Vì sao trẻ nhỏ dưới 12 tháng rất dễ mắc bệnh đường hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân- Bác sĩ Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Trung bình mỗi năm trẻ nhỏ có thể mắc các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp như ho, viêm hô hấp 3-4 lần. Mặc dù, những vấn đề này có thể không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

1. Vì sao trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp

1.1 Hệ hô hấp chưa hoàn thiện

Trẻ ở giai đoạn dưới 12 tháng là trẻ nhũ sinh đang trong giai đoạn phát triển kể cả hệ hô hấp nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công. Ngoài ra, khi gặp một số vấn đề sức khỏe, trẻ có xu hướng sẽ thở bằng miệng nên các vi khuẩn sẽ qua miệng và đi xuống thanh quản dẫn đến tình trạng ho và viêm nhiễm đường hô hấp.

1.2 Đặc điểm về hô hấp của trẻ

Đặc tính về hệ hô hấp của trẻ trong giai đoạn này là độ đàn hồi của phổi thấp, màng phổi mỏng nên phổi của trẻ rất yếu và dễ viêm nhiễm. Nếu trẻ bị viêm phổi có thể gây ra suy hô hấp. Trẻ nhỏ do hít thở nhiều lần nên trẻ có nguy cơ hít vào nhiều vi khuẩn gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

1.3 Hệ miễn dịch yếu

Hệ miễn dịch là lá chắn của cơ thể bé khỏi những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhưng với trẻ ở giai đoạn này thì hệ miễn dịch đang trong giai đoạn hoàn thiện và còn yếu nên việc bị các virus, vi khuẩn tấn công là điều không thể tránh khỏi, kể cả các vi khuẩn tác động lên hệ hô hấp.

Hệ miễn dịch trẻ còn yếu
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu

2. Xử lý khi trẻ bị viêm đường hô hấp và cách phòng tránh

Khi hệ hô hấp của trẻ bị tấn công, ho là phản ứng đầu tiên của cơ thể trẻ có tác dụng đẩy các virus ra ngoài cùng với đàm. Do đó, nó không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng ho kéo dài thì cần được điều trị. Vì nếu để trẻ ho quá lâu sẽ dẫn đến kiệt sức, chán ăn, nôn trớ gây suy giảm hệ miễn dịch là cơ sở để các virus tấn công và các viêm nhiễm sẽ trở nên nặng hơn. Phương pháp điều trị các cơn ho cho trẻ có thể như cho trẻ súc nước muối nhạt để sát khuẩn, dùng các thảo dược tự nhiên như cam thảo, gừng, tắt để sắc cho bé uống.

Trong giai đoạn phát triển hệ hô hấp của trẻ, cần chú ý bảo vệ phổi của bé bằng việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ vì nó không chỉ giúp phổi phát triển khỏe mạnh mà còn bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây bệnh khác. Sức đề kháng của trẻ sẽ được tăng cường bằng việc bổ sung các vitamin A, C cho trẻ vào các bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, bé cần được vệ sinh hàng ngày như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giữ ấm khi trời lạnh. Những điều này có thể giúp phòng ngừa các bệnh đường hô hấp cho trẻ nhỏ.

Trong giai đoạn trẻ bị viêm đường hô hấp nếu có biểu hiện chán ăn thì nên cho bé ăn nhiều bữa nhỏ để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, cần chú ý bổ sung, cho trẻ uống nhiều nước và làm sạch mũi cho bé. Phụ huynh cần theo dõi sát sao các biểu hiện bệnh của trẻ. Nếu bé có các biểu hiện sau cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được điều trị:

  • Trẻ bỏ bú hoặc khi đút sữa cho trẻ không uống, nuốt được
  • Trẻ bị nôn
  • Bị co giật
  • Ngủ li bì
  • Trẻ có hơi thở nhanh, gấp, trẻ bị lõm ngực khi thở, thở rít
Bỏ bú
Viêm đường hô hấp khiến trẻ bỏ bú

3. Tại sao không nên dùng kháng sinh khi trẻ bị các bệnh đường hô hấp

Do hệ miễn dịch của trẻ còn chưa hoàn thiện dẫn đến trẻ bị ho, sổ mũi do nhiễm những siêu vi gây bệnh trong không khí. Các siêu vi này không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, đau họng thì cần phải đưa bé đến gặp bác sĩ khám và điều trị. Không nên sử dụng nhiều các thuốc kháng viêm, kháng sinh. Nếu bé bị viêm hô hấp do virus thì kháng sinh sẽ không có tác dụng mà còn làm cho trẻ bị lờn thuốc và có các tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, tiêu chảy.

Trẻ chỉ nên cho uống kháng sinh khi có biểu hiện sốt cao, có mủ trong cổ họng, khó thở, xét nghiệm bạch cầu tăng, có tổn thương phổi,...Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ cần phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Các thuốc giảm đau khớp gối thường dùng
Thuốc kháng sinh cần hạn chế tối đa dùng trẻ sơ sinh

Để hạn chế việc trẻ nhỏ dưới 12 tháng mắc phải các bệnh lý đường hô hấp, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan