Cho trẻ uống sắt vào thời điểm nào trong ngày?

Sắt là chất cần thiết cho quá trình cấu tạo máu, sự tăng trưởng, phát triển trí não và hệ thống thần kinh của trẻ. Do đó, cho trẻ uống sắt vào thời điểm nào trong ngày để hấp thụ tốt nhất là vấn đề mà cha mẹ cần quan tâm.

1. Cho trẻ uống sắt vào thời điểm nào trong ngày?

Hàm lượng sắt xuống mức thấp sau giấc ngủ dài, vậy nên sáng sớm là thời điểm tốt nhất để bổ sung sắt kịp thời nhằm cung cấp cho các hoạt động trong ngày. Do đó, với thắc mắc “trẻ uống sắt vào lúc nào tốt nhất” thì câu trả lời là nên bổ sung trước ăn sáng tối thiểu 30 phút. Đối với trẻ dễ bị đau bụng, buồn nôn khi uống sắt trước ăn thì nên cho uống trong hoặc sau ăn, khởi đầu bằng liều thấp.

2. Uống sắt như thế nào để hấp thụ tốt nhất?

Ngoài việc “nên cho bé uống sắt vào lúc nào” thì “việc uống sắt như thế nào để hấp thụ tốt nhất” cũng là vấn đề mà cha mẹ cần quan tâm.

Để hấp trẻ thụ sắt tốt nhất, cha mẹ nên:

  • Trước hoặc sau khi uống sắt nên ăn thêm các loại trái cây giàu vitamin C, vì loại vitamin này có tác dụng làm tăng hấp thụ sắt vào cơ thể. Ngoài ra, vitamin nhóm B như vitamin B6 cũng có tác dụng tương tự.
  • Trái lại nên tránh uống trà, cafe cùng với sắt vì chất tanin có trong trà và caffeine trong cafe gây cản trở quá trình hấp thụ sắt. Hạn chế các loại thức ăn giàu photpho khi uống sắt vì có thể gây kết tủa sắt, làm giảm hấp thu sắt.
  • Sắtcanxi không được uống cùng nhau vì có thể gây cản trở hấp thụ sắt. Khi cần uống cả hai loại khoáng chất này, đặc biệt là phụ nữ mang thai thì cần uống cách nhau ít nhất 2 tiếng.
  • Ngoài ra, khi uống sắt không được uống với các loại kháng sinh nhóm tetracyclin, nhóm quinolon và hormone tuyến giáp. Nếu đang sử dụng nhóm thuốc này thì cần điều trị khỏi bệnh và dừng uống thuốc trước khi uống sắt.
  • Không uống sắt cùng với các loại thuốc điều trị bệnh dạ dày như thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng H2.
  • Siro và các thuốc sắt dạng lỏng khác có thể gây sậm màu răng khi sử dụng dài ngày, vậy nên sau khi uống cần cho trẻ súc miệng, đánh răng. Màu phân đen cũng có thể xảy ra sau khi uống sắt, nhưng nó không gây hại sức khoẻ.
  • Phụ huynh nên để sắt xa tầm tay của trẻ vì việc uống nhầm có thể gây ngộ độc cấp tính với các triệu chứng đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn,... hoặc muộn hơn là móng tay, lòng bàn tay ngả xanh, nhợt nhạt; co giật; thở nhanh.
Nên cho bé uống sắt vào lúc nào
“Nên cho bé uống sắt vào lúc nào” là vấn đề mà cha mẹ cần quan tâm

3. Loại thức ăn nào chứa nhiều sắt?

Sắt có nhiều trong các loại thực phẩm cả động vật lẫn thực vật, tùy vào sở thích ăn uống của trẻ mà lựa chọn loại phù hợp với trẻ.

  • Sắt có nguồn gốc từ động vật: Thịt đỏ (thịt lợn, bò); hải sản (cá ngừ, tôm, cua, mực, sò); gia cầm (gà, vịt); trứng và nội tạng động vật.
  • Sắt có nguồn gốc từ thực vật: Rau màu xanh đậm (rau muống, súp lơ xanh, rau cải, rau ngót); các loại đậu (đậu nành, đậu xanh); ngũ cốc nguyên hạt, trái cây khô.

Trong đó, cơ thể hấp thụ sắt động vật tốt hơn sắt thực vật. Vậy nên, với gia đình có truyền thống ăn chay thì nên kết hợp các loại trái cây giàu vitamin C (cam quýt, đu đủ, dâu tây) để tăng hấp thụ sắt.

4. Đối tượng cần bổ sung sắt

Sắt có vai trò quan trọng trong việc tạo ra hemoglobin, myoglobin máu, vậy nên thiếu sắt có thể gây thiếu máu, ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy tới các mô cơ, khiến cơ thể mệt mỏi, kém tập trung, giảm trí nhớ.

Sắt cần thiết cho phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ sinh non, nữ tuổi dậy thì, người bị rối loạn hấp thu sắt, mất máu cấp tính, rối loạn tiêu hoá. Ở tuổi dậy thì, việc thiếu sắt có thể gây ảnh hưởng hệ thần kinh khiến giảm trí nhớ, sức yếu, khó tập trung học tập.

Ở giai đoạn mang thai, thiếu sắt dễ gây sinh non, sảy thai và băng huyết sau sinh, thậm chí suy dinh dưỡng bào thai làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Ở trẻ nhỏ, thiếu sắt có thể gây quấy khóc, chán ăn, ngủ ít, giảm trí nhớ, chậm biết nói, chậm biết đi, giảm trương lực cơ.

Nhu cầu sắt theo độ tuổi được mô tả như sau:

Độ tuổi Hàm lượng sắt
3 - 6 tháng 6.6mg/ngày
6 - 12 tháng 8.8mg/ngày
01 - 10 tuổi 10mg/ngày
Nam giới tuổi dậy thì 12mg/ngày
Nam giới trưởng thành 10mg/ngày
Nữ giới tuổi dậy thì 20mg/ngày
Nữ giới tuổi trưởng thành 18mg/ngày
Phụ nữ mang thai 60mg/ngày
Phụ nữ mãn kinh 10mg/ngày
Trẻ uống sắt vào lúc nào tốt nhất
“Trẻ uống sắt vào lúc nào tốt nhất” thì câu trả lời là nên bổ sung trước ăn sáng tối thiểu 30 phút

Trẻ sơ sinh đủ tháng đã có lượng sắt tích lũy từ mẹ đủ cho đến khi trẻ được 5 - 6 tháng tuổi. Trong giai đoạn này, sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho trẻ, sắt từ sữa mẹ tuy ít hơn nhưng dễ hấp thụ hơn sữa công thức.

Trẻ sinh non cần được bổ sung sắt với hàm lượng 2mg/kg/ngày, tối đa 15mg/ngày, bắt đầu từ 1 tháng - 12 tháng tuổi. Có thể cung cấp đủ lượng sắt này từ sữa công thức, hoặc các dạng thuốc lỏng như siro sắt cho đến khi trẻ ăn dặm. Khi trẻ đã ăn dặm được thì có thể chuyển qua cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt.

Tóm lại, sắt rất quan trọng đối với cơ thể con người, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến các chức năng hoạt động cơ thể. Buổi sáng trước ăn 30 phút - 1 giờ là thời điểm tốt nhất để cho trẻ uống sắt, sau uống nên ăn thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt. Sắt chỉ nên uống khi cơ thể đang thiếu, vì đã có sẵn trong thực phẩm hàng ngày, việc bổ sung thừa có thể gây tác dụng phụ.

Ngoài sắt, cha mẹ cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết khác cho con như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

159.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan