Hướng dẫn theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau sinh tại nhà

Bài viết của ThS.BS Huỳnh Vưu Khánh Linh - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Cơ thể người phụ nữ sau khi sinh sẽ phải trải qua rất nhiều thay đổi lớn. Việc chăm sóc sau sinh rất quan trọng để bà mẹ có thể nhanh chóng trở về trạng thái bình thường và phục hồi sức khỏe.

1. Vệ sinh vùng kín đúng cách sau sinh

Quá trình sinh con khiến âm đạo người mẹ bị tổn thương. Đầu thai nhi khi đi qua ống đẻ chắc chắn sẽ dẫn đến đau và khó chịu ở vùng dưới. Vậy cần vệ sinh vùng kín sau sinh để đảm bảo tốt cho sức khỏe bà mẹ sau sinh.

  • Mẹ không nên đặt bất cứ vật gì vào bên trong âm đạo trong vòng 6 tuần đầu sau sinh, không dùng tampon, thụt rửa, đi bơi trong thời gian này
  • Không quan hệ vợ chồng cho đến khi bạn đã tái khám hậu sản trong vòng 6 tuần đầu sau sinh và được bác sĩ tư vấn
  • Hàng ngày, bạn cần vệ sinh vùng kín bằng nước ấm để tránh viêm nhiễm. Không nên kiêng tắm gội. trường hợp không thể tắm, bạn vẫn nên lau khô người bằng nước ấm l và thay quần áo hàng ngày.
  • Sau khi đi tiêu, đi tiểu, bạn nên làm sạch tầng sinh môn nhẹ nhàng bằng vòi xịt hoặc bình xịt nhỏ trước. Sau đó, lau khô lại nhẹ nhàng bằng giấy vệ sinh. Chú ý lau theo chiều từ trước ra sau, tránh vi khuẩn từ hậu môn có thể lây ra âm đạo.
  • Nếu bạn sinh thường và có cắt tầng sinh môn, vết khâu sẽ lành và ổn định sau vài tuần. Để giảm đau hoặc các triệu chứng khó chịu, bạn có thể dùng các chế phẩm giảm đau dạng đặt hậu môn hoặc thuốc gây tê dạng xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bạn cũng có thể xông thảo dược hoặc ngâm tầng sinh môn trong nước ấm 2-3 lần trong ngày, mỗi lần khoảng 5-10 phút, trong vòng 1-2 tuần ...
  • Bạn nên thay băng vệ sinh cứ 3-4 giờ/ lần. Mỗi lần thay băng bạn nên dùng nước ấm làm sạch bên ngoài vùng kín, lau khô nhẹ nhàng rồi mới dùng băng vệ sinh.
  • Nên mặc quần áo rộng rãi, sử dụng các chất liệu thấm hút mồ hôi và thoáng mát càng tốt. Mặc quần áo bó sát sẽ khiến vết khâu bị cọ xát, có thể làm chảy máu,
  • Tập bài tập Kegel, giúp tăng lưu thông máu đến vùng tầng sinh môn, giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành hơn. Ngoài ra, bài tập Kegel các cơ vùng đáy chậu khỏe mạnh, có sức chống đỡ dẻo dai hơn. Bạn hãy bắt đầu bằng động tác đơn giản là nín tiểu chừng 10 giây, sau đó thả lỏng, lặp lại động tác này trong 20 lần sẽ có hiệu quả.

2. Chăm sóc sau sinh tử cung sau sinh

Sau sinh, tử cung vẫn còn cao trên khớp mu 13 cm, trung bình mỗi ngày tử cung co hồi 1 cm, ngày đầu có thể co nhanh hơn 2 - 3 cm và sau sinh 12 - 13 ngày không sờ thấy đáy tử cung trên khớp vệ. Trong quá trình tử cong co để dần trở về kích thước và vị trí ban đầu, bạn có thể có cảm giác đau. Việc co hồi tử cung cũng giúp làm giảm ra máu âm đạo.

  • Nếu thấy đau, co thắt nhiều bạn có thể liên hệ với bác sĩ để xin tư vấn sử dụng thuốc giảm đau dạng uống nhằm giảm đau do co thắt.
  • Không được chườm nóng lên tử cung vì có thể việc chườm nóng làm tử cung co hồi kém, dễ gây băng huyết.
  • Nếu bạn mổ lấy thai, bạn cần giữ vết mổ sạch và khô. Nếu vết mổ sưng, đỏ, đau, rỉ dịch, rỉ mủ nên liên hệ lại bác sĩ.
  • Không được khiêng vác vật nặng trong 2-4 tuần đầu tiên sau sanh.

3. Chăm sóc vú sau sinh

Sữa non sẽ về trong 3 ngày đầu, sau đó, sữa trưởng thành về sau khi 3-5 ngày. Mẹ cho bé bú sớm sẽ kích thích việc tiết sữa và ngừa tắc tuyến sữa

  • Nếu tuyến sữa của bạn bị tắc, bạn chườm lên 2 vú bằng chiếc khăn sữa ấm giúp các ống tuyến vú giãn nỡ và sữa dễ xuống hơn. Mat-xa vú sau đó rồi cho bé bú. Giữa các cữ bú, bạn có thể chườm vú bằng khăn lạnh để vú giảm căng, sưng.
  • Bạn có thể tăng nhẹ thân nhiệt (dưới 38oC) khi căng sữa. Khi đó bạn có thể sử dụng Paracetamol để giảm đau và hạ sốt, giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu.
  • Nếu vú có những vùng sưng, nóng, đỏ, đau bạn nên liên hệ bác sĩ vì đó có thể là triệu chứng của nhiễm trùng. Tiếp tục cho bé bú, ngay cả khi vú nhiễm trùng để giúp tia sữa thông thoáng. Sữa của bạn sẽ không gậy hại cho bé.
  • Chú ý giữ núm vú sạch và khô. Rửa với xà phòng nhẹ và rửa sạch bằng nước nếu bạn thấy núm vú bị nứt, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Bạn có thể dùng kem trị nứt đầu vú chứa lanolin (Purelan cream) thoa núm vú sau bé bú. Bạn không cần rửa sạch kem trước khi cho bé bú.
  • Mặc loại áo nâng ngực phù hợp với người cho con bú. Bạn có thể bị chảy sữa núm vú, vì vậy hãy sử dụng thêm miếng lót thấm sữa trong áo nâng ngực.
  • Khi cho con bú, bạn cần tăng thêm 200-300 calories trong thức ăn hàng ngày bằng cách bổ sung các thực phẩm cần thiết. Hãy ăn các thực phẩm giàu canxi (Rau cải lá xanh đậm, sữa, yogurt...), ăn thêm chất xơ và protein (thịt, cá, trứng, hạt...)
  • Uống từ 8-10 ly nước mỗi ngày. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép, sữa ít béo mỗi khi bạn cho bé bú.
  • Bạn không nên hút thuốc khi cho con bú.
  • Nếu vú tắc tia sữa, bạn có thể dùng túi chườm lạnh vài lần trong ngày khi cần để giảm viêm. Nếu bạn đau nhiều, bạn có thể dùng thuốc giảm đau Paracetamol.
  • Khi tắm, bạn không nên để tia nước nóng tiếp xúc trực tiếp với vú.

4. Cho con bú sau sinh đúng cách

Bạn có thể ra sản dịch dạng máu đỏ sậm, số lượng tương tự như khi hành kinh, kéo dài 2-5 ngày sau sinh. Sau đó sản dịch nhạt dần, chuyển màu nâu, vàng rồi trong. Sản dịch dạng trong kèm chất nhày hồng nhạt có thể tiếp tục kéo dài đến 6 tuần sau sanh.

  • Nếu bạn ra huyết âm đạo nhiều (ướt đẫm 1 băng vệ sinh dày trong vòng 1 giờ) hoặc khi bạn ra huyết âm đạo đỏ tươi, ra máu cục, không giảm khi nghỉ ngơi bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ.
  • Lần hành kinh đầu tiên sau khi sinh của bạn có thể thấy hơi nhiều máu kinh hơn bình thường.

Những diễn biến bất thường khi cho con bú, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay:

  • Ra huyết âm đạo có thể nhiều hơn khi bạn cho con bú. Đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu máu âm đạo nhiều và tiếp diễn thì đó là bất thường.
  • Nếu bạn đang cho con bú, bạn có thể mất kinh trong một vài tháng. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn không có kinh sau khi ngừng cho con bú 6 tuần, đây có thể là bất thường.
  • Nếu bạn không cho con bú, bạn có thể hành kinh lại 6-10 tuần sau sanh. Nếu bạn vẫn không có kinh lại vào tuần thứ 11, cũng cần liên hệ bác sĩ.

5.Lưu ý các hoạt động hàng ngày trong thời gian chăm sóc sau sinh

  • Bạn có thể tăng dần cường độ các hoạt động hàng ngày, cho đến khi bạn còn có thể chịu đựng được cường độ đó.
  • Tránh ngồi yên cùng một tư thế trên 1h, đồng thời cũng không nên đứng quá lâu.
  • Tránh lái xe trừ khi bác sĩ cho phép. Nếu bạn đi du lịch cần dừng lại và vận động giữa các chặng, đặc biệt khi chuyến đi kéo dài trên 1 giờ giúp tránh thuyên tắc tĩnh mạch.
  • Bạn cần tranh thủ nghỉ ngơi khi bé ngủ.
  • Chân của bạn có thể sưng phù 2-3 ngày sau sanh. Bạn nên uống nhiều nước, nghỉ ngơi và nằm kê gối ở chân, giúp chân cao lên và giảm hiện tượng sưng. Chân bạn sẽ trở về bình thường sau 2 tuần.
  • Khi đi kiểm tra hậu sản, bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình về phương pháp ngừa thai phù hợp (thuốc tránh thai loại dùng cho con bú, đặt vòng tránh thai, que cấy tránh thai, bao cao su...). Bạn có thể có thai lại ngay cả khi bạn chưa hành kinh.
  • Nếu sau khi sinh về nhà 3 ngày nhưng vẫn không cảm nhận được nhu động ruột bạn nên liên hệ lại bác sĩ ngay. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón, Bạn có thể sử dụng thuốc bơm làm mềm phân cho đến khi vết cắt tầng sinh môn giảm nề và nhu động ruột trở lại bình thường (hoặc trong trường hợp bạn có khối máu tụ tầng sinh môn khi sinh, dùng thêm đến khi khối ổn định). Tuy nhiên, bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình trước khi tự mua thuốc bơm.
  • Bạn có thể dùng viên Prenatal Vitamin để bổ sung vitamin và khoáng chất. Trường hợp cần, bạn có thể dùng Paracetamol để giảm đau, hạ sốt nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.

6. Phòng ngừa trầm cảm sau sinh

Sau sinh, những thay đổi về hormon trong cơ thể cùng với việc chăm sóc bé có thể gây stress và trầm cảm. Bạn thường hay khóc khi cảm thấy buồn, và việc này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thì là hiện tượng bình thường. Bạn hãy tăng cường thêm các hoạt động thể chất và tinh thần để giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, bạn cũng cần dành thêm thời gian cho bản thân và gia đình bằng cách:

  • Bạn có thể gửi bé cho người thân, tin tưởng được tạm thời chăm sóc giúp và dành ít thời gian để giảm Stress cho bản thân mình.
  • Bạn có thể hút sữa và trữ lại cho bé dùng sau.

Trường hợp có một số triệu chứng như sau kéo dài trên 3 ngày, hãy liên hệ với bác sĩ để xin tư vấn cách giải quyết, tránh để kéo dài:

  • Bạn có khó đi vào giấc ngủ?
  • Bạn có cảm thấy cô độc?
  • Bạn có mất cảm giác ngon miệng?
  • Bạn có ý nghĩ làm hại bản thân và con mình?

7. Những dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám bác sĩ ngay khi chăm sóc sau sinh

  • Bạn bị sốt từ 38oC trở lên (nhiệt kế đo bằng miệng). Lưu ý: Để đo chính xác khi sử dụng nhiệt kế miệng, bạn không được ăn, uống hay hút thuốc 30 phút trước khi đo. Nếu bạn đang cho con bú, nhiệt độ cơ thể bạn sẽ tăng nhẹ (khoảng 37.8 độ C) khi sữa về.
  • Cảm thấy đau, căng cứng, đỏ hoặc nứt, chảy máu núm vú. (Bạn có thể có cảm giác căng đầy, ấm nhẹ vùng vú khi sữa về).
  • Nếu sản dịch ra nhiều hơn kinh nguyệt bình thường hoặc ra máu cục âm đạo nhiều. (Nếu khi cho bé bú, bạn thấy tử cung tăng co bóp và ra máu âm đạo nhiều hơn một chút và có ít máu cục nhỏ thì đó là hiện tượng bình thường).
  • Huyết âm đạo hoặc dịch tiết âm đạo có mùi hôi.
  • Đau bụng nhiều, vật vã. Tuy nhiên, khi cho con bú, bạn cảm thấy đau quặn bụng với cường độ nhẹ thì đó là hiện tượng bình thường.
  • Bạn đột nhiên đi tiểu nhiều lần, mót rặn nhiều.
  • Vết thương của bạn sưng, nóng, đỏ, đau hoặc chảy máu (vết may tầng sinh môn, vết mổ lấy thai, vết thương vị trí triệt sản)
  • Táo bón kéo dài hơn 3 ngày.
  • Sưng, đau, có những vùng nổi bầm đỏ ở phần dưới của chân.
  • Bạn có cảm giác buồn bã, luôn muốn khóc, kéo dài trên 3 ngày.

Sau sinh cơ thể người mẹ thay đổi, sản phụ có thể mắc phải nhiều các bệnh lý như xuất huyết sau sinh, són tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiểu tiện, sa trực tràng,... Đặc biệt, rất nhiều mẹ mắc phải tình trạng sốt do viêm vú, áp xe vú, nhiễm trùng vú khi cho con bú. Vì thế, sau sinh mẹ có thể thực hiện khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận định sức khỏe sau sinh. Mẹ sẽ có cơ hội thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa, kết hợp với nhiều các chuyên khoa khác để đưa ra lời tư vấn, chăm sóc, giúp mẹ cải thiện sức khỏe sau sinh, cũng như cách chăm trẻ thật tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan