Tè dầm ở trẻ: Khi nào bình thường, khi nào bất thường?

Tè dầm hay đái dầm ở trẻ có thể là điều phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhưng làm thế nào bạn có thể biết được vấn đề đái dầm của bé là một phần bình thường ở trẻ đang lớn hay là một vấn đề y tế mà trẻ có thể cần một số trợ giúp? Ở những trẻ được luyện tập đi vệ sinh có khả năng kiểm soát hoàn toàn bàng quang, bàng quang giữ lại ít nước tiểu hơn trong những giờ ngủ để trẻ có thể ngủ suốt đêm mà không làm ướt giường. Nhưng ở một số trẻ, cơ thể trẻ chưa trưởng thành và quá trình sản xuất nước tiểu không chậm lại vào ban đêm, khiến bàng quang của trẻ bị đầy quá mức - và đó là lý do trẻ làm ướt giường. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để cha mẹ hiểu được tình trạng tè dầm ở trẻ khi nào bất thường và khi nào bình thường.

Hầu hết các trường hợp, việc trẻ tè dầm vào ban đêm không liên quan đến một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hay vấn đề về y tế tiềm ẩn. Trẻ chỉ cần thêm thời gian để cơ thể đủ trưởng thành và có thể kiểm soát được khả năng tiểu tiện của mình vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu ngoài tè dầm, trẻ còn xuất hiện thêm một số triệu chứng bất thường khác thì các bậc cha mẹ sẽ cần cân nhắc đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị nhằm tránh những biến chứng có hại cho sức khỏe.

1. Nguyên nhân khiến trẻ tè dầm

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đái dầm ở trẻ vào ban đêm và tất cả chúng đều đi kèm với những cách điều trị khác nhau. Hầu hết trẻ em tè dầm ban đêm đều đi tiểu bình thường vào ban ngày (ví dụ như chúng không bao giờ làm ướt quần ở trường), nhưng chưa bao giờ giữ được khô ráo qua đêm trong hơn 6 tháng trở lại đây. Kiểu đái dầm này được gọi là đái dầm ban đêm nguyên phát. Đái dầm nguyên phát ban đêm có thể do ba nguyên nhân và ở nhiều trẻ em đái dầm là do kết hợp của hai hoặc nhiều nguyên nhân sau:

  • Khó thức dậy: Một số trẻ ngủ nhiều đến nỗi khi bàng quang đầy và truyền thông tin tới não bộ muốn đi tiểu nhưng cũng không đủ để đánh thức chúng dậy.
  • Sự bất ổn định của bàng quang: Sự bất ổn định của bàng quang hay còn được gọi là dung tích bàng quang chức năng thấp. Đây là tình trạng bàng quang đầy nhanh chóng và trẻ không thể nhịn được qua đêm. Các chuyên gia cho biết đây là nguyên nhân của một trong ba trường hợp đái dầm ở trẻ em.
  • Sản xuất quá nhiều nước tiểu vào ban đêm do mất cân bằng nội tiết tố. Thông thường, não sản xuất nhiều hormone gọi là vasopressin vào ban đêm và hormone này làm giảm khả năng sản xuất nước tiểu. Theo các chuyên gia, cứ 5 trẻ thì có khoảng 3 trẻ không sản xuất đủ lượng hormone vasopressin, do đó nước tiểu được tạo ra quá nhiều và dẫn đến tình trạng tè dầm ở trẻ.
trẻ ngủ
Trẻ ngủ khó thức dậy có thể là nguyên nhân gây đái dầm

Khi một đứa trẻ trước đó đã không còn gặp phải tình trạng tè dầm ban đêm trong khoảng sáu tháng hoặc lâu hơn, nhưng lại bắt đầu làm ướt giường, điều đó chứng tỏ chúng đã mắc một chứng gọi là đái dầm ban đêm thứ phát. Đái dầm ban đêm thứ phát thường đi kèm với các vấn đề về đi tiểu vào ban ngày, chẳng hạn như đứa trẻ có thể gặp phải tình trạng đau buốt khi đi tiểu hoặc thường xuyên làm ướt quần. Những đứa trẻ này thường có một tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng đến việc đi tiểu của chúng, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón hoặc những khó khăn khác khi đi vệ sinh trong ngày, các vấn đề về tình cảm hoặc gia đình, các vấn đề về phát triển, tiểu đường, lạm dụng tình dục hoặc tắc nghẽn đường thở trên.

2. Những dấu hiệu chứng tỏ tè dầm ở trẻ là bình thường

Nếu không đi kèm với các triệu chứng khác, tình trạng tè dầm liên tục ở trẻ là bình thường trong các trường hợp sau:

  • Trẻ từ 7 tuổi trở xuống. Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, khoảng 90% trẻ em có thể tự kiểm soát khả năng tiểu tiện ban đêm của mình vào năm 7 tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ cần nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm hay lâu hơn để có thể phát triển về thể chất cần thiết để giữ khô ráo vào ban đêm.
  • Cha hoặc mẹ của trẻ thường xuyên tè dầm khi họ còn nhỏ. Những đứa trẻ có cha mẹ cũng thường xuyên tè dầm khi họ còn nhỏ cũng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng này.
  • Tè dầm là tình trạng xảy ra thường xuyên đối với trẻ. Việc trẻ đái dầm có thể coi là bình thường nếu bé luôn gặp phải vấn đề này trong một khoảng thời gian dài cho đến khi thực sự đủ trưởng thành để kiểm soát khả năng tiểu tiện của mình. Tuy nhiên nếu trẻ đã kiểm soát được khả năng tiểu tiện mà bỗng nhiên mắc phải tình trạng tè dầm ban đêm, đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe đáng lo ngại hoặc đơn giản chỉ là một thay đổi nhỏ trong cuộc sống của trẻ chẳng hạn như việc chuyển nhà, chuyển trường, gặp gỡ các bạn mới, có các mối quan hệ mới.... Điều cha mẹ trẻ cần làm là trao đổi điều này với các bác sĩ để đảm bảo nếu trẻ gặp phải vấn đề liên quan đến sức khỏe chúng sẽ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
  • Trẻ tè dầm vào ban đêm nhưng vẫn có thể tự ngồi bô và kiểm soát tiểu tiện tốt vào ban ngày. Nếu điều đó đột ngột thay đổi, hay trao đổi với các bác sĩ để đảm bảo rằng đó không phải là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
  • Không có các triệu chứng khác. Các tình trạng bệnh lý thường đi kèm theo những triệu chứng khác ngoài tè dầm, chẳng hạn như táo bón, sốt, hoặc đau rát khi tiểu tiện....
đái dầm
Đa số tình trạng tè dầm ở trẻ là bình thường

3. Những dấu hiệu chứng tỏ tè dầm ở trẻ là bất thường

Đôi khi, tình trạng đái dầm có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn mà thường gặp nhất là táo bón hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám hoặc gọi cho các bác sĩ nếu trẻ thường xuyên đái dầm và còn kèm theo bất kỳ dấu hiệu nào sau đây xảy ra:

  • Trẻ tè dầm trở lại sau một thời gian dài đã tự kiểm soát được khả năng tiểu tiện vào ban đêm;
  • Trẻ bị táo bón;
  • Trẻ cần đi tiểu thường xuyên hoặc cần đi tiểu khẩn cấp;
  • Trẻ cảm thấy đau, rát hoặc căng khi đi tiểu;
  • Nước tiểu hơi hồng hoặc có vết máu trên quần lót của trẻ;
  • Nước tiểu có mùi hôi;
  • Sốt từ 38 độ C trở lên;
  • Trẻ khát nước cực độ;
  • Phát ban hoặc kích ứng da gần khu vực sinh dục.
    Nếu cha mẹ của trẻ cảm thấy tình trạng đái dầm vào ban đêm của trẻ là nghiêm trọng, khiến bé hoặc gia đình gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày hoặc đơn giản là chỉ muốn kiểm tra để trấn an bản thân rằng bé không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nghiêm trọng hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ngoài việc khám và chẩn đoán, họ cũng có thể đưa ra những lời khuyên về cách quản lý tình trạng đái dầm vào ban đêm hoặc thảo luận với cha mẹ trẻ về các lựa chọn có thể đưa vào để điều trị như sử dụng báo động đái dầm hay sử dụng một số loại thuốc điều trị....
Khám nhi
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi trẻ có những dấu hiệu bất thường

Mặc dù tình trạng tè dầm ở trẻ là phổ biến nhưng chúng có thể gây căng thẳng cho trẻ và dẫn đến những hậu quả tiêu cực về mặt tinh thần đối với trẻ em và gia đình của trẻ. Tìm kiếm sự trợ giúp sớm (trong trường hợp trẻ trên 5 tuổi) là cách để đảm bảo trẻ được điều trị đúng và những lo lắng về tình trạng tè dầm ở trẻ sẽ sớm qua đi. Không chỉ giúp các bậc cha mẹ có những đêm ngủ ngon mà không phải lo lắng về việc phải giặt một đống chăn mền vào ngày hôm sau mà những đứa trẻ cũng sẽ cảm thấy lòng tự trọng của chúng tăng lên và cuộc sống gia đình sẽ được cải thiện.

Tè dầm là hiện tượng phát triển bình thường ở trẻ, cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bé bị sốt hoặc tiểu buốt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, myvmc.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

972 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan