Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển kỹ năng bắt chước của trẻ tự kỷ

Bài viết của Kỹ thuật viên Âm nhạc trị liệu - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Trung tâm Y học tái tạo và trị liệu tế bào tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Âm nhạc trị liệu từ lâu đã được sử dụng để giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ phát triển ngôn ngữ, tăng khả năng giao tiếp, tương tác với mọi người xung quanh, đặc biệt tăng khả năng bắt chước cho trẻ tự kỷ.. Âm nhạc cho trẻ tự kỷ là những hoạt động dạy học về âm nhạc như múa, hát, nhảy, chơi nhạc cụ, trò chơi dân gian, nghe nhạc..

1. Kỹ năng bắt chước là gì?

Kỹ năng bắt chước là làm theo một hành động của người khác, Kỹ năng bắt chước liên quan đến khả năng sao chép:

  • Bắt chước các hành động với đồ vật
  • Bắt chước cử chỉ và chuyển động cơ thể
  • Bắt chước âm thanh hoặc từ ngữ.

Trẻ nhỏ phát triển kỹ năng bắt chước trong giai đoạn sơ sinh. Nếu quan sát một em bé và mẹ tương tác, bạn có thể thấy cả em bé và mẹ bắt chước âm thanh, hành động và nét mặt của nhau. Việc bắt chước qua lại này thực sự là một cuộc trò chuyện mà không cần lời nói, nó giúp trẻ học cách chia sẻ cảm xúc, tập trung chú ý, luân phiên,... và phát triển kỹ năng tương tác xã hội.

2. Kỹ năng bắt chước ở trẻ mắc chứng tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc bắt chước. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng bắt chước của trẻ tự kỷ và ảnh hưởng của điều này đối với các lĩnh vực phát triển khác:

  • Khả năng bắt chước cử chỉ và chuyển động cơ thể dự đoán kết quả ngôn ngữ.
  • Khả năng bắt chước các hành động với đồ vật của chúng có liên quan đến sự phát triển các kỹ năng chơi.
  • Khó bắt chước hành động của trẻ khác ảnh hưởng đến việc chơi cùng bạn.
  • Trẻ tự kỷ cần phát triển một số kỹ năng bắt chước trước khi có thể có được sự chú ý chung (khả năng chia sẻ sự tập trung với người khác vào một đồ vật).

Xem ngay: Trị liệu cho trẻ tự kỷ bằng âm nhạc - yoga - tâm lý

3. Phát triển kỹ năng bắt chước thông qua m nhạc

Việc dạy nhạc cho trẻ tự kỷ khá phổ biến, theo đó, việc phát triển kỹ năng bắt chước thông qua Âm nhạc để dạy trẻ tự kỷ đang được rất nhiều các bậc cha mẹ quan tâm. Một số cách sử dụng dữ liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng cha mẹ có thể tham khảo:

Bắt chước cách tạo ra âm thanh của nhạc cụ

Hãy hướng dẫn trẻ bắt chước hành động với đồ chơi, đồ vật là bước đầu tiên trong việc dạy bắt chước, vì trẻ tự kỷ bắt chước hành động với đồ vật dễ hơn các hình thức bắt chước khác (Ví dụ: Bắt chước biểu cảm nét mặt, bắt chước âm thanh, ngữ điệu).

Đầu tiên, bạn có thể chuẩn bị một số nhạc cụ gõ không định âm như: Trống, maracas, castanet, xúc xắc, tambourine,... và hướng dẫn trẻ tạo ra âm thanh bằng cách gõ, lắc, lăn, vỗ...

Sau đó, sử dụng nhạc cụ gõ không định âm để gõ theo nhịp điệu của những bài hát mà trẻ thích.

Bắt chước âm thanh

Hãy dạy trẻ từ những điều gần gũi thông qua cuộc sống hàng ngày, ví dụ như cách bạn mô phỏng lại tiếng kêu của các loài động vật như: Chó, mèo, gà, chuột, vịt, bò... và hướng dẫn trẻ bắt chước theo.

Trong lúc tham gia giao thông cũng có thể mô phỏng tiếng động cơ, tiếng còi của các phương tiện giao thông như: Xe máy kêu “Bíp Bíp”, xe đạp kêu “Kính Cong”, tàu hỏa kêu “Tu Xình Xịch”

Hoặc hướng dẫn trẻ mô phỏng các âm thanh trong thiên nhiên như: Tiếng gió thổi “Vù Vù”, tiếng sấm “Đùng Đoàng”, tiếng mưa “Tí Tách”...

Bắt chước vận động phụ họa cho bài hát

Hoạt động này không chỉ mang lại hiệu quả trong việc giúp trẻ phát triển kỹ năng bắt chước mà còn hỗ trợ trẻ nhận biết các bộ phận, điều khiển và phối hợp thực hiện các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

Chúng ta nên chọn các bài tập với mục tiêu bắt chước từng bộ phận trên cơ thể, với từng động tác được lặp đi lặp lại. Sau đó, kết hợp hai hoặc nhiều bộ phận cùng lúc và phát triển các bài tập chuỗi.

Bắt chước biểu cảm- ngữ điệu

Đây là hình thức bắt chước tương đối khó với trẻ tự kỷ, vì trẻ gặp khó khăn trong việc nhận biết và thể hiện cảm xúc với người khác. Chúng ta nên sử dụng bài hát hoặc câu chuyện âm nhạc để dạy bé cách thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt thông qua lời bài hát hoặc tính chất âm nhạc.

Ví dụ câu chuyện âm nhạc “Mèo con bên thùng giấy” có thể dạy trẻ thể hiện lời bài hát với ngữ điệu giống như em bé trong câu chuyện với biểu cảm: Ngỡ ngàng khi nhìn thấy chiếc thùng, bất ngờ khi nhìn thấy con mèo, năn nỉ để xin mẹ nuôi em mèo, vui vẻ khi được mẹ đồng ý...

Link sách Câu chuyện bên thùng giấy: https://tiki.vn/cau-chuyen-ben-thung-giay-p10704585.html

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

304 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan