Bé 14 tháng nặng 7-8kg có phải là suy dinh dưỡng?

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển về thể chất của trẻ. Đặc biệt trong những năm đầu đời, nếu trẻ được chăm sóc tốt, trẻ sẽ phát triển toàn diện, ít ốm đau, bệnh tật. Do đó, một trong những chỉ số được các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất đó là cân nặng của trẻ, vậy bé 14 tháng nặng 7kg - 8kg có được gọi là suy dinh dưỡng?

1. Suy dinh dưỡng là gì?

Suy dinh dưỡng được định nghĩa là tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết đối với cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến quá trình sống, hoạt động và sự tăng trưởng. Suy dinh dưỡng thường phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 24 tháng tuổi, đây là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh, cần nhu cầu dinh dưỡng cao, tập trung thích ứng với môi trường sống và thường rất nhạy cảm với các loại bệnh tật.

Suy dinh dưỡng xảy ra khi chế độ ăn uống của trẻ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng hoặc do cơ thể trẻ gặp các vấn đề về hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn:

  • Trẻ không bú sữa mẹ đầy đủ, trẻ ăn dặm sớm trước 4 tháng tuổi;
  • Thức ăn mà phụ huynh chuẩn bị không hợp khẩu vị, trẻ không ăn đa dạng các loại thực phẩm;
  • Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng (tiêu chảy, viêm phổi, giun sán...), sử dụng thuốc kháng sinh cùng lúc sẽ diệt các vi khuẩn có lợi, làm giảm quá trình lên men thức ăn, dẫn đến kém hấp thu và biếng ăn;
  • Trẻ gặp vấn đề tâm lý, phụ huynh ép buộc trẻ ăn quá mức làm nảy sinh tâm lý sợ hãi, lâu ngày gây ra chứng chán ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.

Trẻ suy dinh dưỡng rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường ruột, trẻ thường phát triển chậm cả về thể chất lẫn tinh thần, tất cả các cơ quan trong cơ thể trẻ giảm phát triển đặc biệt là hệ cơ xương, hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao và tầm vóc của trẻ về sau. Quan trọng hơn hết đó là trẻ suy dinh dưỡng thường giảm phát triển trí não, chậm chạp, giảm khả năng học hỏi, tiếp thu, giao tiếp kém và khả năng làm việc thường thấp khi trẻ trưởng thành.

bé 14 tháng nặng 8kg
Suy dinh dưỡng xảy ra do trẻ gặp vấn đề tâm lý, phụ huynh ép buộc trẻ ăn quá mức

2. Trẻ 14 tháng tuổi nặng 7kg - 8kg có suy dinh dưỡng không?

Đối với một em bé 14 tháng tuổi theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng trung bình cần đạt ở bé trai là 10,1kg với chiều cao trung bình là 78cm, ở bé gái cân nặng trung bình cần đạt là 9,4kg và chiều cao là 76,4cm. Bên cạnh đó, trẻ 14 tháng tuổi thường mọc được 10 răng và đang chập chững biết đi.

Tuy nhiên, cũng theo biểu đồ cân nặng theo tuổi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với trẻ 14 tháng tuổi:

  • Nếu bé 14 tháng nặng 8kg là bé gái thì lúc này bé được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng (nhưng chưa được tính là suy dinh dưỡng), trường hợp bé gái 14 tháng chỉ nặng 7kg thì được xem là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân mức độ vừa.
  • Đối với bé trai, bé 14 tháng nặng 7kg hay 8kg đều được xếp vào nhóm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân mức độ vừa.

Bên cạnh cân nặng không đạt tiêu chuẩn, trẻ 14 tháng được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:

  • Cân nặng của trẻ không tăng theo mức dự kiến trong 3 tháng liên tiếp;
  • Xuất hiện những thay đổi trong hành vi, như quấy khóc thường xuyên, ít vui chơi và hoạt động kém linh hoạt, chậm chạp hơn hẳn những trẻ cùng độ tuổi khác;
  • Cơ bắp ở tay chân mềm nhão, bụng ngày càng to dần;
  • Đặc biệt, dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là trẻ 14 tháng tuổi nặng 8kg thường sẽ chậm đạt được các cột mốc phát triển vận động như chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng;
  • Ngoài ra, một tình trạng rất phổ biến hiện khác chính là trẻ thường biếng ăn, ăn ít kéo dài.
bé 14 tháng nặng 8kg
Bé trai 14 tháng nặng 7kg hay 8kg được xếp vào nhóm suy dinh dưỡng thể nhẹ cân mức độ vừa

3. Một số lưu ý giúp trẻ tăng cân

Có thể thấy trẻ 14 tháng nặng 8kg hoặc thậm chí trẻ chỉ nặng 7kg là số cân nặng thấp hơn cân nặng tiêu chuẩn cần đạt đối với cả bé trai lẫn bé gái. Do vậy, các bậc cha mẹ có thể cải thiện cân nặng cho trẻ từ chế độ ăn. Một gợi ý giúp trẻ tăng cân nhanh hơn đó là tăng ăn thêm cả lượng sữa và cháo, hạn chế uống quá nhiều các loại nước khác như nước hoa quả, nước “trắng” để trẻ có chỗ chứa nhiều sữa hơn trong dạ dày;

Trẻ lười ăn cần được uống thêm các vitamin và men tiêu hoá (tác dụng giúp trẻ ăn ngon miệng hơn). Khi trẻ đã ăn tốt thì không nên tiếp tục dùng men tiêu hóa, nếu dùng men tiêu hóa kéo dài sẽ dẫn đến hiện tượng ức chế tiết men tự nhiên trong đường ruột của trẻ, dẫn đến tình trạng giảm hấp thu và không có lợi cho sự phát triển của bé về lâu dài;

Phụ huynh cần lưu ý không có loại thức ăn nào có thể cung cấp đầy đủ tất cả các loại vitamin. Các loại vitamin tan trong dầu (A, D, K, E) thường có trong dầu (mỡ), các vitamin tan trong nước (vitamin B1, B2, B6, B12, PP, C,...) thường xuất hiện trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc... vì vậy phụ huynh cần cho trẻ ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm và sữa bổ sung;

Khi cho trẻ ăn cần tránh làm cho trẻ sợ, kiên trì cho trẻ ăn hết xuất, tạo không khí vui vẻ, tránh để trẻ vừa ăn vừa khóc. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên thay đổi thực đơn thường xuyên để kích thích vị giác của trẻ, giúp trẻ ăn được nhiều hơn.

Việc cải thiện, giúp trẻ tăng cân hiệu quả có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Tốt nhất khi có tình trạng trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, cha mẹ nên phối hợp với bác sĩ chuyên khoa nhi lên thực đơn đủ dinh dưỡng, đủ kẽm cho bé giúp con được phát triển một cách toàn diện trong từng độ tuổi.

Ngoài ra, trẻ 14 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan