Lưu ý khi tập bú bình cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Việc chuyển từ bú mẹ sang bú bình thường làm trẻ khó chịu vì núm vú không giống nhau. Thậm chí, nhiều trẻ còn phản ứng rất dữ dội, gào khóc hoặc bỏ bữa. Vậy làm thế nào để tập bú bình hiệu quả cho trẻ mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ?

1. Tại sao mẹ phải tập bú bình cho trẻ

Một số bà mẹ cho con bú mẹ trong những tháng đầu tiên, nhưng do hoàn cảnh về công việc, gia đình... khiến việc sắp xếp thời gian cho con bú mẹ trực tiếp trở nên khó khăn. Vì vậy, có thể nghĩ đến việc cai bú mẹ cho con “bán phần”, có nghĩa là mẹ giảm số cữ cho con bú mẹ trực tiếp lại và thay thế bằng những cữ bú bình – nhưng cũng bằng sữa mẹ vắt ra.

Vì một số lý do cá nhân, một số bà mẹ cảm thấy muốn ngưng cho con bú sữa mẹ hoàn toàn, và chuyển sang sữa công thức, hay sữa tươi tiệt trùng thanh trùng (sau 1 tuổi) cho trẻ bằng cách tập cho trẻ bú bình. Đây không phải là một lựa chọn lý tưởng cho trẻ, đặc biệt trong 6 tháng – 1 năm đầu đời của trẻ, vì lúc này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng có giá trị vượt trội và có tính chất bảo vệ phát triển, tăng trưởng của các hệ cơ quan của bé một cách tối ưu nhất.

Dù là cai bú mẹ bán phần hay toàn phần, thì điều quan trọng là không nên làm quá nhanh và đột ngột. Thay vì vậy, nên lên kế hoạch cai bú mẹ từ từ, trong khoảng thời gian vài tuần hoặc vài tháng, tùy theo từng trường hợp.

Một số trường hợp phải cho trẻ tập bú bình:

  • Trẻ sinh non, nhỏ con hơn so với tuổi thai hoặc không khỏe trong giai đoạn sơ sinh có thể cần được bú bình trong một thời gian ngắn trong khi chưa thể cho bú sữa mẹ.
  • Trẻ có lượng đường trong máu thấp cũng có thể cần được bú bình nếu bữa ăn cho trẻ cần bổ sung thêm calo.
  • Đôi khi là vì mẹ chưa kịp sản sinh ra sữa thì bú bình sẽ giúp bé qua cơn đói.
  • Nếu trẻ bị tụt cân thì bú bình có thể rất cần thiết.
  • Trẻ bị sứt môi hoặc vòm miệng, nuốt hoặc hít thở khó khăn, có vấn đề với phản xạ khi hút/nuốt thì cũng có thể được bú bình.
Trẻ sinh cực non
Những trẻ sinh non, sinh thiếu tháng hoặc không khỏe trong giai đoạn sơ sinh cần được bú bình trong thời gian đầu

2. Hướng dẫn tập bú bình cho trẻ sơ sinh

Khi trẻ đã quen bú sữa mẹ và bắt đầu chuyển sang bú bình các bà mẹ cần phải tập cho bé làm quen dần với loại sữa mới và cách bú mới - không phải bầu vú mẹ.

  • Do bé đã quen ngậm bầu vú mẹ nên khi chuyển sang bú bình phải tập dần từ ít đến nhiều và cần phối hợp với sữa mẹ nhưng liều lượng sữa, số bữa... phụ thuộc vào tháng tuổi của bé. Trung bình lượng sữa cần cho bé 50ml/kg/ngày (kể cả sữa mẹ và sữa công thức tức sữa hộp).
  • Lượng sữa được chia làm 8 bữa, cho ăn cách nhau 3 giờ một lần. Trẻ 6 tháng cho ăn giảm bữa ban đêm và đến 9 tháng thì cắt hẳn bữa ăn đêm của trẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng có thể cho 700ml đến 800ml mỗi ngày. Còn những trẻ trên 6 tháng có thể cho 600 – 700 ml mỗi ngày.
  • Để tập cho bé quen dần với cách bú bình thời gian đầu (có thể từ 3 ngày đến 5 ngày tùy theo khả năng thích ứng của mỗi bé) các mẹ cần vắt sữa của mình vào bình bú cho trẻ để trẻ tập cho quen dần với cách bú bình.
  • Khi trẻ đã quen với cách bú bình mẹ sẽ chuyển dần sữa mẹ bằng sữa công thức (sữa hộp) pha theo chỉ dẫn cho vào bình bú cho trẻ (lượng sữa từ 60ml tăng dần lên 80ml rồi 100ml).
  • Đối với trường hợp sức khỏe của mẹ bình thường, có thể cho trẻ tập bú bình song song bú mẹ đến khi bé được 24 tháng tuổi.
  • Từ 7 tháng đến 24 tháng mỗi ngày cần 400ml - 500ml sữa công thức (nếu còn bú sữa mẹ) và 600ml - 700ml nếu không còn bú sữa mẹ.
  • Trên 24 tháng không còn bú sữa mẹ mỗi ngày trẻ cần 600ml - 700 ml. Bé dưới 6 tháng chia làm 8 bữa mỗi ngày.
  • Từ 6 tháng đến dưới 9 tháng giảm còn 6 bữa mỗi ngày và từ 9 tháng trở đi giảm còn 4 bữa mỗi ngày (sáng - trưa - chiều - tối).
  • Sau khi cho trẻ chuyển từ bú mẹ sang bú bình, nếu có thể nên tập cho trẻ uống sữa bằng cốc là tốt nhất vì đảm bảo vệ sinh dễ hơn bú bình.

3. Những lưu ý khi tập bú bình cho trẻ

Hiếm có trẻ ngay từ đầu đã chịu bú bình nên lúc đầu bé từ chối bú bình cũng không có gì lạ, mẹ đừng ép bé ngay trong lần đầu tuy nhiên cũng phải kiên trì và dứt khoát.

Trẻ em bú bình
Các mẹ cần tìm hiểu kĩ một số lưu ý khi tập bú bình cho trẻ

Mẹ có thể kiếm vú giả giống núm vú bình cho bé tiếp xúc và tập trước.

Người khác cho bé tập bú bình tốt hơn là mẹ tập, mẹ không nên ở gần nếu có thể, đôi khi phải đổi phòng khi tập bình, không nhắc đến mẹ khi người khác tập cho trẻ bú bình.

Trẻ hiếm khi chịu bú bình vào ban đêm nên tập ban ngày và thời điểm thoải mái của bé .

Đánh lạc hướng khi tập: cho bé quay ra ngoài nhìn xung quanh, không nhìn về phía mẹ rồi tập.

Nếu mẹ quyết định cai bú mẹ cho con và thay bằng bú bình, nên chọn núm vú có lỗ thoát nhỏ nhất, để dòng sữa chảy ra chậm, trẻ sẽ dễ chấp nhận hơn. Nếu lỗ thoát núm vú bình quá lớn, dòng sữa chảy ra nhanh, liên tục, có thể làm cho trẻ bị “ngợp” vì đã quen với dòng sữa từ từ của vú mẹ rồi. Vì vậy, trẻ có thể khó chịu và từ chối bú bình.

Khi bắt đầu cho trẻ cai sữa mẹ và chuyển sang sữa công thức, nên chọn sữa có hương vị giống sữa mẹ nhất vì sữa mẹ được trẻ tiếp nhận từ ban đầu và sẽ ghi nhớ hương vị này.

Chai sữa nên làm ấm. Nhiều trẻ bú sữa mẹ thích sữa nóng hơn so với nhiệt độ bình thường. Tất nhiên, không phải là làm nóng đến mức khiến trẻ bị bỏng.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan