Ngậm, mút ngón tay gây hại gì cho trẻ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa- Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Ngậm, mút ngón tay là thói quen thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là các bé dưới 1 tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ thích mút ngón tay kể cả khi đã lớn thì sẽ khó để bỏ thói quen này. Đồng thời, thói quen bú, mút ngón tay cũng gây ra nhiều bất lợi đối với sức khỏe, sự phát triển của trẻ.

1. Vì sao trẻ mút ngón tay?

Mút tay là hành động gặp ở đại đa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thông thường, trẻ sẽ mút tay khi thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Việc đưa ngón tay vào miệng và mút có thể khiến trẻ ngủ ngon hơn, ngủ say hơn (giống thói quen của nhiều bé là chỉ ngậm ti của mẹ mới ngủ được). Lâu dần, mút tay trở thành thói quen khó bỏ của trẻ.

Lý giải nguyên nhân trẻ thích mút ngón tay, chủ yếu là:

  • Nhu cầu bẩm sinh: Ở trẻ sơ sinh, bé thích được bú và đó cũng là nhu cầu bẩm sinh của bé. Tuy nhiên, khi nhu cầu này không được đáp ứng thì trẻ bắt đầu tự tìm cách để làm hài lòng bản thân. Và mút tay là hành động mà nhiều bé thực hiện để thay thế cho việc bú mẹ.
  • Mong muốn được yêu thương: Mút tay còn là cử chỉ thể hiện rằng trẻ mong muốn được yêu thương. Khi cha mẹ không có thời gian nói chuyện, bế bồng bé hoặc bé bị đói, bị khó chịu trong người mà không được cha mẹ vỗ về, an ủi kịp thời thì mút ngón tay sẽ trở thành một giải pháp bất đắc dĩ để bé có thể an lòng. Như vậy, thói quen bú ngón tay cái ở trẻ cũng là một cách để bé giải tỏa áp lực. Đặc biệt là khi bé sinh sống trong một môi trường không được quan tâm đúng mức.
  • Chống lại sự cô đơn: Mút ngón tay còn là cách để bé chống lại với sự cô đơn; hầu hết các gia đình hiện nay chỉ sinh 1 - 2 con, trẻ thường phải chơi một mình hoặc chỉ được chơi với đồ chơi, xem ti vi, không được chơi cùng bạn thì bé sẽ cảm thấy ngột ngạt và cô đơn. Nhiều trẻ vì thế sẽ mút tay để xua tan sự cô đơn.
  • Giảm căng thẳng: Thái độ của cha mẹ cũng có ảnh hưởng tới hành vi mút tay của trẻ. Nếu trẻ bị phụ huynh quát, mắng khi thấy đang mút tay thì sẽ càng căng thẳng và lo lắng, khiến trẻ mút tay nhiều hơn. Nếu không tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này thì sẽ càng khiến trẻ bướng bỉnh với thói quen không tốt này.

Thông thường, phần lớn trẻ sẽ bỏ tật mút ngón tay khi trẻ được 1 - 2 tuổi và có khoảng 15% trẻ vẫn tiếp tục mút tay cho tới khi được 4 tuổi.

Mút ngón tay
Mút tay là hành động gặp ở đại đa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

2. Hệ lụy của thói quen mút ngón tay của trẻ

Với những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc ngậm, mút ngón tay là bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn trên 5 tuổi mà vẫn duy trì thói quen này thì việc ngậm mút ngón tay sẽ thành tật khó chữa, có thể gây những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Những tác hại đó là:

  • Mắc bệnh truyền nhiễm: Thói quen ngậm mút ngón tay khi bàn tay của trẻ không được vệ sinh sạch sẽ dễ khiến trẻ bị lây các bệnh truyền nhiễm qua đường tay - miệng như bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cúm, nhiễm giun và các bệnh về đường tiêu hóa.
  • Dễ nôn trớ: Trẻ ngậm mút ngón tay quá sâu dễ bị nôn trớ, đặc biệt là sau khi bú mẹ hoặc ăn uống;
  • Nứt da ngón tay: Với những trẻ có động tác mút tay mạnh và liên tục, thậm chí nhai ngón tay hoặc dùng lưỡi đẩy tay còn có thể gây tổn thương da ngón tay, khiến da tay bị nứt nhiều lần tái đi tái lại, thậm chí bị lở loét, khiến vi trùng bên ngoài xâm nhập vào da, gây viêm da mủ.
  • Dễ gây ảnh hưởng tới răng sữa: Trẻ mút tay nhiều ở giai đoạn mọc răng (4 - 7 tháng tuổi). Hành vi này có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của răng vì nó tác động tiêu cực tới sự sắp xếp của răng, dễ gây các tật về răng.
  • Biến dạng xương ngón tay: Mút tay nhiều trong thời gian dài có thể gây biến dạng xương ngón tay của trẻ, khiến ngón tay có hình dạng bất thường.
  • Tổn thương răng và hàm: Ở những trẻ 5 - 6 tuổi đang trong thời kỳ thay răng vĩnh viễn, tật ngậm mút ngón tay với động tác mút mạnh, liên tục hoặc dùng lưỡi đẩy ngón tay ra có thể gây ra một số tổn thương ở răng và hàm, dẫn tới biến dạng như hàm hô (răng và hàm bị đẩy ra ngoài), hàm móm (răng và hàm dưới bị thụt vào trong), lệch khớp cắn, khó phát âm, ...
Mút ngón tay
Mút tay nhiều trong thời gian dài có thể gây biến dạng xương ngón tay của trẻ
  • Tổn thương tâm lý: Mút ngón tay được coi là biểu tượng của sự xấu hổ, thiếu tự tin, khiến trẻ dễ bị bạn bè trêu ghẹo, dẫn tới cảm giác mặc cảm khi ở độ tuổi tới trường.

Mút tay là bản năng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì những lợi ích đối với sức khỏe của trẻ trong tương lai, cha mẹ nên hạn chế thói quen bú, mút ngón tay này. Sau một thời gian uốn nắn, trẻ sẽ bỏ được thói quen không tốt này.

Trẻ độ tuổi 1 đến 2 tuổi sẽ có những mốc phát triển như: Trẻ em luôn tò mò về mọi thứ xung quanh và yêu thích việc tự mình khám phá. Bé có thể nói được nhiều từ đơn và đến 24 tháng tuổi có thể dùng các câu và cụm từ ngắn... Để khuyến khích trẻ phát triển trong độ tuổi này cha mẹ nên kích thích các kỹ năng cho bé bằng cách: Sắp xếp để bé có nhiều thời gian chơi ngoài trời. Đưa bé ra công viên, sân chơi hoặc sở thú để đi dạo, chạy nhảy và tự do khám phá; nói chuyện với trẻ, đọc sách cho trẻ nghe, ...

Ngoài vấn đề ngậm, mút ngón tay cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường như:

  • Trẻ chậm biết đi: Đã 18 tháng tuổi nhưng trẻ vẫn chưa biết đi
  • Trẻ chậm nói: Không nói được ít nhất sáu từ khi đủ 18 tháng tuổi hoặc những câu gồm hai từ khi đủ 24 tháng tuổi.
  • Không bắt chước lời nói hoặc hành động

Khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp kịp thời.

Trẻ 26 tháng tuổi chậm nói
Nếu bạn nhận thấy trẻ có dấu hiệu mút ngón tay nhiều hoặc chậm nói, chậm biết đi, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan