Người nhiễm virus viêm gan C thường không biết mình mắc bệnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Khi bị Viêm gan C, người bệnh thường không nhận thấy các triệu chứng đặc trưng của bệnh, nếu để kéo dài trong nhiều năm sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan hoặc biến chứng thành ung thư gan, vì vậy cần tầm soát hàng năm để phát hiện bệnh.

1. Đối tượng có nguy cơ bị viêm gan C

Viêm gan C là bệnh lây truyền từ người mang virus viêm gan C sang cho người khỏe mạnh theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C theo đường máu chiếm tỉ lệ cao nhất, đường mẹ truyền cho con chiếm tỉ lệ khoảng 5%.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất gồm:

  • Những người cấy ghép nội tạng hoặc truyền máu

Bạn có thể nhiễm virus viêm gan C nếu bạn đã thực hiện cấy ghép nội tạng hoặc đơn giản chỉ là truyền máu, sử dụng kim tiêm chung hay xăm hình trong môi trường không sạch sẽ với các thiết bị không được khử trùng tốt.

  • Thường xuyên tiếp xúc với bệnh phẩm chứa virus viêm gan C

Nếu bạn làm việc thường xuyên trong môi trường y tế như phòng khám, bệnh viện và tiếp xúc nhiều với kim tiêm, máu bị nhiễm bệnh, máy lọc thận thì rất dễ trở thành nạn nhân của virus viêm gan C.

  • Lây nhiễm từ các nguồn khác

Những nhóm người tiêm chích ma túy là đối tượng có nguy cơ cao do họ chia sẻ chung dụng cụ tiêm mà không được sát trùng đảm bảo. Hoặc những người có quan hệ tình dục với nhiều đối tượng khác nhau như gái mại dâm, đồng tính hoặc những người có nhiều bạn tình...

Do vậy, đối với người khỏe mạnh bình thường, không có nguy cơ thì nên tầm soát mỗi năm một lần. Còn đối với những người trong đối tượng nguy cơ như có chồng hoặc vợ bị nhiễm bệnh, người tiếp xúc chế phẩm máu, nhân viên y tế, có phẫu thuật, tiêm chích... thì nên tầm soát 3 đến 6 tháng một lần. Đặc biệt, với những người chạy thận nhân tạo thường xuyên, người nghiện ma túy, quan hệ tình dục bừa bãi thì nên xét nghiệm 1 đến 3 tháng một lần để sớm phát hiện và có phác đồ điều trị bệnh.

2. Viêm gan C có thể gây tử vong không?

Viêm gan C có 2 giai đoạn: viêm gan C cấp tính và viêm gan C mãn tính. Trong thực tế, ở giai đoạn viêm gan C mãn tính sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan hoặc biến chứng thành ung thư gan, đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong ở người bị viêm gan C.

Tuy nhiên, hiện nay đã có thuốc uống điều trị với hiệu quả rất cao (trên 95%) và an toàn (hầu như không có phản ứng phụ) nên nếu điều trị sớm thì có thể hoàn toàn hết bệnh. Nhưng nếu điều trị ở giai đoạn xơ gan thì hiệu quả kém hơn, vẫn có thể xảy ra biến chứng.

Viêm gan
Viêm gan C mãn tính có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan

3. Triệu chứng viêm gan C

Viêm gan C được gọi là "kẻ sát nhân thầm lặng" vì virus thường ẩn trong cơ thể nhiều năm. Hầu hết mọi người không có dấu hiệu cảnh báo viêm gan C nên họ sẽ không điều trị cho đến nhiều năm sau đó. Khi bệnh viêm gan C xuất hiện triệu chứng hoặc chẩn đoán được thực hiện thì bệnh đã gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

  • Triệu chứng viêm gan C cấp tính:

Những người bị viêm gan siêu vi C cấp tính thường không có bất cứ biểu hiện (triệu chứng) nào. Tuy nhiên, một số người sẽ có những biểu hiện từ nhẹ tới nặng sau khi bị nhiễm virus, bao gồm:

-Mệt mỏi, chán ăn: Đây là dấu hiệu khá phổ biến ở người bệnh viêm gan C cấp. Người bị nhiễm có triệu chứng này là do virus viêm gan C tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch, từ đó khiến cho người bệnh mệt mỏi, lười hoạt động, ngại di chuyển ngay cả khi nằm.

Mệt mỏi
Mệt mỏi, chán ăn do virus viêm gan C tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch

-Sốt nhẹ: Đây là một trong các biểu hiện viêm gan C, triệu chứng sốt này có thể kéo dài hoặc xảy ra theo từng cơn. Thông thường, người bệnh khá lơ là khi có dấu hiệu này vì nghĩ chỉ do thời tiết hoặc cảm mạo bình thường.

-Da vàng, ngứa hoặc mắt vàng: Ở giai đoạn đầu, triệu chứng này rất ít xuất hiện. Nguyên nhân của triệu chứng này là do virus viêm gan C làm cho hoạt động của gan bị trì trệ, ảnh hưởng đến khả năng lọc thải các chất độc có hại ra khỏi cơ thể, từ đó khiến cho nồng độ bilirubin trong máu tăng cao nên sẽ gây hiện tượng vàng mắt, vàng da ở người bệnh.

Ngoài những triệu chứng kể trên, người bệnh còn có thể có một số biểu hiện viêm gan C khác, như: Đau nhức cơ bắp; Đau ở phần trên bên phải của ổ bụng; Đau cơ hoặc khớp; Buồn nôn hoặc Nôn; Đau dạ dày, sụt cân; Nước tiểu vàng sậm, phân bạc màu; Dễ chảy máu, dễ bầm tím.

  • Triệu chứng viêm gan C mãn tính:

Hầu hết bệnh nhân viêm gan C mãn tính không có triệu chứng. Người bị nhiễm virus viêm gan C trong nhiều năm thì gan có thể bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, bệnh không biểu hiện triệu chứng cho tới khi xuất hiện những biến chứng.

Ở những bệnh nhân không có triệu chứng, viêm gan C thường được phát hiện nhờ xét nghiệm men gan trong máu (ALT, AST) thấy tăng cao và có tới 1/4 số người mắc bệnh viêm gan C mạn tính tiếp tục bị xơ gan hoặc sẹo nghiêm trọng ở gan. Những người này cũng có thể có các triệu chứng khác, bao gồm sưng ở chân và bụng, tích tụ chất độc trong máu có thể dẫn đến tổn thương não.

Tuy nhiên, triệu chứng viêm gan C ở mỗi người bệnh khác nhau. Có những người mắc bệnh nhưng không có bất kỳ một triệu chứng gì hoặc triệu chứng rất mờ nhạt, không đủ để nhận biết. Thực tế, nhiều trường hợp mắc bệnh nhiều năm mà không hề biết. Bởi vậy, chỉ có các xét nghiệm chuyên khoa mới cho phép chẩn đoán và phân loại các viêm gan do virus viêm gan C gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan