Cẩn thận trẻ chán ăn khi chuyển từ bột sang cháo

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bé đang chuẩn bị đến thời kỳ ăn dặm nhưng bạn chưa biết bắt đầu từ đâu? Bạn đang không chắc chắn về thời điểm chuyển giao ăn dặm của trẻ như thế nào là đúng cũng như không biết nên cho trẻ ăn bột bao lâu chuyển sang cháo là hợp lý? Bởi việc chuyển từ ăn bột sang ăn cháo nếu không đúng thời điểm có thể khiến trẻ chán ăn.

1. Vì sao trẻ cần ăn dặm?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 6 tháng đầu đời một đứa trẻ chỉ cần bú sữa mẹ là đã đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng để bé phát triển. Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ bắt đầu hoạt động nhiều hơn, do đó cần nhiều năng lượng hơn để phát triển thể chất, chiều cao và trí tuệ. Thời điểm này, sữa mẹ sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ nên cần phải sử dụng nguồn dinh dưỡng từ thức ăn bên ngoài.

Ăn dặm chính là cách để giúp bé làm quen với nguồn thức ăn khác ngoài sữa mẹ, có độ thô và đặc hơn sữa mẹ. Trong một năm đầu, ăn dặm sẽ giúp bé có thể làm quen với các dạng thức ăn khác nhau nhưng không phải để thay thế hoàn toàn sữa mẹ hay sữa công thức.

Thời điểm cho trẻ ăn dặm là từ 6 tháng, tuy nhiên có một số trẻ 4 tháng tuổi đã có dấu hiệu của “thèm ăn”. Vì vậy nếu bé đã sẵn sàng chúng ta có thể bắt đầu cho trẻ ăn dặm ở thời điểm này.

2. Những nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm

Khi cho trẻ ăn dặm, nguyên tắc chuyển vị rất quan trọng, điều này khiến cho trẻ ăn ngon miệng, khám phá được nhiều mùi vị khác nhau, qua đó giúp trẻ hứng thú hơn trong việc ăn dặm. Thời điểm bắt đầu ăn dặm, bạn nên lựa chọn những loại bột có vị ngọt gần giống với sữa mẹ để trẻ có thể nhận biết được mùi vị quen thuộc.

Quá trình sử dụng bột ăn dặm có vị ngọt nên kéo dài từ 2 đến 3 tuần, sau đó bạn có thể chuyển sang các loại bột ăn dặm có vị mặn để làm đa dạng thực phẩm, giúp bé hấp thu tốt hơn.

Bạn nên cho trẻ ăn từ ít đến nhiều và từ loãng đến đặc. Ở thời điểm này hệ tiêu hóa của bé chưa phát triển hoàn thiện cho nên quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng cũng diễn ra chậm hơn. Để đảm bảo dạ dày và các cơ quan khác làm việc hiệu quả, bạn cần cho bé làm quen dần theo mức độ từ thấp đến cao.

Cách chuyển từ ăn bột sang ăn cháo
Chuyển từ ăn bột sang ăn cháo nếu không biết cách sẽ có thể khiến trẻ biếng ăn

3. Khi nào chuyển từ ăn bột sang ăn cháo cho bé?

Với những bà mẹ đang thắc mắc “khi nào chuyển từ ăn bột sang ăn cháo cho bé” thì tùy theo sự thích nghi và phát triển của từng bé mà phụ huynh nên lựa chọn thời điểm chuyển vị thích hợp.

Thông thường trẻ tháng thứ 8 có thể bắt đầu chuyển sang ăn cháo nếu bạn cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ 6, còn nếu bé bắt đầu ăn dặm ở tháng thứ 4 thì bạn nên cho bé chuyển sang ăn cháo vào tháng thứ 7. Bạn nên kết thúc giai đoạn ăn bột sau khi trẻ đã tập ăn được 2 tháng để chuyển sang ăn cháo.

Giai đoạn từ tháng thứ 7 - 8 được xem là thời điểm vàng để chuyển từ ăn bột sang ăn cháo bởi trẻ bắt đầu phát triển các giác quan. Thời điểm này trẻ có nhu cầu khám phá và có thể ghi nhớ cơ bản được mùi vị thức ăn, vì vậy bạn nên tập cho bé ăn cháo ngay lúc này.

Trong thời gian đầu khi chuyển từ ăn bột sang ăn cháo, bé sẽ ăn ít hơn, bởi bé đã quen mùi bột. Cháo ăn dặm thường có vị nhạt hơn so với bột ăn dặm, độ thô cao hơn nên gây cho trẻ cảm giác lợn cợn, không hấp dẫn bằng bột. Trong trường hợp này bạn có thể xen kẽ giữa bột và cháo vào các bữa ăn, để cho bé làm quen dần dần. Lưu ý đây là thời gian tập ăn dặm, nếu bé không chịu ăn thì bạn nên dừng lại.

Trẻ có thể biếng ăn do rối loạn cấu trúc khi bạn chậm trễ trong việc chuyển từ ăn bột sang ăn cháo. Đây là tình trạng biếng ăn phức tạp, vì nó khiến bé không phân biệt được cấu trúc thức ăn, dần dẫn bé rất sợ khi ăn. Khi đó bé thường nhè hoặc quay đầu đi khi nhìn thấy thức ăn, bé có thể la khóc nhiều.

Khi nào chuyển từ ăn bột sang ăn cháo
Để biết thời điểm khi nào chuyển từ ăn bột sang ăn cháo ở trẻ hợp lý cần dựa trên nhiều yếu tố

4. Cách chuyển từ ăn bột sang ăn cháo cho bé

Dưới đây là cách chuyển từ bột sang ăn cháo một cách hợp lý để hạn chế tình trạng chán ăn ở trẻ:

  • Cũng như khi cho bé ăn bột ăn dặm, khi chuyển sang ăn cháo bạn cũng nên lưu ý cho bé ăn từ ngọt sang mặn, từ loãng đến đặc và từ ít đến nhiều.
  • Thời gian đầu cho trẻ ăn dặm, bạn nên kết hợp cháo cùng các loại rau củ hoặc các loại đậu.
  • Khi bé đã quen với vị của cháo thì bạn có thể kết hợp với các loại thực phẩm có lượng đạm cao hơn như là thịt, tôm, cá.
  • Lưu ý, khi cho bé thử một loại thực phẩm mới, bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ để kiểm tra cơ thể trẻ có bị dị ứng hay không, nếu trẻ hấp thụ hoàn toàn bình thường thì bạn có thể tăng thêm vào các lần ăn dặm sau.

Ăn dặm là bước đầu tiên để bé có thể làm quen với thức ăn, tạo tiền đề cho kỹ năng ăn uống sau này. Ngoài việc chú ý đến các thời điểm chuyển giao ăn dặm, thì bạn cũng cần lưu ý đến cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của bé. Cho bé ăn dặm đòi hỏi bạn cần phải đầu tư khá nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.

Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng khi cần tư vấn nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan