Trẻ chậm tăng cân có phải do thiếu vi chất dinh dưỡng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Trẻ chậm tăng cân là vấn đề gây phiền muộn cho nhiều bậc phụ huynh. Nguyên nhân có thể do trẻ biếng ăn, kém hấp thu, rối loạn tiêu hóa hoặc chế độ ăn của trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng. Áp dụng các giải pháp giúp trẻ tăng cân và bổ sung khoáng chất để trẻ phát triển tốt.

1. Nguyên nhân gây ra trẻ chậm tăng cân

1.1 Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng

Trẻ chậm tăng cân do chế độ ăn uống hằng ngày thiếu hụt các vitamin và khoáng chất như kali, sắt, canxi, kẽm, vitamin A, B, D... làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp bé, nhẹ cân hơn so với các trẻ cùng tuổi.

Với trẻ sơ sinh, nguyên nhân làm cho trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng thường gặp nhất là do mẹ ít sữa. Nếu nguồn sữa mẹ không dồi dào, trẻ sẽ bị đói, chậm tăng cân, kém phát triển về thể chất và trí não. Ngoài ra, những sai lầm như tư thế cho con bú không đúng, trẻ ngậm ti không đúng cách, sữa mẹ không đủ dưỡng chất khiến trẻ chậm tăng cân dù mẹ đủ sữa.

1.2 Rối loạn tiêu hóa

Trẻ em thường gặp các vấn đề về tiêu hoá như đầy bụng khó tiêu, táo bón, tiêu chảy, kém hấp thu do hệ tiêu hoá chưa phát triển hoàn chỉnh, bất thường hoặc bệnh lý tại hệ tiêu hóa. Đây là một trong những lí do khiến dù ăn nhiều nhưng trẻ chậm tăng cân.

1.3 Trẻ biếng ăn

Trẻ biếng ăn, chán ăn dẫn đến giảm lượng chất dinh dưỡng nạp cơ thể, làm trẻ chậm tăng cân.

1.4 Chế biến thức ăn không đúng cách

Chế độ ăn quá nhiều đường hoặc muối, ăn thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn cũng khiến trẻ chậm tăng cân.

1.5 Cách chăm sóc trẻ không khoa học

Các thói quen xấu làm cho trẻ chậm tăng cân như thời gian biểu ăn uống không hợp lý, không có giờ giấc cố định, ăn nhiều thức ăn nhanh, thói quen chăm con tùy tiện...

1.6 Trẻ quá hiếu động

Trẻ quá hiếu động, ham chơi thường cần nhiều năng lượng hơn nên nhu cầu nạp dưỡng chất nhiều hơn.

1.7 Bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý mạn tính

Những trẻ có bệnh lý di truyền, bệnh lý mạn tính như tim bẩm sinh, suy tim, bệnh hệ thống...thường là nguyên nhân có thể gặp làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thu cũng như tăng tiêu thụ năng lượng của cơ thể, gây nên tình trạng suy dinh dưỡng

Trẻ biếng ăn
Trẻ biếng ăn là một trong các nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân

2. Hậu quả của trẻ chậm tăng cân

Trẻ có cân nặng, chiều cao phù hợp với lứa tuổi sẽ cao lớn, khỏe mạnh, năng động, có trí tuệ và sức đề kháng tốt. Nếu trẻ chậm tăng cân dễ gặp các vấn đề như:

  • Chậm phát triển cả về thể chất lẫn trí não. Trẻ chậm phát triển sẽ có cơ thể thấp bé và không nhanh nhẹn linh hoạt.
  • Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng lâu ngày sẽ thấp bé, còi xương, suy nhược và khó đạt được tầm vóc lý tưởng khi lớn.
  • Giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn dễ như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, ... khiến trẻ gầy còm, yếu ớt.

3. Các biện pháp cải thiện tình trạng trẻ chậm tăng cân

3.1 Chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quyết định chính tới cân nặng và sự phát triển của trẻ. Muốn trẻ tăng cân tốt phải cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu từ thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, chất béo. Ngoài ra, cách chế biến món ăn cũng cần đa dạng, thực đơn luân phiên để trẻ hào hứng ăn, không chán ngán khi ăn.

3.2 Bổ sung vitamin và khoáng chất

Chế độ ăn mỗi ngày đôi khi không đầy đủ vitamin và khoáng chất. Để cải thiện cân nặng, ngoài các bữa ăn của trẻ nên bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ các nguồn thực phẩm khác nhau. Bổ sung vitamin và khoáng chất thúc đẩy quá trình chuyển hóa cơ bản, giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, phát triển xương khớp chắc khỏe, hạn chế nguy cơ còi xương, suy dinh dưỡng, hỗ trợ tăng trưởng chiều cao và trí não.

3.3 Bổ sung chất béo tốt trong bữa ăn

Chất béo đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng cho các hoạt động hằng ngày của trẻ. Do đó, thực đơn hằng ngày của trẻ phải bổ sung chất béo không bão hòa, là dầu thực vật dành riêng cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho con. Bổ sung 1 muỗng dầu thực vật dành riêng cho trẻ em vào mỗi chén cơm hay cháo giúp trẻ ăn ngon miệng và cung cấp nhiều năng lượng hơn.

3.4 Chia nhỏ bữa ăn và không ép trẻ ăn

Việc ép trẻ ăn một lượng lớn thức ăn mỗi bữa sẽ khiến trẻ bị nôn ói, mang tâm lý ám ảnh và sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày với lượng thức ăn vừa đủ, có thể tăng lên khoảng 5 – 6 bữa trong ngày. Điều này vừa làm giảm áp lực cho bé vào bữa chính, hạn chế tình trạng trẻ biếng ăn vừa giúp hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.

3.5 Không nên xay nhuyễn thức ăn mà để trẻ tự nhai

Việc xay nhuyễn thức ăn sẽ khiến trẻ biếng ăn, kén ăn, lười nhai. Quá trình nhai sẽ giúp trẻ cảm nhận được hương vị thức ăn, đồng thời kích thích hệ tiêu hóa tiết nhiều enzyme để tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

3.6 Cho trẻ tập thể dục thường xuyên

Tập luyện thể thao hoặc tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời như đạp xe, bóng rổ, bơi lội giúp trẻ đốt cháy năng lượng, thải trừ chất độc, kích thích hệ tiêu hóa, ăn ngon miệng hơn và phát triển chiều cao. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn tạo điều kiện để trẻ phát triển trí não, sáng tạo tư duy, trẻ vui tươi, lạc quan và hòa đồng hơn.

Dinh dưỡng cho trẻ cai sữa
Cải thiện tình trạng trẻ chậm tăng cân bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng

3.7 Tăng cường hệ tiêu hóa

Bổ sung lợi khuẩn tăng cường cho hệ tiêu hóa là một trong những biện pháp quan trọng nhằm giúp trẻ tăng cân đều đặn và an toàn. Bổ sung lợi khuẩn từ men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng số lượng vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hoá và ức chế vi khuẩn có hại phát triển. Từ đó, hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả hơn, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, giúp bé ăn ngon miệng hơn, tăng cân nhanh hơn, khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.

3.8 Không nên tự ý cho bé uống thuốc bổ sung dưỡng chất

Thuốc bổ sung dưỡng chất cho trẻ chậm tăng cân sẽ kích thích hệ tiêu hóa sản sinh ra các enzym, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, ăn nhiều hơn. Từ đó hấp thụ tốt hơn các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, hỗ trợ tích cực trong việc tăng trưởng chiều cao và cân nặng, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, việc dùng thuốc bổ cho trẻ chậm tăng cân cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ cũng như các chuyên gia dinh dưỡng, không được tự ý cho trẻ sử dụng.

3.9 Thăm khám giúp loại trừ bệnh lý mạn tính, di truyền

Việc chậm tăng cân, suy dinh dưỡng của trẻ khi đã làm tốt những vấn đề chăm sóc cần phải nghĩ đến nguyên nhân này. Để có thể phát hiện và điều trị sớm cần được thăm khám và điều trị ở những đơn vị y tế có chất lượng.

Tóm lại, trẻ chậm tăng cân là vấn đề thường gặp, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như gây ra nhiều nỗi băn khoăn cho phụ huynh. Áp dụng cách chăm sóc khoa học, chế độ dinh dưỡng đầy đủ và bổ sung các vitamin, khoáng chất và các dưỡng chất cần thiết giúp tăng sức đề kháng trẻ tăng trưởng đều đặn, toàn diện và phát triển tối ưu.

Trường hợp trẻ chậm tăng cân, kém hấp thu,... cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan