Tìm hiểu tình trạng sốc sản khoa

Sốc là một tình trạng suy sụp tuần hoàn do nhiều nguyên nhân khác nhau, làm giảm hoặc ngừng cung cấp máu, oxy đến nuôi dưỡng các cơ quan đặc biệt là các cơ quan quan trọng như tim, phổi, não. Đây là tình trạng nguy hiểm đòi hỏi nhân viên y tế phải có thái độ xử trí kịp thời và tích cực mới có khả năng cứu sống người bệnh.

1. Tổng quan

Sốc trong sản khoa thường gặp là sốc mất máu trong sản khoa (băng huyết sau đẻ, sẩy thai băng huyết, chửa ngoài tử cung vỡ...) hoặc do nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn hậu sản, phá thai nhiễm khuẩn...).

Loại sốc thường gặp trong sản khoa

1.1 Sốc do mất máu

1.2 Sốc nhiễm khuẩn

Trong sản phụ khoa, sốc nhiễm khuẩn thường do:

  • Thường gặp trong những trường hợp phá thai không an toàn.
  • Sót rau sau đẻ.
  • Có viêm nhiễm ở vòi trứng và ống dẫn trứng, hoặc đường sinh dục từ trước.
  • Vỡ tử cung đến muộn.

1.3 Sốc do tắc mạch nước ối

Tắc mạch do nước ối ít gặp, có thể gặp trong đẻ thường hoặc phải can thiệp bằng fooc - xép, hoặc mổ lấy thai. Trên lâm sàng thường nổi bật ba hội chứng: Khó thở, truỵ tim mạch, rối loạn đông máu.

Mẹ bầu khó khở
Biểu hiện lâm sàng của bà bầu sốc sản khoa là vã mồ hôi, nhịp thở nhanh nóng,..

Biểu hiện lâm sàng

Mạch nhanh nhỏ (mạch thường nhanh > 110 lần/phút), có khi không đều, mạch ngoại biên không bắt được.

  • Tụt huyết áp < 90/60 mmHg.
  • Da xanh tái (quanh môi, mi mắt và lòng bàn tay).
  • Vã mồ hôi.
  • Tay chân lạnh do co mạch ngoại vi.
  • Nhịp thở nhanh nông (nhịp thở thường trên 30 lần/phút).
  • Lơ mơ, vật vã hoặc hôn mê.
  • Thiểu niệu hoặc vô niệu.
  • Tùy từng nguyên nhân gây sốc mà có biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Xử trí ban đầu

Trước một trường hợp sốc, xử trí tích cực ban đầu là rất quan trọng nhằm cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.

  • Kêu gọi mọi người đến giúp đỡ, cùng cấp cứu người bệnh.
  • Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn: Mạch huyết áp, nhịp thở, nhiệt độ.
  • Đảm bảo thông thoáng đường thở bằng cách cho người bệnh nằm tư thế đầu ngửa thấp (hoặc quay về một bên nếu người bệnh nôn).
  • Hút đờm dãi nếu người bệnh tiết nhiều đờm dãi và cho ngƣời bệnh thở oxy qua mũi với tốc độ 6-8 lít/phút. Tại tuyến xã nếu không có bình oxy có thể cho người bệnh thở oxy qua túi đựng oxy, nên cho oxy đi qua một bình chứa nước để đảm bảo đủ độ ẩm.
  • Bù khối lượng tuần hoàn bằng truyền tĩnh mạch tốc độ nhanh dung dịch đẳng trương (Ringer lactat), không nên dùng các dung dịch đường để bồi phụ lại khối lượng tuần hoàn. Trong trường hợp nguy cấp cần lập nhiều đường truyền cùng một lúc. Tốc độ truyền có thể tới 1 lít dịch trong 15-20 phút, trong giờ đầu tiên phải truyền được 2 lít dịch. Cố gắng bồi phụ dịch với tốc độ nhanh trong trường hợp sốc do chảy máu, khối lượng dịch bù vào cần gấp 2-3 lần khối lượng máu đã mất.
  • Trong trường hợp băng huyết phải bằng mọi cách cầm máu ngay lập tức và cân nhắc truyền máu cho người bệnh. Việc quyết định truyền máu hay không chủ yếu dựa vào lâm sàng và xét nghiệm hemoglobin < 50g/lít.
  • Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn 15 phút/lần.
  • Xét nghiệm công thức máu, chức năng gan thận, các yếu tố đông máu...
  • Trong trường hợp sốc do nhiễm khuẩn cần cấy máu, cấy sản dịch tìm nguyên nhân gây bệnh sau đó dùng ngay kháng sinh phổ rộng và kết hợp kháng sinh, khi đã có kháng sinh đồ thì dùng thuốc theo kháng sinh đồ.

Xử trí theo nguyên nhân gây sốc

Sau khi điều trị ban đầu người bệnh đã ổn định thì tiến hành xác định nguyên nhân gây sốc.

Sốc do mất máu

  • Xác định nguyên nhân chảy máu và xử trí cầm máu ngay lập tức: Có thể chảy máu do sẩy thai, sẩy thai trứng hoặc do thai ngoài tử cung vỡ. Cũng có thể chảy máu trong những tháng cuối thời kỳ thai nghén hay trong chuyển dạ nhƣ rau tiền đạo, rau bong non, vỡ tử cung, sang chấn đường sinh dục sau đẻ hay đờ tử cung gây băng huyết. Trong các trường hợp này phải nhanh chóng hoặc bằng thuốc hoặc bằng thủ thuật hay phẫu thuật để cầm máu.
  • Truyền máu càng sớm càng tốt bù đắp lại khối lượng tuần hoàn đã mất.
  • Trợ tim mạch: Dopamin truyền tĩnh mạch
  • Chống rối loạn đông máu bằng dùng các thuốc chống tiêu fibrine và các chế phẩm máu.

Sốc do nhiễm khuẩn và nhiễm độc

  • Tiêm bắp kháng sinh phối hợp liều cao (có thể ampicilin 1g và gentamycin 160 mg), hồi sức tích cực ban đầu và chuyển tuyến trên.
  • Thở oxy, truyền dịch.
  • Trợ tim.
  • Kháng sinh liều cao phối hợp và theo kháng sinh đồ.
  • Xử trí nguyên nhân nhiễm khuẩn: Dẫn lưu ổ mủ, loại bỏ ổ nhiễm khuẩn (cắt tử cung).

2. Phòng ngừa

Mang thai
Không nên để sản phụ làm việc đến tận ngày đẻ
  • Phải làm cho sản phụ an tâm, ít lo lắng trong những ngày gần sinh và trong thời gian chuyển dạ.
  • Không nên để sản phụ làm việc đến tận ngày đẻ.
  • Nên áp dụng các phương pháp giảm đau trong khi đẻ như tập luyện theo phương pháp đẻ không đau, gây tê tại chỗ thần kinh thẹn, gây tê vùng đuôi ngựa, cho sản phụ thở oxy một khi chuyển dạ lâu, đẻ khó.
  • Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu nên gây mê nội khí quản với tỷ lệ oxy ít nhất 60%.
  • Chú ý tư thế sản phụ, nếu nằm ngửa mà huyết áp tụt thì phải chuyển nằm nghiêng ngay. Đề phòng trào ngược đối với những sản phụ mới ăn no.
  • Phải phát hiện sớm và điều trị tích cực những trường hợp bị nhiễm độc thai nghén hoặc các bệnh van tim.
  • Phải cho sản phụ chất sắt trong thời gian thai nghén, nếu sản phụ thiếu máu nặng (hồng cầu dưới 3 triệu, huyết cầu tố dưới 10g/100ml).
  • Ở đây không dựa vào hematocrit, vì không chính xác. Phải truyền máu nhưng phải có chuẩn bị trước.
  • Phải chọn máu mới lấy và khi lấy người cho máu nhịn đói, không có viêm gan virus, dùng máu cùng nhóm (thử chéo 2 lần).
  • Phải cho sản phụ thuốc lợi tiểu (lasix x 20mg), cho tiểu trước một khối lượng nước ít nhất 500ml rồi mới bắt đầu truyền máu. Cứ 500ml nước tiểu ra thì truyền vào 250ml máu. Để tránh nguy cơ truyền quá nhiều, cho nên không được truyền một khối lượng nhiều cùng một lúc. Trong hoàn cảnh quá cấp bách cũng chỉ nên truyền không quá 500ml máu (nếu bệnh nhân không bị chảy máu) và nên truyền riêng hồng cầu (bỏ lại huyết tương).
  • Không nên thăm khám thai qua âm đạo quá nhiều khi không cần thiết. Mỗi khi khám phải rửa tay, mang găng tay vô khuẩn.
  • Phát hiện sớm và kịp thời mọi biểu hiện có nhiễm khuẩn.
Khám thai
Không nên thăm khám thai qua âm đạo quá nhiều khi không cần thiết

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

804 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan