10 điều xảy ra khi bạn ngồi cả ngày: Thâm mông, béo bụng và nguy cơ các bệnh lý khác

Hơn một nửa dân số dành trên 6 giờ mỗi ngày để ngồi. Nhiều người không biết rằng hoạt động tưởng như lành tính này có nguy cơ đe dọa tính mạng. Ngồi nhiều không chỉ khiến mông thâm và béo bụng, mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cơ thể.

1. Ngồi nhiều gây yếu chân và cơ mông

Khi ngồi cả ngày, bạn không cần sử dụng đến phần dưới cơ thể. Vốn là phần cơ bắp mạnh mẽ, nhưng nếu không được dùng đến sẽ dẫn đến hiện tượng teo cơ, tức là các cơ thân dưới của bạn sẽ yếu dần đi. Nếu cơ chân và cơ mông không đủ mạnh mẽ để giữ thân thể ổn định, bạn có nhiều nguy cơ bị chấn thương trong quá trình sinh hoạt.

2. Tăng cân

Di chuyển và vận động sẽ kích thích các cơ của bạn giải phóng các phân tử như lipoprotein lipase, giúp xử lý chất béo và đường đã nạp vào. Theo nghiên cứu, khi bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi và lười vận động, quá trình giải phóng các phân tử này sẽ giảm đi, phần thân dưới của bạn có nguy cơ bị to ra do tích tụ mỡ. Bạn cũng có nhiều nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, ngay cả khi bắt đầu tập thể dục. Một nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông dành nhiều thời gian ngồi hơn bình thường sẽ bị béo bụng. Trong khi đó, phần giữa cơ thể là nơi tích trữ chất béo nguy hiểm nhất.

ngồi nhiều
Ngồi nhiều là nguyên nhân gây tăng cân và béo bụng.

3. Đau hông, lưng và cứng vai, cổ

Giống như cơ chân và cơ mông, hông cũng như lưng của bạn sẽ bị ảnh hưởng khi ngồi nhiều. Ngồi khiến cơ hông bị gập ngắn lại và cũng có thể gây đau lưng, nhất là khi bạn ngồi sai tư thế hoặc không sử dụng ghế làm việc chuyên dụng (ghế công thái học). Hơn nữa, tư thế ngồi không tốt có thể gây chèn ép lên các đĩa đệm ở cột sống và dẫn đến thoái hóa sớm, tạo ra những cơn đau mãn tính.

Tương tự, vai và cổ của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng khi ngồi lâu, đặc biệt là khi thường xuyên gập người nhìn vào màn hình máy tính.

4. Lo lắng và trầm cảm

Ngoài những tác động thể chất, ngồi lâu cả ngày còn gây ra những tác động tinh thần mà ít người biết đến. Đặc biệt ở những người ngồi nhiều, nguy cơ mắc cả trầm cảm và lo lắng là khá cao. Nguyên nhân có thể là do người dành cả ngày để ngồi và lười vận động sẽ mất lợi ích sức khỏe tinh thần của tập thể dục. Nếu đây chính là lý do thực sự, người phải ngồi nhiều có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách vận động thể chất thường xuyên hơn.

5. Nguy cơ ung thư

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, tử cung và ruột kết. Tuy nhiên nguyên nhân của mối liên hệ này vẫn chưa được xác định rõ ràng.

6. Bệnh tim

Ngồi nhiều có thể làm tổn thương tim, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, những người đàn ông dành hơn 23 giờ mỗi tuần để xem truyền hình có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 64% so với những người đàn ông chỉ xem truyền hình trong 11 giờ. Các chuyên gia cho biết, những người ngồi nhiềunguy cơ bị nhồi máu tim hoặc đột quỵ cao hơn 147%.

7. Nguy cơ tiểu đường

Những người dành nhiều thời gian để ngồi cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng 112%. Trong một nghiên cứu xem xét tác động của việc nghỉ ngơi trên giường 5 ngày, các nhà nghiên cứu đã thấy sự gia tăng kháng insulin - tiền thân của bệnh tiểu đường.

ngồi nhiều
Ngồi nhiều cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

8. Giãn tĩnh mạch

Ngồi nhiều trong thời gian dài có thể khiến máu tụ ở chân, lâu dài dẫn đến giãn tĩnh mạch hoặc mao mạch mạng nhện (một loại mạch nhỏ hơn). Mặc dù, nhìn chung thì tình trạng này không gây hại, nhưng những tĩnh mạch bị sưng và nổi rõ lên da có thể gây mất thẩm mỹ. Trong một số trường hợp hiếm, giãn mạch có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng hơn, như cục máu đông.

9. Huyết khối tĩnh mạch sâu

Huyết khối tĩnh mạch sâu là một loại cục máu đông thường gặp nhất ở chân. Khi một phần của cục máu đông này vỡ ra, dòng máu chảy đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi có thể bị tắc nghẽn, gây ra thuyên tắc phổi. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế có thể dẫn đến các biến chứng lớn hoặc thậm chí tử vong.

10. Thâm mông

Ngoài những vấn đề sức khỏe nói trên, nhiều người cũng quan tâm ngồi nhiều bị thâm mông phải làm sao? Mông còn được gọi là “bàn tọa” vì vốn phải ngồi, nhưng vùng da ở khu vực này lại mỏng và nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi tác động xấu ngoại cảnh, khiến sắc tố da trở nên sạm đen, chai sạn và khô ráp. Vào mùa nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều, đôi khi vòng 3 còn bị nổi hạt và xuất hiện mụn. Có hai cách chính để giải quyết vấn đề này:

  • Một là dùng công nghệ cao trị thâm mông, đem lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên nhược điểm là chi phí cao và có thể bị thâm trở lại.
  • Cách thứ hai là chăm sóc da đúng cách, sử dụng sản phẩm dưỡng da đặc trị thâm mông hàng ngày, kết hợp với hạn chế thời gian ngồi, chọn ghế ngồi êm ái và trang phục chất liệu tốt. Cách này cho kết quả chậm hơn, nhưng giá thành hợp lý và an toàn hơn.

Tóm lại, ngồi nhiều có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe như những thói quen xấu khác. Theo thời gian, thói quen ngồi cả ngày và lười vận động sẽ gây ra không ít vấn đề thể chất và thẩm mỹ, cũng như ảnh hưởng lớn đến vận động.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan