Trẻ dậy thì bị mụn có tự hết?

Trong những vấn đề xảy ra ở giai đoạn dậy thì, mụn trứng cá là một trong những tình trạng phổ biến, thường gặp xảy ra ở nhiều người. Mụn nội tiết ở tuổi dậy thì tuy không gây hại cho sức khỏe nhưng có ảnh hưởng khá nhiều đến vấn đề thẩm mỹ và tâm lý, khiến trẻ mất tự tin khi ra ngoài. Trẻ dậy thì bị mụn có thể hết hoàn toàn sau khi bước vào giai đoạn trưởng thành, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ không hết mụn hoặc để lại sẹo rỗ với các vết thâm mụn trên khuôn mặt.

1. Mụn nội tiết ở tuổi dậy thì có thể tự hết không?

Có thể nói, tuổi dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi người mà ai cũng phải trải qua. Khi bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, nồng độ các hormon sinh dục tăng lên kéo theo một loạt những thay đổi của cơ thể trong đó bao gồm cả sự xuất hiện của mụn trứng cá.

Có một câu hỏi rất hay rằng, tại sao ai cũng trải qua tuổi dậy thì nhưng không phải ai cũng bị mụn trứng cá? Đúng vậy. Thực tế, sự thay đổi nội tiết là thủ phạm chính khiến trẻ dậy thì nổi mụn, nhưng đó không phải là tất cả. Những thay đổi về tâm sinh lý, chăm sóc da không đúng cách, sử dụng mỹ phẩm một cách lạm dụng, vệ sinh da không tốt hay một chế độ ăn quá nhiều chất béo với đường ngọt cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ dậy thì bị mụn.

Mụn nội tiết ở tuổi dậy thì ở mỗi người không giống nhau. Có nhiều loại mụn khác nhau, trẻ có thể bị nhiều loại mụn cùng một lúc. Trẻ dậy thì nổi mụn có thể ở mặt, ở lưng, ngực hoặc tất cả các vùng trên, có hoặc không kèm theo tình trạng viêm nang lông ở tay chân.

Một số loại mụn nội tiết ở tuổi dậy thì:

  • Mụn đầu trắng: hay mụn ẩn dưới da, mụn cám. Đặc điểm là các nốt mụn nhỏ màu trắng, cỡ như đầu đinh ghim, kích thước không đều nhau khoảng 1 - 2 mm, hay gặp ở vùng mũi, trán, cằm với 2 bên má gần cánh mũi.
  • Mụn đầu đen: gọi là mụn đầu đen do nhân mụn có một phần bị hở ra ngoài, tiếp xúc với không khí bị oxy hóa thành màu đen. Mụn có đặc điểm là các nốt nhỏ như đầu đinh ghim, mọc nhiều ở mũi, cằm, giữa trán và 2 bên má.
  • Mụn mủ: là một dạng của mụn viêm nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn, khi các nhân mụn bên trong bị hóa mủ gây sưng nóng đỏ đau. Các nốt mụn mủ thường có mủ vàng đặc bên trong, viền ngoài quanh mụn bị tấy đỏ. Loại mụn này thường có tổn thương sâu đến lớp trung bì, thậm chí hạ bì nên nguy cơ để lại sẹo rỗ rất cao nên không biết xử lý mụn đúng cách.
  • Mụn viêm: là các nốt mụn hay các sẩn viêm đỏ, có thể có hoặc không có nhân bên trong, gây đau.
  • Mụn đầu đinh hay nhọt, đinh râu: đây được xếp vào một bệnh lý riêng với các triệu chứng sưng nóng đỏ đau điển hình, có thể bị sốt cao do nhiễm trùng, nguy cơ biến chứng thành ổ áp xe hoặc tổn thương dây thần kinh gây liệt mặt, tắc mạch.
  • Mụn bọc: là loại mụn nặng nhất trong tất cả các loại mụn, xảy ra khi có tình trạng vỡ đáy nang lông. Ban đầu chỉ là những nốt mụn nhỏ, sau lớn dần thành các ổ mụn lớn chứa nhiều máu với mủ bên trong gây sưng, đau. Loại mụn này có nguy cơ để lại sẹo rất cao.

Cùng là bị mụn ở tuổi dậy thì nhưng không phải ai cũng giống nhau.Có rất nhiều người thắc mắc không biết liệu dậy thì xong có hết mụn không? Nếu không thì khi nào mụn sẽ hết? Hết mụn rồi liệu có bị lại nữa không? Trên thực tế, có rất nhiều trẻ qua giai đoạn dậy thì, lúc bước vào tuổi trưởng thành, khi mà lượng hormon trong cơ thể đã dần cân đối và ổn định, tự nhiên mặt hết mụn mà không cần phải điều trị.. Ngược lại, có rất nhiều bạn trẻ bị mụn kéo dài từ lúc bắt đầu dậy thì cho đến tận khi mãn kinh, hoặc hết mụn mà để lại muôn vàn sẹo rỗ trên khuôn mặt.

Không ai có thể khẳng định dậy thì xong có hết mụn hay không và thời điểm nào thì hết mụn. Việc hết mụn hoàn toàn hay không còn phụ vào rất nhiều yếu tố như cơ địa (sự đáp ứng thích nghi của cơ thể với tình trạng mất cân bằng giữa các hormon), mức độ bị mụn nặng hay nhẹ và cách chăm sóc da cũng như phương pháp điều trị mụn trong thời bị bệnh. Đôi khi, trẻ dậy thì bị mụn khá nhẹ nhưng do lạm dụng mỹ phẩm, điều trị không đúng mà khiến tình trạng mụn nặng hơn, tái đi tái lại nhiều lần không khỏi.

2. Một số sai lầm trong việc chăm sóc da ở những trẻ dậy thì bị nổi mụn

Như đã nói ở trên, chăm sóc da trong thời gian bị mụn là điều rất cần thiết, không những làm giảm tình trạng mụn, hạn chế nguy cơ để lại sẹo và thâm mụn mà còn giảm nguy cơ tái phát sau điều trị.

Một số sai lầm thường gặp trong xử lý, điều trị cũng như chăm sóc da mụn:

  • Sử dụng dược mỹ phẩm chăm sóc da không đúng cách, không đúng quy trình chăm sóc da như rửa mặt quá nhiều, không tẩy trang, không dùng kem dưỡng và kem chống nắng... Trong chăm sóc da, việc lựa sản phẩm không quá quan trọng vấn đề đắt hay rẻ mà cần phải phù hợp với da. Sử dụng sai sản phẩm chăm sóc da sẽ làm mất cân bằng hệ vi sinh trên da, thay đổi pH của da, phá hỏng hàng rào bảo vệ da, điều này không làm giảm tình trạng mụn mà có khi còn nặng hơn. Đặc biệt lưu ý các sản phẩm chứa corticoid, các dòng kem trộn.
  • Tự ý nặn mụn mà không đảm bảo vệ sinh, không biết cách nặn mụn sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, sau lấy mụn để lại nhiều vết thâm kèm theo sẹo rỗ khắp mặt.
  • Lạm dụng kháng sinh cả đường uống và đường bôi. Sử dụng kháng sinh trị mụn khi chưa cần thiết dẫn đến tình trạng kháng thuốc, điều trị cũng không hiệu quả.

Ngoài ra, các vấn đề về tâm lý, thức khuya, stress cũng làm cho mụn nặng hơn.

Nhắc đến tuổi dậy thì, trẻ dậy thì bị mụn luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên giai đoạn dậy thì không loại trừ bất kỳ một ai, việc cần làm là hãy trang bị cho mình và cả gia đình những kiến thức cần thiết trước khi trẻ chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì để có thể giúp trẻ trải qua giai đoạn này một cách thuận lợi. Hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn khi trẻ có những dấu hiệu bất thường ở tuổi dậy thì.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan