Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh như bệnh về võng mạc, lác mắt,... hay những bệnh nguy hiểm như đục thủy tinh thể, nếu phát hiện muộn có thể dẫn tới nguy hiểm và ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
1. Triệu chứng phổ biến những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh
Đa số những em bé sinh ra đều có một đôi mắt khỏe mạnh, và có thể phát hiện ánh sáng ở gần. Trong những ngày đầu sau sinh, em bé có thể nhìn được trong phạm vi 25cm, và tầm nhìn sẽ nhanh chóng được tăng lên. Ngoài ra, một số trẻ sơ sinh sau khi sinh ra có thể mắc một số bệnh về mắt như tắc tuyến lệ, đục thủy tinh thể, viêm kết giác mạc,... Việc chăm sóc cho trẻ thường gặp không ít khó khăn. Nếu bà mẹ không phát hiện kịp thời có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Một số triệu chứng phổ biến của những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh như:
- Mi mắt đỏ: Dấu hiệu nhiễm trùng mắt
- Chảy nước mắt nhiều: Tắc tuyến lệ
- Hai mắt không phối hợp với nhau: Dấu hiệu rối loạn vận động các cơ mắt
- Con ngươi trắng: Đục thủy tinh thể hoặc ung thư vùng mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng: Áp lực trong mắt bị gia tăng
- Thường xuyên ra gỉ mắt
2. Một số bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh
Một số những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm:
2.1 Viêm kết mạc
Viêm kết mạc là bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh do nhiễm virus, vi khuẩn. Mẹ cần chú ý theo dõi khả năng nhìn của trẻ trong những ngày đầu đời để phát hiện kịp thời.
Trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc cần massage nhẹ nhàng với nước ấm cho bé để đẩy dịch mủ trắng. Sử dụng nước muối pha loãng lau nhẹ lên mi mắt của bé, mỗi ngày khoảng 2-3 lần. Cần đưa trẻ đi khám và sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
2.2 Tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ là một bệnh về mắt rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Trẻ bị tắc tuyến lên sẽ có tình trạng mắt đỏ, nhiều rỉ mắt, do có vật ngăn cản trong ống dẫn lệ khiến cho nước mắt không thể chảy xuống. Những ngày đầu mới sinh thường khó phát hiện trẻ bị tắc tuyến lệ hay không, hơn một tháng tuổi mới bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng.
Bà mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi, từ điểm khởi đầu là khóe mắt đến điểm kết thúc là hai lỗ mũi giúp làm thông tuyến lệ. Trong trường hợp nếu trẻ bị tắc tuyến lệ nặng, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và điều trị thích hợp.
2.3 Đục thủy tinh thể
Nguyên nhân dẫn tới đục thủy tinh thể là do nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hoá hoặc phối hợp với những bệnh lý toàn thân, hoặc do di truyền. Mắt trẻ bị bệnh sẽ thường có ánh hồng, khi chiếu đèn sẽ có ánh trắng trong mắt. Việc điều trị muộn sẽ không hồi phục được, do đó phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp cho những tổn thương bẩm sinh được phục hồi.
2.4 Lác, lé mắt
Các cơ mắt của trẻ sơ sinh có thể chưa phối hợp được tốt với nhau và làm cho mắt trẻ giống bị lác. Sau một thời gian đôi mắt sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ trên 1 tuổi mà vẫn xuất hiện tình trạng trên thì sẽ dẫn tới thị lực giảm sút, để lại hậu quả của cận thị, viễn thị và loạn thị. Nếu phát hiện càng muộn thì tình trạng càng nặng.
Tóm lại, đối với trẻ sơ sinh rất khó để phát hiện được những bất thường ở mắt. Một số bệnh cận thị, nhược thị không có biểu hiện bên ngoài khi trẻ còn quá nhỏ. Do đó, cần đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo lịch hẹn để có thể phát hiện kịp thời các bệnh về mắt và có biện pháp can thiệp sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.