Ảnh hưởng của bổ sung vi chất dinh dưỡng đến tăng trưởng tuyến tính của trẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nghiên cứu cho thấy bổ sung vi chất dinh dưỡng có lợi ích không đáng kể đến tăng trưởng tuyến tính. Cụ thể, kẽm và sắt có ảnh hưởng khiêm tốn đến tăng trưởng tuyến tính ở những trẻ bị thiếu hụt. Trong khi đó vitamin A không có tác dụng quan trọng đối với sự tăng trưởng tuyến tính.

1. Tổng quan

Chậm phát triển tuyến tính thường gặp ở trẻ em thuộc các nhóm kinh tế xã hội thấp tại các nước đang phát triển. Sự chững lại này bắt đầu từ khi các bé còn trong bụng mẹ và kéo dài đến cả cuộc đời sau khi sinh, nổi bật nhất là trong 18 - 24 tháng đầu. Căn nguyên gây giảm tăng trưởng tuyến tính được cho là có liên quan đến một số yếu tố như: suy dinh dưỡng ở bà mẹ mang thai và khẩu phần ăn kém chất lượng ở trẻ sơ sinh, nhiễm trùng thường xuyên và môi trường tâm lý, xã hội không tốt,...

Thiếu vi chất dinh dưỡng trước khi sinh có thể khiến thai nhi tăng trưởng tuyến tính chậm hơn trong thời kỳ hậu sản hoặc dẫn đến dự trữ chất dinh dưỡng thấp khi sinh. Lượng vi chất dinh dưỡng hấp thụ thấp của trẻ sơ sinh có thể là do sữa mẹ kém chất lượng vì thiếu hụt dinh dưỡng, và cũng có thể do các bé ăn bổ sung không đầy đủ trong giai đoạn sau sơ sinh. Chế độ ăn nghèo nàn thường thiếu các chất dinh dưỡng như sắt, canxi, kẽm và vitamin A. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển mắc các bệnh nhiễm trùng thường xuyên, dẫn đến giảm ăn, suy giảm hấp thu, mất chất dinh dưỡng, có vấn đề ở quá trình trao đổi chất và các rối loạn chuyển hóa khác,... tất cả đều góp phần làm giảm tốc độ tăng trưởng tuyến tính.

Các vi chất dinh dưỡng liên quan đến tăng trưởng tuyến tính đều là thiết yếu và đã được WHO xác định bao gồm iốt, kẽm, selen, đồng, chì, crom, vitamin A và canxi. Liên tục bị thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này ở một ngưỡng nhất định sẽ dẫn đến giảm một hoặc nhiều chức năng sinh lý quan trọng.

2. Thử nghiệm bổ sung các vi chất dinh dưỡng riêng lẻ

2.1. Kẽm

Thiếu kẽm được cho là có liên quan đến chế độ ăn nhiều chất xơ và ít protein, cũng như ở những trẻ mắc các bệnh giun sán. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy sự tăng trưởng tuyến tính không được cải thiện sau khi đã bổ sung kẽm. Nguyên nhân có thể do thời gian bổ sung ngắn và sự hấp thu kẽm bị cản trở do chế độ ăn không phù hợp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã cho thấy sự tăng trưởng tuyến tính được cải thiện sau khi bổ sung kẽm. Nhìn chung, bổ sung kẽm dẫn đến tăng kích thước của trẻ thấp còi, nhưng con số là không quá lớn. Hiện tại chỉ có thể kết luận kẽm là một vi chất dinh dưỡng quan trọng, có ảnh hưởng đến tăng trưởng tuyến tính ở những đối tượng bị thiếu kẽm.

2.2. Vitamin A

Mối liên quan giữa giảm tốc độ tăng trưởng tuyến tính và các dấu hiệu thiếu vitamin A lâm sàng (quáng gà, bệnh kết mạc) đã thúc đẩy các thử nghiệm kiểm tra tác động của việc bổ sung vitamin A đối với sự tăng trưởng tuyến tính. Tuy nhiên, không tìm thấy lợi ích tăng trưởng tuyến tính khi bổ sung vitamin A ở cả nam và nữ. Chỉ có một vài nghiên cứu cho thấy lợi ích nhưng không đáng kể. Cho đến nay vẫn không có đủ bằng chứng xác nhận rằng bổ sung vitamin A thường xuyên có tác động đến sự tăng trưởng tuyến tính. Vì vậy các nhà khoa học không thể đưa ra kết luận nào về tác động của vitamin A ở trẻ em bị thiếu hụt.

bổ sung vi chất dinh dưỡng
Thử nghiệm bổ sung vi chất dinh dưỡng cụ thể là vitamin A cho trẻ

2.3. Sắt

Có một số nghiên cứu nhỏ đã kiểm tra tác động của việc bổ sung sắt đối với sự phát triển tuyến tính ở trẻ nhỏ, nhưng kết quả là không thống nhất. Một số nghiên cứu cho biết 80% trẻ em bị thiếu máu nhận được lợi ích tăng trưởng tuyến tính đáng kể sau khi bổ sung sắt. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu đã báo cáo tác động tiêu cực ở trẻ em thiếu máu và tác động có lợi ở những trẻ không bị thiếu máu. Không có nghiên cứu nào ở trẻ em thiếu máu nhưng không thiếu sắt báo cáo tác động có lợi của việc bổ sung sắt. Ngược lại, có một số ý kiến ​​cho rằng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng bất lợi trong những trường hợp này. Kết luận, việc bổ sung sắt chỉ có tác động đáng kể đến tăng trưởng tuyến tính ở trẻ thiếu máu. Tác động bất lợi khi bổ sung sắt cho trẻ không bị thiếu máu cần được xác nhận thêm.

2.4. Iốt

Các nghiên cứu quan sát thấy thiếu hụt iốt có liên quan đến chậm phát triển tuyến tính và sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào đưa ra kết quả về việc bổ sung iốt với tăng trưởng tuyến tính. Nhìn chung, các chuyên gia y tế vẫn khuyến cáo dùng muối iốt cho những người thiếu iốt.

2.5. Canxi, phốt pho và magiê

Bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật và quan sát ở trẻ em cho thấy chế độ ăn uống không đủ canxi có thể góp phần làm chậm tăng trưởng tuyến tính. Một nghiên cứu trên trẻ em 3 - 6 tuổi được bổ sung 65 mg canxi/ ngày trong 4 - 5 ​​tháng đã tăng chiều cao từ 0,36 cm trở lên. Tương tự ở độ tuổi từ 6 - 12, trẻ tăng trưởng chiều cao hơn 0,53 cm sau khi được bổ sung 130 mg canxi/ ngày trong 3 tháng. Tuy nhiên, một đánh giá gần đây đã kết luận rằng việc bổ sung canxi đơn lẻ hoặc kết hợp cùng với phốt pho không giúp trẻ tăng trưởng chiều cao hay cải thiện cân nặng của trẻ em ở các nước đang phát triển (với lượng canxi tiêu thụ từ thấp đến trung bình).

Trẻ em suy dinh dưỡng đã được báo cáo là có mức magiê thấp. Khi bổ sung magne mỗi ngày trong thời gian khoảng một tháng, tốc độ phục hồi sau suy dinh dưỡng của trẻ đã tăng nhanh sau hai tuần. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều thử nghiệm để chứng minh liệu trẻ bị suy dinh dưỡng có tăng trưởng tuyến tính nhanh hơn nếu được bổ sung magne hay không.

bổ sung vi chất dinh dưỡng
Thử nghiệm bổ sung vi chất dinh dưỡng cụ thể là Iốt cho trẻ

3. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng đối với tăng trưởng tuyến tính

Rất ít nhà nghiên cứu xem xét tác động của việc bổ sung đa vi chất dinh dưỡng đối với tăng trưởng tuyến tính, cũng như không so sánh giữa bổ sung đa và đơn vi chất dinh dưỡng. Vì thế chưa thể kết luận rằng việc bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng sẽ có tác động lớn hơn đến tăng trưởng tuyến tính và sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Trong số các vi chất dinh dưỡng riêng lẻ, có bằng chứng cho thấy việc bổ sung kẽm có tác động khiêm tốn đến tăng trưởng tuyến tính ở trẻ mẫu giáo và trẻ đang đi học. Tác động có lợi của việc bổ sung sắt đối với sự tăng trưởng tuyến tính dường như chỉ xảy ra ở trẻ thiếu máu. Mặt khác, tác động đáng kể của vitamin A đối với sự tăng trưởng tuyến tính ở trẻ em là khó xảy ra.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Nguồn tham khảo: cambridge.org, researchgate.net, thelancet.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

286 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan