Điều trị phục hồi vùng chậu giúp giảm các triệu chứng khó chịu sau sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thay đổi nội tiết tố, thể chất liên quan đến quá trình mang thai và sinh nở có thể làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc đau vùng xương chậu. Theo đó, tổn thương trên xương chậu, rối loạn chức năng sàn chậu, cũng như trên các cơ vùng chậu và các mô liên kết có thể kéo dài. Điều này có thể gây khó chịu, đau và suy giảm chức năng như mất kiểm soát bàng quang, đại tiểu tiện không tự chủ. Bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin hữu ích về một số biện pháp điều trị phục hồi vùng chậu giúp giảm các triệu chứng khó chịu sau sinh.

1. Điều trị phục hồi vùng chậu là gì?

Sàn chậu là một mạng lưới các cơ, dây chằng và các mô trải dài trên xương chậu thực hiện công việc quan trọng là hỗ trợ các cơ quan vùng chậu bao gồm: Tử cung, âm đạo, bàng quang, ruột. Các cơ sàn chậu cho phép bạn giữ nước tiểu, phân và giải phóng chúng khi bạn cần. Các cơ quan này cũng giúp bạn co bóp và thư giãn âm đạo của bạn trong quan hệ tình dục.

Có những khoảng trống trên sàn chậu để niệu đạo, âm đạo và đường hậu môn đi qua. Quá trình mang thai và sinh nở sẽ làm giãn cơ sàn chậu. Cân nặng của em bé, hormon làm lỏng các mô và những nỗ lực chuyển dạ đều có thể gây ra những áp lực lên bộ phận này của cơ thể người mẹ.

Khi các cơ sàn chậu bị căng hoặc yếu, chúng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu hoặc thậm chí là đau, mẹ có thể bị són tiểu, xì hơi hoặc ít gặp hơn là đại tiện không kiểm soát, rối loạn chức năng sàn chậu.

Phục hồi chức năng vùng chậu là một loại vật lý trị liệu có thể rất hữu ích cho các bà mẹ sau sinh. Các bài tập cơ sàn chậu sau sinh hàng ngày giúp người mẹ lấy lại quyền kiểm soát bàng quang và ruột sau sinh một cách hiệu quả. Bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ đánh giá các triệu chứng và cung cấp sự giúp đỡ chuyên nghiệp để cải thiện sàn chậu của bạn.

Đại tiện không kiểm soát
Cơ sàn chậu bị yếu có thể gây đại tiện không kiểm soát

2. Điều trị phục hồi vùng chậu như thế nào?

Vật lý trị liệu phục hồi chức năng vùng chậu liên quan đến một số loại kỹ thuật khác nhau tập trung vào các cơ và mô liên kết sàn chậu và bụng. Bác sĩ sản khoa sẽ làm việc chặt chẽ với đội ngũ phục hồi chức năng. Chuyên viên vật lý trị liệu và chuyên viên thuật nắn xương sẽ phối hợp cùng nhau để lập một chương trình phù hợp theo nhu cầu, thông thường bao gồm kiểm soát đau, điều chỉnh khung chậu và cột sống, xoa bóp, tập luyện, tăng sức mạnh cơ, kéo giãn cơ, điều chỉnh tư thế, hướng dẫn các hoạt động hàng ngày cũng như giúp phụ nữ sau sinh chuẩn bị trở lại các hoạt động hàng ngày một cách an toàn.

Dựa vào tình trạng sức khỏe cụ thể, nhóm chuyên viên có thể đề nghị một số buổi tập để giúp cơ thể hồi phục hoàn toàn một cách an toàn. Đối với bà mẹ có một số triệu chứng cấp tính sau khi sinh thường phức tạp, bác sĩ sản khoa có thể ra y lệnh để bắt đầu ngay chương trình phục hồi chức năng vùng chậu:

  • Chuyên viên vật lý trị liệu sử dụng kỹ thuật nắn xương sẽ giúp giảm đau lưng, cổ hoặc chân;
Vật lý trị liệu
Bệnh nhân điều trị phục hồi vùng chậu nên áp dụng vật lí trị liệu
  • Chuyên viên vật lý trị liệu có thể hỗ trợ trong trường hợp rối loạn kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện như không tự chủ hoặc đi gấp. Nếu sinh thường không phức tạp thì tại lần khám hậu sản, bác sĩ sản khoa sẽ ra y lệnh giúp người mẹ bắt đầu chương trình phục hồi chức năng 4 hoặc 6 tuần trở lên sau khi sinh. Nếu sinh mổ, có thể bắt đầu chương trình phục hồi chức năng từ tuần thứ 8 trở lên sau sinh.
  • Chuyên viên kỹ thuật nắn xương, bằng các thao tác nhẹ nhàng, có thể giúp nắn chỉnh sửa khung chậu, cột sống và các cơ quan nội tạng nhằm đảm bảo vùng khung chậu vận động thăng bằng. Chuyên viên kỹ thuật nắn xương còn giúp điều chỉnh và hài hòa lại hệ thần kinh và nội tiết.
  • Chuyên viên vật lý trị liệu thông qua sự hướng dẫn cụ thể và các bài tập, có thể giúp phục hồi vận động và sức mạnh cơ sàn chậu, khôi phục lại đai chậu bao gồm tư thế, cơ bụng và kiểu thở, để chuẩn bị trở lại các hoạt động thể chất một cách an toàn.

Thậm chí khi không có bất kỳ triệu chứng cụ thể nào, bà mẹ sau sinh cũng có thể liên hệ với đội ngũ phục hồi chức năng để đánh giá các chức năng của cơ thể nhằm chuẩn bị trở lại các hoạt động thể chất một cách an toàn. Đội ngũ chuyên viên sẽ đảm bảo các chức năng khung chậu, cột sống và các cơ quan nội tạng sẽ hoạt động lại như ban đầu và hỗ trợ tối ưu hóa sức lực của người mẹ, đảm bảo các chức năng của sàn chậu, thành bụng, thở được hoạt động mạnh và tư thế của người mẹ là đúng. Bạn sẽ cảm thấy không giống như một hoạt động massage thông thường. Thậm chí cảm thấy khó chịu khi các chuyên viên vật lý trị liệu ấn vào các cơ chặt, nhưng sau đó người mẹ sẽ có được cảm giác thoải mái hoặc giảm đau ngay khi sự căng cứng cơ vùng chậu giảm. Theo thời gian, kiên trì thực hiện liệu pháp trên sẽ giúp vùng chậu của phụ nữ sau sinh ít khó chịu hơn và các triệu chứng sẽ được cải thiện.

3. Những vấn đề sau sinh có thể được giúp đỡ bằng phục hồi chức năng vùng chậu?

Mỗi bà mẹ lại có một vấn đề khác nhau liên quan đến sàn chậu. Những vấn đề này đặc biệt phổ biến ở các bà mẹ sau sinh, và chúng có thể kéo dài hơn 6 tháng đầu hoặc lâu hơn ở một số phụ nữ.

  • Khó tiểu: Phụ nữ bị tiểu không tự chủ rò rỉ nước tiểu khi ho hắt hơi, ho hoặc chạy. Một số phụ nữ cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên hoặc đột ngột, ngay cả khi bàng quang của họ không đầy. Một vài người lại không thể điều chỉnh dòng nước tiểu theo ý muốn hoặc làm trống hoàn toàn bàng quang của họ khi đi tiểu.
  • Đại tiện không tự chủ: Nhiều phụ nữ sau sinh gặp khó khăn trong việc kiểm soát khí hoặc nhu động ruột.
  • Đau đáy chậu: Điều này là phổ biến ở phụ nữ sau sinh, đặc biệt là những người sinh thường có cắt tầng sinh môn hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật cắt tầng sinh môn. Sàn chậu hẹp khiến một số bà mẹ mới trải qua cơn đau đáy chậu dai dẳng, ngay cả sau khi vết thương của họ lành.
  • Đau vùng xương chậu: Một số phụ nữ bị đau khi quan hệ trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi sinh con. Và một số bị đau mãn tính, ngứa hoặc rát ở âm hộ của họ, mô xung quanh lỗ âm đạo. Nó khiến bạn rất khó chịu khi mặc quần áo bó sát và thậm chí cả đồ lót. Những người khác bị đau khi đi tiểu.
  • Cơ quan vùng chậu tăng sinh: Khi mang thai và sinh nở làm suy yếu các cơ sàn chậu, một hoặc nhiều cơ quan mà chúng hỗ trợ tử cung, bàng quang và ruột có thể trượt ra khỏi vị trí (hay còn gọi là sa sinh dục). Phục hồi các cơ này có thể giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện tình trạng yếu cơ sàn chậu.
Vì sao bạn bị đau xương chậu sau sinh con?
Đau vùng xương chậu sau sinh là một tình trạng mà hầu hết các bà mẹ gặp phải

4. Sự giúp đỡ của Kegels?

Kegels là những bài tập bạn có thể làm để hỗ trợ cơ sàn chậu. Bác sĩ của bạn có thể đã khuyến nghị làm Kegels để làm giảm các triệu chứng tiết niệu. Kegels giúp một số phụ nữ, đặc biệt là những người có cơ sàn chậu yếu, có thể bị rò rỉ nước tiểu.

4.1. Các bài tập sau khi sinh

Bài tập tại giường:

  • Tập gập-duỗi cổ chân: lặp lại động tác 6 lần, thực hiện 5-6 lần/ngày
  • Khi bắt đầu vận động tại giường, có thể co một chân lại một cách nhẹ nhàng và từ từ, làm mỗi lần một chân và luân phiên. Lặp lại động tác 4 lần, thực hiện 5-6 lần/ngày.
  • Có thể nâng khung chậu lên một cách nhẹ nhàng để giúp giảm đau lưng. Lặp lại động tác 4 lần, thực hiện 5-6 lần/ngày
  • Để giảm sưng hoặc đau sàn chậu, cũng như khi bị đau do trĩ, có thể chườm túi đá bọc vào trong khăn ẩm, 10 phút mỗi giờ, trong 24-48 giờ sau khi sinh.
  • Sau khi chườm đá, ở tư thế nằm, thực hành tạo “nhịp co” của sàn chậu 3-4 lần để giúp tuần hoàn máu và làm lành. Co cơ sàn chậu vào nhẹ nhàng sau đó thả lỏng ra. Không nên giữ cơ sàn chậu vào hoặc “ngừng tiểu”.
  • Hút sàn chậu lên trước khi ho hoặc hắt hơi. Nếu sinh mổ, cũng làm như vậy nhưng dùng tay để đỡ vết mổ bụng.
Chườm đá
Chườm đá là một cách giúp giảm đau vùng xương chậu

Bài tập lên hoặc xuống giường

Ngay sau khi sinh, lần đầu tiên khi muốn rời khỏi giường, bạn hãy yêu cầu nữ hộ sinh hỗ trợ để phòng tránh nguy cơ té ngã và ngăn ngừa làm tổn thương các vết thương nếu có.

Vì cơ còn yếu nên để tránh đau cột sống và bụng, hãy chuyển người sang một bên và áp dụng phương pháp di chuyển từ tư thế nằm nghiêng mà chuyên viên vật lý trị liệu đã hướng dẫn trong thời kỳ mang thai.

Chú ý: Chuyển người sang một bên để rời khỏi giường không ngồi thẳng dậy khi đang nằm ngửa.

Ngồi ghế

  • Hãy ngồi trên một cái ghế thật thoải mái trong thời gian ngắn và trong khi cho con bú sữa mẹ.
  • Tránh ngồi trên gối nệm hình nhẫn, mặc dù loại gối này giúp giảm tình trạng khó chịu của sàn chậu.
  • Thư giãn cơ thể bằng các loại nhạc êm dịu để giúp giảm căng thẳng ở vai và cổ. Dành thời gian để xoay vòng khớp vai về phía trước và phía sau một vài lần.

Đi vệ sinh

  • Ngồi thoải mái trên bồn vệ sinh, giữ phần thắt lưng uốn cong khi cúi về phía trước từ khớp hông.
  • Chống tay lên đùi để giúp bụng thư giãn về phía trước.
  • Thở chậm nhưng không tăng áp lực lên sàn chậu. Không nín thở. Đỡ vết mổ và tầng sinh môn khi cần thiết.
  • Phương pháp 1: nâng gót chân khỏi sàn nhà và cúi về phía trước để giảm áp lực cho sàn chậu.
  • Phương pháp 2: sử dụng ghế để chân và gập khớp háng để bảo vệ sàn chậu.
Thuốc sorbitol điều trị táo bón hiệu quả
Tư thế ngồi khi đi vệ sinh nên thoải mái và thở chậm

4.2. Sau khi ra viện

Các bà mẹ hãy bắt đầu bài tập với tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng như sau:

  • Hít vào và khi thở ra thì nhẹ nhàng siết chặt cơ sàn chậu. Cố gắng không dùng cơ bụng. Chỉ cần tập trung vào việc kéo cơ sàn chậu lên đẩy nó vào như thể đang cố nhịn tiểu và xì hơi.
  • Giữ siết trong 4 hoặc 5 giây, trong khi tiếp tục hít vào thở ra như bình thường
  • Nếu đang siết cơ bụng trên (phía trên rốn ) hoặc mông nghĩa là bạn đã dùng quá nhiều lực

Khi đã quen, bạn nên cố gắng mỗi lần siết chặt sàn chậu trong khoảng từ 8 – 10 giây, đồng thời hít thở bình thường.

Nếu bạn mất nhịp thở giữa chừng, hãy dừng lại và bắt đầu lại. Khi có thể siết trong 10 giây thì hãy thử thực hiện 5 lần liên tiếp. Siết nhanh giúp bạn siết chặt các cơ khi ho, hắt hơi, cười hay nâng vật nặng gì đó.

Bạn sẽ cảm thấy cơ bắp buông ra ở cuối mỗi lần siết. Nếu bạn không cảm thấy thế bạn nên thư giãn cơ bắp trước khi kết thúc đếm. Trong trường hợp này, giảm số lượng cho đến khi cơ bắp của bạn có thể thả lỏng ra và bắt đầu lại từ đó.

Từ từ bắt đầu với tối đa 10 lần siết cơ trong 10 giây, sau đó là 10 lần siết nhanh, ba lần mỗi ngày. Cố gắng siết chặt các cơ hết sức có thể, nhưng cần duy trì nhịp thở bình thường.

Bạn có thể không cảm thấy gì nhiều khi thực hiện các bài tập trong vài ngày đầu. Nhưng những nỗ lực sẽ được đền đáp theo thời gian. Có thể mất từ 6 tuần đến 12 tuần để cơ bắp tăng cường rõ rệt, vì vậy hãy cố gắng kiên trì.

Luyện tập
Các mẹ sau khi ra viện nên duy trì việc tập luyện tại nhà

Phục hồi chức năng vùng chậu có thể cải thiện sức khỏe, giúp các sản phụ có thể giảm đau sau sinh an toàn. Tuy nhiên, việc thực hiện các bài tập trên cần có sự tư vấn, chỉ dẫn từ các bác sĩ có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan