Các thiết bị được sử dụng để chăm sóc trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Thanh đã có thời gian công tác 25 năm trong điều trị các bệnh lý Nhi sơ sinh.

Tại khoa chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU), có rất nhiều máy móc và thiết bị được sử dụng để chăm sóc các trẻ sơ sinh mắc nhiều bệnh lý khác nhau, đặc biệt là chăm sóc trẻ sinh non. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn một số thiết bị mà bạn có thể thấy tại khoa NICU.

1. Đèn chiếu đặc biệt (Bililights)

Đèn huỳnh quang màu xanh lam được đặt trên lồng ấp của trẻ được sử dụng để điều trị bệnh vàng da (vàng da và vàng mắt). Trẻ sơ sinh bị vàng da thường được điều trị bằng cách chiếu đèn này trong ba đến bảy ngày.

Đèn chiếu đặc biệt
Hình ảnh đèn chiếu đặc biệt trong phòng chăm sóc đặc biệt của trẻ sơ sinh

2. Máy đo huyết áp

Máy đo huyết áp là một máy được kết nối với bộ đo huyết áp được quấn quanh cánh tay hoặc chân của trẻ. Máy đo huyết áp sẽ tự động đo huyết áp của trẻ vào các thời điểm đã được cài đặt sẵn và hiển thị các chỉ số trên màn hình điện tử.

3. Máy theo dõi tim phổi

Máy này theo dõi nhịp tim và nhịp thở của trẻ. Thiết bị này được gắn bằng miếng dán đặt trên ngực của trẻ. Màn hình hiển thị thông tin hai chỉ số này trên màn hình điện tử và có thể in ra giấy. Báo động sẽ phát ra nếu nhịp tim hoặc nhịp thở của trẻ trở nên quá nhanh hoặc quá chậm.

Máy theo dõi tim phổi
Trẻ sơ sinh cần được theo dõi nhịp tim, nhịp thở chặt chẽ bằng máy theo dõi tim phổi

4. Đường truyền trung tâm (Central line)

Đây là một ống nhựa nhỏ được đưa vào trong mạch máu lớn của trẻ. Các bác sĩ có thể lấy máu qua đường truyền trung tâm hoặc sử dụng chính đường truyền này để truyền thuốc hoặc truyền dịch cho trẻ.

Ống thông tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (peripherally inserted central catheter) là một loại đường truyền trung tâm được đặt trong một trong những mạch máu chính của cơ thể.

5. Thở áp lực dương liên tục (CPAP)

Không khí được đưa đến phổi của trẻ thông qua các ống nhỏ đặt trong mũi hoặc qua một ống được đưa vào khí quản của trẻ. Các ống này được gắn vào một máy thở để giúp trẻ thở dễ dàng hơn, nhưng không thở thay cho trẻ.

Thở áp lực dương liên tục
Trẻ sơ sinh cần sử dụng thiết bị thở áp lực dương liên tục (CPAP)

6. Ống nội khí quản (Endotracheal tube)

Ống nhựa nhỏ này được đưa qua mũi hoặc miệng của trẻ và đi xuống khí quản. Ống nội khí quản được gắn vào một máy thở có thể giúp trẻ thở (tương tự như trong C-PAP) hoặc thở thay cho trẻ.

7. Lồng ấp trẻ sơ sinh (Incubator)

Trẻ sơ sinh được đặt trong lồng ấp đặc biệt này nhằm giúp giữ ấm và bảo vệ trẻ khỏi vi trùng và tiếng ồn.

8. Đường truyền tĩnh mạch (IV)

Hầu hết trẻ sinh non và ốm yếu không thể được cho ăn ngay lập tức, vì vậy trẻ sẽ được nhận chất dinh dưỡng và chất lỏng qua đường truyền tĩnh mạch.

Để thiết lập đường truyền tĩnh mạch, bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ đưa một cây kim hoặc ống rất nhỏ vào một tĩnh mạch nhỏ ở bàn tay, bàn chân, cánh tay, cẳng chân hoặc da đầu của trẻ.

Đường dây sẽ được nối đến một máy bơm tiêm điện được đặt cố định trên cột sắt bên cạnh giường của trẻ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể nhận được thuốc và truyền máu qua đường truyền tĩnh mạch.

Paracetamol đường tĩnh mạch được truyền tĩnh mạch trực tiếp
Trẻ nhận được thuốc, dinh dưỡng qua việc thiết lập đường truyền tĩnh mạch

9. Ống thông mũi (Nasal cannula ) hoặc ngạnh mũi (nasal prongs)

Những ống nhựa nhỏ này có kích thước vừa với lỗ mũi trẻ và có nhiệm vụ cung cấp oxy. Thiết bị này thường được sử dụng với phương pháp điều trị được gọi là thở áp lực dương liên tục (CPAP), đây là thiết bị sử dụng máy thở để cung cấp không khí có áp suất đến phổi của trẻ.

10. Máy Oxygen hood

Đây là một hộp nhựa trong suốt, vừa với đầu của trẻ và cung cấp oxy cho trẻ. Thiết bị này được sử dụng cho những trẻ có thể tự thở nhưng vẫn cần hỗ trợ thêm oxy.

11. Máy đo nồng độ Oxy trong máu (Pulse oximeter)

Máy đo nồng độ Oxy trong máu là một thiết bị nhỏ hình chữ U kẹp vào ngón chân hoặc ngón tay của bé và được cố định bằng băng co giãn. Thiết bị này sử dụng một cảm biến ánh sáng để đo mức độ oxy trong máu của trẻ và cảm biến này hoàn toàn không làm tổn thương trẻ. Thiết bị này giúp các bác sĩ và điều dưỡng xác định xem trẻ có cần oxy nhiều hơn hay ít hơn, đồng thời các chỉ định xét nghiệm máu gây đau cho trẻ.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
. Máy đo nồng độ Oxy trong máu (Pulse oximeter) cho phép chỉ định xét nghiệm máu hay không

12. Giường Radiant warmer

Chiếc giường đặc biệt này được trang bị nguồn sưởi trên cao để cung cấp nhiệt cho trẻ. Thiết bị này có thể sử dụng máy sưởi thay cho lồng ấp nếu trẻ cần được chăm sóc thường xuyên.

13. Ống thông rốn

Dây rốn của trẻ có hai động mạch và một tĩnh mạch. Một ống mỏng (ống thông) có thể được đưa vào một trong những mạch này và luồn đến động mạch chủ, động mạch lớn nhất cung cấp oxy cho cơ thể.

Thông qua ống thông này, các bác sĩ và điều dưỡng có thể lấy máu mà không gây đau đớn cho trẻ, do đó nhân viên Y tế sẽ không cần phải dùng kim tiêm nhiều lần để lấy máu cho trẻ. Ngoài ra, trẻ có thể được cung cấp chất lỏng, máu, chất dinh dưỡng và thuốc thông qua ống này. Một thiết bị nhỏ có thể được gắn vào ống thông để liên tục theo dõi huyết áp của trẻ.

14. Máy thở

Máy thở (còn được gọi là máy hô hấp) là một máy thở cơ học để cung cấp không khí đã được làm ấm và làm ẩm đến phổi của trẻ. Những trẻ sinh non ốm yếu nhất sẽ cần phải thở máy, nghĩa là máy này sẽ thở tạm thời thay cho trẻ, trong khi chờ cho phổi của trẻ hồi phục.

Không khí được đưa đến phổi của trẻ thông qua ống nội khí quản (một ống nhựa nhỏ được đưa qua mũi hoặc miệng của trẻ và đi xuống khí quản). Thông qua máy này, bác sĩ có thể điều chỉnh lượng oxy, áp suất không khí và số lần thở mỗi phút để đáp ứng nhu cầu của từng trẻ.

Máy thở
Máy thở thường được áp dụng cho trẻ ốm yếu hoặc sinh non

15. Trao đổi khí Oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)

Đây là phương pháp điều trị đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh mắc bệnh hô hấp không đáp ứng với sự chăm sóc y tế tối đa. Với ECMO, máu từ tĩnh mạch của trẻ được bơm qua phổi nhân tạo để bổ sung oxy và loại bỏ carbon dioxide. Sau đó máu được trả lại cho trẻ. ECMO chỉ được sử dụng trong các khoa Chăm sóc tích cực sơ sinh (NICU) và dùng để chăm sóc đặc biệt cho trẻ sinh non có các vấn đề bệnh lý nặng.

16. Máy chụp X-quang

Máy X-quang di động có thể được mang đến cạnh giường của trẻ trong khoa NICU. Máy chụp X-quang sử dụng chùm năng lượng điện từ vô hình để tạo ra hình ảnh của các mô bên trong, xương và các cơ quan trên phim. Trẻ cần chụp X-quang vì nhiều lý do, bao gồm kiểm tra vị trí đặt ống thông và các ống khác, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường của phổi, chẳng hạn như hội chứng suy hô hấp nặng hoặc tràn khí màng phổi và kiểm tra các dấu hiệu của các vấn đề về đường ruột.

17. Chụp cắt lớp (CT)

Chụp CT là một thủ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sự kết hợp của tia X và công nghệ máy tính để tạo ra hình ảnh ngang hoặc dọc (thường được gọi là các lát cắt) của cơ thể. Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm xương, cơ, mỡ và các cơ quan. Chụp CT cho hình ảnh chi tiết hơn chụp X-quang thông thường. Chụp CT đôi khi được thực hiện để đánh giá chảy máu bên trong đầu của trẻ. Chụp CT được thực hiện trong một phòng đặc biệt và trẻ có thể cần sử dụng thuốc an thần để trẻ nằm yên trong quá trình thực hiện.

Chụp cắt lớp mô phỏng
Hình ảnh kỹ thuật chụp cắt lớp (CT)

18. Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Máy MRI là thiết bị sử dụng một nam châm lớn, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan và các mô khác trong cơ thể. Giống như chụp CT, máy MRI được thực hiện trong một khu vực đặc biệt của bệnh viện. Nó thường được thực hiện để kiểm tra thân não, tủy sống và các mô mềm của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, stanfordchildrens.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan