Ăn ngọt đồ giảm đau bụng kinh?

Đau bụng kinh là một tình trạng thường gặp khi hành kinh gây khó chịu cho phái nữ. Chính bởi sự phiền toái này mà nhiều chị em đã truyền tai nhau về việc ăn đồ ngọt để giảm đau bụng kinh. Tuy nhiên, lại có nhiều nữ giới hoài nghi và đặt câu hỏi rằng liệu ăn đồ ngọt có giảm đau bụng kinh được không?

1. Thông tin chung về đau bụng kinh

Đau bụng kinh hay đau bụng khi đến tháng là những cơn đau dạng co thắt, quặn từng cơn ở vùng bụng dưới và thường xuất hiện ngay trước và trong khi hành kinh. Về mặt sinh lý, đa phần phụ nữ có triệu chứng đau bụng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình trong khi hành kinh.

Tuy nhiên, tình trạng đau bụng kinh dữ dội và kéo dài thường liên quan đến những bất thường như hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD), các bệnh lý phụ khoa như u nang cơ tử cung, u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, dụng cụ tránh thai trong tử cung...

2. Ăn đồ ngọt có giảm đau bụng kinh không ?

Hiện nay, không có nghiên cứu khoa học nào trên thế giới chứng minh ăn đồ ngọt hay thực phẩm có đường có thể giúp điều trị và làm giảm đi hiện tượng đau bụng kinh. Ngược lại nó còn có thể làm các cơn đau trở nên trầm trọng hơn và cũng gây nên những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Những tác hại đó bao gồm :

2.1 Làm tăng mức độ và làm trầm trọng hơn các cơn đau bụng kinh

Thông thường khi bắt đầu có kinh, các tế bào nội mạc tử cung sẽ tạo thành lớp niêm mạc tử cung, các lớp niêm mạc này sản xuất một lượng lớn hoạt chất Prostaglandin. Prostaglandin là một trong những chất trung gian mạnh gây tăng lưu lượng máu, co thắt mạch máu, đông máu, đau, điều hòa hóa học (tín hiệu hóa học triệu tập các tế bào bạch cầu), và rối loạn chức năng của các mô và cơ quan sau đó. Khi lớp niêm mạc này bị phá vỡ trong giai đoạn hành kinh, các chất Prostaglandin sẽ được giải phóng. Chúng làm co mạch máu trong tử cung và làm cho lớp cơ trơn tử cung co lại, gây ra những cơn đau quặn thắt. Hoạt chất Prostaglandin cũng đi vào máu, gây nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau nhức cơ bắp. Trên thực tế, tất cả các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc sản xuất quá mức các Prostaglandin. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ Prostaglandin ở phụ nữ bị đau bụng kinh cao hơn so với phụ nữ ít hoặc không bị đau.

Khi ăn các loại đồ ngọt, thực phẩm nhiều đường,cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều loại hóa chất gây viêm, bao gồm cả Prostaglandin, như một phản ứng đối với việc tăng lượng đường trong máu. Đây là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân độc hại và miễn là chúng còn tồn tại, các chất Prostaglandin sẽ tiếp tục được sản xuất và thêm vào quá trình viêm. Từ đó, nồng độ Prostaglandin đã cao trong khi hành kinh nay lại càng tăng do sự đáp ứng của cơ thể với đồ ngọt, làm các cơn đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn. Nói cách khác, đường là chất có thể làm tăng nồng độ Prostaglandin trong cơ thể, vì thế chị em cần tránh ăn đồ ngọt và các thực phẩm có nhiều đường trong thời gian trước và trong khi hành kinh.

2.2 Gây rối loạn nội tiết tố

Về mặt sinh lý, cảm giác thèm ăn đồ ngọt thường là do sự thay đổi của các Hormone trong cơ thể người phụ nữ. Trước khi giai đoạn hành kinh, cơ thể bắt đầu có sự sụt giảm nồng độ Hormone Progesterone và tăng Estrogen, điều này có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống. Khi lượng đường trong máu giảm, não sẽ gửi tín hiệu để bổ sung lượng đường cho cơ thể và do đó cảm giác thèm ăn đồ ngọt xảy ra. Tình trạng thèm ăn đồ ngọt cũng có thể liên quan đến sự thay đổi của Hormone Serotonin. Phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), thường có lượng Hormone Serotonin thấp hơn mức cần thiết, điều này này có thể gây ra cảm giác thèm ăn đường.

Tuy nhiên, khi chế độ ăn quá nhiều đường vào trước hoặc trong thời gian hành kinh có thể làm thay đổi nồng độ hormone Progesterone và Estrogen, từ đó gây rối loạn nội tiết, yếu tố gián tiếp làm các cơn đau bụng kinh hình thành.

2.3 Làm tăng các triệu chứng đi kèm với đau bụng kinh

Tiêu thụ thực phẩm có đường hoặc đồ ngọt có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến và tuyến tụy tiết ra nhiều hormone Insulin hơn. Vài giờ sau, lượng đường trong máu sẽ bắt đầu giảm nhanh chóng, khiến cơ thể người phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, cáu kính, thay đổi tâm trạng.

2.4 Giảm cảm giác thèm ăn

Khi ăn đồ ngọt, lượng đường trong máu sẽ bắt đầu tăng, cơ thể sẽ truyền các dẫn truyền thần kinh đến não với thông điệp là ‘tôi đã no’ và không cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng nào cả. Điều này làm chị em giảm cảm giác thèm ăn, trong khi thực chất cơ thể lại chưa bổ sung thêm bất kỳ dinh dưỡng gì thêm. Hậu quả của quá trình này là cơ thể sẽ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng.

3. Những món ăn giảm đau bụng kinh

  • Trái cây: Các loại trái cây với hàm lượng đường tự nhiên phù hợp với cơ thể như lê, chuối, táo, dứa, kiwi... không chỉ giúp chị em giảm cơn thèm đồ ngọt mà còn giúp bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể vào những ngày “đèn đỏ”.
  • Rau lá xanh: Lựa chọn những loại rau lá xanh đậm có thể cung cấp cho cơ thể nhiều các khoáng chất như sắt, magie, chất xơ... Các chất này có thể giúp dự phòng tình trạng thiếu máu thiếu sắt, rối loạn tiêu hóa trong quá trình hành kinh.
  • Gừng: Loại thực phẩm này có tác dụng giảm đau, giảm buồn nôn. Tuy nhiên, chị em không nên lạm dụng gừng vì mùi hăng của gừng có thể gây khó chịu, đồng thời sử dụng quá nhiều gừng còn gây ợ nóng, đau bụng.
  • Thịt gà: Trong thịt gà có nhiều protein và sắt là những chất rất tốt cho phụ nữ, nhất là vào những ngày “đèn đỏ”.
  • Cá, hải sản: Chứa nhiều protein, axit béo Omega-3, sắt, Vitamin D...rất tốt cho phụ nữ trong những ngày hành kinh. Omega-3 giúp chị em giảm các cơn co bóp tử cung, trong khi Vitamin D sẽ giúp hấp thụ được Canxi tốt hơn. Ngoài ra, các loại thực phẩm này còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, tránh lo âu, cáu gắt, chán nản...
  • Các loại đậu: Có thể bổ sung cho cơ thể những chất cần thiết như sắt, magie, chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa và làm giảm đau bụng trong những ngày kinh nguyệt.
  • Socola đen: Thành phần chứa nhiều Magie và chất xơ, các chất hỗ trợ lưu thông máu và sản xuất thêm máu bổ sung cho tình trạng mất máu trong những ngày hành kinh.
  • Sữa chua: Ăn sữa chua có giảm đau bụng kinh rất tốt vì trong loại thực phẩm này có chứa nhiều chất khoáng cần thiết như Calci, Probiotic, Axit Lactic, Vitamin A, Vitamin C, Vitamin D... vừa có tác dụng làm giãn cơ trơn tử cung, giảm các rối loạn tiêu hóa, vừa có khả năng tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Đau bụng vào những ngày hành kinh là một triệu chứng rất phổ biến, nhưng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ. Trong những ngày này, chị em cần hạn chế sử dụng đồ ngọt và những thức ăn chứa đường khác để tránh gặp phải những ảnh hưởng trong giai đoạn “đèn đỏ”. Ngoài ra, việc tránh và bổ sung thêm các loại thực phẩm khác cũng góp phần hỗ trợ giảm tình trạng đau bụng kinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan