Theo dõi mốc phát hiện chậm nói để can thiệp sớm cho trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị chậm nói. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cha mẹ cần tham khảo các mốc kiểm tra trẻ chậm nói, xác định các dấu hiệu phát triển ngôn ngữ bất thường của trẻ để nhanh chóng đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ và tìm ra hướng xử lý phù hợp.

1. Khi nào cần theo dõi trẻ chậm nói?

Trong quá trình phát triển ngôn ngữ, không khó để nhận ra một số trường hợp trẻ chậm nói hơn so với những trẻ khác. Thay vì bận tâm so sánh con với các trẻ khác, cha mẹ nên tiến hành theo dõi và kiểm tra trẻ chậm nói dựa trên những mốc ngôn ngữ chuẩn do các cơ quan uy tín đưa ra.

Nếu thấy trẻ không đạt được những mốc phát triển ngôn ngữ chuẩn thì nên chủ động đưa trẻ đi kiểm tra thính lực để loại trừ khiếm thính và tìm hiểu các nguyên nhân liên quan.

2. Các mốc kiểm tra trẻ chậm nói

Để theo dõi sự phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ và kiểm tra trẻ chậm nói hay không, người ta thường dựa vào các mốc thời điểm trẻ bắt đầu tập nói như sau:

2.1 Trẻ từ 1-2 tuổi

Đây là giai đoạn trẻ có khả năng ngôn ngữ đa dạng. Trẻ có thể chỉ tay để thể hiện nhu cầu (đồ ăn, thức uống) hay điều yêu thích (chó mèo, bóng bay...), đã biết vẫy tay tạm biệt, biết bắt chước âm thanh động vật, biết dùng những từ đơn giản để ra ý muốn, hiểu khi cha mẹ nói từ “Không” và bắt đầu nói được các từ đôi đơn giản (đi chơi, bà ơi).

2.2 Trẻ từ 2-3 tuổi

Trẻ bắt đầu nhận biết được tên các bộ phận cơ thể, biết kết hợp danh từ và động từ, dùng các từ đôi thành thục và nói được các câu ngắn. Thời điểm này não trẻ có khoảng 450 từ vựng và thường học thêm từ thông qua nghe đọc chuyện, lặp đi lặp lại từ người xung quanh.

2.3 Trẻ từ 3-4 tuổi

Biết được 4 màu sắc cơ bản (đỏ, vàng, xanh lá cây và xanh dương), biết định nghĩa “lớn”, “nhỏ”, bắt đầu tò mò và hay đặt câu hỏi, tập nói các câu gồm 4-5 từ, có thể kể chuyện, trả lời về tuổi, giới tính. Thời điểm này trẻ có khoảng 1000 từ vựng và biết hát một số bài hát mẫu giáo đơn giản.

2.4 Trẻ từ 4-5 tuổi

Trẻ có khoảng 1500 từ vựng, đã nói được câu dài 4 - 5 từ, có khả năng nhận biết thêm màu sắc (cam, hồng, tím, đen, trắng), biết đếm đến 5, tò mò và hỏi rất nhiều câu dạng “Tại sao?” và “Ai đó?”. Trẻ hiểu được những điều người khác nói và ngược lại.

2.5 Trẻ từ 5-6 tuổi

Lượng từ vựng của trẻ đã tăng lên khoảng 2000 từ, trẻ đã có thể nói câu dài 5 - 6 từ, biết đếm đến 10, biết tay phải và tay trái, biết liên hệ không gian (trên-dưới, trước-sau, xa-gần), nhận biết được sự “giống nhau” và “khác nhau”, biết địa chỉ nhà, có khả năng sử dụng nhiều loại câu nói khác nhau.

Như vậy từ 1-6 tuổi cũng là thời điểm vàng để theo dõi trẻ chậm nói. Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường thì cần xác định vấn đề là từ não bộ, tổn thương cấu trúc ngôn ngữ hay là từ môi trường để định hướng can thiệp chính xác. Vì não của trẻ có tính linh hoạt và nhạy cảm nên phát hiện tình trạng càng sớm thì việc dạy cho trẻ chậm nói về sau sẽ càng hiệu quả.

Trẻ 3,5 tuổi chưa thể nói rõ từ có phải chậm nói không?
Phát hiện mốc chậm nói sớm để tăng hiệu quả dạy cho trẻ chậm nói

3. Các dấu hiệu cảnh báo rối loạn ngôn ngữ

Ngoài việc kiểm tra trẻ có suy giảm thính lực dẫn đến chậm nói hay không, thì Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị trẻ em 18, 24 và 30 tháng tuổi nên được tầm soát sớm các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ thông qua bảng kiểm tra dưới đây.

Những dấu hiệu “báo động đỏ” về ngôn ngữ và rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ từ 0-8 tuổi:

  • Trẻ 0-3 tháng: Không phản ứng với âm thanh, không quay đầu hiếu kỳ với xung quanh, hay khóc bất thường, gặp vấn đề bú và nuốt.
  • Trẻ 3-6 tháng: Không vui vẻ, hiếu kỳ khi tương tác xã hội.
  • Trẻ 6-9 tháng: Không bập bẹ, có xu hướng hứng thú với đồ vật hơn với người.
  • Trẻ 9-12 tháng: Không chú ý hay tập trung thứ gì, thờ ơ khi giao tiếp.
  • Trẻ 12-15 tháng: Không nhìn và chỉ trỏ vào người/vật khi được gọi tên.
  • Trẻ 18-24 tháng: Không làm theo các lệnh đơn giản, không chỉ người thân khi được gọi tên, lặp đi lặp lại từ trẻ nghe.
  • Trẻ 30-36 tháng: Không đáp ứng câu hỏi bằng gật hay lắc đầu, không thắc mắc hỏi “Tại sao?”,“Cái gì vậy?”, không nghe theo lệnh và cũng không hiểu lời kêu gọi hành động.
  • Trẻ 36-48 tháng: Không kể chuyện theo thứ tự bắt đầu và kết thúc, không biết dùng giới từ, dùng đại từ không phù hợp.
  • Trẻ 60-72 tháng: Có hành vi xã hội không phù hợp, khó diễn đạt kể lại sự kiện, khó thể hiện ý kiến dù là theo hướng cơ bản.
  • Trẻ 72-96 tháng: Khó hiểu cách sử dụng dấu, không biết sử dụng từ ghép, dùng văn phạm không chính xác, không phát hiện lỗi trong trong câu chuyện.

Như vậy, trẻ bị rối loạn tự kỷ thường sẽ gặp vấn đề trong việc biểu đạt ngôn ngữ, dẫn đến chậm nói so với bạn bè đồng trang lứa. Các dấu hiệu “báo động đỏ” về rối loạn tự kỷ được tóm tắt lại như sau:

  • Trẻ không hay cười lớn và vui đùa.
  • Trẻ không nói bập bẹ hay chơi ú òa lúc 9 tháng tuổi.
  • Trẻ không chỉ trỏ, vẫy tay, tạm biệt lúc 12 tháng tuổi.
  • Trẻ không nói từ đơn lúc 16 tháng và không thể nói từ đôi lúc 24 tháng.
  • Trẻ mất kỹ năng ngôn ngữ hay kỹ năng xã hội vào đa số thời điểm.
Bé 16 tháng tuổi có biểu hiện tăng động, chậm nói
Kiểm tra trẻ chậm nói bằng cách theo dõi các phản ứng của trẻ

4. Ảnh hưởng của chậm nói đối với trẻ

Đối với những trẻ có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ, việc phát hiện và dạy trẻ chậm nói càng phải được tiến hành từ sớm và chú trọng nhiều hơn. Nếu để lâu thì trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như:

  • Không hiểu những gì người khác nói.
  • Thiếu vốn từ.
  • Diễn đạt câu chuyện nhưng người khác không hiểu.
  • Trẻ nói ngọng.
  • Nói không đúng ngữ cảnh (ví dụ lặp lại câu hỏi thay vì trả lời).

Những rối loạn ngôn ngữ này có thể dẫn đến các hành vi gây hấn, bạo lực không đáng có (như la hét vô cớ, đánh bạn bè, ném đồ đạc) hoặc làm trẻ nhút nhát, bám mẹ bám cô, e ngại người lạ, sợ đám đông, không dám chơi đùa cùng bạn bè.

Việc can thiệp, dạy cho trẻ chậm nói càng sớm càng mang lại hiệu quả cao, nhất là trong giai đoạn trẻ từ 3 đến 5 năm đầu đời và cha mẹ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình này. Việc phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng ngôn ngữ cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và có cơ hội phát triển bình thường.

Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được khách hàng đánh giá cao về chất lượng khám và điều trị. Vinmec là một trong số ít bệnh viện có đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, rối loạn tâm lý, nội tiết, dinh dưỡng.. ngay tại khoa Nhi và có sự hỗ trợ của các chuyên khoa chuyên sâu khá đặc thù như Y học tái tạo điều trị và phục hồi cho trẻ tự kỷ và bại nào. Trong trường hợp bé chậm nói do tự kỷ, Vinmec hoàn toàn có thể điều trị thành công bằng phương pháp tiên tiến nhất thế giới. Ngoài ra, phòng khám tâm lý của Vinmec có khả năng triển khai các trắc nghiệm tâm lý, liệu pháp tâm lý chuyên sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả tốt.

Mọi nhu cầu khám và điều trị tại Vinmec, bạn vui lòng đăng ký trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan