16 câu hỏi về dị ứng thực phẩm ở trẻ nhỏ

Dị ứng thức ăn là một vấn đề thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là các bé dưới 3 tuổi hệ miễn dịch và đường ruột còn non yếu. Hầu hết các trường hợp trẻ bị dị ứng thực phẩm đều nhẹ, nhưng đôi khi cũng đe dọa tính mạng nếu không được xử trí đúng cách.

1. Có nhiều trẻ bị dị ứng thực phẩm không?

Dị ứng thực phẩm khá phổ biến ở trẻ em, nhưng nhiều trường hợp nghi ngờ dị ứng thực phẩm thường được chẩn đoán là tình trạng khác. Ví dụ, một đứa trẻ bị đau bụng hoặc tiêu chảy sau khi ăn món gì đó, có thể không phải là dị ứng mà chỉ là khó tiêu hóa.

Nếu hiểu được cơ chế bệnh sinh, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu dị ứng thực phẩm ban đầu. Điều quan trọng là bố mẹ phải biết xử trí khi trẻ bị dị ứng thực phẩm thực sự.

2. Tại sao xảy ra phản ứng dị ứng với thực phẩm?

Khi trẻ bị dị ứng với một loại thức ăn, cơ thể sẽ coi món đó như một “kẻ xâm lược” và hệ miễn dịch phát động cuộc tấn công.

Đôi khi, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể IgE - một loại protein phát hiện ra thức ăn. Nếu trẻ ăn lại món đó, kháng thể sẽ báo cho hệ miễn dịch giải phóng histamine để chống lại “kẻ xâm lược”. Những chất này gây ra các triệu chứng dị ứng, có thể nhẹ hoặc nặng.

3. Các triệu chứng của dị ứng thực phẩm là gì?

Trẻ hắt hơi
Hắt hơi, ngứa miệng, ho khan sau khi ăn là một vài dấu hiệu cho thấy trẻ bị dị ứng thực phẩm

Các dấu hiệu dị ứng thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài phút đến 2 giờ sau khi ăn một món cụ thể. Biểu hiện của phản ứng nhẹ bao gồm:

  • Ngứa và chảy nước mắt
  • Ngứa miệng, mũi và / hoặc tai
  • Da ngứa, đốm đỏ hoặc phát ban
  • Nổi vết chàm
  • Đỏ quanh miệng hoặc mắt
  • Ho khan
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Hắt xì
  • Co thắt dạ dày
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Có vị lạ trong miệng.

Nếu trẻ có phản ứng đe dọa tính mạng (sốc phản vệ), hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Các triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp là:

  • Khó thở
  • Người tái xanh
  • Sưng môi hoặc lưỡi
  • Cổ họng căng tức hoặc khàn tiếng
  • Thở khò khè
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Đau tức ngực
  • Mạch yếu
  • Hoang mang, sợ hãi
  • Ngứa ran ở tay, chân, miệng hoặc da đầu
  • Khó nuốt, chảy nước dãi hoặc nói ngọng đột ngột

4. Cần lưu ý thêm những gì về các dấu hiệu dị ứng thực phẩm?

Các triệu chứng dị ứng thực phẩm nhẹ có thể tiến triển nghiêm trọng hơn, liên quan đến nhiều bộ phận cơ thể đáng lo ngại hơn. Ví dụ, trẻ bị dị ứng thực phẩm có thể đồng thời gặp các vấn đề về dạ dày cũng như về da, chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến một vùng.

Các triệu chứng mãn tính hoặc liên tục có thể gây khó khăn cho việc chẩn đoán dị ứng thực phẩm ở trẻ. Ví dụ, nếu trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa mãn tính như nôn mửa hoặc tiêu chảy thì nhiều khả năng là do một tình trạng khác kết hợp với dị ứng thực phẩm gây ra.

Trẻ có thể phản ứng với một loại thức ăn dù đã từng thưởng thức qua rồi và không gặp vấn đề gì. Ví dụ, trẻ bị dị ứng với trứng có thể không phản ứng trong vài lần ăn đầu tiên, nhưng cuối cùng các dấu hiệu dị ứng thực phẩm sẽ xuất hiện.

Trẻ cũng có nguy cơ tiếp xúc với chất gây dị ứng kết hợp. Ví dụ, con bạn có thể ăn trứng, sữa hoặc các loại hạt xay khi thưởng thức món bánh quy. Ngoài ra, một số trẻ dung nạp được sữa hoặc trứng khi đã chế biến kết hợp, nhưng không thể ăn được riêng lẻ.

Trứng gà
Trẻ bị dị ứng với trứng có thể không phản ứng trong vài lần ăn đầu tiên

5. Trẻ em dễ bị dị ứng với những thực phẩm nào?

Trẻ có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, nhưng 8 loại thực phẩm dưới đây là nguyên nhân gây ra 90% trường hợp dị ứng:

  • Trứng
  • Cá (chẳng hạn như cá ngừ, cá hồi và cá tuyết)
  • Sữa
  • Đậu phộng
  • Hải sản có vỏ (như tôm hùm, tôm và cua)
  • Đậu nành
  • Các loại hạt (như óc chó, quả hạch và hạt điều)
  • Lúa mì

Dị ứng với mè cũng là một mối quan tâm ngày càng tăng. Ngoài ra, còn có hơn 160 loại thực phẩm khác đã được phát hiện là gây ra phản ứng dị ứng.

6. Nên làm gì nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm?

6.1. Đối với phản ứng nghiêm trọng

Nếu con bạn phát triển triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, sưng môi hoặc lưỡi, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Phản ứng dị ứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Đường thở của trẻ có thể đóng lại trong vòng vài phút, vì vậy cần có nhân viên y tế xử trí càng sớm càng tốt.

6.2. Đối với phản ứng nhẹ hơn

  • Hãy theo dõi trẻ và đưa bến bác sĩ nếu tình hình có vẻ tệ hơn hoặc nếu nổi mề đay kéo dài hơn 24 giờ.
  • Gọi cấp cứu nếu con bạn có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào.
  • Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, diphenhydramine (Benadryl) hoặc cetirizine (Zyrtec) có thể giúp giảm các phản ứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban.
  • Tắm nước mát có thể giúp giảm ngứa, nhưng chỉ tắm trong vòng 10 phút để trẻ không bị lạnh.
  • Nếu con bạn liên tục có các triệu chứng trong vòng 2 giờ sau khi ăn một loại thực phẩm nhất định, hãy hỏi bác sĩ về việc xét nghiệm kiểm tra.
  • Hãy chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp trẻ bị dị ứng thực phẩm một lần nữa. Lần đầu tiên có thể là phản ứng nhẹ, nhưng lần tiếp theo có nguy cơ nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn kế hoạch hành động cụ thể, bao gồm cách xử trí phản ứng dị ứng.
Trẻ nổi mề đay
Hãy theo dõi trẻ và đưa bến bác sĩ nếu tình hình có vẻ tệ hơn hoặc nếu nổi mề đay kéo dài hơn 24 giờ

7. Không dung nạp thực phẩm là gì? Khác với dị ứng thực phẩm như thế nào?

Không dung nạp thực phẩm không liên quan đến hệ thống miễn dịch và hiếm khi nguy hiểm. Nếu con bạn không dung nạp thức ăn, có nghĩa là trẻ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa món đó.

Nếu mắc chứng không dung nạp, bạn có thể nhận thấy sau mỗi lần ăn hoặc uống loại thức ăn cụ thể, trẻ sẽ gặp phải các triệu chứng về tiêu hóa như:

  • Khó tiêu
  • Xì hơi
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy
  • Ợ hơi
  • Phân lỏng
  • Đau đầu
  • Khó chịu
  • Đỏ bừng.

Không dung nạp lactose là loại phổ biến nhất, do bệnh nhân bị thiếu enzym cần thiết để tiêu hóa đường lactose có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác.

8. Có phải dị ứng thực phẩm ngày càng phổ biến?

Đúng. Gần 8% tổng số trẻ em ở Hoa Kỳ bị dị ứng thực phẩm (khoảng 5,5 triệu trẻ). Khoảng 40% người bị dị ứng với nhiều hơn một loại thực phẩm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính từ năm 1997 - 1999 và 2009 - 2011, số trẻ bị dị ứng thực phẩm đã tăng 50%. Dị ứng với đậu phộng và các loại hạt tăng hơn gấp 3 lần từ năm 1997 đến năm 2008.

Các chuyên gia đang cố gắng tìm ra lý do tại sao. Đây là một chủ đề phức tạp để nghiên cứu, một phần vì mọi người có các định nghĩa khác nhau về dị ứng, cũng như có nhiều loại thực phẩm và các nhóm dân số khác nhau. Mặc dù vậy, các yếu tố di truyền, lối sống và môi trường dường như có đóng vai trò.

Nhiều chuyên gia cho rằng thời điểm tiếp xúc cũng là một yếu tố. Vì vậy, hiện tại họ đề nghị cho trẻ thử ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng ở độ tuổi sớm hơn thay vì trì hoãn đến sau này.

Phòng ngừa và xử trí dị ứng thực phẩm ở trẻ em
Hiện nay, tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ em ngày càng phổ biến

9. Dị ứng có di truyền không?

Khuynh hướng dị ứng có thể di truyền, nhưng không nhất thiết là hoàn toàn giống nhau. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng thời tiết, dị ứng vật nuôi hoặc dị ứng thực phẩm, con bạn có 50% nguy cơ mắc một số loại dị ứng, nhưng có thể không giống với bạn. Xác suất này tăng lên 75% khi cả cha và mẹ đều bị dị ứng.

Dị ứng thực phẩm có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Trẻ bị dị ứng thực phẩm cũng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan khác, chẳng hạn như bệnh chàm và hen suyễn, cao gấp 2 - 4 lần so với trẻ không bị dị ứng.

10. Trẻ bị dị ứng thực phẩm có thể khỏi hẳn không?

Tùy thuộc vào loại thức ăn, nhưng nhiều trẻ bị dị ứng thực phẩm sẽ khỏi bệnh khi trưởng thành. Đối với những trẻ khác, dị ứng sẽ kéo dài suốt đời.

Sau đây là một số thống kê:

  • Dị ứng sữa: Hơn 50% trường hợp sẽ hết ở độ tuổi 5 - 10 và 80% hết ở tuổi 16.
  • Dị ứng trứng: Khoảng 50% sẽ hết ở độ tuổi 2 - 9 và 70% hết vào năm 16 tuổi.
  • Dị ứng đậu nành: Khoảng 45% sẽ hết khi 6 tuổi và 80% hết vào năm 16 tuổi.

Đối với dị ứng đậu phộng, có tới 25% trẻ em sẽ khỏi bệnh vào một thời điểm nào đó trong đời. Tỷ lệ khỏi bệnh ở trẻ bị dị ứng với các loại hạt hoặc hải sản sẽ nhỏ hơn.

Trẻ đau bụng, tiêu chảy là dấu hiệu của dị ứng thực phẩm
Tùy thuộc vào loại thức ăn, nhưng nhiều trẻ bị dị ứng thực phẩm sẽ khỏi bệnh khi trưởng thành

11. Nên làm gì nếu trẻ có nguy cơ bị dị ứng thực phẩm?

Khi đến khám, bác sĩ có thể đề xuất bạn viết một cuốn nhật ký thực phẩm để xác định nguyên nhân, hoặc nếu con bạn vẫn còn là trẻ sơ sinh và bú bình, hãy thay đổi sữa công thức.

Bác sĩ nhi chuyên khoa dị ứng sẽ hỏi chi tiết về các triệu chứng của con bạn, xét nghiệm dị ứng da hoặc xét nghiệm máu để chẩn đoán xác định.

Nếu xét nghiệm da thấy phát ban hoặc xét nghiệm máu thấy có kháng thể IgE cao với thực phẩm thì nhiều khả năng trẻ đã bị dị ứng với món đó. Nếu các xét nghiệm âm tính, con bạn ít có khả năng bị dị ứng thực phẩm, mà có thể là do không dung nạp thực phẩm.

Bác sĩ tiêu hóa nhi khoa sẽ xác định chính xác nguyên nhân gây ra chứng không dung nạp hoặc tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến triệu chứng bất thường của trẻ.

12. Trẻ bị dị ứng thực phẩm có cần mang theo ống tiêm tự động epinephrine (EpiPen) không?

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên mang theo một ống tiêm tự động, cung cấp đúng liều lượng epinephrine (EpiPen) trong tình huống khẩn cấp để ngăn chặn phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Bác sĩ sẽ kê đơn và hướng dẫn bạn cách sử dụng. Bất kỳ ai chăm sóc trẻ cũng nên biết cách sử dụng ống tiêm tự động này phòng khi cần thiết. Khi trẻ lớn hơn, có thể tự mình mang theo ống tiêm epinephrine. Nhưng trước tiên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

13. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa dị ứng thực phẩm?

Trước đây, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã đề nghị trì hoãn việc ăn món dễ gây dị ứng ở trẻ em có nguy cơ lớn. Nhưng hiện nay, không có bằng chứng cho thấy cách này sẽ bảo vệ trẻ khỏi bị dị ứng. Trên thực tế, việc làm này lại có thể làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm.

Nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng trẻ em ít có nguy cơ bị dị ứng với thức ăn hơn khi bắt đầu ăn từ 4 - 6 tháng và trong suốt thời thơ ấu. Hiện nay, các chuyên gia khuyên bạn nên cho trẻ thử những món dễ gây dị ứng ngay khi bé đã sẵn sàng ăn dặm và dung nạp thịt, trái cây và rau.

Các nhà sản xuất thực phẩm cũng tung ra thị trường những món kết hợp các loại thực phẩm thường gây dị ứng vào chế độ ăn của trẻ. Các loại bột và thức ăn nhẹ này có thể chứa một loại protein thường gây dị ứng hoặc pha trộn nhiều loại.

Nuôi con bằng sữa mẹ có thể chống lại một số triệu chứng dị ứng, song nhà khoa học vẫn chưa khẳng định khả năng bảo vệ bé khỏi dị ứng thực phẩm cụ thể. Cân nhắc việc cho con bú sữa mẹ càng lâu càng tốt, đặc biệt nếu bạn có tiền sử dị ứng trong gia đình.

Lưu ý: Không cho trẻ uống sữa bò trước khi được 1 tuổi. Tuy nhiên, các sản phẩm có chứa protein từ sữa đã qua chế biến, chẳng hạn như pho mát và sữa chua nên được đưa vào chế độ ăn dặm của bé.

Mẹ nâng ngực có nên cho trẻ bú? (Phần 2)
Nuôi con bằng sữa mẹ có thể chống lại một số triệu chứng dị ứng, song nhà khoa học vẫn chưa khẳng định khả năng bảo vệ bé khỏi dị ứng thực phẩm cụ thể

14. Có thể ngăn ngừa dị ứng đậu phộng không?

Theo AAP, trẻ có nguy cơ cao tiếp xúc với các sản phẩm đậu phộng ngay sau khi bắt đầu ăn dặm thực sự giảm khả năng phát triển dị ứng. Thời điểm chính xác để cho trẻ ăn sản phẩm đậu phộng an toàn phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Nếu bé không bị chàm hoặc dị ứng thức ăn: Nên cho bé ăn đậu phộng tự do phù hợp với lứa tuổi, sở thích và thói quen của gia đình (6 tháng trở lên đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn).
  • Nếu con bạn bị chàm nhẹ hoặc trung bình: Hãy cho bé nếm thử sản phẩm đậu phộng an toàn lần đầu tiên vào khoảng 4 - 6 tháng tuổi - sau khi trẻ đã thử và dung nạp một số loại thực phẩm mà không gặp vấn đề gì.
  • Nếu con bạn bị chàm nặng hoặc dị ứng trứng: Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi cho con nếm thử sản phẩm đậu phộng lần đầu. Trước tiên, bé sẽ cần phải kiểm tra dị ứng vào khoảng 4 - 6 tháng.

15. Làm thế nào để chăm sóc trẻ bị dị ứng thực phẩm?

Tránh dùng loại thực phẩm cụ thể

Điều quan trọng là tránh nghiêm ngặt một loại thực phẩm cụ thể gây dị ứng. Chúng có thể xuất hiện ở những nơi bạn không ngờ và dù chỉ dùng một chút cũng đủ gây ra phản ứng nghiêm trọng. Hầu hết những người bị phản ứng nghiêm trọng đã ăn thực phẩm mà họ cho là an toàn.

Thông báo với mọi người

Nói với mọi người, bao gồm người trông trẻ, người thân, nhân viên giữ trẻ, giáo viên, về tình trạng dị ứng của con bạn và loại thực phẩm nào bé có thể ăn. Chỉ ra những loại thức ăn có thể tiềm ẩn mối nguy hiểm và yêu cầu người chăm sóc kiểm tra lại thành phần. Đừng quên cho họ biết chính xác những gì cần làm nếu trẻ có phản ứng dị ứng.

Đọc nhãn thực phẩm

Hãy thận trọng khi đọc nhãn thực phẩm, để biết những thành phần nào cần tránh và hỏi về các nguyên liệu trong các món ăn ở nhà hàng hoặc nhà bạn bè.

Trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng

Nếu con bạn phải tránh nhiều loại thực phẩm, hãy tìm gặp chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn uống của trẻ được đầy đủ.

Thay đổi chế độ ăn uống nếu bạn đang cho con bú

Các protein gây dị ứng có thể được truyền qua sữa mẹ. Vì vậy, bạn cần phải tự mình ăn kiêng nếu đang nuôi một em bé bị dị ứng thực phẩm.

Thay đổi sữa công thức

Nếu đang cho con bú sữa công thức, mà trẻ bị dị ứng với sữa bò, bạn có thể cần thay đổi loại sữa. Tuy nhiên, một số trẻ bị dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với đậu nành, vì vậy điều quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện.

Trẻ bú sữa công thức có nguy cơ bị hẹp môn vị cao hơn so với trẻ bú mẹ
Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò bạn có thể thay đổi loại sữa công thức khác cho trẻ

16. Nhà sản xuất thực phẩm bắt buộc phải liệt kê những chất gây dị ứng nào trên nhãn bao bì?

Theo luật ở một số quốc gia, các nhà sản xuất thực phẩm phải liệt kê những chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu này trên nhãn bao bì:

  • Trứng
  • Sữa
  • Lúa mì
  • Đậu nành
  • Đậu phộng
  • Các loại hạt
  • Hải sản có vỏ (cua, tôm và tôm hùm), nhưng không phải hải sản thân mềm như trai, sò hoặc mực.

Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể cho bạn biết loại thực phẩm nào gây ra các triệu chứng của trẻ, cũng như chẩn đoán phân biệt với chứng không dung nạp thực phẩm.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp các bậc cha mẹ có thêm kiến thức về tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ để cân nhắc và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

902 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan