Lưu ý khi chọn thuốc bổ sung sắt cho trẻ em

Sắt là một nguyên tố vi lượng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Khi chế độ dinh dưỡng của trẻ không cung cấp đủ chất sắt, bé sẽ cần sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung sắt. Vậy nên lưu ý gì khi chọn thuốc bổ sung sắt cho trẻ em?

1. Vì sao cần bổ sung sắt cho trẻ em?

Sắt là thành phần rất quan trọng để cấu tạo nên hemoglobin (một loại protein vận chuyển oxy trong máu và myoglobin, lưu trữ oxy ở cơ). Do đó, nếu cơ thể trẻ thiếu sắt sẽ gây ra tình trạng thiếu máu khiến bé luôn có cảm giác mệt mỏi, suy nhược, da xanh, kém ăn, móng tay, móng chân yếu và dễ bị gãy, niêm mạc nhợt nhạt.

Với trường hợp bé bị thiếu hụt lượng sắt quá lớn có thể có các biểu hiện rõ rệt như: Dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng về đường hô hấp; tóc khô; các bà mẹ mang thai nếu thiếu sắt quá nhiều có thể dẫn đến sinh non, trẻ nhẹ cân.

Đồng thời, sắt cũng có vai trò lớn trong việc phát triển trí não ở trẻ. Vì vậy, thiếu máu do thiếu sắt có thể gây nên các vấn đề lâu dài trong phát triển nhận thức của trẻ em. Đặc biệt, nếu bé thiếu sắt quá nặng có thể bị đe dọa đến tính mạng.

2. Lượng sắt trẻ cần mỗi ngày

Theo từng lứa tuổi mà nhu cầu về lượng sắt của mỗi bé là khác nhau. Cha mẹ nên tham khảo:

  • Trẻ em trong thời kỳ bú mẹ: Sữa mẹ có thể cung cấp đầy đủ sắt cho trẻ trong thời gian 4 – 6 tháng tuổi. Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, cha mẹ có thể cho con sử dụng thêm các loại thức ăn dặm có bổ sung sắt hoặc uống thêm các loại sữa được bổ sung thêm khoáng chất quan trọng này. Với trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi, lượng sắt nên cung cấp cho trẻ là 0,6 – 1mg/kg/ngày. Nếu trẻ bị thiếu cân, cha mẹ nên cung cấp lượng sắt cho con khoảng 1 – 2mg/kg/ngày;
  • Trẻ 7 – 12 tháng tuổi: Trẻ cần khoảng 11mg sắt/này. Ở độ tuổi này, cha mẹ có thể bổ sung sắt cho bé bằng các loại thức ăn dặm có chứa sắt hoặc lựa chọn sữa công thức có bổ sung thêm loại khoáng chất này;
  • Bé đang trong thời gian tập đi: Cần khoảng 7mg chất sắt mỗi ngày;
  • Bé 4 - 8 tuổi: Cần khoảng 10mg sắt mỗi ngày;
  • Trẻ 9 - 13 tuổi: Cần khoảng 8mg sắt mỗi ngày.

3. Cách bổ sung sắt cho trẻ hiệu quả

Một số phương pháp bổ sung sắt cho trẻ là:

  • Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt nhẹ: Nên bổ sung sắt cho trẻ qua chế độ ăn uống với thực phẩm có chứa hàm lượng sắt cao. Đây là phương pháp bổ sung sắt rất an toàn cho bé mà cha mẹ nào cũng có thể thực hiện được. Xây dựng cho bé chế độ ăn giàu chất sắt với một số loại thực phẩm như: Tim, bầu dục, gan, các loại rau xanh họ cải và bổ sung các loại hoa quả có chứa nhiều vitamin C để hấp thụ sắt tốt hơn;
  • Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt nặng: Cần bổ sung sắt qua đường uống thuốc kết hợp với chế độ ăn uống. Cha mẹ nên đưa con đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định dùng hàm lượng thuốc bổ sung sắt thích hợp với cân nặng và độ tuổi của con. Cha mẹ tuyệt đối không được tự ý bổ sung sắt cho trẻ tại nhà nếu không được chỉ định từ người có chuyên môn.

Có nhiều phụ huynh vì nóng vội mà muốn bổ sung chất sắt nhanh cho bé nhà mình thông qua việc uống thuốc. Tuy nhiên, việc này có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm cho bé. Ví dụ, nếu bé bị nhiễm khuẩn thì việc bổ sung thừa sắt có thể khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Việc lạm dụng thuốc bổ sung sắt dễ gây ra dư thừa sắt, tồn đọng kim loại nặng trong cơ thể trẻ và dễ gây ngộ độc mô tế bào.

4. Các loại thuốc bổ sung sắt cho trẻ em thông dụng

Thuốc bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh loại nào tốt? Trên thị trường hiện có nhiều loại thuốc bổ sung sắt cho bé, phù hợp với độ tuổi, nhu cầu, tình trạng sức khỏe của trẻ. Cụ thể:

  • Thuốc bổ sung sắt cho bé dạng viên: Được sản xuất dưới dạng viên nén hoặc viên nang có chứa hàm lượng sắt nguyên tố cao, không gây nôn ói, dễ uống. Tuy nhiên, việc sử dụng viên sắt cho bé sẽ khó hấp thụ hơn ở dạng lỏng và có thể gây nóng trong, táo bón;
  • Thuốc bổ sung sắt cho bé ở dạng lỏng (siro sắt): Hàm lượng nguyên tố sắt trong thuốc bổ sung sắt cho bé dưới dạng lỏng không nhiều bằng dạng viên, có mùi vị hơi khó dùng (có thể gây nôn) do mùi tanh đặc trưng của sắt. Tuy nhiên, siro sắt lại dễ hấp thụ hơn, ít gây táo bón hay nóng trong người.

5. Lưu ý quan trọng khi chọn thuốc bổ sung sắt cho trẻ

Theo các chuyên gia, khi chọn thuốc bổ sung sắt cho bé, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

  • Nên chọn mua các sản phẩm có chứa cả kẽm và sắt, trẻ không phải uống nhiều lần, mẹ tiết kiệm được chi phí. Khi bổ sung sắt và kẽm cho bé, sản phẩm đó phải yêu cầu dễ uống, không có mùi tanh của sắt hay vị chua chát của kẽm để tránh khiến trẻ bị buồn nôn, sợ hãi;
  • Thuốc bổ sung sắt phải không có tác dụng phụ, bé uống vào không bị nôn, tiêu chảy, táo bón;
  • Khi bổ sung sắt, kẽm cho bé, cha mẹ nên chọn sắt, kẽm có tỷ lệ hấp thụ cao, đặc biệt tỷ lệ sắt nhỏ hơn kẽm sẽ giúp tối ưu hấp thụ. Chú ý, không chọn hàm lượng cao để bổ sung dự phòng, vì nếu hàm lượng sắt, kẽm thừa quá nhiều, không được đào thải ra hết rất dễ khiến trẻ táo bón, nặng hơn là ngộ độc;
  • Sản phẩm phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín, được người dùng và chuyên gia đánh giá cao. Những sản phẩm ngoại nhập phải có công ty phân phối chính hãng, được cấp phép bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền;
  • Ưu tiên chọn sắt hữu cơ cho trẻ với nguồn gốc tự nhiên an toàn, lành tính, giúp bé dễ hấp thụ hơn;
  • Sắt bổ sung cho bé có nhiều dạng khác nhau như nước, siro, viên nhai, viên nén,... Cha mẹ cần dựa vào độ tuổi của trẻ để lựa chọn. Với bé dưới 1 tuổi thì ưu tiên dùng dạng nước, bé trên 1 tuổi có thể dùng dạng viên nhai.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bổ sung sắt cho trẻ em

Để việc sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt cho bé an toàn và hiệu quả (dạng lỏng hoặc dạng viên), cha mẹ cần chú ý một số nguyên tắc như sau:

  • Nên sử dụng thuốc bổ sung sắt cho bé theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc tuân thủ hướng dẫn từ phía nhà sản xuất;
  • Cần bổ sung sắt cho bé theo đúng liều lượng chỉ định, tránh cho bé dùng quá nhiều bởi việc thiếu hay thừa cũng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn;
  • Thời điểm sử dụng thuốc bổ sung sắt cho trẻ em lý tưởng nhất là sau khi ăn 1 – 2 giờ và nên sử dụng kèm các loại nước hoặc thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như chanh, nước cam để tăng hiệu quả hấp thụ sắt cho cơ thể;
  • Tránh sử dụng sắt cùng với sữa hay các thực phẩm chứa nhiều calci vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ sắt;
  • Để tránh các tác dụng không mong muốn như táo bón khi dùng thuốc bổ sung sắt cho trẻ em, cha mẹ cần lưu ý cho con uống nhiều nước (tốt nhất là nước sôi để nguội) và tăng cường ăn các thực phẩm chứa nhiều chất xơ;
  • Không sử dụng thuốc bổ sung sắt cho trẻ nếu bé đang bị nhiễm trùng vì có thể khiến tình trạng diễn biến tồi tệ hơn;
  • Lưu ý để thuốc xa tầm tay của trẻ để phòng ngừa bé uống quá liều có thể dẫn đến ngộ độc sắt. Một số biểu hiện cấp tính của ngộ độc sắt có thể là: Tiêu chảy, nôn ói dữ dội, trong phân có máu,... Trường hợp bé thở gấp, co giật, rơi vào trạng thái tinh thần lơ mơ,... thì cần đưa bé đi khám tức thì.

Khi chọn thuốc bổ sung sắt cho trẻ em, cha mẹ cần lưu ý tới các nguyên tắc được chuyên gia khuyến nghị. Điều này đảm bảo bổ sung sắt cho bé an toàn, hiệu quả, tránh những tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan