Nuôi dưỡng một em bé độc lập

Bài viết được tư vấn chuyên khoa bởi Thạc sĩ Trần Ngọc Ly - Chuyên viên Tâm lý - Trung tâm Y học tái tạo và Trị liệu tế bào, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Trẻ em cũng đều là lứa tuổi nhỏ, đang trong quá trình phát triển về thể chất và tâm lý, chưa có khả năng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm như của người lớn. Bên cạnh hạn chế về mặt lứa tuổi, thì trẻ em sẽ thực hiện được những gì? Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu ở những khái niệm về em bé độc lập ở bên dưới

1. Khái niệm về trẻ em

Khi tìm hiểu các định nghĩa về trẻ em trên mạng Internet, ta sẽ thu được những câu trả lời như sau:

  • Về mặt sinh học, trẻ em là một người đang trong giai đoạn phát triển từ khi được sinh ra cho đến tuổi dậy thì, có nhiều sự thay đổi về mặt cơ thể (từ não bộ, hình thái...) cho tới tâm lý (cảm xúc, trí tuệ, hành vi, nhận thức...) trong suốt quá trình này.
  • Còn quan điểm của xã hội học thì lại xác định trẻ em là người có vị thế, vai trò xã hội khác với người trưởng thành. Trẻ em là người chưa đạt đến sự phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần như là một người lớn. Do đó, trẻ em cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện sinh thành, bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc để phát triển một cách toàn diện.
  • Về mặt pháp lý, khái niệm trẻ em thường được tiếp cận theo độ tuổi, tùy từng đất nước sẽ là dưới 16 hay dưới 18 tuổi. Trẻ em nhìn chung có ít quyền hơn người lớn và được xếp vào nhóm không thể đưa ra những quyết định quan trọng, và phải luôn có người giám hộ
  • Còn ở dưới góc độ tâm lý học, trẻ em là khái niệm được dùng để chỉ giai đoạn đầu của sự phát triển tâm lý, nhân cách của con người. Theo đó, tâm lý học phân chia lứa tuổi trẻ em thành các giai đoạn khác nhau, ứng với sự phát triển và tiếp thu nhận thức khác nhau: Tuổi sơ sinh, tuổi mẫu giáo nhỏ, tuổi mẫu giáo lớn, tuổi nhi đồng, tuổi thiếu niên, tuổi thành niên mới lớn.

2. Quan điểm về em bé độc lập

Dưới góc nhìn của tâm lý học và giáo dục học, mỗi em bé đều có tiềm năng trở thành một em bé độc lập - là một em bé có thể làm mọi việc trong khả năng và độ tuổi của mình, mà không phụ thuộc vào người khác. Có thể nhìn nhận quan điểm về em bé độc lập dưới các góc độ sau:

  • Trẻ em là người khởi xướng chính của quá trình học tập

Trẻ em biết chúng thích và không thích những hoạt động nào, chúng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nào. Thậm chí, khi người lớn đưa ra những quan điểm hoặc ý tưởng của họ, thì trẻ em cũng sẽ có cách nhìn riêng để khởi xướng ra các hoạt động tương tự.

Có thể thấy rõ ràng, khi nhóm trẻ chơi với nhau, chúng sẽ tự chọn ra một vài đồ vật và chủ động biến hóa các đồ vật đó theo cách nhìn, cách nghĩ của mình. Ví dụ: nếu hai trẻ cùng nhìn thấy búp bê, tự chúng sẽ phân vai thành mẹ - con hoặc chị - em, và hướng câu chuyện đó thành một vở kịch như đi mua đồ, đi ăn hàng, tự sắp xếp các câu đối thoại với nhau... Những tình tiết này không người lớn nào có thể dạy chúng. Trẻ quan sát từ trong thực tế và áp dụng vào việc chơi của trẻ.

  • Trẻ được truyền cảm hứng từ chính sự quan tâm của mình

Một trong những vai trò chính của trẻ em là chơi. Chúng có thể bị kích thích bởi các đồ chơi, các đồ vật tự nhiên, các quang cảnh xung quanh. Thậm chí, chỉ từ những đồ vật cơ bản, chúng có thể sáng tạo ra các sản phẩm hoặc các trò chơi khác nhau. Chính những gì trẻ thích thú và để ý trong cuộc sống thường ngày sẽ truyền cảm hứng cho trẻ.

Có thể lấy ví dụ đơn giản, trẻ nhìn thấy cái chai và thích tiếng động phát ra từ cái chai đó. Trẻ có thể lấy cái chai làm trống và gõ, có trẻ sẽ lấy chai để đập lên tường, có trẻ sẽ lấy chai để chơi đá bóng, nhưng cũng có thể sẽ vặn chai để tạo ra những tiếng kẽo kẹt khác nhau...

  • Mỗi đứa trẻ là một cộng sự

Cộng sự là người hợp tác - ở đây có thể nói đến mối quan hệ hợp tác giữa trẻ -trẻ, giữa trẻ - bố mẹ, giữa trẻ - cô giáo. Khi những đứa trẻ chơi với nhau, chúng sẽ cùng nhau tạo nên hoạt động, cùng khởi xướng và duy trì trò chơi giả vờ, cùng nhau phân công nhiệm vụ của mỗi người trong quá trình chơi. Hoặc khi có bộ đồ chơi thả khối, trẻ sẽ tự biết khởi xướng xem nên thả màu nào trước, sẽ oẳn tù tì để chơi hay là ai sẽ nhường ai...

Khi đứa trẻ tham gia vào các hoạt động cùng người lớn cũng vậy. Chúng sẽ giữ một vai trò nhất định, để giúp cho công việc được hoàn thành. Ví dụ khi bố mẹ cùng trẻ chuẩn bị đồ nấu ăn tối, chúng sẽ có thể hỗ trợ bố mẹ trong việc rửa rau, bỏ đồ ăn ra khỏi túi, chuẩn bị bát đũa...

  • Mỗi đứa trẻ là một người truyền đạt

Trẻ là người chọn cách khám phá và thể hiện bản thân, có thể trẻ sẽ chọn trả lời câu hỏi của người khác thông qua gật đầu, lắc đầu, có trẻ sẽ chọn thông qua việc nói. Có những trẻ khác sẽ hát hoặc nhảy múa để thể hiện sở thích của mình.

Và không ít trường hợp, trẻ sẽ là người truyền tải thông tin đến nhau hoặc đến người lớn khác. Ví dụ: trẻ có thể ghi nhớ những yêu cầu/ đề nghị của cô giáo và về truyền tải lại với bố mẹ. Trẻ cũng sẽ nhớ những lời dặn dò của người lớn để nói với bạn mình, như là: “chơi xong thì phải dọn vào nếu không bố sẽ mắng”, “mẹ bảo ăn cơm xong mới được đi bơi thuyền”... để những đứa trẻ xung quanh được biết.

3. Một số cách thức để nuôi dưỡng em bé trở nên độc lập

Một em bé độc lập không phải giống như một người trưởng thành, là có thể làm được hết tất cả mọi việc. Mà em bé độc lập có nghĩa là có thể tự làm các việc trong khả năng theo lứa tuổi của mình, mà không bị ngăn cản hoặc phụ thuộc vào người khác. Ví dụ như trẻ hai tuổi có thể tự đi bộ mà không cần người lớn bế, một em bé ba tuổi có thể tự đi giày dép (dạng dán) mà không cần người lớn đi hộ... Hoặc em bé được phép khám phá mọi thứ trong khả năng và nhu cầu của mình, như là chạm vào nước để biết thế nào là dạng lỏng, nhiệt độ của nước, đổ nước từ bình sang cốc mà không phải đổ ra ngoài hoặc nghịch linh tinh...

Bố mẹ có thể tham khảo một số việc sau để tạo điều kiện cho trẻ được độc lập:

  • Cho trẻ được tham gia vào các công việc gia đình theo khả năng của mình
  • Trao đổi với trẻ những quy tắc trong nhà, để trẻ thực hiện theo, và trẻ sẽ truyền tải đến những người khác đến chơi, hoặc có thể nhắc nhở bố mẹ khi cần thiết
  • Quan sát và chờ đợi khi trẻ khám phá thế giới xung quanh, lắng nghe những gì trẻ kể để từ đó giúp trẻ mở rộng ý tưởng của bản thân
  • Tạo các nhóm chơi trẻ, cho trẻ tham gia vào để xây dựng ý tưởng, chuẩn bị đồ dùng, thực hiện và thu dọn sau khi thực hiện xong
  • Cho trẻ được tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, không chỉ chơi trong những khu vui chơi, mà còn cả các công việc, nông trại... để trẻ được tiếp xúc với nhiều nguyên liệu có sẵn trong thực tế
  • Lắng nghe trẻ kể chuyện trong cuộc sống thường ngày, đưa ra hệ thống câu hỏi phù hợp để trẻ diễn tả được nhiều ý hơn
  • Tôn trọng những gì trẻ làm và các sản phẩm trẻ tạo ra
  • Hướng dẫn trẻ những cách giao tiếp cơ bản, và tạo tình huống để trẻ được chủ động sử dụng các kỹ năng của mình: khi nhờ người khác sẽ nói thế nào, khi đặt câu hỏi về những gì trẻ không biết sẽ cần hỏi ai, khi rủ người khác chơi cùng thì sẽ rủ bằng cách nào, khi cần từ chối những câu hỏi của người khác sẽ cần làm thế nào...

Và như ở trên đã bàn tới, mỗi đứa trẻ đều có rất nhiều tiềm năng. Những tiềm năng này của trẻ không phải tự nhiên mà trở thành kỹ năng, và hiện hữu hàng ngày được, mà cần người hướng dẫn và tạo tình huống để trẻ được thực hiện. Bởi trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động những hành vi, tính cách của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

74 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan