Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh là một bệnh cấp tính, có thể dẫn tới suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

1. Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh nguy hiểm như thế nào?

Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh là một bệnh cấp tính do vi khuẩn lưu hành trong máu, gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, làm suy đa phủ tạng, sốc nhiễm khuẩn. Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường là E.coli, liên cầu khuẩn, Listeria, Klebsiella, tụ cầu khuẩn, Pseudomonas,... Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng máu ở trẻ là: Đẻ non, nhẹ cân; mẹ bị sốt, nhiễm trùng trước khi sinh; thời gian vỡ ối trên 12 giờ trước sinh; nước ối bẩn, đục và có mùi hôi; có hồi sức lúc đẻ,...

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra sớm nhưng cũng có thể xảy ra muộn từ 1 - 2 tuần sau khi trẻ ra đời. Trẻ vừa chào đời dễ bị nhiễm trùng sơ sinh vì điều kiện sinh sản (dụng cụ, môi trường, bản thân người đỡ đẻ) không đảm bảo yếu tố vệ sinh dễ khiến vi trùng đi qua da, dây rốn vào máu, lan tràn khắp cơ thể, trong đó có não, gây viêm não - màng não, dễ để lại di chứng kể cả khi đã được điều trị tích cực. Tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn huyết chiếm khoảng 20 - 50% các trường hợp mắc bệnh và đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng máu có nguy hiểm không? Trong đó, sốc nhiễm khuẩn là biểu hiện nặng của nhiễm khuẩn huyết.

2. Triệu chứng nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh

Nếu có nhiều dấu hiệu dưới đây cùng lúc, trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng huyết:

  • Dấu hiệu của suy thai;
  • Nhịp thai nhanh, nước ối có màu phân su;
  • Rối loạn thân nhiệt: Sốt (trên 38 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (dưới 35 độ C);
  • Tiêu hóa: Bỏ bú, nôn, chướng bụng, tiêu chảy, gan lách to, xuất huyết tiêu hóa;
  • Hô hấp: Khó thở, thở rên, thở nhanh, co kéo lồng ngực, tím tái, có thể ngừng thở;
  • Tuần hoàn: Mạch nhanh, da xanh tím, nổi vân tím, da lạnh, nổi ban, xuất huyết, có nốt phỏng mủ, có thể sốc nhiễm trùng;
  • Thần kinh: Li bì hoặc kích thích, co giật, run rẩy, có thể hôn mê, liệt, rối loạn trương lực cơ. Thóp phồng nếu có viêm màng não mủ;
  • Da: viêm tấy lan tỏa hoặc viêm loét mủ nhiều;
  • Phù cứng bì, suy thận cấp hoặc tiểu ít nếu nhiễm trùng nặng.

Tùy loại vi khuẩn xâm nhập vào máu, trẻ sẽ có các biểu hiện lâm sàng sớm hoặc muộn khác nhau, tiên lượng bệnh và phương pháp điều trị khác nhau. Nếu trẻ bị nhiễm trùng máu do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B thì triệu chứng thường xuất hiện sau khi sinh 3 - 4 giờ hoặc muộn nhất là sau sinh 1 - 2 tuần với các biểu hiện của viêm phổi, viêm màng não mủ như ngừng thở, hạ huyết áp,... Nếu trẻ bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu thì thường có biểu hiện ở xương và da (viêm da nhiễm trùng).

Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ
Trẻ bị viêm da, mủ nhiều

3. Chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh

  • Xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu;
  • Chụp X-quang phổi;
  • Soi cấy máu;
  • Cấy dịch các ổ nhiễm trùng: Da, rốn, phân, nước tiểu;
  • Chọc tủy sống nếu nghi ngờ viêm màng não, từ đó xét nghiệm tế bào, protein, đường, muối trong dịch não tủy.

4. Cách xử trí nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh

4.1 Dùng kháng sinh

Dùng kháng sinh ngay khi nghi ngờ trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng huyết. Thường sử dụng kháng sinh phổ rộng, phối hợp 2 loại kháng sinh hoặc dựa trên loại vi khuẩn mà trẻ bị nhiễm để sử dụng kháng sinh phù hợp theo kháng sinh đồ.

  • Nếu trẻ chưa được điều trị kháng sinh: Ampicillin với liều 100mg/kg/24 giờ và Gentamicin với liều: 5mg/kg/24 giờ;
  • Nếu trẻ đã được điều trị ở tuyến dưới với thuốc trên nhưng không đỡ, cần phối hợp Tacefoxym với liều 100mg/kg/24 giờ và Amikacin với liều 15mg/kg/24 giờ;
  • Khi có kết quả kháng sinh đồ: Điều trị theo kháng sinh đồ;
  • Thời gian điều trị kháng sinh 10 - 15 ngày và đến khi có kết quả cấy máu (-) hết các dấu hiệu lâm sàng của nhiễm trùng huyết. Trong trường hợp nhiễm trùng máu có kèm theo viêm màng não mủ, thời gian dùng kháng sinh đặc trị kéo dài ít nhất 3 tuần.

4.2 Điều trị hỗ trợ

  • Chống suy hô hấp;
  • Nuôi dưỡng đầy đủ;
  • Bồi phụ điện giải, nước, thăng bằng toan kiềm nếu có rối loạn;
  • Chống sốc nếu có.

Lưu ý: Tiến hành xử trí cấp cứu nếu bệnh nhi có rối loạn thân nhiệt, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, co giật, viêm màng não mủ, đông máu nội mạch lan tỏa, rối loạn đông máu, mất thăng bằng kiềm toan, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nước và chất điện giải,...

5. Phòng ngừa nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh liên quan nhiều tới điều kiện và môi trường nuôi dưỡng trẻ, thời gian vỡ ối, thời gian chuyển dạ, tình trạng can thiệp trong lúc sinh,... Vì vậy, để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này ở trẻ, các bà mẹ cần lưu ý:

  • Nâng cao kiến thức về chăm sóc thai nghén, khám thai định kỳ;
  • Nếu có viêm nhiễm âm đạo hoặc bệnh lây qua đường tình dục cần chữa trị triệt để trước khi mang thai;
  • Lựa chọn bệnh viện uy tín khi sinh, dụng cụ đỡ đẻ phải được tiệt trùng, người đỡ đẻ phải đảm bảo vệ sinh;
  • Nếu thai phụ vỡ ối sớm phải sử dụng ngay kháng sinh để phòng ngừa nhiễm khuẩn;
  • Khi chăm sóc trẻ sơ sinh phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn để tránh làm lây lan và tái nhiễm vi khuẩn cho trẻ; dùng tã lót và áo mũ sạch sẽ.
Nhiễm trùng huyết sơ sinh có thể ảnh hưởng tính mạng trẻ
Rửa tay sạch sẽ, dùng tã lót và áo mũ sạch sẽ cho trẻ sơ sinh

Nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh có thể gây nhiều biến chứng khó lường, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhi. Vì vậy, khi thấy trẻ có triệu chứng nhiễm trùng máu, cha mẹ cần đưa tới bệnh viện ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiệu quả, hạn chế nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhi sẽ được thăm khám và điều trị các bệnh về nhiễm trùng hô hấp và nhiễm khuẩn huyết trong không gian vô trùng, yên tĩnh giúp trẻ mau phục hồi bệnh.

Dụng cụ y tế được sát khuẩn, trang thiết bị hệ thống phòng khám và hệ thống phòng nội trú đạt tiêu chuẩn quốc tế được bố trí tại bệnh viện theo từng khu vực chuyên biệt

Đội ngũ bác sĩ tận tâm với bề dày kinh nghiệm đến từ các bệnh viện Nhi của Việt Nam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan