Niềng răng hô xong bị móm, vì sao?

Niềng răng là một trong số các kỹ thuật hiện đại ngày nay được áp dụng để cải thiện vị trí các răng trên cung hàm về khớp cắn lý tưởng. Phương pháp này giúp thay đổi thẩm mỹ và cải thiện chức năng ăn nhai cho người bệnh. Tuy nhiên, có không ít trường hợp niềng răng hô xong bị móm khiến cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề.

1. Niềng răng hô xong bị móm là gì?

Với các kỹ thuật nha khoa hiện đại thì việc khắc phục tình trạng răng hô ngày nay thường được thực hiện bằng phương pháp niềng răng. Thông thường, sau khi trải qua giai đoạn niềng răng bằng mắc cài, dây cung thì răng của người bệnh sẽ được đưa về vị trí lý tưởng, hết hô và cải thiện các chức năng ăn nhai, phát âm hay cải thiện về mặt thẩm mỹ.

Niềng răng hô xong bị móm là tình trạng sau khi niềng hàm hô, hàm trên bị đưa vào trong quá nhiều so với hàm dưới làm cho hai hàm của bệnh nhân cắn lại ở vị trí hàm móm. Tình trạng này gây không ít khó khăn trong cuộc sống thường ngày cho người bệnh và không ít người đã phải tìm đến các nha sĩ uy tín hơn để tiến hành điều trị bằng cách niềng răng lại.

2. Vì sao móm sau khi niềng răng hô?

Niềng răng hô xong bị móm là trường hợp không phải ai cũng phải gặp sau khi niềng răng. Tuy nhiên, với một số lý do sau đây thì người bệnh hoàn toàn có thể gặp phải nguy cơ móm sau niềng răng hô.

2.1. Lựa chọn phương pháp niềng răng không phù hợp

Có không ít các bạn trẻ hiện nay vừa muốn tiết kiệm chi phí nhưng vẫn muốn làm đẹp nên đã lựa chọn các phương pháp niềng răng bằng những khí cụ thế hệ cũ khiến cho quá trình niềng không đạt được kết quả như ý muốn. Theo các nha sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực chỉnh nha (niềng răng mắc cài), để hạn chế được tình trạng móm sau niềng răng hô, người bệnh nên ưu tiên chọn hai phương pháp hiện đại nhất hiện nay là niềng bằng mắc cài và dây cung hoặc niềng răng bằng khay trong suốt. Tuy nhiên, với những trường hợp răng hô có kèm lệch lạc răng, răng sắp xếp lộn xộn thì nên ưu tiên niềng bằng hệ thống mắc cài và dây cung để nhanh mang lại hiệu quả hơn.

2.2. Lựa chọn nha khoa không uy tín

Một trong các lý do khiến móm sau niềng răng hô ở nhiều bệnh nhân hiện nay đó chính là việc lựa chọn các nha khoa không có uy tín, bác sĩ chưa có kinh nghiệm nhiều. Điều này sẽ góp phần không nhỏ trong việc chẩn đoán sai và lên phác đồ sai khi điều trị cho người bị hô. Nghiêm trọng hơn, trong các trường hợp điều trị răng hô mà không cần nhổ răng số 4 hàm trên mà nha sĩ lại đưa ra chỉ định này, sau khi nhổ răng và đóng khoảng thì người bệnh hoàn toàn có thể ở khớp cắn đối đầu hoặc bị móm sau khi niềng hô.

2.3. Người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Trong quy trình niềng răng hô thì sẽ có nhiều giai đoạn khác nhau. Nếu bệnh nhân không tái khám đúng lịch, kế hoạch điều trị của nha sĩ cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều dẫn đến tình trạng điều trị thất bại.

2.4. Không kiểm soát được chế độ ăn trong khi niềng răng

Trong quá trình niềng răng thì chân răng sẽ được thực hiện các lực kéo, xoay để về đúng vị trí lý tưởng. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn mềm và tránh các đồ cứng đồ dai để răng không bị ảnh hưởng về sức khỏe hay kết quả điều trị.

3. Làm sao để không gặp phải tình trạng răng hô niềng xong thì móm?

Để tránh tình trạng móm sau khi niềng răng hô thì người bệnh cần chú ý những điều sau đây

  • Nên tìm các nha sĩ uy kín có kinh nghiệm.
  • Thực hiện đúng các phác đồ mà nha sĩ đưa ra cho bản thân.
  • Tránh các thức ăn cứng, dai trong quá trình niềng răng.
  • Tránh các tật xấu như đẩy lưỡi, đẩy hàm, mút tay,..
  • Tái khám đúng thời gian nha sĩ yêu cầu.
  • Sau khi kết thúc niềng cần tuân thủ thời gian đeo hàm duy trì để tránh tình trạng răng trở về vị trí ban đầu có thể gây ra hô, móm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe