Dấu hiệu tay chân miệng nhẹ giai đoạn mới chớm mắc

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em do nhiều loại virus gây ra và có thể lây lan thành dịch lớn. Hầu hết các ca bệnh sẽ có dấu hiệu tay chân miệng nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp lại diễn biến nặng và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm (viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể dẫn đến tử vong) nếu không được phát hiện sớm và điều trị sớm. Do vậy, nhận biết sớm các biểu hiện tay chân miệng rất quan trọng để có hướng điều trị và chăm sóc trẻ phù hợp.

1. Tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em chủ yếu do nhóm virus đường ruột gây nên, tác nhân thường gặp nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus týp 71 (EV71). Theo các chuyên gia, tay chân miệng do virus Coxsackie A16 thường ít có nguy cơ xảy ra các biến chứng thần kinh và có thể tự khỏi trong vài ngày. Ngược lại, nếu trẻ nhiễm virus EV71 thì khả năng mắc tay chân miệng có biến chứng nguy hiểm sẽ cao hơn.

Ngoài 2 loại virus trẻ, trẻ bị tay chân miệng còn có thể do lây nhiễm một số chủng virus Coxsackie nhóm A như A4 đến A7, A9, A10 hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1 đến B3 và B5). Do nguyên nhân nhiễm virus nên bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên thời điểm dễ bùng phát dịch diện rộng là khi thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển (tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12 hằng năm).

Đa số các trường nhiễm trẻ sẽ có dấu hiệu tay chân miệng nhẹ nhưng một số bệnh nhi lại mắc phải nhiều biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng, đặc biệt diễn biến bệnh thường rất nhanh trong vòng vài giờ. Các trường hợp trẻ bị tay chân miệng có biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tình trạng nghiêm trọng như sốc, viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể dẫn đến tử vong.

2. Biểu hiện tay chân miệng ở trẻ em

Những biểu hiện tay chân miệng có thể bao gồm sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), các tổn thương trên da (phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối...) và loét miệng. Tuy nhiên, nhiều trẻ bị tay chân miệng có biểu hiện rất kín đáo và phụ huynh phải rất tinh ý mới phát hiện những bất thường của trẻ.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có những biểu hiện khác nhau đặc trưng cho từng giai đoạn nhiễm bệnh, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài 3-6 ngày từ khi trẻ phơi nhiễm với virus và thường không có biểu hiện bất thường;
  • Giai đoạn khởi phát: Trẻ bắt đầu có những dấu hiệu nhiễm virus như mệt mỏi, sốt nhẹ (37.5-38 độ C) hoặc sốt cao (38-39 độ C), đau họng, tổn thương gây đau rát ở miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày;
  • Giai đoạn toàn phát: Thường bắt đầu sau 1-2 ngày khởi phát bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện tay chân miệng điển hình như:
    • Phát ban dạng phỏng nước ở các vị trí như lòng bàn tay/chân, gối, mông. Bóng nước trong bệnh tay chân miệng có hinh bầu dục, đường kính 2-10mm, màu xám, có thể lồi lên hoặc ẩn dưới da, sờ cộm, không gây đau hoặc ngứa;
    • Loét miệng: Xuất hiện ở niêm mạc má, nướu răng và lưỡi các bóng nước có đường kính 2-3mm, dễ vỡ, khi vỡ tạo thành các vết loét gây đau rát và khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn;
    • Dấu hiệu toàn thân gợi ý các biến chứng như rối loạn tri giác, mê sảng, co giật, nôn, run tay chân, tim đập nhanh, khó thở, tím tái...;
    • Giai đoạn lui bệnh: Thường diễn ra từ ngày thứ 8-10, trẻ có dấu hiệu tay chân miệng nhẹ và không có biến chứng sẽ hồi phục hoàn toàn.

Xem ngay: Chẩn đoán sớm bệnh tay chân miệng

3. Biểu hiện tay chân miệng cảnh báo nguy cơ diễn biến nặng

Theo các chuyên gia, trẻ bị tay chân miệng nếu có ít nhất 1 trong 3 triệu chứng rất sớm sau đây sẽ cảnh báo nguy cơ bệnh diễn biến nặng và đòi hỏi cha mẹ phải chú ý theo dõi:

  • Trẻ quấy khóc dai dẳng: Trẻ bị tay chân miệng thường khó chịu và có thể quấy khóc, tuy nhiên nếu dấu hiệu này xảy ra nhiều và thậm chí trẻ quấy khóc cả đêm không ngủ, cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp, có thể cảnh báo nguy cơ diễn tiến nặng. Phụ huynh thường cho rằng trẻ quấy khóc là do loét miệng nhưng thực tế đây có thể là dấu hiệu gợi tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm;
  • Sốt cao không hạ: Trẻ bị tay chân miệng sốt trên 38.5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt Paracetamol gợi ý cơ thể trẻ đáp ứng viêm rất mạnh và tăng nguy cơ gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh;
  • Giật mình: Đây là triệu chứng của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Do đó cha mẹ cần chú ý đến triệu chứng này, nếu xuất hiện ngay cả khi trẻ đang chơi hoặc tần suất giật mình tăng theo thời gian thì hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Xem ngay: Trẻ bị tay chân miệng cách ly bao lâu?

4. Chẩn đoán tay chân miệng ở trẻ

Để chẩn đoán xác định trẻ bị tay chân miệng hay không, bác sĩ sẽ thăm khám để phát hiện những triệu chứng điển hình và đưa ra một số xét nghiệm chẩn đoán tay chân miệng cần thiết như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch não tủy nếu có biến chứng thần kinh. Ngoài ra, chụp X quang ngực có thể phát hiện tổn thương phù phổi cấp ở những trẻ bị tay chân miệng có biến chứng rối loạn chức năng cơ tim.

Để xác định chính xác tác nhân gây bệnh, trẻ sẽ được lấy mẫu bệnh phẩm chẩn đoán tay chân miệng từ mụn nước, dịch hầu họng, phân... để làm xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction) với độ chính xác cao và thời gian cho kết quả nhanh chóng.

5. Chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà

Đa số trẻ bị tay chân miệng đều ở mức độ nhẹ đều và được bác sĩ cho theo dõi, điều trị tại nhà theo các nguyên tắc sau:

  • Cách ly trẻ bị bệnh đúng nguyên tắc, không để tiếp xúc với trẻ khỏe mạnh để hạn chế sự lây nhiễm: Trẻ bị tay chân miệng cần nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh để ngăn lây nhiễm cho trẻ khác cùng lớp học. Trong nhà nếu có nhiều trẻ cùng chung sống thì phải cách ly tuyệt đối, khuyến khích trẻ bệnh không chơi chung với trẻ khỏe mạnh, cha mẹ cần giám sát chặt chẽ các hoạt động thường ngày của trẻ bệnh;
  • Trẻ bị bệnh và người chăm sóc trẻ cần mang khẩu trang y tế;
  • Cha mẹ khi tiếp xúc với trẻ bị tay chân miệng phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sạch;
  • Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch. Hướng dẫn trẻ rửa tay sạch bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để ngăn ngừa tái nhiễm qua đường tay - miệng;
  • Quần áo, tã lót và vật dụng cá nhân của trẻ bệnh nên được vệ sinh, tẩy trùng sạch sẽ bằng nước sôi trước khi giặt sạch bằng xà phòng;
  • Sử dụng thuốc điều trị tay chân miệng tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Một số cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà cha mẹ cần biết:

  • Vệ sinh miệng: Biểu hiện tay chân miệng đặc trưng là các nốt phỏng hay loét miệng. Đây là vấn đề đáng ngại nhất, khiến trẻ đau đớn và không ăn uống được, đồng thời không cho cha mẹ vệ sinh răng miệng dẫn đến nguy cơ bội nhiễm hoặc nhiễm nấm. Phụ huynh thường dùng khăn sữa, bông gạc thấm nước muối rửa răng miệng cho trẻ, dẫn đến tăng nguy cơ chạm, vỡ các nốt phỏng hoặc làm vết loét thêm nghiêm trọng. Cách vệ sinh miệng tốt nhất cho trẻ bị tay chân miệng là súc miệng bằng nước muối sinh lý sau ăn, trước khi đi ngủ và khi thức dậy.
  • Dinh dưỡng: Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, dễ bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, mát nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi ăn. Trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ, cho trẻ nghỉ ngơi, tránh kích thích.
  • Vệ sinh da tránh bội nhiễm: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ và dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
  • Trẻ có sốt có thể dùng thuốc hạ sốt bằng Paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, mỗi 4-6 giờ, chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, kết hợp lau mát 2 hõm nách và bẹn.

Tóm lại, khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng như sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao), có các tổn thương trên da (phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối) và loét miệng, các bậc phụ huynh cần nghĩ nhiều đến khả năng trẻ mắc bệnh tay chân miệng để biện pháp can thiệp y tế phù hợp và kịp thời.

Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi được đầu tư bài bản về nhân sự, công nghệ, trang thiết bị, mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng.

  • Đội ngũ chuyên gia Nhi giàu kinh nghiệm: Các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước; hiểu tâm lý trẻ.
  • Dịch vụ toàn diện: Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư,....
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Thấu hiểu tâm lý trẻ, xây dựng không gian vui chơi cho các bé, giúp các bé cảm thấy thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Nhi tại các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc, quý khách hàng vui lòng nhấp vào nút “Liên hệ” trên website hoặc đăng ký khám trực tuyến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan