Trẻ 30 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ 30 tháng tuổi có sự phát triển vượt trội về thể chất và tinh thần. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ, cha mẹ cần chú ý đặc biệt đến chế độ dinh dưỡng đồng thời quan tâm đến chăm sóc răng miệng để phòng ngừa sâu răng.

1. Sự phát triển của trẻ 30 tháng tuổi

Trẻ 30 tháng tuổi có sự phát triển vượt trội về thể chất và tinh thần. Trẻ có thể kiểm soát tốt các cử động của mình như nhảy lên nhảy xuống bằng cả hai chân, đi xuống cầu thang bằng cách đi xen kẽ chân, vừa chạy vừa tránh chướng ngại vật. Trẻ có thể tự chải răng với sự giúp đỡ của người lớn, biết rửa và lau tay. Trẻ cũng thực hiện được một số vận động đòi hỏi sự khéo léo như cắt đơn giản, gấp giấy tờ, vẽ nguệch ngoạc, sắp xếp các hình khối.

Bé 30 tháng tuổi có thể gọi chính xác tên đồ vật, bắt chước các hành động của cha mẹ. Bé phát âm rõ hơn, ghép được nhiều từ hơn để tạo thành câu. Khi cha mẹ nói, bé sẽ nhìn miệng và cố gắng bắt chước cách phát âm và nét mặt của cha mẹ. Não bộ bé đang không ngừng quan sát và hấp thụ tất cả những tương tác, sự vật, sự việc xung quanh. Không có phút giây nào là lãng phí đối với độ tuổi này.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển cả về thể chất và trí tuệ của bé, chế độ dinh dưỡng cho trẻ 30 tháng tuổi cần được cha mẹ quan tâm đặc biệt. Trẻ cần được ăn đa dạng các loại thực phẩm để được cung cấp đầy đủ các nhóm chất thiết yếu là tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó chăm sóc răng miệng tốt cho trẻ để tránh nguy cơ trẻ sâu răng và mắc các bệnh răng miệng khác cũng có vai trò vô cùng quan trọng.

Trẻ 3 tuổi
Trẻ 30 tháng tuổi có sự phát triển vượt trội về thể chất và tinh thần

2. Thực đơn cho trẻ 30 tháng tuổi

Thực đơn cho trẻ 30 tháng tuổi cần đa dạng, các món ăn cần được thay đổi thường xuyên để tạo cho trẻ cảm giác ngon miệng, ngăn ngừa hiện tượng trẻ chán ăn và sợ một loại thức ăn nào đó do ăn quá nhiều hoặc liên tục. Lượng thực phẩm trong ngày của trẻ 30 tháng tuổi cần đảm bảo 150-200g gạo; 150-200g rau xanh; 120-150g tôm, cá chia thành 4 bữa; mỗi bữa 10g thịt. Lượng sữa cần cung cấp cho trẻ mỗi ngày là từ 400-500ml.

Trẻ 30 tháng tuổi cần được ăn mỗi ngày 3 bữa chính gồm bữa sáng, trưa và tối. Ngoài ra cần bổ sung cho trẻ 2 bữa phụ vào giữa buổi sáng và lúc xế chiều. Cha mẹ có thể tham khảo thực đơn cho trẻ 30 tháng tuổi như sau:

Bữa sáng: chất dinh dưỡng cho bữa sáng thường sẽ chiếm khoảng 25% số lượng thức ăn cả ngày. Thực đơn bữa sáng của trẻ có thể là:

  • Bánh mì (1⁄2 cái) + sữa bò (sữa đậu nành) 200-25ml
  • Cháo thịt (1 bát nhỏ)+ 1 quả chuối tiêu
  • Bún cá, bún thịt (1 bát nhỏ) + 200g đu đủ

Bữa trưa chiếm khoảng 35% số lượng thức ăn cả ngày của trẻ. Một số thực đơn cho trẻ 30 tháng tuổi bữa trưa cha mẹ có thể tham khảo:

  • Cơm (2 bát nhỏ) + đậu, thịt, trứng hấp hoặc chiên + canh rau cua mồng tơi + chuối tiêu(1 quả).
  • Cơm (2 bát nhỏ)+ thịt viên sốt cà chua + canh rau ngót nấu thịt nạc + 1 quả quýt ngọt
  • Cơm (2 bát nhỏ) + cá sốt cà chua + canh cải nấu tôm + xoài chín (200g)

Bữa tối chiếm 30% số lượng thức ăn cả ngày. Một số thực đơn bữa tối cho trẻ như:

  • Cơm (2 bát nhỏ) +thịt bò xào giá+ canh rau ngót nấu thịt + hồng xiêm (1 quả)
  • Cơm (2 bát nhỏ)+ thịt nạc vai băm rim nước mắm + canh cải nấu cá + chuối tiêu (1 quả).
  • Cơm (2 bát nhỏ) + trứng sốt cà chua+ canh cua rau + quýt ngọt (1 quả)

Hai bữa ăn phụ cũng chiếm 10% lượng thức ăn cả ngày của trẻ. Trong bữa phụ, cha mẹ có thể cho trẻ uống sữa tươi, sữa đậu nành, ăn sữa chua, rau câu, bánh flan,...

Bé 30 tháng bao nhiêu kg? Ở bé trai 30 tháng, cân nặng trung bình của trẻ là 13.3kg; ở bé gái là 12.7kg. Nếu bé có cân nặng thấp hơn cân nặng trung bình, cha mẹ cần tăng cường dinh dưỡng để bé bắt kịp đà tăng trưởng.

Một số lưu ý đối với cha mẹ khi cho bé ăn là:

  • Cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ, không ăn vặt, bánh kẹo ngọt trước bữa ăn. Tập cho trẻ không thành kiến với một thức ăn nào đó.
  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Tạo không khí vui vẻ khi ăn, khen ngợi khi trẻ hoàn thành bữa ăn của mình.
  • Các bữa ăn trong ngày của trẻ nên cách nhau 2-3 giờ, nếu ăn quá sát giờ trẻ sẽ có cảm giác no, không muốn ăn.
Kén ăn
Cha mẹ cần cho trẻ ăn đúng bữa, ăn đủ, không ăn vặt, bánh kẹo ngọt trước bữa ăn

3. Chăm sóc răng miệng cho bé 30 tháng tuổi

Sâu răng là một bệnh răng miệng rất phổ biến ở trẻ em. Sâu răng ở trẻ em có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe răng miệng và ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn sau này. Theo thống kê của Viện Răng hàm mặt quốc gia, số lượng trẻ em Việt Nam bị sâu răng có xu hướng ngày càng tăng, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do trẻ không được chăm sóc răng miệng đúng cách.

Để phòng ngừa sâu răng và các bệnh răng miệng khác ở trẻ, cha mẹ cần cho trẻ đánh răng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần đánh răng kéo dài ít nhất 2 phút. Cha mẹ có thể tiếp tục đánh răng cho trẻ hoặc tập cho trẻ tự đánh răng dưới sự giám sát của cha mẹ. Chú ý lựa chọn cho trẻ loại bàn chải đánh răng thoải mái, vừa vặn, có thể chải được mọi bề mặt răng. Loại kem đánh răng dùng cho trẻ cần có lượng flour phù hợp và hương vị trẻ yêu thích để giúp trẻ hứng thú trong việc đánh răng. Bên cạnh đó, cha mẹ cần kết hợp với sử dụng chỉ nha khoa để giúp ngăn chặn việc hình thành các mảng bám ở các kẽ răng của trẻ.

Tập cho trẻ thói quen uống nước sau mỗi bữa ăn. Hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh ngọt, kẹo, nước ngọt có ga,... vì đây là các thức ăn tạo điều kiện cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Không nên cho trẻ ăn, uống (trừ uống nước lọc) sau khi đã đánh răng vào buổi tối.

2 tuổi
Để phòng ngừa sâu răng và các bệnh răng miệng khác ở trẻ, cha mẹ cần cho trẻ đánh răng 2 lần mỗi ngày

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen,vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan