Cảnh giác với suy giảm miễn dịch bẩm sinh khi trẻ ốm nhiều

Nhiều trẻ thường mắc các bệnh thủy đậu, viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa... như “cơm bữa” khiến bố mẹ rất lo lắng nhưng lại không biết đó là hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Vậy đâu là nguyên nhân gây bệnh và bố mẹ phải làm gì?

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi BSCKI, BSNT Đặng Thị Ngoan, Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Hạ Long

1. Hệ miễn dịch và suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ

Hệ miễn dịch trong cơ thể được cấu thành bởi các mô bạch huyết bao gồm tủy xương, hệ thống hạch bạch huyết, và các bộ phận khác như lách, dạ dày, ruột, tuyến yên và amidan. Các phân tử protein hay các tế bào máu cũng là một phần của hệ miễn dịch.

Vậy nên, bất kỳ một yếu tố hay một tác động nào gây tổn thương đến các cơ quan bộ phận này đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch của cơ thể. Và ngược lại, khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, thì bất cứ thành phần hay bộ phận nào của hệ miễn dịch cũng có thể bị tác động ngược lại.

Suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh hay còn gọi là suy giảm miễn dịch sơ cấp, là một khiếm khuyết trong di truyền khiến trẻ không sản xuất đủ các tế bào hay các chất miễn dịch để giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Do đó, những trẻ bị mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh thường có nguy cơ bị mắc bệnh cao hơn nhiều lần so với những trẻ thông thường, đặc biệt là các bệnh lý nhiễm trùng. Bệnh nếu được phát hiện sớm có thể điều trị ổn định bằng các phương pháp hỗ trợ. Ngược lại, nếu bệnh không được điều trị sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc để lại những biến chứng nặng nề.

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ hình thành như thế nào?
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ hình thành như thế nào?

2. Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ

Nguyên nhân gây suy giảm hệ miễn dịch bẩm sinh ở trẻ chủ yếu là do di truyền. Và điều này hoàn toàn khác với các trường hợp bị suy giảm miễn dịch mắc phải hay suy giảm miễn dịch ở người cao tuổi. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, ở những trường hợp bố mẹ có sự suy giảm miễn dịch bất thường trong bộ gen thì đứa trẻ được sinh ra có nguy cơ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh cao hơn so với các trường hợp bố mẹ bình thường.

Vì vậy, chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng nhất giúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao. Bố mẹ hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở chuyên khoa ngay khi thấy bé có một trong những dấu hiệu của bệnh lý suy giảm miễn dịch sau đây:

  • Mắc từ 4 đợt viêm tai trở lên trong vòng 1 năm
  • Mắc từ 2 đợt viêm xoang nặng trở lên trong vòng 1 năm
  • Mắc từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong vòng 1 năm
  • Sử dụng kháng sinh trong vòng 2 tháng trở lên nhưng không hiệu quả
  • Trẻ chậm lớn, chậm tăng cân hơn bình thường
  • Áp xe da hoặc nội tạng tái diễn
  • Nấm miệng hoặc nấm da dai dẳng
  • Phải truyền kháng sinh điều trị các bệnh nhiễm trùng
  • Mắc từ 2 đợt nhiễm khuẩn sâu hoặc nhiễm khuẩn huyết trở lên
  • Gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch

Hiện nay, điều trị một số bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh hiện có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Hồng Kông, Pháp... trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%. Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn.

Bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ dẫn đến tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bố mẹ hãy cho trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu như trẻ có dấu hiệu thường xuyên bị các nhiễm trùng tiêu hóa, da hay hô hấp...mà điều trị không dứt điểm được, bệnh tái phát liên tục thành nhiều đợt dai dẳng. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp mang lại sức khỏe và sự phát triển ổn định cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

199 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan