Trẻ thiếu sắt có biểu hiện gì?

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Do đó, việc nhận biết các biểu hiện trẻ thiếu sắt và điều trị kịp thời có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của bé.

1. Trẻ em thiếu sắt là tình trạng phổ biến

Sắt là vi khoáng có vai trò thiết yếu đối với sự tăng trưởng, phát triển của các tế bào trong hệ miễn dịch và hệ thần kinh. Bên cạnh đó, vi khoáng sắt cũng giúp điều hòa chuyển hóa năng lượng trong những hoạt động của cơ thể, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy từ phổi tới các phần còn lại của cơ thể. Nhờ đó, cơ bắp có thể dự trữ, sử dụng oxy.

Thiếu sắt ở trẻ em là vấn đề phổ biến, có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển chung của cơ thể. Trẻ dễ bị thiếu máu thiếu sắt do không được cung cấp đủ nhu cầu cơ thể cần, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng nhanh trong 5 năm đầu đời. Tình trạng thiếu sắt xảy ra ở nhiều cấp độ: Từ thiếu hụt sắt nhẹ cho tới thiếu máu do thiếu sắt. Khi đó, máu không có đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe.

2. Biểu hiện trẻ thiếu sắt

Trẻ có thể bị thiếu máu thiếu sắt mà không được cha mẹ phát hiện kịp thời. Đôi khi, dù chưa có biểu hiện nhưng trẻ đã được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt khi tình cờ đi xét nghiệm các bệnh lý khác hoặc hoặc kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Cách nhận biết trẻ thiếu sắt dựa trên các biểu hiện như:

  • Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da sau sinh nếu trẻ bị thiếu máu tan huyết;
  • Mệt mỏi;
  • Xanh xao, rõ nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân; kết mạc 2 mắt nhợt nhạt;
  • Trẻ thường chậm lớn, giảm trí nhớ, kém tập trung, ít đùa nghịch, hay buồn ngủ, dễ cáu gắt;
  • Một số trẻ có cảm giác ăn không ngon miệng, bị loét miệng hoặc rối loạn tiêu hóa;
  • Ở trẻ bị thiếu máu nặng: Biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở khi gắng sức (vận động mạnh, chạy nhảy), sụt cân, nhịp tim không đều, chậm tăng trưởng về chiều cao và cân nặng,...;
  • Trẻ dễ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và đường hô hấp do suy giảm hệ miễn dịch. Trong một số trường hợp hiếm gặp, thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em có thể dẫn đến hội chứng pica - 1 hội chứng nguy hiểm khiến trẻ thèm uống nước đá, ăn vụn sơn hay bụi bẩn,...;
  • Ít gặp: Trẻ bị đau đầu, đau cơ, rụng tóc, móng tay dễ gãy,...

Ngoài việc căn cứ vào những dấu hiệu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kể trên thì cách để phát hiện tình trạng này là xét nghiệm máu. Trẻ bị thiếu máu thường không có biểu hiện rõ ràng. Đó là lý do bố mẹ nên cho bé đi xét nghiệm máu định kỳ để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Kết quả xét nghiệm máu có thể cung cấp những thông tin như tổng lượng hồng cầu trong máu, hàm lượng sắt trong máu,... Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ có chảy máu trong thì có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác như nội soi đại tràng, xét nghiệm máu trong phân,...

3. Nên làm gì khi phát hiện trẻ bị thiếu sắt?

Dựa trên biểu hiện trẻ thiếu sắt, cha mẹ nên cho bé đi thăm khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định phù hợp nhất. Một số lời khuyên cho cha mẹ là:

  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức có bổ sung sắt: Nguồn sắt tốt và dễ hấp thu nhất cho trẻ dưới 1 tuổi chính là sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ nên cho con bú ít nhất 1 năm. Nếu vì 1 lý do nào đó mà trẻ không được bú sữa mẹ thì cha mẹ nên cho bé dùng sữa công thức có bổ sung sắt theo tư vấn của bác sĩ;
  • Xây dựng thực đơn dinh dưỡng cân bằng: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ hãy cho bé ăn những thực phẩm giàu chất sắt như ngũ cốc cho em bé. Khi bé lớn hơn, những nguồn cung cấp chất sắt tốt gồm thịt gà, đậu, thịt đỏ, rau có màu xanh đậm,... Với trẻ 1 - 5 tuổi, không nên tiêu thụ lượng sữa bò vượt quá 700ml/ngày;
  • Tích cực sử dụng vitamin C: Vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn. Loại vitamin này có nhiều trong cà chua, cam, dưa, bông cải xanh, dâu tây, kiwi, khoai tây,...;
  • Sử dụng chất bổ sung sắt: Trẻ em bị thiếu sắt có thể được điều trị bằng chất bổ sung sắt. Nếu trẻ có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt (ví dụ sinh non), cha mẹ nên bổ sung sắt chủ động cho trẻ theo khuyến nghị của bác sĩ.

Thực tế, hầu hết các trường hợp thiếu sắt ở trẻ em sẽ được điều trị bằng việc dùng chất sắt bổ sung kết hợp với thực đơn ăn uống lành mạnh. Điều cần lưu ý là nên sử dụng các chất bổ sung khi trẻ đói bụng để hấp thu chất sắt hiệu quả hơn. Đồng thời, tránh dùng sắt đi kèm chất lỏng như sữa, vì có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.

Nếu việc điều trị không hiệu quả, triệu chứng ở trẻ không thuyên giảm hoặc kết quả xét nghiệm máu không khả quan thì bé có thể cần được truyền máu.

Khi thấy bé có những biểu hiện trẻ thiếu sắt, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ về biện pháp can thiệp phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

183 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan