Tìm hiểu 3 chức năng của răng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Răng của chúng ta được hình thành với những chức năng quan trọng và chia thành các nhóm răng riêng biệt đảm bảo các yếu tố như nhai, phát âm và cấu trúc răng tạo nên khuôn mặt cân đối hài hòa. Trong đó, có 3 chức năng chính gồm chức năng nhai, phát âm và tạo thẩm mỹ cho khuôn mặt.

1. Chức năng nhai của răng

Răng được coi là bộ phận đầu tiên tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Răng có chức năng cắt nhỏ thức ăn kết hợp cùng với lưỡi nhằm nghiền nhỏ thức ăn trước khi vào đường tiêu hóa, trộn đều lượng enzym có trong nước bọt vào thức ăn giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn, hạn chế tình trạng đau dạ dày. Chức năng của răng được chia cụ thể thành các nhóm răng như sau:

  • Răng cửa: Là hai chiếc răng đầu tiên của mỗi hàm, được dùng để cắn thức ăn, chia nhỏ thức ăn khi đưa vào miệng.
  • Răng nanh: Là những chiếc răng nhọn tiếp theo của răng cửa, chúng thước sắc nhọn và dùng để xé thức ăn.
  • Răng hàm nhỏ và răng hàm lớn: Trên các răng hàm có những rãnh nhỏ và chắc khỏe được dùng để nhai và nghiền nát thức ăn.

Tuy nhiên trong các răng hàm thì răng số 8 hay gọi là răng khôn gần như ít có khả năng ăn nhai. Cho nên hâu như không có tác dụng gì trong việc tiêu hóa thức ăn, nếu trong trường hợp răng mọc thẳng bình thường và không chen chúc làm lệch những răng bên cạnh thì có thể giữ lại. Tuy nhiên, với một số trường hợp răng khôn mọc ngầm hoặc làm ảnh hưởng đến những răng khác và mắc bệnh lý về răng miệng thì nên loại bỏ, bởi việc mất chiếc răng số 8 sẽ không ảnh hưởng gì đến chức năng ăn nhai. Nhưng nếu một người đã mất răng số 7 thì có thể để cho răng số 8 làm thay nhiệm vụ nghiên thức ăn, không nên loại bỏ răng số 8.


Răng cửa có chức năng ăn nhai
Răng cửa có chức năng ăn nhai

2. Chức năng phát âm cả răng

Răng, lưỡi và hàm là những bộ phận cũng tham gia vào khả năng phát âm của một người. Nếu như răng đều và đầy đủ giúp cho quá trình phát âm tròn vành và rõ chữ hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp nếu răng sữa mất sớm sẽ làm cho trẻ bị nói ngọng và phát âm không chính xác.

Người trưởng thành nếu như bị mất răng cửa sẽ khó nói đúng giọng, không thể phát âm chuẩn. Đặc biệt là khi học ngoại ngữ, các âm "s", "th", "ch" hay “v”... khi phát âm các âm này đòi hỏi phải đặt lưỡi tựa vào phía sau răng cửa hàm trên, hoặc cần tựa môi và răng để phát âm thành tiếng chuẩn nhất.

Nếu mất răng vô tình tạo khoảng trống giữa các răng sẽ không phát âm được hoặc phát âm không rõ hoặc đôi khi là ngọng. Những trường hợp răng lệch lạc hay bị thưa cũng như vậy, khi ấy luồng hơi từ trong miệng đẩy ra ngoài sẽ không được đều và tạo thành tiếng phát ra không chính xác. Do đó, chức năng phát âm của răng đóng vai trò vô cùng quan trọng.


Chức năng phát âm của răng có thể bị hạn chế nếu bạn mắc các vấn đề về răng miệng
Chức năng phát âm của răng có thể bị hạn chế nếu bạn mắc các vấn đề về răng miệng

3. Chức năng thẩm mỹ của răng

Cấu tạo hàm răng đẹp và khỏe mạnh sẽ làm tăng vẻ đẹp của khuôn mặt, giúp khuôn mặt cân đối, khuôn miệng và làm nụ cười chúng ta thêm duyên dáng hơn. Những người không may mắn có hàm răng hô, móm, răng thưa hay mọc lệch lạc cũng ảnh hưởng đến nét đẹp và nét duyên dáng chung của khuôn mặt.

Tuy nhiên, những người không may mắn sở hữu những hàm răng không được như ý, ảnh hưởng tới khả năng nhai, thẩm mỹ và tăng nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng, trường hợp này bạn nên khám nha khoa sớm để được can thiệp sớm từ đó giúp cải thiện chức năng răng miệng và thẩm mỹ của răng.

Răng của chúng ta được tạo nên với những chức năng quan trọng, tuy nhiên chúng có thể bị tổn thương hay có nguy cơ mắc bệnh nếu như chúng ta không chăm sóc đúng cách. Cho nên để đảm bảo chức năng răng miệng tốt thì cần nâng cao ý thức bảo vệ răng miệng như:

  • Đánh răng hằng ngày: Đây là việc làm rất quan trọng để giúp răng miệng luôn khỏe mạnh và sạch. Hãy tập thói quen đánh răng thường xuyên, mỗi ngày từ 2 – 3 lần sau khi khoảng ăn 30 phút. Nên đánh răng ít nhất trong 2 phút để các chất trong kem đánh răng phát huy được tác dụng.
  • Súc miệng bằng nước muối: Sau khi đánh răng hoặc ăn uống, nên súc miệng với nước muối ấm pha loãng hoặc nước súc miệng chuyên dụng. Khi súc miệng cố giữ nước muối trong miệng khoảng 2 phút rồi nhỏ bỏ.
  • Dùng chỉ nha khoa: Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn bị mắc kẹt bên trong kẽ răng, và trên bề mặt răng. Nên dùng chỉ nha khoa ít nhất ngày một lần để làm sạch kẽ răng, tránh tồn đọng thức ăn.
  • Làm sạch lưỡi: Vi khuẩn có thể cư trú trên lưỡi của chúng ta gây ra bệnh lý cho răng nên cần cạo sạch lưỡi loại bỏ các mảng bám trên lưỡi hàng ngày.

Ngoài việc chăm sóc răng miệng đúng cách nếu thấy có những vấn đề của răng miệng thì nên khám răng định kỳ để phát hiện sớm, tránh để lâu gây biến chứng nhiễm trùng tại răng hay cơ quan khác.

Có thể thấy, những chức năng của răng vốn rất quan trọng, do đó để không ảnh hưởng đến vấn đề răng miệng và tính thẩm mỹ, bạn nên chú ý vệ sinh răng thường xuyên và khám răng định kỳ nhằm có những đánh giá kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe