Núm vú có đốm trắng khi cho con bú có đáng ngại ?

Những mẹ bầu đang cho con bú có thể lo ngại khi phát hiện trên núm vú có đốm trắng. Tuy nhiên, các đốm trắng trên núm vú và quầng vú không phải là vấn đề đáng lo ngại trong hầu hết các trường hợp. Các thông tin về nguyên nhân và các xử trí tình trạng đầu núm vú có đốm trắng sẽ hỗ trợ cho các mẹ bầu trong quá trình cho con bú.

1. Thông tin chung

Các đốm trắng thường là do lỗ chân lông ở núm vú bị tắc ở những bà mẹ đang cho con bú hoặc do phản ứng bình thường với sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.

Các nguyên nhân gây ra đốm trắng trên núm vú bao gồm:

  • Thay đổi Hormone trong khi mang thai.
  • Lỗ chân lông và ống dẫn sữa bị tắc.
  • Tình trạng nhiễm trùng.
  • Các nguyên nhân hiếm gặp: Bệnh bạch biến, bệnh Paget.

2. Mang thai và sự thay đổi hormone

Các tuyến Montgomery là những tuyến nằm ở núm vú và quầng vú, các tuyến này sẽ thay đổi đáng kể về kích thước và số lượng và xuất hiện rõ ràng hơn do quá trình mang thai và thay đổi hormone gặp trong chu kỳ kinh, mãn kinh, sử dụng thuốc tránh thai,... Sự thay đổi về kích thước và số lượng các tuyến Montgomery có thể nhìn thấy trên núm vú và quầng vú là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất. Khi đó, mẹ bầu sẽ thấy quầng vú và núm vú có đốm trắng, cảm giác có hạt khi chạm vào.

Tuyến Montgomery sản sinh chất nhờn, giúp bôi trơn và giúp giữ cho núm vú mềm mại. Một số nhà khoa học tin rằng mùi của chất nhờn này khuyến khích trẻ nhỏ bú và giúp trẻ định vị núm vú khi mới bắt đầu bú mẹ.

Các nốt Montgomery là vô hại và không cần điều trị khi chúng thay đổi hoặc tăng số lượng. Mẹ bầu không nên nặn những nốt mụn này vì có thể gây nhiễm trùng.

3. Lỗ chân lông và ống dẫn sữa ở núm vú bị tắc

Lỗ chân lông ở núm vú là lỗ mở của ống dẫn sữa ở núm vú để dẫn đến các nang tuyến sữa trong vú, nơi cơ thể phụ nữ dự trữ sữa. Khi bà mẹ cho con bú, các lỗ chân lông và ống dẫn sữa ở núm vú đôi khi có thể bị tắc do sữa. Các triệu chứng và phương pháp điều trị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào khoảng thời gian chúng bị tắc nghẽn.

3.1. Triệu chứng

  • Lỗ chân lông bị tắc: Khi lỗ chân lông ở núm vú bị tắc, một đốm trắng có thể xuất hiện trên núm vú. Lỗ chân lông bị tắc có thể gây đau nhưng thường được thông bằng cách hút hoặc thông trong lần bú tiếp theo của bé.
  • Mụn sữa: Khi da phát triển đè lên đường ra của lỗ chân lông bị tắc, có thể hình thành một vết phồng rộp nhỏ màu trắng gọi là mụn sữa ở núm vú khi cho con bú. Sau đó, khu vực xung quanh đốm trắng thường bắt đầu đỏ và viêm.
  • Ống dẫn sữa bị tắc: Khi lỗ chân lông ở núm vú vẫn bị tắc, ống dẫn sữa dẫn từ buồng sữa cũng có thể bị tắc và viêm. Một khối u và hiện tượng sưng tấy thường hình thành dưới lỗ chân lông ở núm vú bị tắc. Mức độ đau tăng lên và việc cho con bú có thể trở nên rất khó khăn. Một ống dẫn bị tắc có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như viêm vú và áp xe vú nếu nó không được điều trị nhanh chóng.

3.2. Xử trí

Các cách xử trí tắc ống dẫn sữa tại nhà:

  • Đặt một miếng gạc ấm lên vú và núm vú trước khi cho con bú.
  • Chườm lạnh sau khi cho bú để giảm bớt sự khó chịu.
  • Tắm vòi sen nước ấm và dùng khăn chà nhẹ lên núm vú bị tắc.
  • Xoa bóp, massage vú và núm vú cẩn thận vì chúng dễ bị bầm tím.
  • Vắt sữa bằng tay trước khi cho con bú để làm mềm vú.
  • Hướng dẫn cho trẻ bú từ vú bị bị tắc trước.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau không Steroid (NSAIDs) như Acetaminophen để giảm đau.

Thông thường, ống dẫn sữa bị tắc có thể tự thông trở lại khi hút bằng máy, massage vú hoặc khi cho bé bú trong lần tiếp theo. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không cải thiện, bà mẹ nên báo cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh để được xử trí kịp thời.

3.3. Dự phòng

Một số cách đơn giản để giúp ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông và ống dẫn sữa ở núm vú. Bao gồm:

  • Đảm bảo rằng mỗi bên vú được làm trống hoàn toàn trong khi cho con bú trước khi đổi sang vú bên kia.
  • Đảm bảo rằng bé ngậm bắt vú đúng.
  • Mặc áo ngực vừa vặn hoặc rộng rãi, tránh áo ngực có gọng và dây buộc quá chặt, tránh mặc quần áo chật.
  • Thay đổi vị trí của trẻ trên vú mỗi lần bú.

Bà mẹ và người thân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có bất kỳ các dấu hiệu sau:

  • Vú đỏ hoặc viêm.
  • Thể trạng không khỏe, cảm thấy khó chịu ở vú.
  • Sốt cao.
  • Lo lắng về các triệu chứng.

4. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là tình trạng ít gặp, tuy nhiên nó vẫn là nguyên nhân gây ra các đốm trắng trên núm vú. Nhiễm trùng có thể do nấm, vi rút hoặc vi khuẩn. Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng ở núm vú, nhưng những bà mẹ đang cho con bú và những người bị suy giảm khả năng miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

4.1. Nhiễm nấm

Nhiễm nấm, đặc biệt là nấm Candida thường phổ biến nhất ở âm đạo. Trẻ sơ sinh trong thời gian chuyển dạ và sinh ngã âm đạo có thể phát triển nấm trong miệng và sau đó lây nhiễm sang vùng da bị tổn thương ở núm vú của mẹ khi cho con bú.

Các triệu chứng của nhiễm nấm ở vú bao gồm phát ban trắng (đốm trắng), sau đó là da đỏ, đau và viêm ở núm vú.

Xử trí: Đối với nhiễm nấm , mẹ và bé được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

4.2. Virus Herpes

Virus Herpes simplex gây ra bệnh mụn rộp. Herpes là một bệnh lây truyền qua đường tình dục mà người mẹ có thể truyền sang miệng và mắt của trẻ sơ sinh trong quá trình sinh nở. Sau đó, trẻ sơ sinh có thể lây virus sang vú của người mẹ qua quá trình cho con bú. Các triệu chứng của mụn rộp là các mụn nước chứa đầy dịch lỏng, đóng vảy ở vùng núm vú khi chúng vỡ ra.

Xử trí: Mụn rộp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của em bé, vì vậy việc điều trị nhanh chóng là rất quan trọng. Các bác sĩ thường chỉ định một tuần thuốc kháng vi-rút cho cả mẹ và con.

4.3. Áp xe dưới quầng vú

Áp xe dưới quầng vú là sự tích tụ mủ trong mô vú do nhiễm trùng do vi khuẩn. Tình trạng này không phổ biến và thường là kết quả của bệnh viêm vú được điều trị kém. Những áp xe này không phải lúc nào cũng liên quan đến việc cho con bú và cũng có thể do vi khuẩn xâm nhập vào mô vú qua vết thương, chẳng hạn như mụn trứng cá hoặc vết thương hở ở núm vú.

Các triệu chứng của áp xe dưới quầng vú bao gồm mô vú xuất hiện một cục u gây đau, vùng da bị đổi màu và sưng lên.

Xử trí: Áp xe dưới quầng vú thường được khởi đầu điều trị với một đợt kháng sinh. Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng, cần phải phẫu thuật để dẫn lưu mủ ra khỏi mô vú hoặc cắt bỏ hoàn toàn ống dẫn sữa.

5. Các nguyên nhân hiếm gặp khác

Các nguyên nhân khác gây ra các đốm trắng trên núm vú ít phổ biến hơn bao gồm:

  • Bạch biến: Một rối loạn tự miễn gây phá hủy các tế bào sắc tố của cơ thể.
  • Bệnh Paget: Là bệnh ung thư vú rất hiếm gặp, các triệu chứng tương tự như bệnh chàm, xuất hiện đầu tiên quầng vú và núm vú.

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú là nguyên nhân phổ biến của tình trạng xuất hiện đốm trắng trên núm vú và quầng vú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các đốm trắng này có thể do nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân nghiêm trọng khác. Trong trường hợp bà mẹ và người thân lo lắng về bất ký bất thường nào của vú, nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh để được tham khảo những lời khuyên của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

52.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan