Trẻ bị mềm sụn thanh quản điều trị thế nào?

Mềm sụn thanh quản là một bất thường bẩm sinh hay gặp phải ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng bú, hô hấp cũng như sự phát triển của trẻ. Nếu điều trị chậm trễ, mềm sụn thanh quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ đến tính mạng của trẻ.

1. Mềm sụn thanh quản ở trẻ em là tình trạng gì?

Mềm sụn thanh quản chiếm 60% trong các bất thường thanh quản bẩm sinh. Tình trạng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, đặc trưng bởi mô thanh quản mềm, cấu trúc thượng thanh môn bị xẹp vào trong mỗi khi trẻ hít vào, dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp trên.

Theo quan điểm của các chuyên gia, mềm sụn thanh quản là nguyên nhân thường gặp nhất của thở rít ở trẻ sinh, chiếm từ 60 – 70% các ca mắc. Đây là một tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ, có nguy cơ gây ngạt thở tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị mềm sụn thanh quản

Tình trạng mềm sụn thanh quản ở trẻ em thường bắt nguồn 5 cơ chế bệnh sinh sau:

  • Sụn chưa trưởng thành.
  • Trẻ có bất thường về giải phẫu.
  • Thần kinh cơ chưa trưởng thành, trương lực thanh quản giảm do chậm kiểm soát thần kinh cơ thanh quản.
  • Thiếu canxi khi trẻ còn là bào thai.
  • Nhiễm độc thai nghén.

Dưới đây là một số tình trạng có thể khiến cho bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ em trở nên nghiêm trọng hơn:

  • Trẻ sinh non.
  • Bất thường thần kinh cơ.
  • Tổn thương đường dẫn khí, mềm sụn khí quản, mềm sụn phế quản, mềm vùng hậu, hẹp hạ thanh môn và nang bất thường.

3. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị mềm sụn thanh quản

Tình trạng mềm sụn thanh quản ở trẻ thường xuất hiện vào 4 – 6 tuần tuổi hoặc 2 tháng tuổi (muộn hơn). Bạn có thể nhận biết trẻ bị mềm sụn thanh quản qua các dấu hiệu điển hình sau:

  • Nếu ngay sau khi sinh, trẻ đã có biểu hiện thở khò khè kéo dài, trong tiếng thở có kèm âm sắc cao và cơn thở bị ngắt quãng khi bé hít vào, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo mềm sụn thanh quản ở trẻ. Khi cho trẻ đi khám mũi không phát hiện có dịch tiết của viêm nhiễm hay bất kỳ tổn thương nào khác.
  • Mỗi khi đặt trẻ nằm ngửa hoặc quấy khóc, tiếng thở khò khè sẽ tăng lên.
  • Trẻ bị mềm sụn thanh quản có xu hướng kém phát triển cân nặng, cổ và lồng ngực co kéo khi hít vào, khó bú, tím tái hoặc ngưng thở. Đây đều là những triệu chứng nặng, có thể xảy ra vào khoảng 8 tháng đầu và sau đó thuyên giảm dần khi trẻ bước sang 12 – 18 tháng tuổi.
  • Tắc nghẽn một phần thanh môn, khiến trẻ phải gắng sức mỗi khi hít thở để lấy được không khí. Tình trạng này có thể làm tăng áp suất lồng ngực và dễ gây ra hiện tượng trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản kèm theo hạ họng. Đây là lý do vì sao trẻ bị mềm sụn thanh quản thường có nguy cơ cao bị viêm phổi, viêm phế quản và nhất là viêm mũi họng.

4. Các biện pháp chẩn đoán mềm sụn thanh quản ở trẻ

Hiện nay có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán hiệu quả tình trạng mềm sụn thanh quản ở trẻ em, bao gồm:

  • Dựa vào âm sắc của tiếng thở khò khè và một số triệu chứng khác của bệnh nhi để đưa ra chẩn đoán.
  • Đối với trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn các bậc phụ huy thực hiện theo dõi trẻ tại nhà. Nếu trường hợp có triệu chứng nặng, trẻ cần thực hiện một số xét nghiệm để xác định cụ thể tình trạng bệnh.
  • Phương pháp chẩn đoán thường được khuyến nghị áp dụng là soi mũi – hầu – thanh quản. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một ống mềm có gắn camera nhỏ vào mũi trẻ và luồn xuống cổ họng nhằm thu được những hình ảnh bên trong thanh quản của trẻ. Thông qua xét nghiệm này, bác sĩ có thể quan sát được hiện tượng phồng sụn nắp thanh quản và mỗi khi trẻ hít vào sẽ bị ép vào tiền đình thanh quản. Tình trạng tắc nghẽn có thể xảy ra nếu sụn nắp mềm dài ra và xếp thành nếp che kín hoặc chèn ép vào môn thanh quản.
  • Đôi khi, các triệu chứng thở khò khè hoặc thở rít ở trẻ bị mềm sụn thanh quản cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh phì đại tuyến hung hoặc bệnh tim phổi bẩm sinh. Để chẩn đoán và phát hiện được những bệnh lý này, bác sĩ sẽ yêu cầu chụp X-quang hoặc tiến hành đo nồng độ pH để kiểm tra mức độ trào ngược dạ dày.

5. Các biện pháp điều trị mềm sụn thanh quản ở trẻ em

Thực tế, mềm sụn thanh quản ở trẻ là một bệnh lý có thể chữa khỏi nếu được kiểm soát tốt. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều tự khỏi mà không cần sự can thiệp của các biện pháp điều trị. Tuy nhiên, đối với những trẻ có dấu hiệu ngưng thở do môn thanh quản bị tắc nghẽn thì cần phải nhập viện để được theo dõi và chữa trị. Những trẻ bị mềm sụn thanh quản cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng ngạt thở nhẹ và thiếu oxy trong máu. Một vài trường hợp nghiêm trọng hơn có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Do đó, việc điều trị sớm và đúng cách là bước vô cùng quan trọng, giúp trẻ bị mềm sụn thanh quản ngăn ngừa được những hệ lụy nguy hiểm khác.

Hiện nay có 2 phương pháp chính được áp dụng trong điều trị mềm sụn thanh quản ở trẻ em, bao gồm:

5.1. Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc mà không cần phẫu thuật)

Hầu hết trẻ bị mềm sụn thanh quản sẽ hết triệu chứng thở khò khè khi lên 2 tuổi. Trong 6 tháng đầu sau sinh, tiếng khò khè có xu hướng tăng bởi lượng khí trẻ hít thở sẽ tăng dần theo độ tuổi. Sau đó, triệu chứng này sẽ không tăng nữa và dần biến mất. Trong một số trường hợp nhất định, mặc dù các triệu chứng thở khò khè biến mất nhưng đặc điểm bệnh học vẫn tồn tại và kéo dài cho đến khi trẻ lớn dần. Mỗi khi trẻ gắng sức hoặc nhiễm vi rút hệ hô hấp, triệu chứng thở khò khè có thể tái phát.

Nhìn chung, mềm sụn thanh quản ở trẻ không có bất kỳ loại thuốc đặc hiệu điều trị nào. Bác sĩ chỉ khuyến nghị phụ huynh cho trẻ bổ sung thêm canxi và vitamin D. Nếu trẻ có triệu chứng nhiễm trùng hô hấp kèm trào ngược dạ dày thực quản thì việc điều trị sâu hơn mới cần thiết. Trong trường hợp trẻ vẫn chơi được, bú và tăng cân bình thường, chỉ xuất hiện mỗi chứng thở khò khè trong 2 tháng đầu sau khi sinh thì không cần can thiệp gì thêm.

5.2. Điều trị ngoại khoa (can thiệp phẫu thuật)

Phẫu thuật chỉ nên thực hiện khi trẻ bị mềm sụn thanh quản nặng gây khó bú, kém phát triển và tăng cân. Phương pháp phẫu thuật chính để khắc phục các triệu chứng của bệnh lý này là tạo hình cấu trúc nâng đỡ quanh nắp thanh quản, sau đó lấy đi những mô thừa gây tắc nghẽn khí đạo.

Theo bác sĩ, rất ít khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ em. Nếu trẻ đã tiến hành phẫu thuật rồi, gia đình vẫn nên cho bé tiếp tục điều trị chứng trào ngược dạ dày thực quản và thường xuyên theo dõi các chuyển biến của trẻ để có hướng xử trí kịp thời.

Tuy nhiên, bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có nguy cơ xảy ra tai biến, trong đó bao gồm cả phẫu thuật chỉnh hình thượng thanh môn và mở khí quản cho trẻ. Nguy cơ để lại di chứng mở khí quản có tỷ lệ tử vong là khoảng 2%.

6. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị mềm sụn thanh quản

Cơ thể trẻ thông thường vốn đã rất non nớt và yếu. Đối với trẻ bị mềm sụn thanh quản càng cần đến sự chăm sóc tận tụy hơn từ phía gia đình. Dưới đây là một số mẹo chăm sóc trẻ mềm sụn thanh quản an toàn mà các bậc cha mẹ nên tham khảo:

  • Hạn chế cho trẻ nằm ngửa lâu: Khi chịu trọng lực, lớp mô sụn thanh quản sẽ có xu hướng sa vào đường thở và khiến triệu chứng thở khò khè của trẻ trở nặng. Đối với trẻ sơ sinh, cha mẹ nên cho con nằm nghiêng và thi thoảng trở mình để bé đỡ mỏi người. Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên để con tự nằm ở tư thế mà bé cảm thấy dễ thở nhất.
  • Cho trẻ bú đúng cách: Khó bú là một tình trạng thường gặp phải ở trẻ bị mềm sụn thanh quản. Do đó, khi cho con bú, mẹ nên điều chỉnh lượng sữa vừa phải với sức bú của con, giúp tránh nguy cơ bị sặc sữa.
  • Vệ sinh sạch sẽ mũi họng cho trẻ trước khi ngủ: Vào buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên cho trẻ vệ sinh mũi họng thông thoáng bằng dung dịch nước muối sinh lý, giúp bé dễ thở hơn khi ngủ. Ngoài ra, mẹ có thể thoa thêm một chút kem dưỡng môi cho trẻ bởi bé thường có xu hướng thở bằng miệng khi ngủ. Điều này sẽ giúp cho môi của trẻ không bị nứt nẻ, khô ráp.
  • Tăng cường sức đề kháng cho bé: Phụ huynh cần hạn chế tối đa các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cho trẻ bị mềm sụn thanh quản nhằm tránh làm nặng thêm chứng thở khò khè. Đối với trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn ăn dặm, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch, từ đó phòng tránh hiệu quả các bệnh viêm đường hô hấp phổ biến.
  • Cho trẻ đi khám định kỳ: Trẻ bị mềm sụn thanh quản nên được đưa đi khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu trẻ có dấu hiệu sụt cân, bỏ bú hoặc ngưng thở,... bạn nên đưa bé đi khám ngay để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, việc đưa trẻ bị mềm sụn thanh quản đi đo định kỳ độ bão hoà oxy tươi trong máu cũng là điều rất cần thiết.
  • Lưu ý về chế độ sinh hoạt: Trẻ bị mềm sụn thanh quản không cần phải kiêng cữ bất kỳ loại thức ăn hay hoạt động thể chất nào. Bạn có thể cho bé đi tiêm chủng như bình thường để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

345 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan