Các rối loạn đường tiểu về lâu dài sau mổ lấy thai, sau sinh

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Như Thu Trúc - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Sinh thường hay sinh mổ lấy thai đều có thể gây ra các rối loạn đường tiểu sau sinh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chị em phụ nữ. Các rối loạn này có thể là bí tiểu sau sinh, tiểu dắt, tiểu nhiều lần và các rối loạn tiểu hỗn hợp khác.

1. Rối loạn đường tiểu sau sinh là gì?

Sau khi mổ lấy thai hoặc sinh thường, đường tiểu dễ bị tổn thương do đặt thông tiểu, các tác dụng phụ của thuốc giảm đau, thuốc mê hay các chấn thương trong khi sinh bởi các nguyên nhân như sinh con to, sinh kiềm, sinh hút, thường gây ra các rối loạn đường tiểu.

Rối loạn đường tiểu sau sinh bao gồm: bí tiểu, tiểu rắt, tiểu són, các rối loạn tiểu hỗn hợp khác, trong đó bí tiểu sau sinh là trường hợp nhiều sản phụ gặp phải nhất. Rối loạn đường tiểu sau sinh gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân.

Các rối loạn đường tiểu sau sinh có thể xảy ra ngay lập tức sau 3-4 giờ sinh hoặc về lâu dài sau đó mới có các triệu chứng bệnh.

Những sản phụ mắc chứng bí tiểu sau sinh thường có cảm giác căng tức khi ấn bụng
Bí tiểu là biểu hiện nhiều sản phụ gặp phải nhất sau sinh

2. Nguyên nhân hình thành rối loạn đường tiểu sau sinh?

Các rối loạn đường tiểu sau sinh thường chủ yếu đến từ những nguyên nhân như sau:

  • Trong quá trình chuyển dạ, có thể đầu thai nhi sẽ đè vào cổ bàng quang hoặc niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, bàng quang nếu giãn quá nhiều sẽ làm mất trương lực co thắt cơ cổ bàng quang gây rối loạn đường tiểu.
  • Trường hợp sinh thường, bác sĩ sẽ cắt tầng sinh môn của sản phụ, sau khi khâu lại, có thể chỗ khâu sẽ bị sưng khiến người mẹ khi đi tiểu không dám rặn vì sợ đau.

Các rối loạn đường tiểu sau mổ lấy thai do các nguyên nhân như:

  • Do sử dụng thuốc gây mê, gây tê: Thông thường các thuốc này có tỷ lệ gây bí tiểu sau sinh lên đến 10-15%.
  • Do người mẹ quá căng thẳng thần kinh cũng sẽ dẫn đến bí tiểu sau sinh.
sinh đẻ
Có nhiều nguyên nhân hình thành rối loạn tiểu đường sau sinh

3. Các triệu chứng của rối loạn đường tiểu sau sinh

Các rối loạn ngay sau sanh và mổ:

  • Thường xảy ra 3-4 giờ sau sinh thường, 6-8 giờ sau sinh mổ (sau rút thông tiểu). Triệu chứng thường là: Tiểu đau: bệnh nhân không dám đi tiểu vì đau. Tiểu lắc nhắc: bệnh nhân tiểu nhiều lần mỗi lần ít mổ, không thoải mái. Bí tiểu: bệnh nhân có cảm giác mắc tiểu nhưng tiểu không được hoặc bệnh nhân không có cảm giác mắc tiểu nhưng bàng quang rất căng.
  • Cách xử trí: tập nhịn tiểu và tập đi tiểu theo giờ nhất định, thường 3 giờ tiểu 1 lần, uống nước nhiều, thư giãn khi đi tiểu. Tập thể dục giúp phục hồi có vùng chậu. Vệ sinh sạch sẽ vết may sau sinh bằng nước ấm. Điều trị viêm nhiễm vết may nếu có. Có thể chườm nóng bàng quang bằng nước ấm. Trường hợp vẫn không đi tiểu được, nhân viên y tế có thể sẽ đặt thông tiểu, sử dụng một số loại thuốc kích thích co bóp bàng quang để hỗ trợ đi tiểu.

Các rối loạn đường tiểu về lâu dài sau mổ lấy thai hay sau sinh:

  • Són tiểu: là tình trạng tiểu không kiểm soát, có thể tự rỉ nước tiểu đặc biệt là sau khi ho, gắng sức, hay cười. Nguyên nhân do tổn thương các cơ sàn chậu nâng đỡ bàng quang sau khi sinh. Thường tình trạng trên sẽ trở về bình thường nhưng có thể sẽ tồn tại mãi sau sinh gây ảnh hưởng cuộc sống và sinh hoạt. Cách điều trị: tập theo bài tập điều trị són tiểu: tập nhịn tiểu, tập thể dục phục hồi cơ vùng chậu như bài tập Kegel, Knack.., sử dụng kèm máy tập cơ sàn chậu có kích thích điện. Nếu són tiểu nặng thì phẫu thuật để phục hồi niệu đạo như nội soi nâng bàng quang, nâng thành trước âm đạo ...
  • Tồn lưu nước tiểu sau sinh hoặc mổ: là tình trạng ứ đọng nước tiểu mãn tính trong bàng quang sau sinh hoặc mổ. Hậu quả sẽ gây ứ nước tiểu gây áp lực lên thận tạo ra các tình trạng: thận ứ nước, nhiễm trùng thận, suy thận, bàng quang mất trương lực. Triệu chứng dễ nhận thấy bao gồm: tiểu rỉ rỉ, cảm giác không tiểu hết, dòng nước tiểu không mạnh, cảm giác trằn tức trên xương mu. Nguyên nhân do chấn thương các cơ vùng bàng quang hoặc viêm bàng quang sau mổ không được điều trị. Nguyên tắc điều trị: càng phải uống nhiều nước và vận động nhiều, tiểu đúng giờ, sau tiểu dùng bàn tay ấn lên vùng trên xương mu và thay đổi tư thế tiểu như đứng dậy, ngồi xổm cho đến khi hết nước tiểu ra ngoài. Ngoài ra cần điều trị triệt để nhiễm khuẩn tiết đường tiểu và đường sinh dục.

Rối loạn đường tiểu sau mổ lấy thai hoặc sau sinh thường mặc dù không gây nhiều nguy hiểm cho người mẹ nhưng lại gây ra những khó chịu trong sinh hoạt thường ngày, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người bệnh và dễ gây stress sau sinh.

Điều trị rối loạn đường tiểu sau sinh là điều cần thiết để tránh gây ra những khó chịu trong cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý, gây ra những biến chứng nguy hiểm sau này nếu để lâu ngày. Nguyên tắc để điều trị các trường hợp rối loạn này là tập cho bệnh nhân đi tiểu để tạo được phản xạ, sử dụng kháng sinh để chống nhiễm trùng đường tiết niệu, dùng thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép cổ bàng quang và hỗ trợ tăng trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang của người bệnh trở lại bình thường. Trường hợp người bệnh bị són tiểu quá nặng thì phải thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc ngã âm đạo để phục hồi niệu đạo.

Ngưng uống thuốc tránh thai
Người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh kháng viêm để bàng quang hoạt động bình thường

4. Cách phòng ngừa rối loạn đường tiểu sau sinh

Để phòng ngừa rối loạn đường tiểu sau sinh, bác sĩ thường đưa ra một số lời khuyên đối với sản phụ như sau:

  • Sau khi sinh, người mẹ nên tích cực vận động sớm nhất có thể, không nên ngồi hay nằm quá lâu.
  • Nên uống nhiều nước và thư giãn khi đang đi tiểu.
Uống nước
Sản phụ nên uống nhiều nước để phòng ngừa rối loạn đường tiểu

  • Không nên nhịn tiểu vì sợ đau tầng sinh môn do rạch trong lúc sinh thường.
  • Người mẹ nên ngồi bệt tiểu theo tư thế bình thường sau sinh.
  • Ngâm âm hộ trong nước ấm hoặc vệ sinh bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ
  • Giữ vệ sinh âm hộ luôn khô thoáng, tránh nhiễm trùng tại vết khâu tầng sinh môn
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể hồi phục sớm nhất sau sinh.
  • Có thể tập các động tác thể dục nhẹ nhàng để phục hồi cơ vùng chậu
  • Nên tập nhịn tiểu và đi tiểu theo giờ quy định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan