Suy giáp ở trẻ em, trẻ vị thành niên: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị My - Giám đốc trung tâm bệnh lý tuyến giáp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Suy giáp là hiện tượng mà tuyến giáp không thể cung cấp đủ hormon để cho cơ thể hoạt động bình thường. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng tới bất cứ độ tuổi nào, bao gồm cả trẻ em và trẻ sơ sinh. Ở trẻ em, suy giáp có thể xuất hiện ngay sau sinh hoặc có thể phát triển sau này trong thời thơ ấu.

1. Nguyên nhân gây suy giáp ở trẻ em

Nguyên nhân hàng đầu gây suy giáp ở trẻ em đó là tiền sử gia đình. Trẻ có cha mẹ, ông bà hay anh chị em đã mắc bệnh suy giáp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác. Nguy cơ này cũng hiện diện nếu tiền sử gia đình gặp một số vấn đề nào đó về miễn dịch có tác động đến tuyến giáp.

Trong đó viêm tuyến giáp Hashimoto (còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn) là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giáp mắc phải ở trẻ em và thanh thiếu niên (và người lớn), chứng bệnh này thường xuất hiện trong những năm đầu đời. Viêm tuyến giáp Hashimoto, là một rối loạn tự miễn, trong đó hệ thống miễn dịch nhầm lẫn các tế bào tuyến giáp với các tác nhân lạ, đồng thời tấn công chúng và dẫn đến viêm tuyến giáp.

Theo thời gian, tình trạng viêm làm tổn thương tuyến giáp, dẫn đến giảm dần nồng độ hormone tuyến giáp. Một khi nồng độ hormon giáp giảm xuống dưới mức bình thường (được gọi là suy giáp), tuyến yên sẽ đáp ứng bằng cách tạo ra nhiều hormon kích thích tuyến giáp (TSH) để cố gắng làm cho tuyến giáp hoạt động mạnh hơn và tăng mức độ hormone tuyến giáp. Viêm tuyến giáp Hashimoto vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân, nhưng người ta thấy bệnh này có thể di truyền.

Các nguyên nhân khác có thể gây suy giáp ở trẻ em bao gồm:

  • Ăn quá nhiều hoặc quá ít iốt làm tuyến giáp hoạt động bất thường
  • Khi sinh ra tuyến giáp không hoạt động hoặc không có tuyến giáp (suy giáp bẩm sinh)
  • Người mẹ mắc bệnh lý tuyến giáp nhưng không điều trị triệt để trong thai kỳ
  • Viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp tạm thời do nhiễm virus.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp: Để điều trị u tuyến giáp, ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bướu giáp lồi mắt
  • Điều trị phóng xạ: Gây phá hủy hoặc làm tổn thương tuyến giáp, bao gồm iốt phóng xạ để điều trị bệnh bướu giáp lồi mắt, hoặc xạ trị vào vùng cổ để điều trị bệnh Hodgkin, bệnh ung thư hạch hoặc ung thư khác.
  • Sử dụng các loại thuốc như: Lithium, amiodarone và oxcarbazepine có thể gây cản trở hoạt động tuyến giáp
  • Tổn thương tuyến yên: Tuyến yên trong não sẽ quy định lượng hormon mà tuyến giáp tạo ra. Khi tuyến yên bị tổn thương, nó có thể không tạo đủ TSH để đảm bảo chức năng tuyến giáp bình thường.
Suy giáp ở trẻ em, trẻ vị thành niên: Những điều cần biết
Viêm tuyến giáp là một trong những nguyên nhân gây suy giáp ở trẻ

2. Triệu chứng nhận biết suy giáp ở trẻ em

Suy giáp có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng các triệu chứng cũng khá khác nhau giữa từng lứa tuổi cũng như từng cá thể.

Trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh, các triệu chứng biểu hiện trong vài tuần đầu hay vài tháng đầu sau sinh. Các triệu chứng trong giai đoạn này dễ bị cha mẹ hay bác sỹ bỏ qua, bao gồm:

  • Vàng da, vàng mắt
  • Táo bón
  • Không chịu bú mẹ
  • Da lạnh
  • Ít khóc
  • Thở mạnh
  • Ngủ nhiều hơn/giảm hoạt động
  • Thóp mềm có kích thước lớn hơn trên đỉnh đầu
  • Lưỡi to, rốn lồi

Trẻ độ tuổi tập đi và trẻ tiểu học

Các bệnh lý tuyến giáp trong giai đoạn này có thể biểu hiện bên ngoài thành các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Thấp hơn chiều cao trung bình
  • Độ dài chi ngắn hơn trung bình
  • Răng vĩnh viễn mọc chậm
  • Dậy thì muộn
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Nhịp tim chậm hơn bình thường
  • Tóc dễ gãy
  • Mặt sưng húp
  • Một số triệu chứng khác: Mệt mỏi, táo bón, da khô

Thiếu niên

Ở lứa tuổi này, trẻ em gái có tỷ lệ mắc bệnh suy giáp lớn hơn trẻ em trai và thường là các căn bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto. Những trẻ có tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto, bệnh Graves hay tiểu đường type 1 có nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp cao hơn những trẻ khác. Trẻ với các rối loạn di truyền như mắc hội chứng Down cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp.

Các triệu chứng ở trẻ độ tuổi vị thành niên có biểu hiện giống như ở người lớn nhưng có thể mơ hồ và khó nhận ra. Một số triệu chứng lâm sàng:

  • Tăng cân
  • Chậm phát triển
  • Chiều cao thấp hơn trung bình
  • Dậy thì muộn
  • Xuất huyết nặng trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Tăng kích thước tinh hoàn ở trẻ em trai
  • Da khô, tóc móng dễ gãy
  • Táo bón
  • Mặt sưng to, tuyến giáp lớn
  • Đau cơ và cứng khớp

Những trẻ vị thành niên mắc bệnh tuyến giáp có thể có sự thay đổi về hành vi như:

  • Mệt mỏi, hay quên và khó tập trung
  • Các vấn đề về tâm trạng và hành vi
  • Khó khăn khi học tập tại trường
  • Chán nản, trầm cảm
Suy giáp ở trẻ em, trẻ vị thành niên: Những điều cần biết
Táo bón là một trong những triệu chứng của suy giáp ở trẻ

3. Chẩn đoán suy giáp ở trẻ

Bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp tốt nhất để chẩn đoán bệnh ở trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và các yếu tố khác. Nói chung, việc thăm khám lâm sàng cũng như xét nghiệm đặc hiệu có thể giúp xác nhận chẩn đoán bao gồm:

  • Khám lâm sàng đánh giá toàn trạng, phát hiện các dấu hiệu cơ năng và thực thể
  • Khám lâm sàng đáng giá vùng cổ của trẻ
  • Các xét nghiệm có thể bao gồm xét nghiệm máu đánh giá chức năng tuyến giáp (đo nồng độ hormon TSH hay FT4)
  • Các thăm khám về hình ảnh như siêu âm tuyến giáp, chụp xạ hình tuyến giáp.

4. Điều trị suy giáp ở trẻ

Trẻ em bị suy giáp quá mức (TSH tăng và nồng độ T4 thấp) được điều trị bằng cách thay thế hormone. Mục tiêu là đưa T4 và TSH về ngưỡng bình thường và khôi phục các chức năng bình thường của cơ thể. Có nhiều lựa chọn điều trị đối với bệnh lý suy giáp, điển hình là liệu pháp bổ sung hormon hàng ngày dưới dạng thuốc levothyroxine (Synthroid). Liều lượng do chỉ định của bác sĩ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của trẻ.

Thời điểm lý tưởng để dùng levothyroxin là khi bụng đói, ít nhất 30 phút trước khi ăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là dùng levothyroxin đều đặn, vào thời điểm dễ nhớ và tránh quên thuốc. Nếu quên thuốc nên uống ngay khi nhớ ra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại (máy siêu âm GE S8, hệ thống máy xạ hình SPECT, hệ thống Labo xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế...) và đội ngũ chuyên gia đa chuyên khoa, bao gồm sơ sinh – nhi – nội tiết - chẩn đoán hình ảnh và ung bướu. tất cả các ca bệnh lý phức tạp đều sẽ được hội chẩn bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp các bé được khám, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ tối ưu nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan