Nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.

Bí tiểu sau sinh con là một trong những biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Đây là tình trạng không thể đi tiểu được mặc dù buồn tiểu. Có khoảng 13,5% phụ nữ sau khi sinh gặp phải tình trạng này.

1. Bí tiểu sau sinh

Bí tiểu là tình trạng rối loạn đường tiểu, biểu hiện triệu chứng mắc đi tiểu những không thể tiểu được, khi thăm khám gõ thấy có cầu bàng quang.

Bí tiểu sau khi sinh con là một trong những biến chứng thường gặp, đặc biệt đối với bà mẹ sinh ngả âm đạo. Bí tiểu sau sinh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến bà mẹ, gây ra khó chịu về vận động và cảm giác.


Bí tiểu sau sinh con là một trong những biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Bí tiểu sau sinh con là một trong những biến chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai.

Biểu hiện trên lâm sàng là sau khi sinh con khoảng 3-4 giờ đồng hồ trở đi, bà mẹ có cảm giác buồn tiểu nhưng không thể tiểu được. Khám lâm sàng thấy bụng mềm, vùng dưới rốn là khối tử cung co hồi tốt nhưng còn xuất hiện một khối cầu khác là cầu bàng quang. Khi ấn bụng có cảm giác căng tức. Sau khi hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, chườm ấm lên bụng vùng dưới rốn nhưng sản phụ vẫn không tự đi tiểu được, cảm giác căng tức và khó chịu ngày càng tăng.

2. Nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh con

Có nhiều nguyên nhân gây bí tiểu sau sinh như:

  • Trong chuyển dạ, khi ngôi thai xuống thấp, đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu. Khi giãn nhiều làm mất trương lực, co thắt cơ cổ bàng quang.
  • Trường hợp sau sinh phải rạch và khâu tầng sinh môn, chỗ khâu sưng nề, đau làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn vì sợ đau.
  • Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy, gây bí tiểu.
  • Ngoài ra, khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang.

Nguyên nhân gây bí tiểu sau mổ đẻ:

  • Do gây mê, gây tê: Thuốc gây tê tủy sống Bupivacain + Fentanyl (thuộc nhóm opioid) có tỷ lệ gây bí tiểu 10 - 15% sau mổ. Do đó, phải kiên nhẫn chờ cho đến khi hết tác dụng của thuốc.
  • Thần kinh quá lo lắng.
  • Tổn thương do thủ thuật thô bạo, dập bàng quan gây bí tiểu. Ví dụ: Khi đặt sonde tiểu Foley có bơm bóng nhưng lại không cố định kỹ vào đùi, nên khi nước tiểu đầy kéo căng sonde gây chèn ép, phù nề cổ bàng quang, dẫn đến bí tiểu. Một số trường hợp cho học sinh thực tập rút sonde tiểu không đúng kỹ thuật, không tháo hơi trong bóng trước khi rút, kéo luôn cả bóng chưa tháo hơi gây tổn thương, phù nề cổ bàng quang,...

Thần kinh quá lo lắng cũng có thể dẫn đến bí tiểu sau sinh mổ.
Thần kinh quá lo lắng cũng có thể dẫn đến bí tiểu sau sinh mổ.

3. Phòng ngừa

Để phòng ngừa chứng bí tiểu sau sinh, các bà mẹ cần lưu ý:

  • Vận động sớm.
  • Uống nhiều nước.
  • Không được nín tiểu do đau sau đẻ. Khuyến khích người mẹ tự đi tiểu không nên lo sợ đau đớn đối với vết may tầng sinh môn.
  • Tập ngồi tiểu theo tư thế ngồi tiểu tự nhiên.
  • Rửa hoặc ngâm vùng sinh dục bằng nước ấm (dội âm hộ bằng nước ấm), nước rửa vệ sinh phụ khoa như Gynofar, Lactacyd FH.
  • Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ.
  • Tránh nhiễm trùng vết may tầng sinh môn.
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe sau sinh.

Bí tiểu sau sinh là một biến chứng thường gặp, không gây nguy hại cho bà mẹ. Tuy nhiên nó gây nên cảm giác đau tức và khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ tới bà mẹ sau sinh. Do đó, để phòng ngừa chứng bí tiểu sau sinh, bà mẹ cần vận động sớm, uống nhiều nước, không nhịn tiểu, tập ngồi tiểu theo tư thế tự nhiên và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe sau sinh. Khi thấy có dấu hiệu bất thường sau sinh cần báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp kịp thời.

Bác sĩ nội trú Lê Phúc Liên đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu, thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao như nội soi tiết niệu, niệu nữ, niệu động học, bàng quang thần kinh. Hiện nay, là Bác sĩ Ngoại tiết niệu tại khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe