Trầm cảm ở trẻ em hậu COVID

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi người trên toàn thế giới. Trải qua hàng tháng trời bế tắc, tiếp xúc với những tin tức tiêu cực suốt ngày đêm và mất đi những người thân yêu gần gũi đã có tác động đáng lo ngại đến sức khỏe tinh thần, không chỉ người lớn mà cả trẻ em. Đã có báo cáo về tình trạng gia tăng bạo lực, lạm dụng và bỏ rơi trong gia đình làm tăng tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em hậu COVID.

1. Vấn đề trầm cảm ở trẻ em hậu COVID

Trẻ em và cha mẹ là một trong số những người đang phải vật lộn với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần hậu COVID. Đồng thời, những người đã có sẵn tình trạng sức khỏe tâm thần từ trước đó sẽ có thêm nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng hơn nữa do trầm cảm mùa COVID.

Hàng trăm trẻ em đã mất đi những người thân yêu của mình trong đại dịch COVID-19, trong đó có một số trường hợp là cha hoặc mẹ của chúng. Đối phó với đau buồn đã khó và thậm chí còn hơn thế đối với những đứa trẻ có thể chưa bao giờ phải chịu đựng nỗi đau và cái chết khi còn nhỏ như vậy. Nhiều trẻ bị trầm cảm hoặc có dấu hiệu trầm cảm hoặc đang rơi vào trầm cảm, khiến con không thể sống một cách bình thường.

Hậu COVID đôi khi khiến trẻ bị ho, đau ngực, sổ mũi, khó thở, hụt hơi, ăn kém kéo dài. Nếu trẻ bị trầm cảm kèm theo, khả năng phát triển thể chất, tâm thần của trẻ bị suy giảm đáng kể. Thường trầm cảm đi kèm với lo lắng, trầm cảm ở trẻ em hậu COVID làm con trẻ bị căng thẳng, bị mất hoặc bị rối loạn chú ý, học tập. Các triệu chứng này phải kéo dài ít nhất hai tuần để được chẩn đoán là trầm cảm ở trẻ em hậu COVID.

Mặt khác, từng đợt bùng phát của đại dịch bất cứ lúc nào cũng sẽ hạn chế cuộc sống của mọi người. Theo đó, khi trẻ bị giữ trong nhà, cha mẹ khó có thể tránh cho trẻ khỏi cảm giác buồn bã, hụt hẫng trong khoảng thời gian bị hủy bỏ các hoạt động và xa cách xã hội này. Dù cho cha mẹ không ngừng tìm cách để giữ tinh thần lạc quan cho con, trầm cảm mùa COVID sẽ luôn khiến một đứa bé dường như bị mắc kẹt trong tâm trạng tiêu cực - cảm thấy tuyệt vọng và không thể tận hưởng bất cứ điều gì. Do đó, vấn đề trầm cảm ở trẻ em do đại dịch gây ra cần được nhìn nhận thích hợp và trẻ có thể cần giúp đỡ tích cực để hồi phục về trạng thái bình thường.

2. Nhận biết các dấu hiệu ở trẻ bị trầm cảm

Dấu hiệu trẻ bị trầm cảm có thể dễ dàng bỏ qua, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, vì trẻ vào tuổi này thường ủ rũ. Tuy nhiên, với sự buồn bã và cáu kỉnh lan tràn trong giai đoạn khủng hoảng này, các dấu hiệu này thậm chí có thể dễ dàng nhận thấy hơn nhưng các thành viên người lớn trong gia đình bỏ qua do chứng trầm cảm mùa COVID có thể ảnh hưởng đến mọi người. Tương tự như vậy, vấn đề trầm cảm ở trẻ em hậu COVID đang gặp khó khăn để được quan tâm do trẻ thường không tự nhận ra các triệu chứng của chính mình. Các triệu chứng của trầm cảm ở trẻ em hậu COVID bao gồm:

  • Buồn bã bất thường hoặc cáu kỉnh, dai dẳng ngay cả khi hoàn cảnh xã hội đã thay đổi và trạng thái sức khoẻ đã phục hồi sau dịch bệnh
  • Mất hứng thú với các hoạt động mà trẻ từng rất yêu thích
  • Giảm cảm giác mong đợi
  • Thay đổi cân nặng, có thể tăng cân hay sụt cân
  • Thay đổi mô hình giấc ngủ
  • Tự đánh giá bản thân một cách khắc nghiệt, như suy nghĩ "con xấu xí, con không tốt, con sẽ không bao giờ kết bạn hay ra ngoài chơi".
  • Cảm giác vô dụng, vô vọng
  • Suy nghĩ hoặc cố gắng tự tử

Nếu một vài trong số các triệu chứng này xuất hiện trong ít nhất hai tuần, cha mẹ cần nghĩ tới khả năng trầm cảm ở trẻ em hậu COVID, nhất là khi trẻ bị ở lâu trong nhà trong thời gian dãn cách kéo dài.

3. Cha mẹ có thể làm gì để giúp con tránh khỏi chứng trầm cảm mùa COVID?

3.1. Giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi nói về cảm xúc của bản thân

Điều cơ bản để hỗ trợ trẻ bị trầm cảm mà cha mẹ có thể làm là nuôi dưỡng trẻ một môi trường gia đình, trong đó trẻ cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Cha mẹ cần dành thời gian để ngồi xuống và khám phá xem trẻ đang làm gì, suy nghĩ hay mong muốn điều gì, mặc dù đôi khi trẻ có thể cần một chút nhắc nhở, răn đe nghiêm khắc. Với quá nhiều điều tiêu cực đang diễn ra trên thế giới, những đứa trẻ lớn hơn có thể lo lắng rằng cảm xúc của chúng không quan trọng và những đứa trẻ nhỏ hơn có thể không có từ ngữ để giải thích những gì chúng đang cảm thấy. Do đó, phụ huynh cần tìm một thời gian và nếu có thể, một nơi thích hợp để những trao đổi không bị gián đoạn. Nếu cha mẹ có thói quen tâm sự cùng con và trẻ biết bản thân sẽ được lắng nghe mà không phán xét, nhiều khả năng cha mẹ sẽ được trẻ bày tỏ suy nghĩ những gì đang diễn ra.

Nếu một đứa trẻ đang trải qua cảm giác buồn bã hoặc trầm cảm khi trẻ bị nhốt trong nhà, hãy dành một chút thời gian để nói về lý do. Trẻ dễ dàng nói “vi-rút” và dừng lại ở đó. Tuy nhiên, việc khuyến khích con nói cụ thể có thể giúp cả hai hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra và cách cha mẹ có thể giúp đỡ cho trẻ. Ví dụ, trẻ bị trầm cảm do phải ở trong nhà nhiều tháng, đang phải vật lộn với sự buồn chán hoặc mất các hoạt động thường xuyên bên ngoài như đi học, chơi với bạn bè. Trẻ có thể thấy thất vọng về các sự kiện bị hủy đột xuất hay bị cô lập với bạn bè nếu trẻ mắc bệnh. Các trẻ lớn sẽ cảm thấy lo lắng về tương lai, các kế hoạch học tập, trải nghiệm bị rối loạn hay lo sợ rằng bản thân hoặc người yêu thương có thể bị ốm, hoặc thậm chí qua đời bất cứ lúc nào.

Khi trẻ chia sẻ, cha mẹ xác thực cảm xúc của trẻ bằng cách lắng nghe mà không phán xét và không cố gắng sửa chữa. Đồng thời, cha mẹ hãy bày tỏ sự cảm thông một cách chân thành và cho trẻ thấy trẻ luôn sẵn có một điểm tựa để lắng nghe.

3.2. Thực hiện các bước để thu hút trẻ bị trầm cảm

Nếu lo lắng con mình đang rơi vào tình trạng trầm cảm, đừng hoảng sợ. Có nhiều điều cha mẹ có thể làm để giúp đỡ trẻ thông qua cách khuyến khích trẻ thay đổi cách suy nghĩ và cách quản lý cảm xúc của mình có thể giúp loại bỏ chứng trầm cảm do dịch bệnh nghiêm trọng trước khi trở nên tồi tệ hơn. Bắt đầu theo các cách sau đây:

  • Khuyến khích các con tham gia vào các hoạt động xã hội, chơi thể thao sau bãi bỏ lệnh giãn cách xã hội sẽ mang lại cho trẻ cảm giác hoàn thành, vui vẻ, thú vị hoặc kết nối cộng đồng mỗi ngày.
  • Những trẻ bị trầm cảm thường phóng đại các vấn đề hoặc sự kiện theo hướng tiêu cực. Lúc này, cha mẹ cần giúp con tránh khỏi các ám ảnh phóng đại về những điều tồi tệ hiện tại, như hướng dẫn con các cách tập luyện, ăn uống tốt hơn để nhanh chóng hồi phục sức khoẻ sau khi mắc COVID.
  • Học cách chấp nhận hoàn cảnh khác quan. Đây là những thời điểm không chắc chắn. Không có gì đảm bảo về thời điểm đại dịch kết thúc và mọi thứ trở trở lại như trước đây. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ biết chỉ có cách là chúng ta phải sống chung với nó. Thực hành chánh niệm, các bài yoga tinh thần hay tập hít thở sâu có thể giúp con chấp nhận sự không chắc chắn của thời điểm này. Đồng thời, cha mẹ chỉ có thể giúp đỡ trẻ khi đảm bảo sự tự tin rằng bản thân có thể quản lý được.
  • Bị mắc kẹt trong những kiểu suy nghĩ tiêu cực bị bóp méo hoặc không thực tế có thể góp phần gây ra chứng trầm cảm ở trẻ em hậu COVID và khiến cảm giác đau đớn dường như tràn ngập. Ví dụ, khi mắc bệnh, các con có thể nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra mãi mãi và chúng sẽ không bao giờ gặp lại bạn bè của mình. Lúc này, cha mẹ cần giúp con hiểu rằng thực tế là điều này sẽ không tiếp diễn mãi mãi, trẻ sẽ khỏi bệnh và đi học trở lại. Vì vậy, một số hoạt động có thể làm để trẻ cảm thấy kết nối hơn với bạn bè trong thời gian chờ đợi có thể tổ chức như học online, nhóm tán gẫu trực tuyến qua các ứng dụng trên công nghệ thông minh.
  • Thực hiện các mục tiêu mới: Khi đang mắc bệnh hay gặp các di chứng hậu COVID, trẻ khó tránh khỏi khả năng bị đánh mất thứ gì đó có giá trị trong cuộc sống của mình. Vì vậy, cha mẹ nên định hướng tìm cho trẻ một mục tiêu khác để thay thế. Ví dụ, nếu chuyến đi cuối tuần này không thực hiện được, hỏi trẻ mong muốn gì cho lần du dịch trong mùa hè tới. Ngoài ra, gợi ý cho trẻ các kỹ năng mới nào có thể học được để áp dụng khi hoàn cảnh này có thể lặp lại.
  • Dạy cho trẻ biết trân trọng những điều tốt đẹp nhận được. Khuyến khích các con liệt kê mỗi ngày về những điều chúng cảm thấy biết ơn và những cá nhân mà trẻ mang ơn hay những gì khiến trẻ vui thích, hài lòng. Sau đó, cha mẹ sẽ đặt ra vấn đề cho trẻ là làm thế nào để trẻ có thể bày tỏ lòng biết ơn đó hay lan toả điều này cho người khác.

4. Khi nào vấn đề trầm cảm ở trẻ em hậu COVID cần phải thăm khám?

Nếu trẻ tiếp tục xuất hiện các triệu chứng trầm cảm mùa COVID dù đã áp dụng các cách như trên thì cha mẹ phải cho con mình nhận được sự trợ giúp của chuyên gia y tế tâm thần. Việc ép buộc trẻ bị trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên tham gia điều trị trầm cảm có thể cần sự kiên trì, bởi vì trẻ thường cảm thấy tuyệt vọng và trẻ có thể khó tin rằng mình có thể khỏi bệnh. Nhưng các phác đồ điều trị thực sự có thể giúp ích trong những trường hợp này. Nếu trẻ kiên quyết không ra khỏi nhà, trẻ vẫn có thể được khám trầm cảm và hướng dẫn từ xa qua điện thoại thông minh. Tuy nhiên, nếu trẻ đang có ý định tự tử, điều quan trọng là phát hiện sớm suy nghĩ và phải đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Tóm lại, trầm cảm mùa COVID là các di chứng tâm thần biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, xảy ra ở người lớn và cả trẻ em. Theo đó, trong thời điểm căng thẳng này, việc theo dõi sức khỏe tinh thần của chính bản thân cha mẹ cũng quan trọng như nhận thức được nhu cầu của con cái. Vấn đề trầm cảm ở trẻ em hậu COVID hoàn toàn có thể điều chỉnh tại nhà khi cha mẹ có sự hiểu biết và quan tâm đến các con. Trong các trường hợp nặng, cần đưa con trẻ đi thăm khám sớm, vì đây là yếu tố quan trọng đối với khả năng phục hồi mà trẻ cần để vượt qua cơn khủng hoảng này, tránh để lại hậu quả ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan