Bệnh sa trực tràng là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và những người trên 50 tuổi. Tuy là một bệnh không phổ biến trong ngoại khoa và ít nguy hiểm, sa trực tràng có thể gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày cho người bệnh. Vậy, đâu là những nguyên nhân gây ra tình trạng này và các dấu hiệu nhận biết là như thế nào?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh sa trực tràng là gì?
Sa trực tràng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi với biểu hiện sa niêm mạc. Người trên 50 tuổi cũng là đối tượng nguy cơ cao xuất hiện bệnh với biểu hiện sa toàn bộ trực tràng hoặc sa niêm mạc.
Tuy chỉ chiếm từ 0,2-1% trong số các ca bệnh lý ngoại khoa và không quá nguy hiểm, bệnh lại khiến nhiều người cảm thấy phiền toái vì sự ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh sa trực tràng là tình trạng một phần hoặc toàn bộ thành trực tràng lộn lại và chui ra ngoài lỗ hậu môn. Đây là một thuật ngữ chung đã được dùng từ nhiều thế kỷ qua để gọi tất cả các loại sa.
Bệnh có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra và cũng có nhiều mức độ tiến triển. Vì thế, các biện pháp để điều trị cũng rất khác nhau.
Tuy nhiên, bệnh sa trực tràng được chia thành hai loại chính bao gồm:
1.1 Sa niêm mạc
Thông thường, lớp niêm mạc ở ống hậu môn sẽ bị phồng và lộn ngược mỗi khi đi đại tiện. Điều này giúp tống phân ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Sau khi đại tiện, lớp niêm mạc sẽ co lại hoàn toàn bởi tính đàn hồi của cơ quan này.
Khi xảy ra bệnh sa niêm mạc, lớp niêm mạc lộn quá mức bình thường và không thể đàn hồi được. Lúc đầu, bệnh nhân có thể chỉ bị sa phần niêm mạc ống hậu môn. Về sau, bệnh nhân sẽ bị sa toàn bộ niêm mạc tuyến của trực tràng.
Sa niêm mạc được chia ra thành 4 giai đoạn dựa trên mức độ sa, bao gồm:
- Sa niêm mạc sau rặn đại tiện và tự co lên.
- Sa niêm mạc sau rặng không tự co được và phải đẩy lên.
- Sa dễ dàng khi bệnh nhân gắng sức nhẹ như ngồi xổm, ho, hắt hơi hoặc đi bộ.
- Sa niêm mạc thường xuyên và liên tục ở ngoài hậu môn.
1.2 Sa toàn bộ
Sa toàn bộ sẽ có hai trường hợp khác nhau: Sa trực tràng đơn thuần, sa trực tràng và ống hậu môn.
- Sa trực tràng và ống hậu môn: Cả bóng trực tràng và ống hậu môn đều lộn ra ngoài.
- Sa trực tràng đơn thuần: Bóng trực tràng bị tụt qua ống hậu môn nhưng ống hậu môn vẫn ở nguyên tại chỗ. Khi đưa ngón tay vào trong hậu môn, người bệnh có thể cảm nhận nếp gấp giữa ống hậu môn và đoạn bị sa. Ngón tay cũng có thể luồn xung quanh khu vực nếp gấp này.
Tương tự sa niêm mạc, sa trực tràng toàn bộ cũng được chia thành 4 cấp độ bao gồm:
- Cấp độ 1: Trực tràng chỉ bị sa khi gắng sức mạnh, khi rặn trong lúc đại tiện và co lại nhanh chóng. Toàn thân không có ảnh hưởng gì và bệnh nhân chỉ khó chịu vì đoạn trực tràng bị sa.
- Cấp độ 2: Trực tràng luôn sa khi người bệnh đại tiện. Trực tràng tự co lên rất chậm và phải lấy tay đẩy vào, kèm theo các vết trợt ở niêm mạc, niêm mạc phù nề, hậu môn bị lõm vào, cơ thắt có sự thay đổi nhưng ít và cơ thể bình thường.
- Cấp độ 3: Trực tràng bị sa khi gắng sức nhẹ, ví dụ như ho, hắt hơi, ngồi xổm, đi bộ hay cười. Ở cấp độ này, trực tràng không tự co vào được và đi kèm với hoại tử niêm mạc tuyến trực tràng theo từng đám hoặc ở nơi có sẹo. Hậu môn của người bệnh cũng sẽ bị mất trương lực cơ thắt nhão. Tinh thần của người bệnh cũng bị ức chế, trung tiện mất tự chủ và chảy máu niêm mạc.
- Cấp độ 4: Tình trạng sa xảy ra thường xuyên và liên tục khi đi bộ hoặc cả khi bệnh nhân ở tư thế đứng. Lúc này, ruột không còn được giữ ở vị trí bình thường nữa. Niêm mạc tuyến của người bệnh bị hoại tử và gây sẹo, cơ thắt cũng bị mất trương lực, trung đại tiện của người bệnh bị mất tự chủ, không giữ lại được nước tiểu. Tinh thần của bệnh nhân cũng bị căng thẳng và rối loạn cảm giác ở vùng hậu môn, vùng da xung quanh hậu môn và vùng bẹn. Vùng đáy chậu của người bệnh cũng có thể có mụn mủ, ngứa, rộp hoặc eczema.
Bệnh sa trực tràng thường được xem là một trong những bệnh có nguyên nhân rất khó hiểu. Cùng với đó, bệnh cũng có nhiều phương pháp điều trị ngoại khoa khác nhau. Tỷ lệ tái phát của bệnh sẽ phụ thuộc vào phương pháp phẫu thuật được áp dụng.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra bệnh sa trực tràng có thể được chia thành 3 nhóm chính.
Đầu tiên là các nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng đột ngột hoặc kéo dài:
- Ở trẻ em, các nguyên nhân này bao gồm ho gà, hẹp bao quy đầu và tiêu chảy.
- Ở người lớn, các nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm bệnh lỵ, viêm đại tràng mãn tính, u tuyến tiền liệt, bí tiểu, táo bón và sỏi bàng quang.
- Người lao động nặng như khuân vác cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nguyên nhân thứ hai là sự suy yếu của các cơ giữa hậu môn và trực tràng. Tình trạng này bao gồm:
- Suy yếu cơ thắt hay cơ nâng hậu môn.
- Các cân cơ đáy chậu tự nhiên.
Nguyên nhân cuối cùng là các khuyết tật về giải phẫu. Bao gồm:
- Không đầy đủ các cơ quan cố định trực tràng, nhất là ở phía sau trực tràng.
- Mất góc hậu môn - trực tràng, mất độ cong sinh lý của trực tràng.
- Đại tràng sigma dài quá mức.
- Doãng rộng hậu môn.
- Túi cùng Douglas quá rộng và sâu.
- Hệ thống cơ thắt, cơ nâng bị trùng, nhão.
3. Các yếu tố gây tăng nguy cơ mắc bệnh sa trực tràng
Có một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở cả trẻ em và người lớn. Bao gồm:
Ở trẻ em:
- Phẫu thuật hậu môn lúc sơ sinh.
- Trẻ bị nhiễm trùng.
- Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc gặp các vấn đề về thể chất.
Ở người lớn:
- Yếu cơ sàn chậu do tuổi tác.
- Ảnh hưởng bởi phẫu thuật hoặc sinh nở.
4. Các dấu hiệu nhận biết
Có một số dấu hiệu để nhận biết bệnh sa trực tràng bao gồm:
- Người có tiền sử mắc bệnh sa trực tràng.
- Đi tiêu không thể kiểm soát ở nhiều mức độ hoặc chỉ có thể đi ra dịch nhầy.
- Cảm giác đi tiêu không hết phân (buốt mót), táo bón và tắc nghẽn đại tiện.
- Chảy máu trực tràng, có cảm giác trực tràng bị sà xuống.
- Người bệnh bị tiêu chảy và thói quen đại tiện bất thường.
Ban đầu, khối trực tràng bị sa có thể nhô ra qua hậu môn khi đại tiện hoặc khi rặn, sau đó trở lại như cũ. Ở các lần tiếp theo, người bệnh cần phải đẩy khối sa này trở lại như cũ. Điều này có thể diễn biến và trở thành sa mãn tính.
Bệnh sa trực tràng mãn tính được định nghĩa là tình trạng sa tự phát. Khi người bệnh đi bộ, đứng lâu, hắt hơi hay ho sẽ khiến khối sa nhô ra ngoài và gây khó khăn cho người bệnh. Các mô bị sa có thể bị dày lên, loét hoặc chảy máu.
5. Điều trị và phòng ngừa
Sa trực tràng có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu. Việc điều trị bằng phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.
- Thuốc: Việc dùng thuốc sẽ được áp dụng cho những trường hợp nhẹ. Các loại thuốc sẽ có tác dụng làm mềm phân và bổ sung chất xơ cho người bệnh.
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này sẽ làm săn chắc cơ hậu môn, cơ sàn chậu cũng như phục hồi các cung phản xạ đại tiện của người bệnh.
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp phổ biến nhất để đưa trực tràng trở lại vị trí cũ. Tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, các loại phẫu thuật khác nhau sẽ được sử dụng.
Để phòng ngừa bệnh sa trực tràng, người bệnh nên thực hiện một chế độ ăn uống và sinh hoạt đúng cách. Có thể kể đến như:
- Uống đủ nước hàng ngày.
- Tập thể dục thường xuyên, tránh tình trạng béo phì.
- Tránh khuân vác nặng.
- Bổ sung chất xơ vào chế độ ăn uống hàng ngày.
- Khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.
Vừa rồi là những nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh sa trực tràng và các vấn đề liên quan mà Vinmec cung cấp. Người bệnh hãy thăm khám ngay lập tức nếu có những triệu chứng bất thường của bệnh để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.