Làm gì khi trẻ bị đẹn?

Trẻ bị đẹn lưỡi là một trong các dấu hiệu bị nhiễm nấm men. Tình trạng nhiễm trùng miệng thông thường này có thể gây ra các mảng trắng trong miệng của trẻ, làm cho việc bú và nuốt không được thoải mái. Từ đó, con sẽ trở nên bú ít và bỏ bú, gây chậm lên cân. Do đó, cha mẹ cần biết làm gì khi trẻ bị đẹn, giúp trẻ bú sữa ngon miệng và mau lớn.

1. Trẻ bị đẹn lưỡi là như thế nào?

Bé bị đẹn lưỡi, hay còn gọi là tưa lưỡi, là một loại nhiễm trùng nấm men, thường xuất hiện dưới dạng các mảng hoặc vết loét có hình dạng bất thường màu trắng hoặc vàng bao phủ trong miệng bé. Các dấu hiệu này ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện trên nướu, lưỡi, vòm miệng và / hoặc bên trong má.

Tác nhân gây trẻ bị đẹn lưỡi là do một loại nấm men hoặc nấm có tên là Candida albicans. Mặc dù chỉ là một bệnh nhiễm trùng nhẹ, tình trạng trẻ bị đẹn lưỡi kéo dài có thể gây khó chịu hoặc thậm chí gây đau đớn cho con bạn, làm cho trẻ bỏ bú và chậm tăng trưởng.

2. Nguyên nhân dẫn tới trẻ bị đẹn lưỡi?

Mặc dù nhiễm trùng nấm men khiến trẻ bị đẹn lưỡi xuất hiện trong miệng của trẻ, tình trạng này đã có thể bắt đầu trong ống sinh của người mẹ trong quá trình chuyển dạ tự nhiên và gây lây nhiễm cho trẻ ngay từ khi chào đời.

Candida là một sinh vật thường xuất hiện trong miệng hoặc âm đạo và thường bị các vi sinh vật khác tấn công, xâm chiếm về vị trí và về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên, khi cơ thể bị ốm, suy giảm miễn dịch, bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh hoặc trải qua những thay đổi nội tiết tố (như khi mang thai), sự cân bằng lợi khuẩn có thể bị xáo trộn, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển và gây nhiễm trùng.

Vì tình trạng trẻ bị đẹn lưỡi có cơ chế xuất hiện ngay khi mới sinh, bệnh này phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng. Trẻ lớn hơn cũng có thể bị tưa miệng nếu đang dùng thuốc kháng sinh để chống lại một bệnh nhiễm trùng khác vì tiêu diệt vi khuẩn "tốt" giúp kiểm soát nấm men hoặc có hệ thống miễn dịch suy giảm.

Mặt khác, trẻ bị đẹn lưỡi cũng có thể hình thành và phát triển nếu vú của mẹ không được vệ sinh và lau khô đúng cách sau khi cho con bú. Đây là điều kiện lý tưởng cho nấm men phát triển và gây nhiễm trùng cho trẻ. Tương tự như vậy, núm vú giả hoặc bình sữa cũng có thể khiến bên trong miệng trẻ quá ẩm, tạo môi trường hoàn hảo cho nấm men phát triển và gây bệnh.

3. Các triệu chứng bé bị đẹn lưỡi như thế nào?

Bé bị đẹn lưỡi có dấu hiệu phổ biến và dễ dàng nhận thấy là các mảng trắng bên trong miệng bé. Một lớp phủ trắng hoặc các mảng trắng trên lưỡi, nướu, má trong hoặc vòm miệng rất dai và khó làm sạch, phân biệt với cặn sữa, thường đọng lại trên lưỡi của trẻ sau khi bú nhưng thường tan trong một giờ.

Do đó, để biết liệu lưỡi trắng của con bạn có phải là do sữa hay do bé bị đẹn lưỡi hay không, hãy cố gắng lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm ẩm hoặc ngón tay có gạc. Nếu lưỡi trẻ quay trở lại màu hồng và trông khỏe mạnh sau khi lau thì không cần điều trị thêm. Ngược lại, nếu mảng trắng không bong ra hoặc có bong tróc và để lại bên dưới một mảng màu đỏ, thô, trẻ tỏ vẻ đau đớn, quấy khóc thì đó có thể là bé bị đẹn lưỡi và bạn nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa.

Ngoài ra, trẻ có vẻ cáu kỉnh trong khi bú hoặc khi trẻ đang ngậm núm vú để bắt đầu bú, sau đó quay đi vì đau cũng là một dấu hiệu khác cho thấy trẻ có thể bị tưa miệng.

4. Làm gì khi trẻ bị đẹn?

Vì trẻ bị đẹn rất dễ lây truyền qua lại nên tốt nhất là cả mẹ và con đều cần được điều trị. Đối với con bạn, bác sĩ nhi khoa có thể kê đơn thuốc chống nấm (chẳng hạn như Nystatin), được bôi tại chỗ ở bên trong miệng và lưỡi nhiều lần một ngày trong 10 ngày. Cha mẹ phải nhớ bôi thuốc lên tất cả các mảng trắng trong miệng của trẻ. Trong trường hợp khó khăn khi bôi thuốc do trẻ đau đớn, quấy khóc liên tục, bác sĩ có thể thay thế bằng cách kê đơn fluconazole, một loại thuốc uống bằng ống nhỏ giọt.

Đối với người mẹ cho con bú, bác sĩ cũng có thể sẽ chỉ định cho mẹ bôi kem chống nấm theo toa trên vú mẹ. Khi được điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng do nấm men sẽ nhanh chóng đáp ứng và sẽ biến mất một tuần. Trong thời gian này, trẻ vẫn cần được cho bú. Bởi lẽ, việc cho con bú bằng sữa mẹ không nhất thiết phải bị gián đoạn nếu một hoặc cả hai mẹ con đã được chẩn đoán mắc bệnh tưa miệng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khiến bạn đau đớn cho con bú - một lý do khác khiến bạn cần phải điều trị kịp thời cho cả hai.

Mặt khác, ngay cả khi bé tỏ ra cáu kỉnh trong khi bú, cha mẹ vẫn hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc bình sữa nếu bạn đang hút sữa hoặc bú sữa công thức. Một khi quá trình điều trị bắt đầu và các triệu chứng bắt đầu giảm bớt, bé sẽ ăn sữa bình thường trở lại như trước khi bị mắc bệnh.

5. Các biện pháp có thể ngăn ngừa trẻ bị đẹn lưỡi

Hoàn toàn không thể làm gì để ngăn chặn em bé nhiễm trùng phải nấm men trong ống sinh đối với chuyển dạ sinh thường - trừ khi bạn sinh mổ. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn có thể tránh để trẻ bị nhiễm trùng nấm men trong tương lai bằng cách thường xuyên làm sạch và tiệt trùng núm vú giả, bình sữa và các bộ phận của máy hút sữa tiếp xúc với núm vú của người mẹ.

Ngoài ra, người mẹ cũng cần để ngực khô hoàn toàn giữa các lần cho con bú để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Thay miếng lót vú sau khi cho con bú, mặc áo lót bằng vải cotton không giữ ẩm và giặt áo ngực thường xuyên trong nước nóng, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời cũng có thể là các cách tiêu diệt nấm men hiệu quả.

Mặt khác, vì thuốc kháng sinh có thể tạo điều kiện gây ra nhiễm trùng nấm men, chúng chỉ nên được sử dụng khi cần thiết, đó là khi có chỉ định của bác sĩ phù hợp với bệnh lý của cả mẹ và em bé.

Tóm lại, bé bị đẹn lưỡi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở miệng của trẻ sơ sinh. Tác nhân của tình trạng này là do một loại nấm men như nấm Candida albicans. Mặc dù bé bị đẹn lưỡi sẽ gây ra nhiều khó chịu, khiến bé bỏ bú và sụt cân, tình trạng này có thể điều trị được với các thuốc thông thường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần dùng thuốc kháng nấm cho cả mẹ lẫn con cũng như áp dụng các biện pháp vệ sinh đúng cách, sử dụng kháng sinh đúng chỉ định để phòng ngừa tái nhiễm trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

86.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan