Mẹ nhóm máu O sinh con bị vàng da?

Nhóm máu có liên quan mật thiết tới quá trình mang thai của người mẹ. Theo nghiên cứu Y học, nhóm máu O thường không tương thích với nhiều loại máu khác, sự bất đồng này giữa mẹ và con là một trong những nguyên nhân dẫn đến mẹ nhóm máu O sinh con bị vàng da.

1. Vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da là hiện tượng sinh lý do tăng bilirubin tự do ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên nếu mức độ vàng da ở trẻ tăng nhanh và nhiều thường khá nghiêm trọng và có thể gây ra tổn thương não, sau đó là bại não, để lại di chứng nặng nề nếu không được tích cực điều trị. Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị vàng da.

2. Tại sao mẹ nhóm máu O sinh con bị vàng da?

Người mẹ nhóm máu O trong thời kỳ mang thai sẽ "từ chối" tất cả các nhóm máu khác. Trong trường hợp này, nếu bé không mang nhóm máu O có thể dẫn đến phản ứng kháng nguyên với thai nhi, từ đó làm tăng nồng độ bilirubin ở trẻ sơ sinh và dẫn đến trẻ bị mắc bệnh vàng da.

Trên tờ báo Unair News, TS.BS nhi khoa Toto Wisnu Hendarto (chủ tịch Hội nhi khoa Indonesia) đã cho biết: Bất đồng nhóm máu ở mẹ và con được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tăng nồng độ bilirubin ở trẻ sinh. Kết quả là những phụ nữ mang nhóm máu O khi mang thai sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao sinh con ra bị tăng bilirubin huyết cấp tính - bệnh vàng da.

3. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị vàng da?

Khoảng 3 ngày sau sinh, tình trạng trẻ sơ sinh bị vàng da do có nhóm máu khác với nhóm máu O của người mẹ thường xuất hiện. Do đó, trước khi xuất viện, phụ huynh cần đăng ký kiểm tra sức khỏe đầy đủ cho trẻ ngay tại bệnh viện. Bên cạnh đó, người nhà cũng nên nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ về tình huống mẹ nhóm máu O sinh con bị vàng da và cách chăm sóc trẻ bị bệnh.

Trẻ cần được thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Xuất hiện triệu chứng vàng da trong 2 ngày đầu sau khi bé sinh ra.
  • Dấu hiệu vàng da nhanh chóng lan đến phần bụng dưới và hai chân.
  • Sau 14 ngày tuổi, dấu hiệu vàng da vẫn tồn tại.
  • Trẻ sơ sinh không chịu bú, quấy khóc, không đi đại tiện hay tiểu tiện như trẻ bình thường.
  • Phân của trẻ sơ sinh có màu beige hoặc trắng.
  • Nước tiểu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có màu vàng sậm.

Việc cho trẻ sơ sinh uống nước, nước đường hay đưa bé đi phơi nắng nhiều không có tác dụng làm giảm triệu chứng vàng da mà còn có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ bị bệnh. Nếu không được điều trị đúng hướng, bệnh vàng da có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi, nhất là tế bào thần kinh có thể bị phá hủy vĩnh viễn. Chính vì vậy, các bác sĩ sản khoa luôn khuyên mẹ bầu kiểm tra xem đang thuộc nhóm máu nào, nếu là nhóm máu O thì nên đi khám sàng lọc cho thai nhi và cần cẩn trọng hơn.

4. Cách ngăn ngừa vàng da cho trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu O với người mẹ

Sự không tương thích nhóm máu có thể được chủ động ngăn ngừa bằng cách khám sàng lọc, xét nghiệm máu sớm trong thời kỳ mẹ đang mang thai. Nếu tìm thấy sự không tương thích nhóm máu ABO hay Rh, thai phụ có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng Globulin miễn dịch trong khoảng 28 tuần khi mang thai. Các protein này được đưa vào cơ thể của người mẹ có tác dụng làm trung hòa kháng thể đã tạo ra và góp phần ngăn chặn hệ thống miễn dịch sản xuất thêm các kháng thể mới, hạn chế đến mức tối đa sự tấn công của kháng thể vào các tế bào hồng cầu của bào thai. Từ đó, việc kiểm soát sớm và điều trị phòng ngừa chủ động sẽ hạn chế sinh ra những đứa trẻ bị vàng da nặng dẫn đến tổn thương não.

Tốt nhất phụ nữ mang thai cần đảm bảo việc thăm khám sàng lọc để phát hiện triệu chứng và điều trị sớm. Tuy nhiên, nếu đã quá muộn và trẻ sơ sinh mắc bệnh tan máu bẩm sinh, tình trạng vàng da của trẻ cần được theo dõi sát sao, cũng như tiến hành việc xét nghiệm định lượng nồng độ bilirubin trong máu của trẻ. Nếu trẻ sơ sinh xuất hiện tình trạng tan máu nặng dẫn đến thiếu máu, tiến hành truyền thay máu sớm với thể tích phù hợp cơ thể của trẻ. Cùng với đó, trẻ cũng cần được thực hiện liệu pháp chiếu đèn nhằm nhanh chóng đào thải bilirubin ra ngoài. Ngoài ra, chế độ chăm sóc tích cực như tăng cữ bú, tăng lượng sữa mỗi cữ cho trẻ cũng giúp tăng lượng phân và nước tiểu, góp phần làm tăng tốc độ bài tiết bilirubin.

Trong trường hợp lần sinh nở đầu tiên đã có hiện tượng bất đồng nhóm máu hệ ABO, sản phụ nên cân nhắc việc sinh lần hai cách xa với lần đầu, để khi đó lượng kháng thể trong cơ thể người mẹ giảm xuống, sẽ tốt hơn cho thai kỳ . Nên lựa chọn các gói khám thai sản trọn gói để được theo dõi chặt chẽ từ khi bắt đầu mang thai đến lúc chuyển dạ, từ đó có thể giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

5. Các phương pháp điều trị trẻ sơ sinh bị vàng da

Vàng da nhẹ ở trẻ sơ sinh có thể sẽ tự hết khi gan của trẻ bắt đầu trưởng thành. Sản phụ nên cho trẻ bú thường xuyên từ 8 – 12 lần/ ngày sẽ giúp trẻ đào thải bilirubin qua cơ thể nhanh hơn.

Trong trường hợp, tình trạng vàng da ở trẻ diễn biến nặng hơn có thể cần đến các phương pháp điều trị khác, bao gồm:

  • Chiếu đèn

Chiếu đèn là phương pháp điều trị vàng da sơ sinh hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, đơn giản thực hiện và chi phí thấp. Phương pháp này thường được chỉ định cho tất cả trẻ sơ sinh bị vàng da tăng bilirubin gián tiếp trên 13mg%.

Đây là cách thức điều trị dùng đèn ánh sáng trắng hoặc ánh sáng xanh với bước sóng 420-480 nm, phân bố đều 55-6 Uw/cm2/nm, để cách xa trẻ 50cm, khi đó năng lượng của ánh sáng sẽ giúp chuyển bilirubin trực tiếp thành dạng đồng phân không độc hại hoặc có thể đào thải ra ngoài một cách gián tiếp. Khi thực hiện chiếu đèn, trẻ được đặt trong lồng ấp, không mặc quần áo, che mắt và bộ phận sinh dục và cho ánh sáng chiếu trực tiếp lên da của trẻ. Sau khoảng 3 giờ cho trẻ đổi tư thế một lần, và tiếp tục chiếu cho tới khi mức bilirubin gián tiếp giảm xuống mức bình thường.

  • Thay máu

Thay máu là phương pháp được chỉ định khi trẻ có triệu chứng đe dọa nhiễm độc thần kinh do lượng bilirubin trong máu tăng cao. Trẻ có dấu hiệu như lòng bàn tay, bàn chân vàng da sậm, trẻ bú kém hoặc bỏ bú, có triệu chứng nhiễm độc thần kinh và lượng bilirubin gián tiếp của trẻ cao trên 20 mg% ở trẻ > 2 kg hoặc >10 mg% ở trẻ <1kg.

Bài viết trên là những thông tin giải đáp thắc mắc: Tại sao mẹ nhóm máu O sinh con bị vàng da. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn, nhất là những chị em chưa có nhiều kinh nghiệm về mang thai và sinh con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan