Làm sao để biết chính xác trẻ có biếng ăn hay không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ biếng ăn là vấn đề nan giải của nhiều phụ huynh. Cần phải xác định trẻ có biếng ăn hay không và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn để có biện pháp khắc phục đúng đắn và hiệu quả. Khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn là quá trình kiểm tra, tư vấn và điều trị biếng ăn cho trẻ một cách khoa học.

1. Tình trạng trẻ biếng ăn hiện nay

Trẻ biếng ăn được định nghĩa là khi trẻ ăn ít hơn so với bình thường, không ăn đủ lượng chất dinh dưỡng cần thiết, trẻ không chịu ăn hoặc trẻ ăn lâu, tới bữa ăn trẻ chạy trốn hay nhợn ói khi nhìn thấy thức ăn. Trẻ biếng ăn là tình trạng khá phổ biến gặp ở trẻ mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi ăn dặm, tuổi học mầm non.

Theo khảo sát từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, trẻ biếng ăn có tỷ lệ khoảng 45,9 – 57,7%. Đây là con số thực sự đáng báo động vì tình trạng trẻ biếng ăn nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tỷ lệ biếng ăn ở nhóm trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể đến 30 – 40% do nhiều nguyên nhân khác nhau như: tâm lý sợ ăn do bị ép ăn, chế độ dinh dưỡng và cách chế biến món ăn không thích hợp, mắc các bệnh nhiễm trùng...

Tỷ lệ biếng ăn xảy ra ở trẻ em gái nhiều hơn trai. Trẻ biếng ăn có nguy cơ chậm phát triển hơn so với những trẻ cùng tuổi, có thể dẫn đến thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ. Hơn nữa, trẻ biếng ăn cũng dễ gặp các vấn đề sức khỏe như: rối loạn tiêu hóa, hội chứng kém hấp thu, thiếu máu, mất cân bằng hormone và giảm phát triển xương.

2. Những tình trạng biếng ăn ở trẻ

2.1 Biếng ăn sinh lý

Thường xuất hiện vào thời điểm trẻ mọc răng, vì nướu răng sưng đau khiến trẻ gặp khó khăn khi nhai thức ăn, trẻ tập đi hoặc tập nói. Sự thay đổi hormone xảy ra ở thanh thiếu niên tuổi dậy thì cũng có thể khiến trẻ cảm thấy chán ăn. Tình trạng này gọi là chứng chán ăn tuổi dậy thì.

2.2 Biếng ăn do tâm lý

Những vấn đề về tâm lý có thể gây chứng rối loạn ăn uống ở trẻ nhỏ.

  • Đến bữa ăn, trẻ không thấy thích thú, thậm chí còn sợ hãi vì bị cha mẹ ép ăn hoặc dọa nạt.
  • Trẻ cố kiềm chế và chịu áp lực về vấn đề tăng cân.
  • Trẻ phải chịu đựng những cảm giác căng thẳng, khó chịu khiến trẻ nảy sinh tâm lý chán ăn.
  • Trẻ có chuyện đau buồn như cha mẹ quát nạt, ép trẻ ăn

2.3 Biếng ăn do bệnh lý

Trẻ mắc các bệnh do nhiễm virus hay vi khuẩn như viêm amidan, viêm mũi họng, viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng đường ruột gây sốt, ho, mệt mỏi... dẫn đến biếng ăn. Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng như đạm, lysine, sắt, kẽm,...

Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, hội chứng kém hấp thu, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.

xác định trẻ có biếng ăn hay không
Mẹ cần theo dõi tình trạng bé đau bụng để xác định trẻ có biếng ăn hay không

2.4 Biếng ăn do chế độ ăn hoặc thói quen không tốt

Chế độ ăn và những thói quen không tốt mà cha mẹ vô tình tạo ra cho trẻ là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.

  • Lựa chọn thực phẩm và chế biến món ăn chưa hấp dẫn bắt mắt hay chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ.
  • Số lượng thức ăn quá ít hoặc quá nhiều và cách phân bố bữa ăn chưa hợp lý.
  • Cho trẻ ăn không đúng giờ hoặc không đúng thời điểm, ví dụ như lúc trẻ vẫn còn no. Việc này khiến trẻ hình thành ấn tượng xấu về việc ăn uống vì không cảm thấy no hay thật sự đói. Đối với trẻ em, cảm giác no và đói thật sự chỉ có khi để trẻ tự muốn ăn.
  • Thời gian bữa ăn kéo dài quá lâu
  • Trẻ ngậm thức ăn lâu mà không chịu nhai hoặc không chịu nuốt. Những điều này có thể dẫn đến việc trẻ sợ nuốt nên chỉ muốn ăn thức ăn dạng lỏng và không thích ăn các loại thức ăn dạng đặc hơn cần phải nhai như cơm, thịt, cá, rau củ quả, ...
  • Trẻ vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại hoặc vừa ăn vừa chơi đồ chơi, vì như vậy cha mẹ dễ dụ trẻ ăn hơn và trẻ sẽ ăn nhanh hơn. Điều này hoàn toàn không tốt cho trẻ vì làm cho trẻ không tập trung vào việc ăn, không cảm nhận được hương vị món ăn và quên cảm giác thèm ăn. Lâu dần thói quen xấu này có thể làm trẻ kén ăn hoặc biếng ăn.

2.5 Yếu tố sinh học và di truyền

Trẻ được sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh mạn tính như suy thận, xơ gan, viêm khớp, viêm đại tràng, ... có nguy cơ biếng ăn cao hơn.

3. Khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn

Tình trạng trẻ biếng ăn nếu không được kịp thời điều trị sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ. Điều khiến cha mẹ quan tâm nhất là làm thế nào để trẻ hết biếng ăn và ăn ngon trở lại. Khám trẻ biếng ăn không chỉ quan tâm đến các dấu hiệu trẻ biếng ăn để tìm nguyên nhân, khám tổng quát cho trẻ mà còn phải khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn.

Khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn là quá trình khám, tư vấn và điều trị biếng ăn cho trẻ được xây dựng một cách khoa học. Khám trẻ biếng ăn thường bắt đầu bằng cách tiến hành khám sức khỏe tổng thể, bao gồm:

  • Kiểm tra chỉ số cân nặng, chiều cao và chỉ số khối cơ thể của trẻ
  • Kiểm tra huyết áp, được thực hiện bắt đầu từ 3 tuổi
  • Kiểm tra tầm nhìn
  • Kiểm tra mắt
  • Khám răng
  • Nghe tim và phổi
  • Xem lại lịch trình tiêm chủng theo tiêu chuẩn

Khám sức khỏe tổng thể sẽ giúp bác sĩ phát hiện bất kỳ vấn đề thể chất hoặc thiếu hụt tăng trưởng nào. Sau đó, bác sĩ sẽ hỏi cha mẹ về thói quen ăn uống của trẻ để đánh giá xem trẻ có được bổ sung đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng hay không. Nếu phát hiện bất kỳ điều gì bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán chính xác.

Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng sẽ xây dựng khẩu phần ăn theo độ tuổi, tạo thực đơn cụ thể đối với từng trẻ và hướng dẫn cách chế biến món ăn bắt mắt, kích thích vị giác, hợp khẩu vị với trẻ nhỏ nhưng vẫn đảm bảo khoa học và cân đối thành phần dinh dưỡng. Nói chung, các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em khuyên cha mẹ nên cho trẻ ăn một lượng cân bằng trái cây và rau quả, nguồn protein lành mạnh và thực phẩm giàu chất xơ. Thức ăn nên được nướng hoặc hấp hơn là chiên. Cha mẹ cũng sẽ được hướng dẫn về những món ăn gì nên hạn chế, chẳng hạn như thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, nước ngọt và đồ uống có đường.

Nếu cha mẹ gặp một số vấn đề khi cho trẻ ăn, chẳng hạn như khi trẻ kén ăn hay trẻ biếng ăn, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng có thể đưa ra một số lời khuyên về cách khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn và nên cho trẻ ăn những gì tốt nhất để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển.

Ngoài ra, cha mẹ khi đi khám dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn còn được hướng dẫn cách cho trẻ vận động hợp lý, góp phần vào việc kích thích trẻ ăn ngon hơn, tăng hiệu quả điều trị tình trạng trẻ biếng ăn. Nếu có bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng có thể kê đơn một số chất bổ sung dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin và khoáng chất.

xác định trẻ có biếng ăn hay không
Cha mẹ nên tạo bầu không khí phấn khích để bé ăn ngon hơn

4. Một số cách giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

4.1 Một số biện pháp tăng năng lượng trong khẩu phần ăn

Trẻ nhỏ chỉ thực sự muốn ăn khi có nhu cầu và chỉ ăn đủ lượng trẻ cần. Vào mỗi bữa ăn, cha mẹ nên thêm 1 muỗng canh chất béo (dầu ăn, mỡ) hoặc chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ vào những thời điểm khác nhau chứ không nhất thiết phải ăn hết toàn bộ cùng một lúc. Có như vậy thì dù trẻ ăn được lượng thức ăn ít nhưng mà vẫn không sụt cân. Việc bổ sung thêm những thực phẩm bổ dưỡng sau các bữa chính như sữa, phô mai, yaourt, bánh flan cũng giúp cung cấp thêm năng lượng đáng kể cho trẻ.

Nên cho trẻ ăn những loại thức ăn mà trẻ ưa thích, vì trẻ thường có sở thích đặc biệt đối với một vài loại thức ăn nào đó trong khoảng thời gian nhất định. Cha mẹ không nên ngăn cấm trẻ vì thường sợ trẻ ăn như vậy sẽ không đủ chất. Sự ngăn cản đôi khi tạo nên phản ứng chống đối, phản kháng ở trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào các bữa ăn khác trong ngày.

4.2 Những điều nên làm để trẻ ăn ngon hơn

Cha mẹ nên tạo bầu không khí phấn khích, vui vẻ trong khi ăn. Thức ăn được chế biến đa dạng về loại, màu sắc và mùi vị. Việc ngồi gần để động viên trẻ ăn tích cực hoặc khuyến khích các trẻ ăn thi với nhau sẽ giúp trẻ thấy phấn khích hơn vào mỗi bữa ăn. Ngoài ra, cha mẹ còn có thể kể câu chuyện mà trẻ yêu thích để tăng sự thích thú của trẻ.

4.3 Những điều không nên làm

Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo ngọt, uống nước ngọt trước các bữa ăn chính vì sẽ gây cảm giác no giả tạo và trẻ sẽ bỏ bữa ăn. Không nên la mắng, đánh đập hay thúc ép trẻ, vì như vậy sẽ tạo tâm lý căng thẳng, ám ảnh vào mỗi bữa ăn. Không nên ép trẻ ăn bằng mọi cách kể cả bóp miệng trẻ hoặc đè trẻ ra nhét thức ăn vào miệng.

Không được tự ý dùng thuốc cho trẻ mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Vì phải tìm đúng nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ thì mới uống đúng thuốc có tác dụng, nếu không có thể làm trẻ sẽ biếng ăn hơn.

Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

778 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan