Xử trí khi trẻ bị rôm sảy ở cổ

Nắng nóng là thời điểm trẻ rất dễ bị rôm sảy nhiều vùng da trên cơ thể, trong đó cổ là vùng thường bị nhiều nhất. Tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến làn da, gây khó chịu, ngứa ngáy cho trẻ. Vậy cần xử trí như thế nào khi trẻ bị rôm sảy ở cổ?

1. Rôm sảy là gì?

Rôm sảy là tình trạng ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn gây ra sự ứ đọng mồ hôi, khiến làn da bị viêm và xuất hiện các mụn nhỏ màu hồng trên da. Rôm sảy thường không gây đau nhưng có thể khiến trẻ thấy khó chịu và ngứa. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, khi bị rôm sảy trẻ ngứa, gãi nhiều làm cho da bị trầy xước gây nhiễm trùng da thứ phát.

3 dạng rôm sảy chính ở trẻ như sau:

  • Rôm đỏ: Là thể hay gặp nhất và thường xuất hiện khi thời tiết nóng ẩm. Vùng da bị ảnh hưởng xuất hiện những nốt mẩn đỏ, ngứa hoặc cảm giác như kiến cắn.
  • Rôm dạng tinh thể: Là dạng rôm sảy nhẹ nhất, thường xảy ra khi ống tuyến mồ hôi của trẻ chậm phát triển, hay gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là trẻ 1 tuần tuổi. Loại rôm này không gây viêm và không để lại các mảng da bị bong sau khi khỏi bệnh.
  • Rôm sâu: Tổn thương ở lớp sâu nhất trong da, có thể xảy ra khi tuyến mồ hôi của bé bị tổn thương nặng, thường là sau khi trẻ bị rôm đỏ kéo dài.

2. Nguyên nhân trẻ bị rôm sảy ở cổ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị rôm sảy ở nhiều vùng da trên cơ thể, trong đó, cổ là vùng dễ bị rôm sảy nhất. Nguyên nhân trẻ bị nổi rôm sảy ở cổ là do:

  • Vùng cổ có nhiều nếp gấp

Phần da ở vùng cổ của trẻ có nhiều nếp nhăn hơn những vùng da khác nên mồ hôi và bụi bẩn rất dễ đọng lại ở những nếp gấp. Khi không được lau rửa thường xuyên, lỗ chân lông vùng cổ sẽ bị bít tắc và gây rôm sảy cho trẻ. Nhất là vào mùa hè, trẻ vận động nhiều khiến mồ hôi tích tụ nhiều hơn ở cổ và gây rôm sảy.

  • Do sữa, thức ăn chảy xuống cổ

Khi cho trẻ ăn, sữa hoặc nước bọt của trẻ dễ bị chảy xuống cổ và đọng lại vùng nếp gấp. Vì thế đã tạo nên môi trường ẩm ướt, khiến bụi bẩn dễ dính vào da và vi khuẩn cũng dễ phát triển hơn, tấn công da trẻ gây bệnh rôm sảy.

  • Tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển toàn diện

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy ở cổ phải kể đến nữa là do tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển toàn diện. Vì thế, khi thời tiết nóng bức, cơ thể của trẻ tiết mồ hôi nhưng lại không thoát hết ra ngoài được, nhất là vùng cổ. Mồ hôi bị giữ lại từ đó gây bít tắc lỗ chân lông và có thể khiến bé bị rôm sảy.

  • Do bé chưa cứng cổ

Ở trẻ sơ sinh, cột sống cổ chưa cứng cáp nên bé chưa thể tự giữ thẳng cổ được. Khi đó, đầu của trẻ áp sát vào vai hoặc cúi xuống ngực sẽ khiến vùng cổ bị nóng, chảy nhiều mồ hôi. Dần dần có thể làm trẻ sơ sinh bị rôm sảy ở cổ.

  • Do bột giặt và nước xả vải có nhiều hóa chất kích ứng mạnh

Nhiều sản phẩm giặt đang được bày bán trên thị trường có thể chứa một số thành phần gây hại cho làn da bé như hóa chất tạo mùi hương, hóa chất tẩy rửa hoặc chất bảo quản,... Khi giặt quần áo, đồ dùng của bé với những loại bột giặt này, trẻ mặc vào dễ khiến làn da bị mẫn cảm hoặc nổi rôm sảy.

3. Triệu chứng trẻ bị rôm sảy ở cổ

Trẻ bị rôm sảy ở cổ sẽ xuất hiện những triệu chứng sau đây:

  • Vùng cổ của trẻ xuất hiện nhiều nốt nhỏ li ti, mẩn màu đỏ hoặc hồng, đầu mụn có nước hoặc không.
  • Trẻ bị ngứa, bứt rứt và khó chịu hoặc hay gãi lên vùng mẩn đỏ.
  • Các nốt nhỏ li ti ngày càng phát triển rộng hơn.
  • Trẻ gãi có thể dẫn đến trầy xước da, nhiễm khuẩn thành các mụn mủ hoặc mụn nhọt trên da.

Một điều hết sức lưu ý cho cha mẹ đó là khi mụn nước bị vỡ ra, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào da của trẻ. Từ đó, có thể gây nên viêm da mãn tính, nhiễm trùng da, nặng hơn có thể là gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tới tính mạng của trẻ. Chính vì thế, cha mẹ nên để ý đến trẻ bị bệnh, hạn chế tình trạng trẻ gãi làm viêm loét các mụn rôm.

4. Cách điều trị trẻ bị rôm sảy ở cổ

Thực tế, rôm sảy xuất hiện do thời tiết quá nóng và khi thời tiết trở nên mát mẻ thì rôm sảy sẽ tự hết. Tuy nhiên, những rôm sảy có thể tái lại nhiều lần nếu như gặp thời tiết nóng bức, nhất là vào những ngày hè. Bệnh rôm sảy không thể tự dứt hẳn nếu như cha mẹ không có cách trị rôm sảy cho trẻ kịp thời.

Dưới đây là một số phương pháp trị rôm sảy an toàn cho trẻ bằng các mẹo dân gian mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Lá khế

Cha mẹ dùng một nắm lá khế, tuốt bỏ phần gân cứng và ngâm rửa thật sạch, sau đó đem xay hoặc giã nát cùng một chút muối. Loại bỏ nước lá khế ra khỏi bã, hòa vào chậu nước ấm và tắm cho bé. Kiên trì thực hiện từ 3 - 4 ngày vùng da rôm sảy của bé sẽ được cải thiện.

  • Lá dâu tằm

Bên cạnh lá khế, lá dâu tằm cũng có công dụng giúp điều trị rôm sảy ở trẻ mà ít ai biết đến. Cha mẹ lấy một nắm lá dâu tằm đem rửa sạch. Sau đó cho nước vào nồi, đun sôi, chờ nước nguội lọc lấy nước tắm cho trẻ. Lưu ý, không nên pha thêm nước lạnh để có hiệu quả tốt.

Ngoài ra, sau khi tắm với nước lá dâu tằm, có thể lấy hạt đậu xanh vẫn còn nguyên vỏ, nghiền cho mịn rồi rắc lên vùng da đang bị rôm sảy của trẻ. Thực hiện liên tục trong vòng vài ngày sẽ thấy những nốt rôm sẽ dịu đi nhanh chóng.

  • Gừng tươi

Cha mẹ chuẩn bị vài củ gừng tươi, rửa thật sạch rồi giã nát. Đun gừng với nước sôi, chờ nước nguội thì có thể tắm cho bé. Cách này nên áp dụng tắm cho bé vào buổi sáng, kiên trì thực hiện sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

  • Mướp đắng

Mướp đắng không chỉ là món ăn vừa lành vừa bổ mà còn có thể giúp đánh bay rôm sảy nhanh chóng. Chỉ cần dùng khoảng hai quả mướp đắng, rửa sạch rồi xay nát, lọc lấy nước để tắm cho trẻ.

  • Chanh tươi

Mẹ có thể vắt lấy nước cốt chanh, pha loãng với nước rồi cho bé tắm. Nhờ chứa lượng axit dồi dào nên chanh có công dụng chữa rôm sảy cho trẻ rất hiệu quả.

  • Lá trà xanh

Rửa sạch lá trà xanh tươi rồi cho vào nồi đun lấy nước. Sau khi đã để nguội, mẹ có thể dùng nước trà này pha với nước tắm của bé để kháng khuẩn da.

  • Lá tía tô

Phương pháp trị rôm sảy ở trẻ từ lá tía tô cũng được nhiều người áp dụng do thành phần này dễ tìm. Cha mẹ lấy lá tía tô rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt rồi chấm lên da bé bị rôm sảy. Nên để hỗn hợp khoảng từ 10-15 phút và tắm lại người cho bé bằng nước ấm.

  • Bôi kem trị rôm

Với rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị bằng thuốc nhưng nếu nốt rôm mọc thành mảng lớn, dày đặc, tấy đỏ, cha mẹ nên bôi kem trị rôm cho trẻ giúp cải thiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu và có thể ngăn ngừa biến chứng về sau. Một số loại thuốc bôi trị rôm sảy cho trẻ phổ biến bao gồm dung dịch Calamine làm dịu ngứa; Anhydrous lanolin giúp ngăn ngừa tình trạng bít các ống tuyến mồ hôi và ngưng phát sinh các nốt rôm mới ở trẻ,...

Tuy nhiên, cha mẹ cần cẩn trọng trong việc sử dụng kem bôi trị rôm cho trẻ vì làn da của con còn non nớt, khá nhạy cảm. Khi bôi chỉ sử dụng một lượng vừa đủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Bên cạnh những cách điều trị trẻ bị rôm sảy ở cổ trên, cha mẹ cũng cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ như: Uống đủ nước, có thể bổ sung nước thanh nhiệt từ cam, bột sắn dây, rau má,... và hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn có đường.

Lưu ý: Nếu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp trên nhưng tình trạng bệnh của con không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn như rôm sảy chảy mủ ra, da sưng, sốt, nóng đỏ,... thì nên nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.

5. Cách phòng tránh trẻ bị rôm sảy

Ba mẹ có thể tham khảo một số biện pháp phòng tránh, hạn chế tình trạng rôm sảy xuất hiện ở trẻ như sau:

  • Không để sữa, thức ăn chảy hoặc dính xuống cổ của trẻ

Sữa mẹ, thức ăn chảy xuống cổ có thể gây ẩm ướt khiến tình trạng rôm sảy nặng nề hơn. Vì thế, mẹ cần tránh để thức ăn, sữa chảy xuống cổ của trẻ bằng cách sau khi cho trẻ ăn xong, cần lau sạch cổ cho trẻ hoặc có thể đeo khăn, yếm khi ăn.

  • Vệ sinh cổ thường xuyên

Vùng da quanh cổ của trẻ cần được vệ sinh thường xuyên để đảm bảo khô thoáng, sạch sẽ, giúp ngăn ngừa và hạn chế tình trạng trẻ bị rôm sảy ở cổ. Khi tắm cho bé, ba mẹ nên chú ý vệ sinh vùng cổ kỹ càng bằng khăn mềm. Sau đó, lau khô rồi mới mặc quần áo cho bé. Hoặc khi trẻ ra ngoài về, ba mẹ cũng nên vệ sinh cổ cho bé để tránh mồ hôi, bụi bẩn dính vào cổ bé dễ gây rôm sảy.

  • Mặc áo không cổ hoặc cổ mềm mại cho trẻ

Rôm sảy thường xuyên xảy ra trong mùa hè nóng bức. Vì vậy, ba mẹ hãy chọn những loại quần áo mềm mại, thoáng mát, chất vải thấm hút mồ hôi tốt cho trẻ.

Mùa hè có thể cho bé mặc áo ba lỗ, áo không cổ để tránh tình trạng cổ áo cọ xát vào vùng da cổ bé, khiến rôm sảy bị nặng hơn.

  • Chọn nước xả vải và nước giặt riêng cho bé

Hãy chọn nước giặt quần áo của trẻ với thành phần đúng chuẩn gốc thực vật an toàn và lành tính cho da bé. Những sản phẩm này chủ yếu có chứa những thành phần được chiết xuất từ tự nhiên như cây, cỏ, hoa, lá, trái cây... và không có hóa chất tẩy độc hại.

Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, và được cơ quan uy tín chứng nhận về độ an toàn khi sử dụng cho trẻ để tránh kích ứng da.

Trong thời tiết nắng gắt như ở Việt Nam, cha mẹ hãy luôn tìm cách làm mát da cho con để hạn chế tình trạng tắc nghẽn ống dẫn mồ hôi dẫn đến rôm sảy. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc biết thêm cách xử trí khi trẻ bị rôm sảy ở cổ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan