Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Bú bình đôi khi rất đơn giản với một số bé, nhưng một số khác lại hoàn toàn ngược lại, chúng có thể hoàn toàn cự tuyệt việc bú bình. Tuy nhiên, bé cũng không thể bú mẹ mãi vì bạn vẫn còn phải đi làm sau thời gian nghỉ. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài hướng dẫn để việc chuyển đổi từ bú mẹ sang bú bình diễn ra một cách suôn sẻ với bé.
1. Cách tốt nhất để cho bé bú bình là gì?
Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên đợi cho đến khi bé được ít nhất một tháng tuổi và bé đã hoàn toàn biết bú sữa mẹ rồi mới thực hiện cho bé bú bình. Nếu bạn phải đi làm trở lại sau thời gian nghỉ thai sản thì hãy bắt đầu cho trẻ bú bình ít nhất 2 tuần để cả bạn và bé có đủ thời gian điều chỉnh. Hút sữa từ bình đòi hỏi cử động miệng và lưỡi khác với bú mẹ. Vì vậy, bé có thể sẽ mất một chút thời gian để làm quen với sự thay đổi này. Hãy thử các mẹo sau để bé có thể chuyển đổi cách bú từ vú mẹ sang bú bình một cách suôn sẻ:
- Cho trẻ bú bình vào buổi tối sau khi bú mẹ như bình thường để trẻ quen với núm vú. Bắt đầu với một lượng nhỏ sữa mẹ, khoảng 15ml.
- Thử cho ăn theo nhịp độ và bắt chước cách bé bú mẹ. Bạn hãy sử dụng núm vú chảy chậm và để bình sữa nằm ngang. Trong khi bé bú, bạn hãy cho bé tạm dừng thường xuyên và đổi bên giống như khi bé bú mẹ. Bạn lưu ý là dừng cho bé bú khi bé có dấu hiệu no.
- Hãy nhờ một người khác cho bé bú bình trong lần bú đầu tiên. Vì nếu mẹ cố gắng cho bé bú bình trong lần đầu tiên này thì bé có thể thắc mắc tại sao bé lại không bú mẹ. Người khác cho bé bú bình sẽ làm cho bé bớt bối rối hơn.
- Trong khi tập bé bú bình, bạn nên cố gắng ra khỏi nhà vì bé có thể ngửi thấy mùi của mẹ và bé có thể biết rằng mẹ đang ở trong phòng.
- Em bé của bạn có thể không bú nhiều khi bạn vắng nhà và có thể bắt đầu thức giấc thường xuyên hơn vào ban đêm nếu bạn phải cách xa bé cả ngày. Đừng ngạc nhiên nếu điều này xảy ra và chỉ cần tận dụng những khoảng thời gian yên tĩnh và thân mật thì kết nối giữa bạn và bé sẽ diễn ra như bình thường.
2. Làm gì nếu bé không chịu bú bình?
Một số trẻ bú bình mà không quấy khóc nhiều, nhưng một số khác lại gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ bú mẹ sang bú bình. Nếu em bé của bạn không chịu bú bình, hãy thử các kỹ thuật sau:
- Sử dụng núm vú bình sữa tương tự như núm vú của mẹ. Hãy sử dụng núm vú cao su thay vì silicone. Làm ấm núm vú bằng nước để tạo cảm giác hấp dẫn hơn.
- Cho một ít sữa mẹ vào núm vú. Khi bé nếm thử, bé có thể bắt đầu để bú được nhiều hơn. Không sử dụng mật ong, vì mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi.
- Cho bé nghịch núm vú để bé tự làm quen với núm vú. Nếu bé chỉ nhai núm vú thì hãy để bé nhai vì đó là dấu hiệu bé có thể bắt đầu bú nó sớm.
- Giữ trẻ ở một vị trí khác bằng cách đặt trẻ vào ghế dành cho trẻ sơ sinh hoặc ghế ô tô để trẻ nằm ngửa, sau đó cho trẻ bú bình trong khi quay mặt về phía trẻ. Hoặc bạn có thể cho bé bú nhưng lưng của bé hướng vào phía ngực bạn. Khi trẻ đã quen với việc bú bình, bạn có thể bế trẻ như bạn thường cho bú.
- Thử cho bú sữa ở các nhiệt độ khác nhau: Có thể là con bạn sẽ thích sữa ấm hơn hoặc lạnh hơn một chút. Hãy thử nghiệm với các nhiệt độ khác nhau để xem bé thích gì hơn. Bạn cũng có thể xem liệu có sự khác biệt giữa việc cho trẻ uống sữa tươi hay sữa mẹ đông lạnh.
- Cho trẻ bú bình vào những thời điểm khác nhau trong ngày: Nếu bé không chịu bú bình vào ban ngày, hãy thử cho bé bú bình vào ban đêm hoặc ngược lại.
- Bố của bé cũng có thể cho bé bú bình bằng cách mặc áo choàng tắm của mẹ bé và nhét bình sữa dưới cánh tay trong khi bế con trong tư thế cho con bú. Điều đó có thể hiệu quả với việc cho bé bú bình.
3. Làm sao khi trẻ phản kháng việc bú bình?
Bé của bạn cần thời gian để làm quen với những cảm giác mới, vì vậy hãy cho bé làm quen và gắn bó với núm vú, bình sữa và kỹ thuật cho bú trong một thời gian trước khi thử một thứ mới. Việc liên tục thay đổi vị trí cho bú hoặc chuyển núm vú mới có thể khiến trẻ bối rối và không thích.
Hãy chắc chắn rằng bạn đủ thời gian để giúp bé bú bình. Nếu trẻ bắt đầu khóc và đẩy bình sữa ra xa, hãy dỗ dành trẻ rồi thử lại. Nếu bạn đã thử cho bé bú bình và bé đã từ chối ba lần, thì hãy dừng lại. Chờ ít nhất 5 phút trước khi cho bé tiếp. Theo cách đó trẻ sẽ không liên kết việc từ chối bình sữa với sự hài lòng ngay lập tức. Cho trẻ bú bình sau một hoặc hai giờ, khi bé tỉnh táo và dễ tiếp thu nhưng không phải chờ cho bé quá đói rồi mới cho bú.
4. Làm gì khi bé đang bú bình dễ dàng, nhưng đột ngột muốn quay lại bú mẹ?
Thành công ban đầu hoàn toàn không đảm bảo chắc chắn rằng bé sẽ luôn bú bình. Nhiều trẻ đã bú bình đột nhiên quyết định từ chối chỉ đơn giản là thích bú mẹ hơn và không muốn bú bình nữa. Nhưng đừng lo lắng vì đối với hầu hết trẻ sơ sinh, đây chỉ là một bước phát triển ngắn ngủi. Nếu bé đột nhiên không chịu bú bình, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi để loại trừ lý do y tế làm cho bé từ chối bú bình, sau đó thử cho bé bú bình vào lúc khác.
5. Dạy bé uống bằng cốc thì sao?
Ở một số quốc gia, trẻ sơ sinh không thể bú sữa mẹ được dạy cách sử dụng cốc trong lúc di chuyển. Phương pháp này có một số ưu điểm là không có khả năng bị nhầm lẫn núm vú và mẹ sẽ không phải nâng bình sữa khi bé bú. Bạn cũng sẽ không bao giờ phải cho sữa vào chai.
Tất nhiên, việc giúp bé uống từ một chiếc cốc sẽ tốn nhiều thời gian. Trừ khi bạn sử dụng cốc sippy hoặc cốc có ống hút gắn sẵn. Thường những chỗ trông trẻ có thể không đáp ứng được phương pháp này.
Nhiều nguyên tắc cho bé uống bằng cốc cũng tương tự như khi cho bé bú bình. Cho trẻ làm quen với cốc từ khi còn nhỏ (nhưng phải chờ đến khi trẻ bú mẹ thành thạo) và cho trẻ bú dần dần, một lần bú mỗi ngày. Nếu bạn đi làm trở lại thì hãy bắt đầu cho bé làm quen từ vài tuần trước đó để trẻ có thời gian làm quen với phương pháp ăn mới này.
6. Làm gì khi bé tuyệt đối không chịu bú bình?
Khi bé hoàn toàn cự tuyệt việc bú bình, nhiều bà mẹ tự trách bản thân và suy nghĩ giá như cho bé bú bình sớm hơn thì điều này sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, điều này không đúng vì một số trẻ không bao giờ bú bình. Một số người cho rằng bạn nên đến lúc bé thực sự rất đói và khi mẹ không có ở nhà, thì cuối cùng bé cũng sẽ bú bình. Điều này không hoàn toàn đúng và bắt bé nằm dài mà không ăn không phải là một ý kiến hay. Đừng biến giờ ăn thành chiến trường đối với bé
Nếu mọi nỗ lực cho trẻ bú bình đều thất bại thì hãy thử cho bé uống bằng cốc. Giữ trẻ thẳng đứng trong một cánh tay và đưa cốc lên miệng, nghiêng nhẹ cho đến khi một chút sữa chảy vào miệng bé. Bạn cũng có thể sử dụng thìa thuốc có cán rỗng để làm điều tương tự. Nếu bạn đã quyết định cai sữa cho bé hoặc chỉ cho bé bú trước và sau khi làm việc thì hoàn toàn có thể vì đã bạn đã cho bé bú sữa mẹ vài tuần hoặc vài tháng trước đó. Chỉ cần đảm bảo rằng bé được nhận đủ thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng thể chất và tình cảm với mẹ trong thời gian bú bình cũng giống như khi bú mẹ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com