Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 14 sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Khi trẻ còn nhỏ, mỗi ngày trôi qua đều là sự thú vị trong thế giới nhỏ bé của chúng. Trẻ 14 tháng tuổi có thể đang tập chạy hoặc vẫn đang chập chững tập những bước đi đầu tiên. Sẽ có những cú vấp ngã, những cái trượt chân và lộn nhào do khả năng phối hợp vận động của trẻ sẽ phải mất một thời gian dài để hoàn thiện.

Thay vì lo lắng, mẹ nên có những lời động viên với trẻ, để trẻ có thể tự tin phát triển hàng ngày. Hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để chăm sóc trẻ 14 tháng tuổi của bạn một cách toàn diện hơn.

1. Giấc ngủ ở trẻ 14 tháng tuổi

Bây giờ chất lượng giấc ngủ của trẻ 14 tháng tuổi đã bắt đầu ổn định và dần theo chu kỳ. Trẻ vẫn sẽ ngủ khoảng 14 tiếng một ngày nhưng chu kỳ ngủ của trẻ sẽ thay đổi để trẻ ngủ ngon hơn, nhất là vào nửa đêm. Trẻ có thể bất chợt tỉnh giấc khi bị kích thích bởi tiếng động, sự khó chịu trong người hoặc mơ thấy điều gì đó. Khi trẻ đã có thói quen ngủ sâu và ổn định vào thời điểm này, mẹ có thể dễ dàng làm những công việc khác và cảm thấy có thời gian cho mình hơn.

2. Chăm sóc cho trẻ 14 tháng tuổi

Trẻ 14 tháng tuổi nên ăn 3 bữa một ngày bao gồm các nhóm thức ăn chính kèm với một vài món ăn nhẹ và khoảng 400ml sữa. Mẹ có thể cho bé uống sữa trực tiếp, nấu cùng thức ăn, pha chế cùng ngũ cốc đều được. Một số bà mẹ lo lắng rằng con của họ không ăn đủ no nhưng ngay cả khi trẻ ăn rất ít vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển tốt, vì vậy mẹ không cần quá stress về chuyện ăn uống của trẻ. Tại thời điểm này, trẻ đã có thể ăn thức ăn giống với mọi người trong gia đình với khẩu phần ăn nhỏ hơn.

Ví dụ: Một đứa trẻ cân nặng khoảng 10kg cần trung bình khoảng 950 calo mỗi ngày và sẽ có khoảng 370 calo là từ sữa (sữa mẹ, sữa bò hoặc sữa bột), 580 calo còn lại đến từ các bữa ăn chính và phụ trong ngày. Mẹ không nhất thiết phải tính toán chính xác, đủ lượng calo cho trẻ mà điều quan trọng là trẻ phát triển và tăng cân đều đặn. Mẹ nên kiểm tra chiều cao và cân nặng của trẻ thường xuyên, theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ và nếu phát hiện những điều bất thường ở trẻ thì điều cần làm lúc này là tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa và chuyên gia dinh dưỡng.

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều cả ban ngày lẫn ban đêm
Chất lượng giấc ngủ của trẻ 14 tháng tuổi đã bắt đầu ổn định và dần theo chu kỳ

3. Sự phát triển ở trẻ 14 tháng tuổi

3.1 Di chuyển

Khi được 14 tháng tuổi, trẻ có lẽ đã quen với việc trườn, bò thậm chí là tập đi. Nhưng nếu con bạn vẫn chưa sẵn sàng tự thực hiện những bước tiến lớn đó thì sao? Bạn sẽ lo lắng rằng em bé có thể bị phát triển chậm, nhưng lại không biết có những dấu hiệu gì để cảnh báo. Hầu hết trẻ học cách đi bộ trong khoảng từ 12 - 15 tháng, nhưng cũng có một số trẻ vẫn không biết đi cho dù đã được 16 tháng tuổi hoặc muộn hơn. Di truyền, sự quyết tâm, thể trạng cơ thể và sự trải nghiệm là tất cả các yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng tự đi của trẻ ở độ tuổi này.

Ví dụ, nếu em bé của bạn thích trườn bò, bé có thể cảm thấy không cần đi bộ vì bò phục vụ tốt nhu cầu di chuyển của bé. Mẹ có thể khuyến khích trẻ đứng dậy và tập đi bằng cách đặt đồ chơi của trẻ lên cao hơn một chút, để trẻ có thể bám vào một cái bàn, ghế để tiếp cận chúng. Mẹ hãy luôn luôn động viên, khuyến khích, trao cho bé những nụ cười cổ vũ trong quá trình tập đi cho bé, điều này cũng sẽ thúc đẩy bé biết đi nhanh hơn.

Đặc biệt khi trẻ đã được 18 tháng tuổi mà vẫn chưa biết đi, chậm biết đi, hoặc trong giai đoạn tập đi mà bé thích đi bằng một chân, đi khập khiễng, hoặc chỉ đi bằng ngón chân trong một thời gian dài thì mẹ nên gặp và trao đổi với bác sĩ nhi khoa về vấn đề này.

3.2 Các giác quan, giao tiếp và cảm xúc

Ở độ tuổi 14 tháng, trẻ rất hiếu động và nghịch ngợm. Bạn có thể gặp những tình huống như trẻ tháo tã lót và nghịch phân. Đây là một giai đoạn phát triển bình thường nhưng rất lộn xộn và gây khó chịu ở trẻ mới biết đi và thường sẽ qua đi khi chúng được 2 tuổi (may mắn không phải là tất cả trẻ đều thế). Ngoài ra “cắn” và “đánh” là những hành vi gây khó chịu thường gặp ở trẻ ở độ tuổi này. Đây có thể đơn giản là trẻ đang thử trải nghiệm hoặc trẻ đang sử dụng những hành động này để đối phó với cảm giác sợ hãi, thất vọng, thiếu kiểm soát, mệt mỏi hoặc ghen tỵ. Trong trường hợp này mẹ nên giữ bình tĩnh và hãy ngăn cản những hành vi gây tổn thương này của trẻ bằng cách nói “Không” một cách rõ ràng, dứt khoát.

Trẻ bò cầu thang
Ở độ tuổi 14 tháng, trẻ rất hiếu động và nghịch ngợm

Để giúp trẻ 14 tháng tuổi phát triển trí tuệ và thể chất tốt, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: emmasdiary.co.uk, whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan