cần tránh ăn loại rau này. Vì mồng tơi là một loại rau có chứa hàm lượng purin cao, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acid uric, khi nồng độ của acid uric trong máu cao, nguy cơ có thể gây ra bệnh gút.

7. Bệnh gút có ăn được rau ngót không?

Theo đông y, rau ngót là một loại thảo dược có tính mát và giải nhiệt, chứa nhiều vitamin B1, B2, B6, Kali, Canxi, Magie nên rất tốt cho cơ thể. Người bị bệnh gút vẫn có thể sử dụng được, tuy nhiên giống như tất cả các loại thực phẩm khác, người bệnh cần sử dụng với một lượng phù hợp.

Trong quá trình điều trị bệnh gút, việc tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh gút sẽ hỗ trợ rất nhiều giúp hạn chế tối đa việc bùng phát các cơn gút. Tuy nhiên người bệnh không nên quá kiêng khem thực phẩm gì được coi là bất lợi hoặc ăn nhiều bất cứ thực phẩm gì được cho là tốt. Việc cân bằng các chất dinh dưỡng và sử dụng với lượng phù hợp mới là điều quan trọng nhất cần chú ý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan