Phát hiện sớm tăng huyết áp ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cùng với sự tăng lên của tình trạng béo phì và lối sống ít vận động, tần suất phát hiện tăng huyết áp ở trẻ em ngày càng nhiều hơn. Nếu không được can thiệp kịp thời, tăng huyết áp ở trẻ em sẽ tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành, gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ.

1. Phát hiện sớm tăng huyết áp ở trẻ em

Không chỉ với người lớn, tăng huyết áp cũng là một bệnh lý rất được quan tâm ở trẻ em. Cùng với sự tăng lên của tình trạng béo phì và lối sống ít vận động, tần suất phát hiện tăng huyết áp ở trẻ em cũng nhiều hơn trước. Qua các nghiên cứu khác nhau, tần suất tăng huyết áp ở trẻ em ghi nhận từ 0.8% đến 5%.

Cũng giống như ở người lớn, tăng huyết áp trẻ em ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì. Khi tăng huyết áp trẻ em ở mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể có các triệu chứng như đau đầu, đau ngực, đau bụng, giảm thị lực, nhìn đôi và một số vấn đề hô hấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, tăng huyết áp ở trẻ em sẽ tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành. Trẻ sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch nguy hiểm như phì đại tim, tổn thương mạch máu, tổn thương võng mạc mắt, biến chứng thần kinh. Tình trạng tăng huyết áp kéo dài, đến tuổi trưởng thành trẻ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý đau tim, đột quỵ, suy tim và bệnh thận.

Trẻ bị đau đầu
Tăng huyết áp khiến trẻ đau đầu

Do sự nguy hiểm của bệnh nên phát hiện sớm tăng huyết áp ở trẻ em là vô cùng cần thiết. Vì tần suất tăng huyết áp ở trẻ em không cao như người lớn và việc đo huyết áp ở trẻ em cũng phức tạp, khó thực hiện nếu trẻ không hợp tác do đó không bắt buộc đo huyết áp với tất cả trẻ đến khám. Tuy nhiên, trẻ >3 tuổi phải được đo huyết áp ít nhất 1 lần trong những lần khám sức khỏe. Với trẻ <3 tuổi, đo huyết áp trong một số trường hợp đặc biệt sau:

  • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh đã phẫu thuật hoặc chưa phẫu thuật
  • Trẻ có tiền sử sinh non, rất nhẹ cân hoặc có biến chứng trong thời kỳ sơ sinh cần được hồi sức tích cực.
  • Trẻ bị nhiễm trùng tiểu tái phát, tiểu máu hoặc tiểu đạm tái phát.
  • Trẻ mắc bệnh thận hoặc các dị dạng đường niệu đã biết trước đây.
  • Trẻ có tiền sử gia đình bị bệnh thận bẩm sinh.
  • Trẻ được ghép tạng đặc
  • Trẻ mắc bệnh ác tính hoặc được ghép tủy
  • Trẻ dùng thuốc có nguy cơ làm tăng huyết áp
  • Trẻ mắc các bệnh hệ thống khác có liên quan đến tăng huyết áp như đa u sợi thần kinh.
  • Có bằng chứng trẻ bị tăng áp lực nội sọ.

Kết quả đo huyết áp ở trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào dụng cụ và cách đo. Để có kết quả chính xác phải chọn dụng cụ phù hợp theo độ tuổi và thực hiện cách đo đúng.

tiêm lao cho bé sinh non
Trẻ có tiền sử sinh non dễ bị tăng huyết áp

2. Nguyên nhân tăng huyết áp trẻ em

2.1. Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em

Khác với người lớn, tăng huyết áp ở trẻ em phần lớn là tăng huyết áp thứ phát. Nguyên nhân tăng huyết áp thứ phát ở trẻ em có thể thoáng qua hoặc kéo dài. Nếu không được điều trị, các nguyên nhân gây tăng huyết áp thoáng qua cũng có thể gây tăng huyết áp kéo dài. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, đa số các nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ em là các bệnh lý có liên quan đến thận, chủ yếu là bệnh lý chủ mô thận và mạch máu thận.

Các nguyên nhân tăng huyết áp ở trẻ em cấp tính hoặc thoáng qua bao gồm:

  • Bệnh lý chủ mô thận: Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu; viêm cầu thận Henoch-Schonlein; các đợt tái phát của bệnh hệ thống như Lupus, viêm mạch máu; hội chứng tán huyết ure máu cao; viêm ống thận mô kẽ cấp; hội chứng thận hư.
  • Các nguyên nhân có liên quan đến suy thận cấp như hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận tiến triển nhanh, huyết khối tĩnh mạch thận, độc thận do thuốc, cách bệnh lý chủ mô thận gây suy thận khác
  • Chấn thương thận hoặc các chấn thương khác
  • Tắc đường niệu cấp tính
  • Quá tải muối và nước do truyền dịch, plasma quá mức, suy thận cấp, dùng các thuốc hoặc hormon gây giữ nước và muối,...
  • Nguyên nhân mạch máu: huyết khối động mạch và tĩnh mạch thận, viêm mạch máu, chấn thương, chèn ép mạch máu thận, tổn thương mạch máu sau phẫu thuật hoặc chụp mạch máu,...
  • Các nguyên nhân thần kinh như stress, co giật, tăng áp lực nội sọ do u não, não úng thủy, rối loạn chức năng thần kinh tự động,...
  • Các nguyên nhân liên quan đến thuốc: sử dụng thuốc kháng viêm non steroid, thuốc kích thích giao cảm, cocain,...
Để thuốc xa tầm với trẻ nhỏ, thuốc trẻ nhỏ
Một số loại thuốc có thể gây tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Các nguyên nhân gây tăng huyết áp mạn tính hoặc kéo dài bao gồm:

  • Hẹp eo động mạch chủ
  • Suy thận mạn hoặc bệnh thận giai đoạn cuối
  • Các bệnh lý chủ mô thận: bệnh thận do trào ngược, viêm cầu thận mạn, bất thường thận bẩm sinh như loạn sản thận, bệnh lý chủ mô thận di truyền, các bệnh lý thận mắc phải khác như hội chứng sau tán huyết urê máu cao,..
  • Các bệnh lý mạch máu thận: hẹp động mạch thận, hẹp động mạch thận và hội chứng giữa động mạch chủ, hẹp động mạch thận và bệnh mạch máu nội sọ, hẹp động mạch thận và các hội chứng di truyền như u sợi thần kinh
  • U thận: bướu Wilm, Hemangiopericytoma
  • Tiết catecholamin quá mức: u tủy thượng thận, u nguyên bào thần kinh, u quanh hạch giao cảm
  • Tăng huyết áp do tiết Corticosteroid quá mức: hội chứng Cushing, hội chứng Conn
Tăng huyết áp do hẹp eo động mạch chủ
Hẹp eo động mạch chủ gây tăng huyết áp

2.2. Các yếu tố nguy cơ trong tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em

Mặc dù ít gặp nhưng tăng huyết áp nguyên phát có thể xảy ra ở trẻ em. Tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em là một yếu tố nguy cơ sự báo tăng huyết áp khi trẻ trưởng thành. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em là:

  • Tiền sư gia đình có người bị bệnh lý tim mạch, béo phì, rối loạn giấc ngủ,...
  • Trẻ bị béo phì
  • Trẻ bị rối loạn dung nạp đường
  • Trẻ bị tăng hoạt tính của hệ giao cảm
  • Trẻ bị tăng hoạt tính renin trong máu
  • Chế độ ăn nhiều muối

3. Điều trị tăng huyết áp trẻ em

Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em tùy thuộc vào mức độ tăng huyết áp, sự tổn thương cơ quan đích và nguyên nhân gây bệnh tìm được. Các liệu pháp điều trị gồm thay đổi lối sống (giảm cân, hoạt động thể lực, thay đổi chế độ ăn,...) và liệu pháp dùng thuốc điều chỉnh huyết áp.

2.1. Điều trị tăng huyết áp trẻ em bằng thay đổi lối sống

Các biện pháp thay đổi lối sống được sử dụng để kiểm soát huyết áp riêng lẻ hoặc sử dụng kết hợp với điều trị bằng thuốc. Không nên áp dụng biện pháp thay đổi lối sống riêng lẻ quá lâu nếu không có kết quả vì có thể làm chậm trễ việc dùng thuốc hạ huyết áp ở trẻ em đã có chỉ định.

2.1.1. Giảm cân

Ở trẻ em bị cao huyết áp, duy trì cân nặng bình thường sẽ giảm được nguy cơ bị tăng huyết áp khi trưởng thành. Giảm cân không chỉ làm giảm huyết áp mà còn giảm độ nhạy cảm của huyết áp với muối và giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch như rối loạn lipid máu, kháng insulin. Để trẻ giảm cân thành công, cần sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ, sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng. Tuy giảm cân là việc rất khó khăn, nhưng nếu thành công, hiệu quả đạt được sẽ rất tốt. Các nghiên cứu cho thấy nếu giảm 10% BMI, huyết áp sẽ giảm trung bình 8-12 mmHg.

Béo phì
Cân nặng có liên quan đến chỉ số huyết áp

2.1.2. Vận động thể lực

Trẻ em bị tăng huyết áp phải bắt đầu tập luyện thể lực, không được duy trì lối sống ít vận động như trước đây. Tập luyện đều đặn, cường độ tăng dần, khuyến khích tập 30-60 phút/ngày. Hoạt động thể lực đều đặn giúp giảm cân, giảm nguy cơ béo phì, giảm nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch khác.

2.1.3. Chế độ ăn

Để kiểm soát tăng huyết áp ở trẻ em, cần hạn chế muối trong chế độ ăn của trẻ. Giảm natri trong chế độ ăn của trẻ em có thể làm giảm nhẹ HA từ 1-3mmHg. Lượng muối khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày ở trẻ em 4-8 tuổi là 1.2g, ở trẻ lớn hơn là 1.5g. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra, cung cấp thêm calci, kali, magnesium, acid folic, chất béo không bão hòa, chất xơ và giảm ăn chất béo cũng làm giảm huyết áp.

2.2. Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em bằng thuốc

Trước khi quyết định sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp ở trẻ em phải thật sự cân nhắc, vì khác với người lớn, các biến chứng lâu dài về tăng huyết áp ở trẻ em nếu chưa được điều trị vẫn chưa được xác định rõ về tỷ lệ và mức độ. Bên cạnh đó, cũng chưa có nhiều nghiên cứu xác định rõ ràng tác dụng lâu dài tác dụng phụ của thuốc lên sự phát triển của trẻ.

Chỉ sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp ở trẻ em trong các trường hợp:

  • Tăng huyết áp có triệu chứng
  • Tăng huyết áp thứ phát
  • Có tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp
  • Tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường type I và II
  • Tăng huyết áp kéo dài dù đã áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống
Trẻ uống thuốc, thuốc trẻ nhỏ,
Điều trị tăng huyết áp ở trẻ em bằng thuốc kê đơn

Các nhóm thuốc được chấp nhận để dùng ngay từ đầu trong điều trị tăng huyết áp ở trẻ em, được chứng minh có tính an toàn, dung nạp tốt và hiệu quả hạ áp tốt đối với trẻ em là:

  • Nhóm thuốc ức chế men chuyển
  • Nhóm thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
  • Nhóm thuốc chẹn beta
  • Nhóm thuốc ức chế calci
  • Nhóm thuốc lợi tiểu

Đối với tăng huyết áp nguyên phát, không biến chứng và chưa có tổn thương cơ quan đích, mục tiêu điều trị khi dùng thuốc là đưa huyết áp < bách phân vị thứ 95. Đối với trẻ mắc bệnh thận mạn tính, đái tháo đường hoặc tổn thương cơ quan đích, cần đưa huyết áp về < bách phân vị thứ 90.

Các thuốc hạ huyết áp khi dùng cho trẻ em nên bắt đầu từ liều thấp, sau đó điều chỉnh liều tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả mong muốn. Khi đã dùng đến liều tối đa hoặc liều xuất hiện tác dụng phụ mà mức huyết áp vẫn chưa ổn định, nên dùng kết hợp thêm một thuốc nữa. Không dùng thường quy các thuốc dạng phối hợp sẵn vì khó dùng, khó chỉnh liều và ít bằng chứng về liệu pháp này.

Việc điều chỉnh liều thuốc hạ huyết áp dựa vào các dữ liệu về trị số huyết áp, tác dụng phụ của thuốc, tổn thương cơ quan đích, điện giải đồ, các biện pháp thay đổi lối sống,...Nếu trẻ ổn định nên xem xét điều chỉnh giảm liều thuốc đến khi ngưng thuốc hoàn toàn.

Khám nhi
Cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: viêm đường hô hấp, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan