Hút chì cho da mặt và những điều cần biết

Hiện có nhiều spa, trung tâm thẩm mỹ quảng cáo về tác dụng của phương pháp hút chì thải độc cho da mặt. Một trong những câu hỏi được nhiều chị em quan tâm là hút chì cho da mặt có tốt không? Bài viết sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi trên và nắm được bản chất của phương pháp làm đẹp này là gì?

1. Hút chì cho da mặt có tốt không?

Hút chì da mặt (thải độc chì) là một liệu trình làm đẹp phổ biến hiện nay. Quy trình thực hiện bao gồm: Làm sạch sâu, tẩy tế bào chết, xông hơi da mặt, thải độc bằng máy hút chì, đưa tinh chất nuôi dưỡng da thẩm thấu vào bên trong.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, liệu pháp hút chì, thải độc trên da mặt là không có cơ sở khoa học. Thực tế, thải chì chỉ là chiêu trò câu khách của các cơ sở làm đẹp và không có chuyện chì được hút đen đầy mặt như quảng cáo ở các trung tâm thẩm mỹ. Máy hút chì cho da mặt được được sử dụng tại các cơ sở làm đẹp thực chất là dòng máy áp suất cao giúp làm giãn nở lỗ chân lông giãn nở, làm sạch bã nhờn và chất bẩn nằm dưới lỗ chân lông. Về bản chất thì liệu pháp hút chì cho da mặt chỉ là tẩy tế bào chết và làm sạch sâu cho da.

Các chuyên gia da liễu cho biết, từ hàng trăm năm trước người ta đã phát hiện việc cho chì vào mỹ phẩm làm đẹp gây ngộ độc, ảnh hưởng tới nội tạng, thần kinh. Vì vậy, chì đã bị cấm cho vào mỹ phẩm. Hiện nay, các loại mỹ phẩm chính hãng với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thường không có chì nên những người thường xuyên sử dụng mỹ phẩm không cần phải thải độc chì. Chỉ những trường hợp bị ngộ độc chì thì mới cần thải độc theo chỉ định của bác sĩ.

Còn việc sau liệu trình hút chì - thải độc ở các cơ sở thẩm mỹ, trên da chị em xuất hiện màu đen thì đây là một chiêu trò của các địa điểm làm đẹp. Bởi khi sử dụng một chất không rõ nguồn gốc lên da, kết hợp với mồ hôi, chất nhờn thải ra qua da, khi gặp nhiệt độ cao có thể tạo phản ứng hóa học, làm xuất hiện màu đen trên mặt (đó không phải là chì). Khách hàng không nắm được bản chất của phương pháp này sẽ lầm tưởng đây là chì được thải độc ra khỏi cơ thể.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, người dân cần cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo và nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để tư vấn trước khi thực hiện bất kỳ một phương pháp làm đẹp nào để tránh tiền mất tật mang.

XEM THÊM: Cách kiểm tra chì trong mỹ phẩm

Hút chì cho da mặt
Hút chì da mặt (thải độc chì) là một liệu trình làm đẹp phổ biến hiện nay

2. Nhiễm độc chì và biện pháp trị liệu

Chì có trong môi trường ô nhiễm, khí thải từ động cơ, thực phẩm bẩn, mỹ phẩm kém chất lượng,... Chì xâm nhập cơ thể qua 3 con đường: Hô hấp, tiêu hóa và có thể thẩm thấu qua da - niêm mạc. Theo các chuyên gia chống độc, nhiễm chì qua da có thể gây ngộ độc nếu tiếp xúc kéo dài. Oxit chì hấp thu dễ dàng qua da. Sau khi được hấp thu, chì đi vào máu và có tới 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì đi vào các tổ chức mềm và vào xương. Về lâu dài, chì sẽ tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt là ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì cơ thể tập trung ở xương, ở trẻ em là 70%. Như vậy, hút chì cho da mặt là hoàn toàn không có cơ sở.

Tình trạng nhiễm độc chì chỉ nguy hiểm nếu cơ thể hấp thụ quá liều lượng. Biểu hiện của người nhiễm độc chì là: Táo bón, gặp vấn đề về giấc ngủ, hành vi hung hăng, dễ cáu gắt, ăn không ngon, huyết áp cao, thiếu máu, đau đầu, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, trẻ em chậm kỹ năng phát triển,... Chẩn đoán nhiễm độc chì bằng cách: Xét nghiệm máu (xác định nồng độ chì trong máu) và chụp X-quang, sinh thiết tủy xương (vì chì thường tích tụ trong xương).

Nhiễm độc chì nặng có thể gây ảnh hưởng tới thần kinh và nội tạng. Khi bị nhiễm độc chì, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân điều trị bằng phương pháp rửa dạ dày, ruột, theo dõi nồng độ chì trong máu, truyền máu và sử dụng các loại thuốc điều trị khác. Trường hợp bệnh nhân có nồng độ chì trong máu thấp (dưới 10mcg/dL) thì không cần điều trị. Chì có thể tự đào thải qua thận và hệ bài tiết.

XEM THÊM: Nhiễm độc chì gây ảnh hưởng gì đến cơ thể và sắc mặt?

Hút chì cho da mặt
Hút chì cho da mặt là hoàn toàn không có cơ sở

3. Cách chăm sóc để có làn da đẹp và khỏe mạnh

Để có làn da đẹp và sáng khỏe, không cần phải thải độc chì, chị em phụ nữ nên chú ý chăm sóc da từ khi còn trẻ (26 - 27 tuổi). Với nam giới, vì quá trình lão hóa chậm hơn nên có thể bắt đầu chăm sóc da khi được 31 - 32 tuổi.

Việc chăm sóc da hằng ngày đơn giản nhất chính là uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngủ đủ giấc, bôi kem chống nắng cách 2 - 3 tiếng/lần và bôi trước khi ra ngoài khoảng 30 phút. Vào mùa hè, bạn nên tránh đi ra ngoài trời nắng, nếu phải ra ngoài trời thì nên mặc áo chống nắng, đeo kính râm, đội mũ rộng vành,... để bảo vệ cơ thể trước tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời.

Như vậy, liệu pháp hút chì cho da mặt ở các cơ sở thẩm mỹ về bản chất chỉ là tẩy tế bào chết, làm sạch da, không có tác dụng hút chì - thải độc chì ra khỏi cơ thể. Vì vậy, chị em cần tỉnh táo khi lựa chọn phương pháp làm đẹp cho mình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan