Sự khác biệt giữa da mặt và da toàn thân

Da là cơ quan lớn nhất cơ thể, có chức năng bao phủ, bảo vệ con người khỏi các tác nhân và duy trì môi trường bên trong cơ thể. Cấu tạo chung của làn da gồm có 3 lớp là biểu bì, hạ bì và mô dưới da. Tuy nhiên, cấu trúc các lớp của làn da lại không hoàn toàn giống nhau giữa da mặt và các vùng da khác. Hiểu được sự khác nhau giữa da mặt và da toàn thân, ta sẽ hiểu vì sao chăm sóc da mặt cần được thực hiện nhẹ nhàng hơn các vùng da khác.

1. Sự khác biệt giữa da mặt và da toàn thân ở lớp biểu bì

Biểu bì là lớp ngoài cùng của da, là lớp mà ta có thể nhìn thấy và chạm vào được. Lớp biểu bì có vai trò vô cùng quan trọng, giúp ngăn cản sự xâm nhập của các chất lạ vào da đồng thời ngăn chặn sự mất nước của da. Lớp biểu bì được chia thành 5 lớp tế bào, theo thứ tự từ ngoài vào trong gồm lớp sừng, lớp bóng, lớp hạt, lớp tế bào gai và lớp đáy. Các lớp này luôn phát triển và thay đổi thường xuyên, gọi là quá trình sừng hóa.

  • Các tế bào Keratinocytes chiếm 90% các tế bào trong lớp biểu bì. Keratinocytes mới được sinh ra từ lớp đáy - lớp sâu nhất của biểu bì, chúng luôn được tạo ra và di chuyển về phía bề mặt của lớp biểu bì. Rải rác trong lớp đáy là các tế bào melanocytes tạo sắc tố melanin, giúp bảo vệ da trước tác hại của bức xạ mặt trời.
  • Lớp biểu bì chứa các tế bào langerhans, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch, giúp ngăn chặn các tác nhân gây hại xâm nhập.
  • Các tế bào Merkel nằm rải rác ở lớp đáy, chịu trách nhiệm về xúc giác. Khi ta chạm vào một vật gì, tế bào Merkel sẽ gửi tín hiệu qua các dây thần kinh và lên não, não sẽ phản hồi gây cảm giác xúc giác như nóng, lạnh, cứng, mềm,...
  • Keratinocytes sản xuất keratin, tự biệt hóa trong quá trình sừng hóa, khi di chuyển lên lớp biểu bì trên cùng tạo thành các tế bào corneocyte (tế bào giác mạc). Corneocyte là thành phần chính của lớp sừng, đây là các tế bào phẳng, đã chết, không chứa nhân, được bao phủ bởi lớp lipid. Khi không bị thương tổn, lớp sừng có thể ngăn chặn hầu hết vi khuẩn, virus và các chất lạ khác xâm nhập vào cơ thể.

So sánh lớp biểu bì của da mặtda toàn thân có thể thấy lớp biểu bì da mặt mỏng hơn hầu hết phần da còn lại của cơ thể. Các tế bào corneocyte ở da mặt có kích thước nhỏ hơn và cũng ít lớp hơn. Da mặt chỉ có từ 4-8 lớp tế bào corneocytes, trong khi da toàn thân thường chứa từ 11-17 lớp tế bào corneocytes. Các tế bào keratinocyte ở da mặt chỉ mất khoảng 1 tuần để di chuyển từ lớp đáy lên lớp sừng, trong khi quá trình này ở các vùng da khác thường mất khoảng 2 tuần.

lớp biểu bì da mặt mỏng hơn hầu hết phần da còn lại của cơ thể
Lớp biểu bì da mặt mỏng hơn hầu hết phần da còn lại của cơ thể

2. Sự khác biệt giữa da mặt và da toàn thân ở lớp hạ bì

Lớp hạ bì nằm dưới lớp biểu bì, là lớp dày nhất của da, thành phần chính gồm collagen, sợi đàn hồi và các mô liên kết. Lớp hạ bì cũng chứa mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, nang lông và các đầu dây thần kinh. Các vai trò quan trọng của lớp hạ bì gồm:

  • Do có cấu trúc dày nên lớp hạ bì giúp làm nhẹ đi tác động ở bên ngoài vào cơ thể khi có va chạm. Thành phần mô liên kết với nguyên bào sợi, dưỡng bào giúp làm lành vết thương khi có tổn thương xảy ra.
  • Các mạch máu trong lớp hạ bì không những cung cấp dinh dưỡng cho lớp hạ bì mà còn nuôi dưỡng cả lớp biểu bì, vì lớp biểu bì không có mạch máu. Một chức năng quan trọng khác của mạch máu lớp hạ bì đó là điều hòa thân nhiệt. Khi thân nhiệt cao, các mạch máu giãn nở để máu chảy nhiều hơn về phía gần bề mặt da giúp tỏa nhiệt. Khi thân nhiệt giảm, mạch máu sẽ co lại, giảm máu đến bề mặt da, giúp duy trì thân nhiệt.
  • Các tuyến bã nhờn giúp sản sinh dầu cho bề mặt da, tuyến mồ hôi vận chuyển nước và axit lactic tới bề mặt da đều được đặt tại lớp hạ bì. Các chất lỏng này khi kết hợp với nhau tạo thành lớp màng hydrolipid bảo vệ da.

So sánh lớp hạ bì ở da mặt với da toàn thân có thế thấy

  • Lớp hạ bì da mặt có nhiều mặt mạch máu hơn hầu hết các các vùng da khác của cơ thể.
  • Lớp hạ bì da mặt tập trung rất nhiều tuyến chất nhờn, khoảng 900 tuyến trên mỗi cm vuông da. Trong khi trên các vùng da khác (ngoại trừ lòng bàn tay, bàn chân, da vùng sinh dục), tuyến bã nhờn phân bố rải rác. Do da mặt có nhiều tuyến tiết dầu nhờn nên da mặt dễ sinh mụn trứng cá.
  • Trên da mặt chứa rất ít tuyến mồ hôi apocrine (tuyến mồ hôi tạo mùi).
Lớp hạ bì da mặt tập trung rất nhiều tuyến chất nhờn
Lớp hạ bì da mặt tập trung rất nhiều tuyến chất nhờn, nên dễ sinh mụn trứng cá

3. So sánh sự khác biệt giữa da mặt và da toàn thân ở lớp mô mỡ dưới da

Mô mỡ dưới da chứa lớp chất béo giúp cách nhiệt, bảo vệ cơ thể khỏi nóng và lạnh. Mô mỡ cũng có vai trò như một lớp đệm bảo vệ và dự trữ năng lượng để cơ thể sử dụng trong thời gian thiếu calo.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phân bố của mô mỡ như di truyền, giới tính, chế độ ăn uống, luyện tập. Nói chung ở phụ nữ, lớp mô mỡ dưới da dày nhất ở đùi, hông và mông. Trong khi ở nam giới, lớp mỡ dày nhất ở bụng và đùi. Da mặt không phải là vùng da tập trung mô mỡ dày trong cơ thể.

Tóm lại có thể thấy da mặt có cấu trúc mỏng manh hơn da toàn thân. Mặt khác da mặt cũng là vùng da thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, gió và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác nên dễ bị khô và lão hóa da hơn. Do đó, chăm sóc da mặt cần nhẹ nhàng, cẩn trọng. Bên cạnh đó, để chăm sóc da mặt hiệu quả hiệu quả mà không làm thương tổn da cần lựa chọn các loại mỹ phẩm dịu nhẹ, thân thiện với da. Không tẩy tế bào chết quá thường xuyên, không lạm dụng các sản phẩm máy rửa mặt, máy massage vì có thể làm mất nước và lớp dầu nhờn bảo vệ, gây tổn thương da.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan