Bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi dịch sốt xuất huyết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Cao Thị Thanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và trẻ em là tình trạng đáng lo ngại vì nhóm đối tượng này khi đã mắc thì bệnh rất dễ trở nặng, do vậy các bậc phụ huynh cần chú ý bảo vệ và chăm sóc thật thận trọng cho trẻ để tránh dịch sốt xuất huyết.

1. Tổng quan về sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ em

Sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền qua vết muỗi đốt. Trẻ sinh ra từ những người mẹ đã từng bị sốt xuất huyết khi mắc bệnh thường bệnh cảnh sẽ nghiêm trọng hơn.

Virus Dengue được chia làm 4 loại, gọi là 4 type Dengue khác nhau và tất cả đều có khả năng gây bệnh sốt xuất huyết cho con người. Nếu một người trước đó đã từng mắc bệnh do 1 type virus Dengue gây ra, rồi sau đó bị nhiễm 1 type virus Dengue khác thì bệnh rất dễ phát triển thành sốt xuất huyết thể nặng, sốc sốt xuất huyết, đặc trưng bởi tình trạng xuất huyết nặng, thoát huyết tương, giảm tiểu cầu và bạch cầu.

Một số trường hợp nhiễm virus sốt xuất huyết lần đầu vẫn có thể gây ra triệu chứng sốt xuất huyết nặng, sốc sốt xuất huyết. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do nhiễm trùng thứ phát khi mắc phải một type virus Dengue khác, xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên ở đối tượng trẻ sơ sinh, nhiễm trùng nguyên phát do virus Dengue thậm chí đã có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết. Tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh cao hơn so với trẻ lớn.

Nếu gia đình bạn đang sống hoặc đi du lịch đến khu vực đang có dịch sốt xuất huyết, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi chỉ cần bị một vết muỗi đốt thì nguy cơ mắc sốt xuất huyết là khá cao. Cách tốt nhất để bảo vệ trẻ là hạn chế nguy cơ bị muỗi đốt.

Cơ chế bệnh sinh phức tạp của sốt xuất huyết nặng đối với trường hợp nhiễm nguyên phát ở trẻ sơ sinh, với nhiều yếu tố gây nhiễu liên quan đến tuổi tác, đang là thách thức đối với các nhà khoa học. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và trẻ em thường không được nghiên cứu chi tiết do những hạn chế trong thực tế lâm sàng. Thế nhưng, khi quan sát mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhũ nhi và trẻ sơ sinh, các nhà khoa học đã quyết định tập trung nghiên cứu vào nhóm đối tượng này.

2. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở trẻ em

Sự khác biệt liên quan đến độ tuổi đã được xác định trong những trường hợp mắc sốt xuất huyết. Những khác biệt thể hiện ở tỷ lệ mắc và biểu hiện lâm sàng cụ thể. Theo đó, nguy cơ mắc sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường cao hơn. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết thể nặng ở trẻ sơ sinh theo tuổi cụ thể là 0,5 trên 1000 trẻ từ 3 - 8 tháng tuổi. Gánh nặng điều trị sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở nhóm đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ em từ 5 đến 9 tuổi.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết ở trẻ em xảy ra khá phổ biến, xuất hiện ở hầu hết các tỉnh khắp cả nước, đặc biệt là khu vực duyên hải miền Trung và miền Nam. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào khoảng thời gian đầu mùa mưa, cao điểm vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch và giảm dần vào các tháng cuối năm. Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thường gặp ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết, do đó phương pháp kiểm soát bệnh chủ yếu là sử dụng biện pháp xua muỗi, diệt muỗi, diệt bọ gậy, chủ động phòng chống muỗi đốt và sử dụng biện pháp hoá học để xử lý khi xuất hiện các ổ dịch lớn.

Nhận diện sốt xuất huyết ở trẻ dưới 1 tuổi
Nguy cơ và tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường cao hơn các đối tượng khác

3. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có thể khó nhận biết và tương tự như biểu hiện khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng thường gặp. Phụ huynh cần lưu ý, trẻ mắc bệnh không thể tự nhận biết hoặc nói với với bố mẹ về tình trạng sức khỏe của mình.

Phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu thay đổi thân nhiệt sau đây:

  • Sốt (từ 38oC trở lên);
  • Thân nhiệt hạ thấp (dưới 36oC), kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
    • Trẻ cáu kỉnh, quấy khóc, kích động quá mức hoặc buồn ngủ;
    • Phát ban da;
    • Chảy máu bất thường (máu ở nướu răng, chảy máu mũi, bầm tím bất thường);
    • Nôn (3 lần trở lên trong 1 ngày).

4. Vì sao bệnh cảnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh thường diễn tiến nặng?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kháng thể IgG với virus Dengue có nguồn gốc từ mẹ là yếu tố quyết định tải lượng virus và bệnh cảnh lâm sàng ở trẻ thông qua cơ chế tăng cường miễn dịch phụ thuộc kháng thể (ADE), xảy ra đối với các type huyết thanh của virus Dengue. Nhiễm sốt xuất huyết thông qua cơ chế ADE gây ức chế đáp ứng miễn dịch liên quan đến hoạt động của các đại thực bào. Điều này thể hiện trong trong một số nghiên cứu, trong đó trẻ sơ sinh thuộc nhóm nghiên cứu có sự gia tăng nhạy cảm đối với các bệnh nhiễm trùng khác nhau.

Các tế bào Treg (tế bào lympho T có chức năng điều hòa) đã ngăn chặn các đáp ứng bảo vệ cơ thể chống lại virus và đẩy nhanh tiến trình bệnh. Cường độ đáp ứng thấp hơn của tế bào T thích ứng dẫn đến sự nhân lên nhanh của virus Dengue. Trong khi đó, trẻ sơ sinh có số lượng các tế bào T hỗ trợ đặc hiệu với kháng nguyên thấp hơn, dẫn đến bệnh cảnh dễ trở nặng. Hơn nữa, hoạt động của các tế bào đuôi gai (hay tế bào tua) ở trẻ sơ sinh còn hạn chế, khả năng sản xuất IL-12 thấp, chức năng điều hòa của protein chưa thật sự hoàn thiện. Những nguyên nhân này khiến cho bệnh cảnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi dễ diễn tiến trầm trọng, ngay cả trong lần mắc virus Dengue đầu tiên.

5. Chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết tại nhà

Chăm sóc trẻ em mắc sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị:

  • Kiểm soát sốt: Cho trẻ uống acetaminophen (paracetamol) và tắm bằng nước mát;
  • Bổ sung nước: Giúp bé không bị mất nước do sốt, nôn hoặc không ăn uống được;
  • Theo dõi các dấu hiệu mất nước: Thóp đầu của trẻ bị lõm xuống, miệng, lưỡi hoặc môi trở nên khô, mắt trũng, trẻ khóc nhưng không có hoặc có rất ít nước mắt, lượng nước tiểu giảm (số lần thay tã ít hơn bình thường).

Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu mất nước trầm trọng ở trẻ sơ sinh.

Trẻ sốt
Cha mẹ cần kiểm soát sốt cho con bằng cách tắm nước mát hoặc sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ

6. Phòng chống nguy cơ sốt xuất huyết ở trẻ

Nếu đang sống hoặc đi du lịch đến khu vực đang có dịch sốt xuất huyết, bố mẹ cần chủ động bảo vệ trẻ em nhỏ dưới 2 tháng tuổi bằng cách sử dụng lưới chống muỗi che nôi, xe đẩy và ghế đẩy cho trẻ. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, nhưng nên dùng loại áo quần dài, có thể che tới tay và chân.

Sử dụng thuốc chống côn trùng đúng cách:

  • Luôn đọc và làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Chú ý các thành phần có thể gây hại cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi;
  • Người lớn nên bôi thuốc chống muỗi vào tay mình, sau đó thoa lên da bé;
  • Các sản phẩm có chứa tinh dầu khuynh diệp không nên sử dụng cho trẻ em dưới 3 tuổi.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn, diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách:

  • Thả cá vào các vật dụng chứa nước trong nhà (như thau, bể, giếng, chum, vại, lu, khạp...) để diệt bọ gậy (lăng quăng);
  • Thu gom, dọn dẹp các vật dụng phế thải quanh nhà, bao gồm chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., vệ sinh nhà cửa, sân vườn, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến;
  • Định kỳ thay nước trong các dụng cụ đựng nước;
  • Khi xảy ra dịch, cần phối hợp cùng địa phương để phòng chống dịch trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi vào không gian.

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi và trẻ em có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ. Để tránh sốt xuất huyết diễn tiến phức tạp, nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh, bố mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ tại cơ sở y tế.

Để phòng tránh trẻ bị sốt xuất huyết cũng như các bệnh khác, cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất; đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm.

Lysine rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ, Lysine thúc đẩy sản xuất men tiêu hóa để kích thích trẻ ăn ngon hơn và tiêu hóa dễ dàng, hiệu quả, gia tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng từ thực phẩm.Tăng cường lysine cho bé còn giúp cơ thể tạo kháng thể, phát triển sức đề kháng giúp làm giảm ho, loãng đờm ở trẻ.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cdc.gov và Ncbi.nlm.nih.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan