Dùng kháng sinh khi mang thai thế nào cho an toàn?

Nếu bác sĩ bắt buộc phải kê đơn dùng kháng sinh khi mang thai để điều trị thì các loại thuốc cụ thể phải được lựa chọn cẩn thận. Một số loại kháng sinh có thể an toàn trong thai kỳ, tuy nhiên số khác lại chống chỉ định cho sản phụ.

1. Thuốc kháng sinh

Những loại dược phẩm có tác dụng chống nấm và kháng virus, chống nhiễm khuẩn được gọi chung bằng thuật ngữ kháng sinh. Ba nhóm thuốc kháng sinh phổ biến được nhiều người biết đến là:

  • Penicillin (PenVK): Thuốc kháng sinh phổ hẹp, chỉ tấn công một hoặc một số bệnh nhiễm trùng cụ thể;
  • Tetracycline (Sumycin) hoặc ampicillin: Kháng sinh phổ rộng, tấn công một loạt các bệnh do vi khuẩn gây ra;
  • Thuốc sulfa (trimethoprim-sulfamethoxazole, Septra).

Một số loại vi khuẩn có khả năng kháng kháng sinh tự nhiên mạnh mẽ, ví dụ như trực khuẩn gram âm Campylobacter, Salmonella, Shigella và Vibrio. Không giống như các vi khuẩn khác, màng kép bao quanh mỗi tế bào giúp vi khuẩn gram (-) dẻo dai hơn khi chống lại thuốc kháng sinh.

Trong trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh khi không thực sự cần thiết, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những rủi ro không đáng có. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, cả mẹ và em bé đều có nguy cơ bị phơi nhiễm với kháng sinh.

2. Dùng kháng sinh khi mang thai

2.1. Căn cứ quyết định điều trị bằng kháng sinh

Nhìn chung, thai nhi rất dễ bị tổn hại do các bé chưa hoàn toàn trưởng thành, các cơ quan và mô chỉ mới bắt đầu phát triển, đặc biệt là trong ba tháng đầu của thai kỳ. Trong khi một số loại thuốc có thể hoàn toàn vô hại cho thai nhi, những loại khác lại có khả năng gây ra những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.Dùng kháng sinh khi mang thai an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Loại kháng sinh;
  • Thời điểm của thai kỳ;
  • Liều lượng;
  • Tác dụng phụ;
  • Thời gian dùng kháng sinh.

Ngoài ra, quyết định lựa chọn điều trị bằng bất cứ một loại kháng sinh nào còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như: sinh vật mục tiêu cần tiêu diệt, khả năng kháng thuốc và nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai kỳ cũng như giai đoạn cho con bú. Hiếm có loại thuốc được chống chỉ định trong mọi tình huống. Tương tự như vậy, rất ít loại thuốc an toàn tuyệt đối trong tất cả trường hợp. Bác sĩ sẽ giải thích về quyết định tiêm kháng sinh khi mang thai, cũng như kết hợp với các biện pháp khác để cân bằng các rủi ro và lợi ích của việc điều trị bằng kháng sinh.

Dùng kháng sinh khi mang thai
Dùng kháng sinh khi mang thai an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

2.2. Loại kháng sinh an toàn cho thai kỳ

Những loại thuốc tiêm kháng sinh khi mang thai thường được xem là an toàn bao gồm:

  • Penicillin, bao gồm amoxicillin và ampicillin;
  • Cephalosporin, bao gồm cefaclor và cephalexin;
  • Erythromycin;
  • Clindamycin.

2.3. Loại kháng sinh rủi ro cho thai kỳ

Một số loại kháng sinh khác được cho là gây ra rủi ro trong thai kỳ. Ví dụ, tetracycline có thể làm mất màu răng của em bé đang phát triển, do đó loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng sau tuần thai thứ 15.

Một ví dụ khác là thuốc kháng sinh sulfa, kết hợp với kháng sinh trimethoprim có trong thuốc Septra hoặc Bactrim thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tiết niệu hoặc các bệnh nhiễm trùng khác. Mặc dù Septra không gây ra dị tật bất thường và an toàn nếu tiêm kháng sinh khi mang thai giai đoạn đầu, nhưng chúng có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh và thường không được sử dụng ở giai đoạn sau của thai kỳ.

3. Phân loại kháng sinh dựa theo nguy cơ cho thai nhi

Dùng kháng sinh khi mang thai
Kháng sinh được phân loại dựa theo nguy cơ cho thai nhi

Thực tế, các nghiên cứu khoa học không thể thử nghiệm mức độ an toàn khi sử dụng kháng sinh trong thai kỳ trên con người. Do đó các bác sĩ thường dựa vào dữ liệu từ nghiên cứu trên động vật và từ kinh nghiệm y khoa chung trong thực tiễn để quyết định có nên kê đơn dùng kháng sinh khi mang thai cho phụ nữ hay không.

Năm 1979, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát triển một hệ thống phân loại thuốc kháng sinh có liên quan đến nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi. Cụ thể:

  • Loại A

Dữ liệu thu thập từ những phụ nữ mang thai cho thấy nhóm thuốc loại A không có nguy cơ gây hại cho thai nhi trong ba tháng đầu. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng chứng minh kháng sinh nhóm A đem đến rủi ro cho trẻ nếu tiêm kháng sinh khi mang thai trong 2 tam cá nguyệt tiếp theo.

  • Loại B

Các nghiên cứu sinh sản trên động vật không chứng minh được kháng sinh loại B có nguy cơ cho thai nhi, tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính xác ở phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu sinh sản trên động vật đã cho thấy tác dụng phụ (ngoại trừ việc giảm khả năng sinh sản), nhưng dữ liệu trên phụ nữ đã tiêm kháng sinh khi mang thai trong 6 tháng đầu chưa có bằng chứng xác nhận về nguy cơ cho thai nhi.

  • Loại C

Một số nghiên cứu trên động vật đã cho thấy tác dụng phụ đối với thai nhi (gây ra dị tật bất thường hoặc tử vong) và không có sẵn những dữ liệu thực tiễn ở phụ nữ mang thai. Do đó, thuốc trong danh mục C chỉ nên được kê toa nếu lợi ích điều trị tiềm năng vượt xa nguy cơ tiềm ẩn.

  • Loại D

Có bằng chứng cho thấy kháng sinh loại D gây nguy cơ rủi ro đối với thai nhi ở người, tuy nhiên vẫn có một vài lợi ích từ việc sử dụng nhóm thuốc này. Chẳng hạn, có thể cân nhắc dùng kháng sinh khi mang thai nếu thai phụ đang bị đe dọa đến tính mạng, hoặc đối với một bệnh nghiêm trọng mà những thuốc an toàn hơn không thể sử dụng hoặc không có hiệu quả.

  • Loại X

Các nghiên cứu trên động vật và dữ liệu trên người đã chứng minh nguy cơ gây bất thường cho thai nhi. Bởi vì rủi ro khi sử dụng thuốc loại X ở phụ nữ mang thai vượt xa bất kỳ lợi ích tiềm năng nào, do đó danh mục kháng sinh này không được sử dụng cho những phụ nữ đang hoặc nghi ngờ mang thai.

Nhìn chung, phần lớn thuốc kháng sinh chưa được nghiên cứu nhiều trong các thử nghiệm có kiểm soát trên người, do đó FDA đã phân loại thuốc kháng sinh an toàn cho thai phụ nằm trong nhóm A và B.

4. Lưu ý dùng kháng sinh khi mang thai

Dùng kháng sinh khi mang thai
Mẹ bầu cần lưu ý gì khi dùng kháng sinh?

Mặc dù thuốc kháng sinh mang lại hiệu quả chữa bệnh cao nhưng chỉ nên sử dụng kháng sinh khi thật sự cần thiết, vì 2 lý do chính sau đây:

Tác dụng phụ có hại

Thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ có hại, chẳng hạn như triệu chứng khó chịu ở dạ dày, phản ứng dị ứng, dị tật bẩm sinh ở thai nhi hoặc thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Ngoài ra, trong quá trình chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng, thuốc kháng sinh đôi khi vô tình tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi, cản trở khả năng phòng ngừa và chống lại bệnh tật của cơ thể.

Kháng kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể trở nên kém hiệu quả theo thời gian. Việc lạm dụng kháng sinh thậm chí còn tạo điều kiện cho vi khuẩn rèn luyện khả năng chịu đựng và dần trở nên kháng lại điều trị. Kháng kháng sinh là một vấn đề nghiêm trọng được cả thế giới quan tâm. Thói quen dùng kháng sinh không đúng cách hoặc không cần thiết của con người theo thời gian đã khiến vi khuẩn kháng thuốc phát triển ngày càng nhiều, xuất hiện những căn bệnh ngày càng khó điều trị hơn.

Tóm lại, trong trường hợp dùng kháng sinh khi mang thai là cách tốt nhất để điều trị tình trạng sức khỏe của người mẹ, các bác sĩ sẽ kê toa loại kháng sinh với liều lượng an toàn tối đa. Nếu có thắc mắc hoặc lo lắng về việc sử dụng kháng sinh trong thai kỳ, sản phụ nên chủ động thảo luận với bác sĩ để yên tâm chữa bệnh hơn.

Thai phụ gặp vấn đề về sức khỏe và đang băn khoăn không biết có nên dùng kháng sinh hay không, nếu có thì dùng loại nào và liều lượng bao nhiêu để không gây ảnh hưởng đến thai nhi có thể đến khám và tư vấn tại Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu chuyên môn và kinh nghiệm về thai sản sẽ khám và tư vấn cụ thể cho thai phụ về vấn đề này, giúp mẹ đưa ra lựa chọn có lợi nhất cho cả mẹ và bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org; healthline.com; webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

160.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan