Cách xử trí chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo ở trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện tượng chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo là tình trạng thường gặp ở trẻ. Những hiểu biết về nguyên nhân và cách điều trị chảy nước mắt sống sẽ giúp bạn chăm sóc bé đúng cách trong thời gian này để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

1. Chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo là gì?

Chảy nước mắt sống ở trẻ là tình trạng mắt của bé luôn “đẫm lệ”. Vì tiết ra nước mắt quá nhiều nên đôi khi bạn cũng có thể thấy những giọt nước mắt lăn xuống mặt bé. Tắc lệ đạo là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng chảy nước mắt sống.

Chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo làm mắt của bé luôn “đẫm lệ”

Lệ đạo là một hệ thống ống thoát nước mắt có cấu tạo đặc biệt, được bắt đầu bằng điểm lệ ở gốc trong mi mắt và kết thúc tại khe mũi dưới. Lệ đạo bao gồm: lỗ lệ, lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi (ống lệ tỵ). Hệ thống này giúp tạo nên một quy trình hoàn chỉnh, nước mắt mới sinh ra, sau khi bôi trơn và làm sạch bề mặt của nhãn cầu sẽ được dồn về gốc trong mắt và dẫn qua lệ đạo xuống mũi.

Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi nên sẽ trào ra ngoài gây ra chứng chảy nhiều nước mắt. Lệ đạo bị nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến viêm tắc và đau nhức.

Ở trẻ em, bệnh tắc lệ đạo sẽ khiến cho trẻ khi khóc bị chảy cả nước mũi, phần tắc có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trong hệ thống lệ đạo từ điểm lệ, lệ quản,... Khi bé bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo, nước mắt sẽ không được dẫn lưu xuống mũi và bị tích chảy trào ra ngoài. Tình trạng chảy nước mắt xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt, có thể chảy thường xuyên hoặc từng lúc. Trường hợp tình trạng tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng, khiến túi lệ bị viêm, có nhầy mủ, đặc biệt là khi ấn vào vùng góc trong mắt.

2. Nguyên nhân gây ra tắc lệ đạo ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây ra tắc nghẽn hệ thống lệ đạo ở trẻ, có thể do bẩm sinh hoặc do nhiều nguyên nhân khác.

2.1 Nguyên nhân bẩm sinh

Tắc lệ đạo bẩm sinh hay gặp ở trẻ ngay sau khi sinh ra (nhất là trẻ đẻ thiếu tháng). Quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên lớp màng ngăn ở phần cuối của ống dẫn nước mắt không mở ra một cách bình thường gây tắc tại hoặc gần thời điểm trẻ ra đời. Thông thường trường hợp này có thể tự khỏi khi trẻ lớn lên.

Trẻ
Chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo làm mắt của bé luôn “đẫm lệ”

2.2 Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân gây tắc lệ đạo khác ở trẻ em bao gồm:

  • Tắc lệ đạo mắc phải do hẹp hệ thống ống dẫn của lệ đạo, không có lỗ dẫn nước mắt ở mí mắt trên hoặc dưới, nhiễm trùng, xương mũi làm tắc nghẽn lỗ đổ của ống dẫn nước mắt vào mũi.
  • Tắc lệ đạo mắc phải do các chấn thương vùng mắt, viêm xoang; mắc bệnh viêm nhiễm mạn tính ở mắt như bệnh mắt hột, viêm kết mạc...
  • Các nguyên nhân chấn thương có thể do trẻ bị té ngã hay bị mảnh bụi, mảnh kim loại văng vào kết mạc, giác mạc, hoặc thậm chí là do chó, mèo cào gây ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải đều không rõ nguyên nhân.

3. Dấu hiệu và triệu chứng bé bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo

Tắc lệ đạo
Nước mắt có thể kèm theo chất tiết, gỉ mắt hay chất nhầy

3.1. Dấu hiệu trẻ bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo

Khi bé bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo thường xuất hiện những dấu hiệu sau:

  • Trẻ bị chảy nước mắt thường xuyên hoặc từng lúc do hiện tượng đọng nước mắt ở khe mi, có thể bị chảy 1 hay cả 2 mắt.
  • Nước mắt có thể kèm theo chất tiết, gỉ mắt hay chất nhầy, hiện tượng này sẽ gia tăng khi trời lạnh, nắng hoặc gió...
  • Buổi sáng khi thức dậy trẻ thường có hành động day mắt và có nhiều gỉ vàng dính quanh mí mắt.
  • Bờ mi mắt bị đỏ do trẻ thường xuyên day mắt và hiện tượng giả viêm kết mạc.

3.2 Các triệu chứng xuất hiện khi trẻ bị chảy nước sống do tắc lệ đạo

  • Tắc nghẽn lệ đạo làm cho nước mắt không dẫn xuống mũi được, đọng lại trên mắt gây ướt mắt, ướt mi, thậm chí có thể chảy xuống má. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong những ngày đầu hoặc tuần đầu sau sinh và mức độ nặng thay đổi tùy theo các điều kiện khác nhau.
  • Triệu chứng nặng hơn khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên (cảm lạnh hoặc nghẹt mũi) hoặc tiếp xúc với gió hay bị lạnh. Lúc đó, trẻ sẽ chảy nước mắt và đổ ghèn nhiều hơn. Mí mắt có thể bị đỏ và sưng lên, đôi khi bị dính với nhau với ghèn vàng xanh do nhiễm trùng. Trẻ nhỏ mắc bệnh có thể có sốt, khóc quấy và hay dụi tay lên mắt.

4. Cách xử trí khi trẻ bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo

Phẫu thuật
Với những trường hợp trẻ bị tắc lệ đạo mắc phải cần phẫu thuật túi lệ để tạo nên đường dẫn nước mắt mới

Khi phát hiện bé bị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo, cha mẹ cần đưa bé đến khám ở chuyên khoa mắt để được điều trị đúng cách. Dựa vào tổn thương bệnh mà người ta sử dụng các cách trị chảy nước mắt sống thích hợp.

Đối với trường hợp trẻ tắc lệ đạo bẩm sinh:

  • Phương pháp điều trị có thể dùng là day ấn vùng góc trong mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ mắt và kháng sinh uống. Khi được điều trị bằng biện pháp này phần lớn các trường hợp viêm tắc lệ đạo sẽ được phục hồi hoàn toàn.
  • Khi trẻ được 2 - 3 tháng tuổi, nếu bé vẫn không hết chảy nước mắt thì người ta có thể bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông xuống mũi. Về mặt thời gian, trẻ từ 4 - 6 tháng tuổi là thời gian để thông lệ đạo tốt.

Với những trường hợp trẻ bị tắc lệ đạo mắc phải:

  • Cần phẫu thuật túi lệ để tạo nên đường dẫn nước mắt mới, từ mắt xuống mũi. Phương pháp có thể điều trị dứt điểm triệu chứng chảy nước mắt, khỏi viêm nhiễm và mủ nhầy ở túi lệ.
  • Với các ca bệnh không cho phép mổ tạo đường thông nước mắt thì phải mổ cắt túi lệ. Phương pháp này sẽ loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng gây áp-xe túi lệ, tuy nhiên bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt suốt đời.

Trên đây là những cách trị chảy nước mắt sống do tắc lệ đạo ở trẻ. Trong thực tế có nhiều trường hợp tắc lệ đạo mắc phải không rõ nguyên nhân nên khi phát hiện triệu chứng do viêm tắc lệ đạo, cha mẹ hãy đưa bé đi khám ngay ở chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

205.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan